Mỹ trừng phạt các cá nhân hỗ trợ Iran sản xuất máy bay không người lái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), một công dân Iran và một công dân Trung Quốc đã bị buộc tội âm mưu cung cấp trái phép cho Iran các linh kiện máy bay không người lái do Mỹ sản xuất.

Công dân Iran Hossein Hatefi Ardakani và công dân Trung Quốc Gary Lam bị cáo buộc trong âm mưu kéo dài ít nhất từ tháng 9/2014 đến tháng 9/2015, DOJ cho biết trong một bản cáo trạng được công bố vào ngày 19/12. Trong khoảng thời gian này, ông Lam, còn được gọi là ông Lin Jinghe, sinh sống tại Hong Kong và Trung Quốc.

Theo DOJ, các linh kiện của máy bay không người lái (UAV) được thiết kế để sử dụng trong chương trình máy bay không người lái của tổ chức khủng bố Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

“Thông báo ngày hôm nay cho thấy chúng tôi vẫn tập trung vào việc ngăn chặn các nỗ lực của Iran và các đặc vụ của nước này nhằm phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc hỗ trợ các chương trình vũ khí của Iran, bao gồm cả chương trình máy bay không người lái của nước này. Chương trình đó vốn được sử dụng để hỗ trợ và cung cấp cho các tổ chức khủng bố cũng như các đối thủ nước ngoài khác - chẳng hạn như Nga - trên phạm vi toàn cầu”, luật sư liên bang Matthew M. Graves cho biết trong một tuyên bố.

Vụ án hình sự mới nhất này là một phần của các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Tehran và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như chính sách Iran của chính phủ Mỹ đương nhiệm và tiền nhiệm.

Đầu tháng này, một nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đệ trình đạo luật tập trung vào việc làm suy yếu mối quan hệ giữa hai chế độ độc tài.

Theo các công tố viên, ông Ardakani và ông Lam bị cáo buộc âm mưu mua các thiết bị vi điện tử lưỡng dụng (thường được sử dụng để sản xuất UAV) trong thời gian một năm.

Các thiết bị vi điện tử bao gồm bóng bán dẫn có độ linh động điện tử cao (High Electron Mobility Transistors - HEMT), mạch tích hợp vi sóng nguyên khối (Monolithic Microwave Integrated Circuits - MMIC), bộ khuếch đại công suất (Power Amplifiers - PA) và bộ chuyển đổi tương tự sang số (Analog to Digital Converter - ADC) - mỗi loại đều chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ vì nhiều lý do, bao gồm chống khủng bố và an ninh quốc gia.

Các thiết bị lưỡng dụng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự. Ví dụ, bóng bán dẫn có độ linh động điện tử cao có trong xe điện hybrid và hệ thống radar tiên tiến.

“Công nghệ của Mỹ không có chỗ đứng trong [quy trình sản xuất] máy bay không người lái của Iran”, ông Matthew Axelrod, trợ lý thư ký thực thi xuất khẩu tại Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.

“Như những cáo buộc này chứng minh, những người mua thiết bị vi điện tử lưỡng dụng cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo sẽ phải chịu trách nhiệm”.

'Mạng lưới của các công ty bình phong'

Theo ông Michael Krol, đặc vụ phụ trách tại Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa New England, ông Ardakani và những đồng phạm bị cáo buộc đã “tạo ra một mạng lưới phức tạp gồm các công ty bình phong” để che giấu các hoạt động bất hợp pháp của họ.

Theo DOJ, trong bốn trường hợp riêng biệt, ông Ardakani và những đồng phạm bị cáo buộc đã sử dụng “một mạng lưới các công ty nước ngoài” để che giấu hoạt động của họ. Trong một trường hợp, ông Ardakani và ông Lam “đã vô tình khiến một công ty Pháp mua từ một công ty Hoa Kỳ một số bộ chuyển đổi tương tự sang số”. Theo DOJ, các bộ chuyển đổi có nhiều ứng dụng, bao gồm thông tin liên lạc băng thông rộng, các hệ thống con radar và vệ tinh.

Sau đó, ông Lam đã cho vận chuyển các bộ chuyển đổi đến Hong Kong và các mặt hàng này tiếp tục được chuyển đến Iran.

DOJ cho biết: “Một biến thể của chiến thuật này - liên quan đến các công ty có chủ ý và không có chủ ý ở Canada, Hong Kong và Trung Quốc - đã được sử dụng trong ba trường hợp còn lại”.

Theo DOJ, ông Ardakani và ông Lam bị buộc tội xuất khẩu bất hợp pháp và cố gắng xuất khẩu hàng hóa sang Iran cũng như âm mưu tham gia rửa tiền quốc tế, mỗi người phải chịu mức phạt tối đa là 20 năm tù. Họ phải đối mặt với cáo buộc thứ ba về âm mưu xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Iran và lừa gạt nước Mỹ, và nếu bị kết án, họ có thể phải đối mặt với án tù 5 năm.

Cũng theo cơ quan này, cả ông Ardakani và ông Lam vẫn chưa bị bắt và bị tình nghi đang sinh sống ở nước ngoài.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 19/12 tuyên bố rằng họ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với mạng lưới mua sắm quốc tế gồm 10 tổ chức do ông Ardakani lãnh đạo, cũng như 4 cá nhân sinh sống tại Iran, Malaysia, Hong Kong và Indonesia.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, mạng lưới này bị cáo buộc “tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm các linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ và nước ngoài trị giá hàng trăm nghìn USD” cho chương trình máy bay không người lái của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Ông Lam nằm trong nhóm gồm 11 cá nhân, 8 tổ chức và một tàu chở hàng bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vào tháng 10 vì đã giúp Iran thực hiện các chương trình tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, ông Lam đã sử dụng công ty Nanxigu Technology có trụ sở tại Hong Kong của mình để mua “máy tuần hoàn, bộ khuếch đại, cuộn cảm và các linh kiện điện tử khác có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đài Loan và Vương quốc Anh” cho đại lý thu mua Alireza Matinkia có trụ sở ở Iran.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ trừng phạt các cá nhân hỗ trợ Iran sản xuất máy bay không người lái