Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ chức vì ‘không hoàn thành nhiệm vụ’ mà ĐCSTQ giao phó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou), đã từ chức vào ngày 28/2 và trở về Trung Quốc. Theo một phân tích của tờ Nikkei năm 2019, việc ông Khổng rời đi là do ông không đáp ứng được mục tiêu mà Bắc Kinh giao phó là khôi phục và cải thiện quan hệ Nhật - Trung.

Ông Khổng Huyễn Hựu, 63 tuổi, sinh ra trong một gia đình gốc Hàn Quốc ở tỉnh Hắc Long Giang, cực bắc của Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SISU), chuyên ngành tiếng Nhật. Ông đã có 15 năm làm việc tại nhiều cơ quan ngoại giao khác nhau ở Nhật Bản và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Nhật về bất kỳ chủ đề nào trên truyền hình hoặc đài phát thanh. Ông cũng tham gia vào các cuộc thảo luận sôi nổi với báo giới Nhật Bản.

Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản vào ngày 30/5/2019, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đầu năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump bắt đầu áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương, tăng số lượng việc làm tại Hoa Kỳ, và ngăn Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Kể từ đó, bất chấp việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tham gia vào một loạt các cuộc đàm phán thương mại, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trả đũa mà cuối cùng đã dẫn đến kết cục là mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng. Chính vì thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc này mới chú trọng hơn đến mối quan hệ với Nhật Bản.

Bất chấp những trở ngại ngoại giao kể trên, ĐCSTQ đã giao nhiệm vụ cho ông Khổng là đưa quan hệ Nhật - Trung trở lại "thời kỳ trăng mật" càng sớm càng tốt.

Ông Katsuji Nakazawa, một cây bút bình luận của tờ Nikkei, đã lập luận trong một bài phân tích vào tháng 4/2019 rằng, ĐCSTQ đã giao cho ông Khổng Huyễn Hựu hai mục tiêu mà ông cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ của mình: Thứ nhất, sắp xếp để nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nhật Bản với tư cách là "quốc khách" vào năm 2020. Thứ hai, để Nhật Bản ký một văn kiện chính trị quan trọng mới nhằm khôi phục và củng cố quan hệ Nhật - Trung trong chuyến thăm dự kiến của ông Tập Cận Bình.

Bài phân tích nói thêm rằng ông Khổng Huyễn Hựu được ông Vương Nghị, một chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc và là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, đánh giá rất cao. Ông Vương Nghị nói rằng trọng tâm của Nhật Bản vào thời điểm đó không chỉ là đàm phán thương mại Mỹ - Trung mà còn là vấn đề Triều Tiên, vấn đề khiến Nhật Bản đau đầu trong một thời gian dài.

Và chuyên môn của ông Khổng về vấn đề Triều Tiên có thể sẽ “giúp ích” cho ông nếu ông đảm nhận chức vụ ngoại giao ở Nhật Bản. Ông Khổng từng là đặc phái viên của Trung Quốc tại Triều Tiên trước khi trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản.

Sự kiện bất ngờ phá hỏng nỗ lực của ông Khổng

Lối "ngoại giao tích cực" đã giúp ông Khổng “hái quả ngọt” ngay sau khi đảm nhận vị trí này. Trung Quốc và Nhật Bản nhanh chóng đi đến nhất trí rằng ông Tập Cận Bình sẽ thăm Nhật Bản với tư cách khách mời cấp nhà nước vào mùa xuân năm 2020.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6/2019, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã chính thức mời ông Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Nikkei vào tháng 9/2021, ông Khổng đã đề cập đến việc hai quốc gia đang soạn thảo một văn kiện chính trị quan trọng mới. Văn kiện này sẽ đặt nền móng cho các mối quan hệ song phương trong tương lai.

Ông Khổng Huyễn Hựu nói với ấn phẩm rằng, "nếu thời cơ chín muồi vào thời điểm ông Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản vào năm 2020, [Trung Quốc và Nhật Bản] sẽ đạt được sự đồng thuận về việc [ký kết] văn kiện này". Ông cũng tiết lộ rằng cả hai bên đã bắt đầu quá trình soạn thảo văn kiện mới.

