Chuyên gia: Khoảng cách sít sao giữa các ứng viên gia tăng nỗi lo ĐCSTQ can thiệp cuộc bầu cử ở Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ vài ngày trước khi cử tri Đài Loan đi bỏ phiếu, những người được giao nhiệm vụ ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc bầu cử hôm 13/1 đang theo dõi chặt chẽ Trung Quốc. Các hoạt động hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguyên nhân gây lo ngại hàng đầu.

Ông Roger Chi-feng Liu là nhà nghiên cứu về báo chí của Trung tâm Toàn cầu hóa và Nghiên cứu Hòa bình tại Đại học Đông Ngô (Soochow University) của Đài Loan. Ông cũng là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và đã viết nhiều về các vấn đề châu Á. Phát biểu với The Epoch Times hôm thứ Hai (8/1), ông Liu nói rằng trong bối cảnh cuộc bầu cử Đài Loan sắp diễn ra, nguyên nhân lớn nhất gây lo ngại là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thao túng khoảng cách chiến thắng sít sao giữa các ứng cử viên.

“Khi khoảng cách giữa cặp ứng cử viên thứ nhất và cặp ứng cử viên thứ hai thực sự gần nhau, sẽ có nhiều không gian để thao túng. Tôi nghĩ điều chúng ta quan tâm là [những] chiến thuật của ĐCSTQ sẽ làm gì để tác động đến cuộc bầu cử ở Đài Loan”, ông Liu nói.

Theo ba cuộc khảo sát trong những ngày gần đây, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến Lại Thanh Đức - còn được gọi là William Lai - và ứng cử viên phó tổng thống của ông, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), dẫn đầu các cuộc thăm dò với tỷ số sít sao. Theo sau họ là ứng cử viên Quốc Dân Đảng (KMT) và thị trưởng đương nhiệm của Tân Đài Bắc, ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), và ứng cử viên phó tổng thống của ông, ông Triệu Thiếu Khang (Jaw Shaw-kong).

Đứng thứ ba là ông Kha Văn Triết và bà Ngô Hân Doanh, ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống Đảng Dân Chúng Đài Loan, những người mong muốn mang đến cho cử tri “sự lựa chọn thứ ba”.

“Chà, theo nhiều đánh giá khác nhau, khoảng cách thực sự rất sát”, ông Liu nói. “Tôi nghe được điều gì đó từ bên trong Quốc Dân Đảng. Họ ước tính tỷ lệ chênh lệch là từ 1% đến 6%. Do đó, cách biệt chỉ là từ 136.500 đến 819.000 phiếu bầu mà thôi”.

Ông lưu ý rằng cuộc bầu cử sắp tới dự kiến sẽ có tối thiểu hơn 13,65 triệu phiếu bầu.

Ông Liu cho biết Cục An ninh Quốc gia Đài Loan đang theo dõi cẩn trọng mọi âm mưu tiềm tàng của Trung Quốc nhằm can thiệp hoặc thay đổi kết quả cuộc bầu cử ở Đài Loan, “đặc biệt là vào thời điểm hiện tại”.

(Từ trái sang) Ứng cử viên KMT Hầu Hữu Nghi và ứng cử viên phó tổng thống của ông, ông Triệu Thiếu Khang, vẫy tay chào các nhà báo trước khi đăng ký ứng cử vào cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24/11/2023. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
(Từ trái sang) Ứng cử viên KMT Hầu Hữu Nghi và ứng cử viên phó tổng thống của ông, ông Triệu Thiếu Khang, vẫy tay chào các nhà báo trước khi đăng ký ứng cử vào cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24/11/2023. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Chiến tranh nhận thức, khí cầu gián điệp không ngăn bước cử tri

Toàn bộ quá trình bầu cử sẽ mất khoảng 4 tháng, bắt đầu từ ngày bỏ phiếu và kết thúc bằng lễ nhậm chức của chính phủ mới. Theo ông Liu, các cảnh báo đã được đưa ra rằng ĐCSTQ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể tận dụng thời gian này để gửi những tín hiệu mạnh mẽ tới “cái gọi là lực lượng thứ ba ủng hộ độc lập của Đài Loan”.

