Bắc Kinh không thể tác động đến cuộc bầu cử của Đài Loan. Điều gì xảy ra tiếp theo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc bầu cử ở Đài Loan hôm thứ Bảy (13/1) được coi là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử gần đây, đã thu hút sự quan tâm của thế giới do những tác động sâu rộng của nó đến mối quan hệ Mỹ - Trung.

Cộng đồng quốc tế coi cuộc bầu cử Đài Loan là một cuộc trưng cầu dân ý về lập trường của hòn đảo đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Khi tin tức nổ ra vào ngày 13/1 rằng ứng cử viên của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Đài Loan, sự chú ý đã đổ dồn vào Nhà Trắng. Đảng Dân Tiến vốn ủng hộ mối quan hệ bền chặt hơn với Hoa Kỳ.

Vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden bước ra khỏi dinh thự và trả lời các câu hỏi của giới truyền thông trước khi lên đường đi nghỉ cuối tuần tại Trại David.

Đúng như dự đoán, câu hỏi đầu tiên cho ông là phản ứng của ông đối với cuộc bầu cử ở Đài Loan.

Lần này, tổng thống Mỹ tỏ ra thận trọng, đồng thời lưu tâm đến những bình luận trước đây của ông - những bình luận từng khiến Bắc Kinh tức giận. Ông đưa ra một nhận xét ngắn gọn: “Chúng tôi không ủng hộ độc lập”.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố chúc mừng đương kim Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, ứng cử viên DPP, hay còn gọi là William Lai, về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Tuyên bố viết: “Hoa Kỳ cam kết duy trì hòa bình và ổn định xuyên eo biển cũng như giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, không bị ép buộc và áp lực”.

Lãnh đạo Quốc hội và đông đảo nghị sĩ Mỹ cũng đưa ra tuyên bố hoan nghênh chiến thắng lịch sử của ông Lại.

Nhiều người coi kết quả của cuộc bầu cử quan trọng này là dấu hiệu của sự phản kháng của người Đài Loan đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cố gắng thao túng cuộc bầu cử thông qua việc đe dọa và các chiến dịch truyền thông.

Ông Gordon Chang, thành viên cấp cao tại Viện Gatestone và tác giả cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, đã gọi phản ứng của Tổng thống Mỹ là “yếu” và mong muốn ông Biden thể hiện sức mạnh hơn nữa.

“Tôi cho rằng ông ấy chỉ đang cố gắng xoa dịu ông Tập Cận Bình", ông Chang nói với The Epoch Times.

“Người dân Đài Loan, những người chỉ cách cường quốc to lớn và đầy đe dọa đó chỉ 100 dặm, không hề sợ hãi Trung Quốc. Tại sao tổng thống Mỹ lại phải lo sợ Trung Quốc?”.

Phản ứng trước tuyên bố ngắn gọn của Tổng thống Mỹ, ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Đài Loan, cho rằng phản ứng của ông Biden là tán thành lập trường của Bắc Kinh và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Ông nói với The Epoch Times: “Tôi tin rằng đó là một sự nhượng bộ không cần thiết. Và nó làm suy yếu lập trường lâu dài của Mỹ đối với chủ quyền của Đài Loan”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền với chính phủ được bầu cử dân chủ. ĐCSTQ tuyên bố sẽ chinh phục Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.

Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan nếu chính phủ Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược hòn đảo này, khác xa với chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu nay của Hoa Kỳ, đó là cố tình mơ hồ về những gì Washington sẽ làm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cũng đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố của ông Biden, đồng thời khẳng định rằng lập trường của Mỹ về vấn đề Đài Loan không thay đổi.

Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 nêu rõ, Washington có nghĩa vụ cung cấp cho hòn đảo tự trị này các phương tiện để tự vệ khi bị tấn công.

Đe dọa và can thiệp bầu cử

Trước cuộc bầu cử, Trung Quốc đã gây áp lực rất lớn lên Đài Loan bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc triển khai khinh khí cầu do thám và tiến hành chiến tranh tâm lý.