Tài liệu này được gọi là "Thông cáo thứ năm”, vì hiện tại đã có bốn văn kiện được coi là nền tảng của quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc. Các nguyên thủ tiền nhiệm của hai quốc gia đã từng ký kết bốn tài liệu này.

Tài liệu thứ nhất là Tuyên bố chung Nhật - Trung được chính phủ hai bên ký kết khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 29/9/1972. Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Kakuei Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Ân Lai đã ký kết tuyên bố chung này.

Nội dung chủ yếu của tuyên bố chung là nhấn mạnh tình hữu nghị lâu dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản, chấm dứt “tình trạng bất thường” giữa hai quốc gia sau khi Thế chiến II kết thúc, dẫn đến việc Trung Quốc từ bỏ yêu cầu bồi thường chiến tranh.

Thứ hai là Hiệp ước hòa bình ký kết năm 1978, trong đó khẳng định hai nước sẽ giải quyết mọi tranh chấp trong hòa bình và không sử dụng vũ lực.

Thứ ba là Thỏa thuận được ký kết khi nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân thăm Nhật Bản với tư cách là khách mời cấp nhà nước vào năm 1998.

Thứ tư là Thỏa thuận được ký kết khi người tiền nhiệm của ông Tập, ông Hồ Cẩm Đào, đến thăm Nhật Bản với tư cách là khách mời cấp nhà nước vào năm 2008 và tuyên bố rằng hai quốc gia sẽ thúc đẩy “mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước chuyến thăm Nhật Bản đã định của ông Tập Cận Bình, hai sự kiện rối ren đã nổ ra là các cuộc biểu tình ở Hong Kong 2019 - 2020 và sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Hai sự kiện lớn này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ - Trung và quan hệ Nhật - Trung, đồng thời vô hiệu hóa hoàn toàn các kế hoạch của ĐCSTQ và các nỗ lực ngoại giao của ông Khổng.

Vào ngày 30/6/2020, ĐCSTQ đã áp đặt “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong”, gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản.

Vào ngày 8/7/2020, một nghị quyết yêu cầu hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Nhật Bản đã được soạn thảo và đệ trình tại một cuộc họp cấp cao của Ủy ban Điều tra Đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đã tạm dừng vô thời hạn chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Nhật Bản với lý do tập trung vào công tác phòng chống đại dịch, cản trở việc tạo ra “Thông cáo thứ năm”.

Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản ‘biến mất’ gần ba tháng

Ông Khổng được cho là đã "biến mất" khỏi Nhật Bản ngay sau ngày đầu năm mới 2022 mà không rõ lý do. Trong hai tháng sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã nhận được rất nhiều câu hỏi của giới truyền thông về nơi ở của ông.

Tuần báo Nhật Bản Shukan Bunshun đã hỏi Đại sứ quán Trung Quốc rằng ông Khổng đã trở về Trung Quốc hay chưa. Đại sứ quán Trung Quốc trả lời rằng: “Ông Khổng đã trở về rồi”.

Tuy nhiên, Đại sứ quán trên phủ nhận tin đồn về sức khỏe của ông Khổng nhưng không giải thích lý do tại sao ông không còn ở nước sở tại trong thời gian dài. Đại sứ quán nói rằng họ "không biết" khi nào ông Khổng sẽ trở lại Nhật Bản.

Sự biến mất đột ngột của ông Khổng đã gây ra cuộc tranh luận trong giới chính trị Nhật Bản, khi các nhà lập pháp đặt câu hỏi về ý nghĩa của động thái này. Việc ông Khổng bí mật trở về Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông, trong đó các nhà báo và nhà bình luận suy đoán rằng động thái này là do quan hệ Nhật - Trung đang dần xấu đi.

Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã phá vỡ im lặng, giải thích rằng ông Khổng trở lại Trung Quốc để tham gia các sự kiện như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.