“Vì vậy, chúng ta không biết… điều đó sẽ xảy ra như thế nào, nhưng nếu chúng ta chỉ nói về giai đoạn trước bầu cử, thì rõ ràng là ĐCSTQ và PLA đang cố gắng sử dụng điều này để tối đa hóa lợi ích của [tin đồn] nhằm tác động đến kết quả bầu cử, để thuyết phục cử tri ở Đài Loan bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng”.

Ông Hầu phản đối sự độc lập của Đài Loan và tránh bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của mình. Trước một câu hỏi về chính sách “một Trung Quốc” tại một diễn đàn đại học vào tháng 6/2023, ông đã lảng tránh câu hỏi này với lý do ông không có khả năng quản lý quan hệ ngoại giao mạo hiểm.

Ông nói vào thời điểm đó: "Mối liên hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan là hiển nhiên. Chúng ta không cần phải nhầm lẫn. Điều đó hoàn toàn dựa trên Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc".

Ngày 9/1, ông Lại nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đang can thiệp ở mức độ “chưa từng có”, từ “áp lực chính trị và quân sự” đến “các phương tiện kinh tế, chiến tranh nhận thức, thông tin sai lệch, các mối đe dọa và khuyến khích”.

Kể từ tháng trước, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã báo cáo gần 20 trường hợp khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan, trong đó một số bay qua các căn cứ quân sự của hòn đảo. Cơ quan này cho biết họ đã phát hiện thêm ba khinh khí cầu vào ngày 8/1.

Ông Liu cho hay: “Nếu chúng ta xem xét thời điểm hiện tại, tôi cho rằng [khinh khí cầu] đang được sử dụng như một biện pháp rẻ tiền để gửi tín hiệu đến cử tri Đài Loan”. Ông nói, Trung Quốc muốn cho cử tri Đài Loan thấy rằng họ có khả năng can thiệp vào không phận Đài Loan.

Các lực lượng phòng thủ khó đối phó với khinh khí cầu hơn máy bay truyền thống. Với tầm bay như vậy, chúng rất khó bị bắn hạ. Các hệ thống tên lửa không coi những khí cầu này là loại mục tiêu mà chúng được lập trình để tấn công, chẳng hạn như máy bay địch. Và từ góc độ tâm lý học, chúng đang đe dọa chứ không gửi đi mối đe dọa trực tiếp như máy bay chiến đấu.

Ông Liu cho rằng, nhìn từ góc độ thực tế, việc sử dụng khí cầu do thám giống như chiến thuật “một mũi tên trúng hai đích”. Điều đó phát đi một tín hiệu bằng “sự kết hợp giữa công cụ chính trị và công cụ quân sự, với chi phí thấp hơn”.

Ông tin rằng dù Trung Quốc có nỗ lực hết sức, cử tri Đài Loan sẽ không dễ dàng bị ảnh hưởng. Ông tuyên bố rằng những người có thiện cảm với Trung Quốc chủ yếu là thế hệ người già. Thế hệ cử tri trẻ Đài Loan tự coi mình tách biệt khỏi Trung Quốc.

“Họ rõ ràng nhận ra rằng Trung Quốc và Đài Loan là những quốc gia khác nhau… chúng ta nói cùng một ngôn ngữ, chúng ta có chung nền văn hóa, chúng ta hiểu nhau thông qua đối thoại. Nhưng chúng ta khác nhau, bởi vì sự khác biệt lớn nhất nằm ở thể chế chính trị, hệ thống dân chủ của chúng ta”, ông Liu nói.

Ông khẳng định cử tri Đài Loan không quá lo ngại về những diễn biến trong những ngày tới.

Ông Liu nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ cho đến nay, sáu ngày trước cuộc bầu cử, mọi thứ ở đây khá yên bình. Nhiều người đã mua vé để đi từ thành phố nơi họ làm việc tới địa điểm bỏ phiếu, trong đó có tôi”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Khoảng cách sít sao giữa các ứng viên gia tăng nỗi lo ĐCSTQ can thiệp cuộc bầu cử ở Đài Loan