Kể từ tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã ghi nhận hàng chục khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan - khu vực nhạy cảm ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc, trong đó, một số bay thẳng qua hòn đảo này.

Bắc Kinh từ lâu đã nhìn nhận DPP với thái độ thù địch, coi đảng này và chương trình nghị sự của họ là những trở ngại trên con đường “thống nhất” hòn đảo với đại lục. Tuy nhiên, ĐCSTQ ủng hộ Quốc Dân Đảng (KMT), vốn nhìn nhận Bắc Kinh với ít đe dọa hơn đối với an ninh quốc gia Đài Loan.

Hôm 13/1, Đảng Dân Tiến cầm quyền đã giành được nhiệm kỳ thứ ba lịch sử, với việc ông Lại Thanh Đức giành được hơn 5,5 triệu phiếu bầu, tương đương khoảng 40% tỷ lệ phiếu ủng hộ. Người đồng hành cùng tranh cử với ông, bà Tiêu Mỹ Cầm, người đã thôi giữ chức đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ vào tháng 11/2023, sẽ trở thành phó tổng thống mới.

Ông Hầu Hữu Nghi, là Thị trưởng thành phố Tân Bắc hiện nay và là ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, đứng thứ hai với khoảng 4,6 triệu phiếu bầu. Và ông Kha Văn Triết, là cựu thị trưởng Đài Bắc đồng thời là ứng cử viên tổng thống của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), một đảng tương đối mới được thành lập vào năm 2019, đứng thứ ba với khoảng 3,6 triệu phiếu bầu.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã ca ngợi kết quả bầu cử, coi đây là dấu hiệu cho thấy người dân Đài Loan ủng hộ việc tiếp tục mối quan hệ Mỹ - Đài.

Ông Krach nói với The Epoch Times trong một email: “Trước những mối đe dọa dai dẳng và sự can thiệp từ chính quyền Trung Quốc, công dân Đài Loan kiên quyết đứng lên bảo vệ nền dân chủ của họ và gửi một thông điệp rõ ràng đến phần còn lại của thế giới”.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Krach đã đến thăm Đài Loan vào tháng 9/2020, trở thành quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ tới thăm hòn đảo này kể từ khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979.

Theo ông Krach, chừng nào Đài Loan còn tự do thì ĐCSTQ sẽ còn tiếp tục gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Trước cuộc bầu cử, chính quyền Trung Quốc đã đi xa hơn khi mô tả cuộc bầu cử là một sự lựa chọn quan trọng giữa “hòa bình và chiến tranh”.

Ông Mu-Jen Wu, một người Mỹ gốc Đài Loan sống ở thành phố New York, cho biết ngày bầu cử đánh dấu một sự kiện bước ngoặt đối với nền dân chủ của Đài Loan.

Ông và gia đình là những người ủng hộ nhiệt thành cho nền độc lập của Đài Loan, tin rằng Tổng thống Thái Anh Văn đã lãnh đạo đất nước rất tốt trong suốt 8 năm qua.

Ông Wu nói với The Epoch Times: “Kết quả bầu cử là sự xác nhận các chính sách của Tổng thống Thái: ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và tiếp tục độc lập trên thực tế mà không cần tuyên bố”.

Tuy nhiên, ông tin rằng với một cơ quan lập pháp bị chia rẽ, 4 năm tới sẽ đòi hỏi đảng cầm quyền phải hợp tác tốt với phe đối lập.

'Quốc hội treo'

Trong cuộc bầu cử hôm 13/1, DPP đã không có được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Không có đảng nào chiếm ưu thế trong cơ quan lập pháp gồm 113 thành viên.

Ông Hammond-Chambers đã thừa nhận có những thách thức đặt ra đối với tân tổng thống trước một Quốc hội chia rẽ.

“Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn. Sẽ có nhiều cuộc đàm phán hơn và quan trọng là sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý bất kỳ luật nào mà hai bên đồng ý thực hiện", ông nói.