Ông Khổng lặng lẽ trở về Nhật Bản vào cuối tháng 3/2022. Lúc đó Nga đã xâm lược Ukraine và sự kiện này khiến nó trở thành câu chuyện thời sự hàng đầu. Trong khi đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga cũng trở thành chủ đề bị quốc tế chỉ trích.

Nhật Bản lên tiếng ủng hộ Đài Loan

Một tháng trước khi ông Khổng Huyễn Hựu đột ngột biến mất, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tham dự một diễn đàn do tổ chức phi chính phủ của Đài Loan tổ chức vào ngày 1/12/2021.

Để đối phó với căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan, ông Abe đã có bài phát biểu với chủ đề "Quan hệ Nhật Bản - Đài Loan trong kỷ nguyên mới". Ông tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục đe dọa Đài Loan và đề nghị nếu có bất cứ điều gì xảy ra với Đài Loan, Liên minh Mỹ - Nhật sẽ có hành động đáp trả.

“Trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan là trường hợp khẩn cấp của Nhật Bản. Đó cũng là trường hợp khẩn cấp đối với liên minh Mỹ - Nhật", ông Abe nói, đồng thời cảnh báo rằng giới chức ở Bắc Kinh “không được đánh giá sai” về điều đó, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình

Ngay trước khi ông Khổng bí mật trở về Trung Quốc, các quốc gia trên toàn thế giới đã thông qua ngoại giao tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 của Bắc Kinh do các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương và Hong Kong. Chính phủ Nhật Bản cũng có động thái tương tự.

Quan hệ Nhật - Trung ‘khó hâm nóng’

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã rơi vào tình trạng đóng băng kể từ khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản về cơ bản đã bị chững lại và sự ác cảm của người dân hai nước vẫn duy trì ở mức cao.

Theo một cuộc thăm dò vào cuối năm 2022 do một tổ chức phi lợi nhuận Nhật Bản thực hiện, khoảng 62% công dân Trung Quốc có ấn tượng tiêu cực về người Nhật, trong khi khoảng 87% người Nhật có ấn tượng không mấy tốt đẹp về Trung Quốc.

“Dư luận của hai nước phản ánh rằng không có dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc”, theo cuộc thăm dò.

Viện dẫn các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, Nhật Bản đã tăng ngân sách quân sự năm 2023 lên mức cao nhất lịch sử kể từ Thế chiến II.

Vào cuối tháng 12/2022, nội các Nhật Bản đã phê duyệt ngân sách kỷ lục 862 tỷ USD cho năm tài chính 2023, với một phần lớn được dành cho chi tiêu phúc lợi và quốc phòng. Ngân sách bao gồm 277,6 tỷ USD cho an sinh xã hội và 51 tỷ USD cho quốc phòng.

Theo đó, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản bao gồm kinh phí phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa dẫn đường đất đối hạm của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, vũ khí lượn tốc độ cao, tên lửa siêu thanh, máy bay không người lái giám sát và tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất. Ngân sách cũng bao gồm các chi phí liên quan đến việc bố trí các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.

"Trung Quốc tiếp tục đơn phương thay đổi hoặc cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thông qua cưỡng chế”, theo Sách trắng quốc phòng năm 2022 của Nhật Bản (pdf).

Tài liệu vạch ra mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra, bao gồm việc nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan; mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga; và việc Trung Quốc và Nga phô trương sức mạnh không quân và hải quân trong các cuộc tập trận chung "ở các khu vực xung quanh Nhật Bản”.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia hôm 11/11/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng, chính quyền Trung Quốc không ngừng và ngày càng đe dọa chủ quyền của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, đồng thời làm leo thang căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Ông cũng bày tỏ mối quan ngại của mình đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung tiếp tục xấu đi, ông Khổng vẫn nhấn mạnh vào ngày 24/2 rằng ông "đã cố gắng hết sức để thúc đẩy sự phát triển ổn định và cải thiện quan hệ song phương [giữa Trung Quốc và Nhật Bản]".

Có thông tin cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch thay thế ông Khổng Huyễn Hựu bằng ông Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hiện tại của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ chức vì ‘không hoàn thành nhiệm vụ’ mà ĐCSTQ giao phó