Cũng không rõ Quốc hội bị chia rẽ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của Đài Loan với Hoa Kỳ và các nước khác.

Ông Hammond-Chambers cho biết, chẳng hạn, nếu cơ quan lập pháp do Quốc Dân Đảng kiểm soát không ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng hoặc nỗ lực giảm chế độ tòng quân từ một năm xuống còn bốn tháng, thì Hoa Kỳ sẽ đánh giá thấp nỗ lực này.

Trong cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp năm 2016 ở Đài Loan, Đảng Dân Tiến đã đánh bại Quốc Dân Đảng một cách áp đảo và nắm quyền kể từ đó.

Quốc Dân Đảng là tổ chức kế thừa chính quyền Tưởng Giới Thạch, cai trị phần lớn Trung Quốc từ năm 1928 đến năm 1949, khi đảng này chạy sang Đài Loan sau khi thua trong Nội chiến Trung Quốc trước ĐCSTQ. Quốc Dân Đảng đã áp đặt thiết quân luật trên đảo cho đến năm 1987, sau đó họ giám sát quá trình chuyển đổi dân chủ của Đài Loan. Ngày nay, Quốc Dân Đảng được biết đến với việc kêu gọi xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Hầu Hữu Nghi, 66 tuổi, đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng đồng thời nối lại đàm phán với ĐCSTQ như một phần trong “Chiến lược 3D” của ông, viết tắt của “Răn đe, Đối thoại, Giảm leo thang”.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Tại Washington, nhiều người dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ mất bình tĩnh trước kết quả bầu cử của Đài Bắc và sẽ có phản ứng.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Quỹ Marshall Đức tại Mỹ, tin rằng Bắc Kinh sẽ từ chối nối lại liên lạc chính thức với chính phủ Đài Loan, vốn đã bị đình chỉ trong 8 năm qua.

ĐCSTQ đã cáo buộc ông Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử của ông, bà Tiêu Mỹ Cầm, là một “sự kết hợp ly khai kép”, một nỗ lực mà Bắc Kinh gọi là “sự kết hợp nguy hiểm nhất”.

“Mong muốn của ông Tập Cận Bình trong việc duy trì sự ổn định mong manh trong quan hệ Mỹ - Trung đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Woodside với Tổng thống Joe Biden vào tháng 11/2023 có lẽ sẽ là một yếu tố ngăn cản ông ấy tiến hành các biện pháp cực kỳ hà khắc đối với Đài Loan, ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay", bà Glaser nói trong một ghi chú.

Bà tiếp tục: “Tuy nhiên, áp lực của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể sẽ tiếp tục và có thể gia tăng, mặc dù việc sử dụng lực lượng quân sự để trừng phạt Đài Loan hoặc buộc thống nhất là khó xảy ra”.

Ông Chang cho rằng việc Bắc Kinh đe dọa xâm lược Đài Loan trước cuộc bầu cử đã phản tác dụng so với mục tiêu của họ.

“Tôi không nghĩ Trung Quốc có ý định sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan. Vì vậy, ít nhất là vào lúc này, tôi nghĩ họ chỉ nổi giận mà thôi", ông lập luận.

Ông nói thêm rằng việc phối hợp một hoạt động quân sự toàn diện, bao gồm trên không, trên bộ và trên biển, là nhiệm vụ vô cùng thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào.

“Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành hoạt động quân sự nào như vậy trong lịch sử của mình", ông Chang nói và lưu ý rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rất lo ngại về về khả năng chiến dịch này sẽ thất bại.

Ông cho rằng nếu hoạt động quân sự này thất bại thì nó cũng có thể đặt dấu chấm hết cho ĐCSTQ.

"Tôi không nghĩ Tập Cận Bình tin tưởng quân đội của mình. Chúng ta có thể thấy điều này qua các vụ thanh trừng và [các quan chức cấp cao] mất tích trên diện rộng. Vì vậy, tôi không nghĩ ông Tập tin rằng quân đội của ông ấy đã sẵn sàng chiến đấu".

Phản ứng của Trung Quốc khiến các tập đoàn Mỹ lo ngại vì nó có khả năng gia tăng chi phí và gây gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Ông Hammond-Chambers dự đoán rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động vùng xám, bao gồm cưỡng ép kinh tế, diễn tập quân sự, đe dọa mạng và các chiến thuật khác.

Theo ông Hammond-Chambers, câu hỏi quan trọng là chính quyền ông Biden sẽ ứng phó thế nào trước phản ứng của Trung Quốc đối với chiến thắng của Đảng Dân Tiến.

Ông đang thúc giục Washington đáp trả các mối đe dọa của Bắc Kinh không chỉ bằng lời nói.

Ông lập luận rằng, nếu Trung Quốc leo thang các hoạt động vùng xám hoặc tập trận quân sự, thì Washington nên đáp trả bằng cách bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Tương tự, nếu Trung Quốc cố gắng ép buộc kinh tế đối với Đài Loan, ông khuyến nghị Quốc hội Mỹ nên đẩy nhanh tốc độ phê duyệt hiệp định thuế Hoa Kỳ - Đài Loan, điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Đài Loan đã sẵn sàng cho chiến tranh?

Trong khi nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách không nhận thấy một cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng, họ cho rằng cách hiệu quả nhất để Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc tấn công hòn đảo này là tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Đại úy đã nghỉ hưu James Fanell - Giám đốc Hoạt động Thông tin và Tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ, cho rằng Đài Loan chưa chú trọng tới quốc phòng.

Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan, với hàng trăm máy bay bay gần hòn đảo này mỗi tháng. Ông Fanell nói với The Epoch Times rằng, bất chấp sự gia tăng các hoạt động quân sự này, cả Hoa Kỳ và Đài Loan đều phản ứng thận trọng vì e ngại làm mất lòng Trung Quốc và gây ra một cuộc xâm lược rộng hơn.

“Đó là suy nghĩ sai lầm”, ông nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng hành động cần thiết bây giờ là Hoa Kỳ hợp tác với Nhật Bản và các đồng minh khác trong khu vực để tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan.

Theo ông Fanell, quân đội Mỹ cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Ông nói, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về khả năng phát triển, chế tạo và sản xuất vũ khí hàng loạt.

Hơn nữa, ông tuyên bố rằng, mặc dù Hoa Kỳ đã dành thời gian và nỗ lực đáng kể để giải quyết các cuộc xung đột trên bộ ở Iraq, Afghanistan và Syria để chống khủng bố trong 35 năm qua, nhưng quân đội Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột hải quân với Trung Quốc.

Ông Fanell cũng tin rằng Washington cần phải chấm dứt lập trường “mơ hồ chiến lược” về vấn đề Đài Loan.

“Hoa Kỳ cần tuyên bố và thể hiện vị thế quân sự của mình để đảm bảo rằng Trung Quốc không còn ngờ vực về cam kết của Hoa Kỳ".

Bà Karla Jones, Giám đốc Điều hành Lực lượng Chuyên trách Quan hệ Quốc tế và Chủ nghĩa Liên bang của Hội đồng Trao đổi Lập pháp Mỹ (ALEC), cũng đồng tình khi cho rằng việc thể hiện lập trường rõ ràng là cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột với Bắc Kinh.

“Tôi tin rằng cách tốt nhất để tránh xung đột là thể hiện mục đích rõ ràng, và đó chính là lúc sự mơ hồ về mặt chiến lược đã thất bại. Điều đó khiến Trung Quốc tin rằng Đài Loan không còn quan trọng đối với Mỹ nữa", bà nói với The Epoch Times.

Bà kết luận: “Mỹ coi trọng quan hệ đối tác với Đài Loan và coi trọng Đạo luật Quan hệ Đài Loan”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh không thể tác động đến cuộc bầu cử của Đài Loan. Điều gì xảy ra tiếp theo?