Nga khiến phương Tây phẫn nộ sau khi Tòa án Tối cao gọi phong trào LGBT là 'cực đoan'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tòa Tối cao Nga ngày 30/11 đã ra phán quyết coi ‘phong trào LGBT quốc tế’ là một nhóm ‘cực đoan’ hoạt động trái phép. Điều này đã khiến các nhóm nhân quyền phương Tây phẫn nộ.

Sau phiên điều trần kín vào ngày 30/11, Tòa án Tối cao Nga đã giữ nguyên lập luận của Bộ Tư pháp nước này rằng “phong trào LGBT quốc tế” về bản chất là “cực đoan” và chịu trách nhiệm kích động “bất hòa xã hội và tôn giáo”.

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, đạo luật gây tranh cãi này dự kiến sẽ có hiệu lực “ngay lập tức”.

Những người chỉ trích động thái này cho rằng định nghĩa rộng rãi của luật về “hoạt động xã hội” ủng hộ LGBT khiến chính quyền mất nhiều thời gian trong việc xác định - và trừng phạt - những người bị cáo buộc vi phạm.

Trước khi đưa ra phán quyết của tòa án, một số nhóm nhân quyền của Nga cho biết dự luật được đề xuất đã vi phạm hiến pháp Nga cũng như các công ước nhân quyền quốc tế mà Moscow là thành viên.

Trong một tuyên bố ngày 30/11, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích phán quyết này là “đáng xấu hổ và vô lý”, nói rằng phán quyết có thể dẫn đến “lệnh cấm toàn diện” đối với các tổ chức ủng hộ LGBT và vi phạm các quyền tự do lập hội và biểu đạt.

Bà Marie Struthers, giám đốc Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế ở khu vực Đông Âu và Trung Á, cho biết: “Hậu quả của điều này chắc chắn sẽ rất thảm khốc”.

Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Volker Turk, cũng chỉ trích phán quyết của tòa án Nga.

Ông nói: “Quyết định này khiến… bất kỳ ai đứng lên vì nhân quyền của người LGBT đều bị gắn mác ‘cực đoan’ - một thuật ngữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội và hình sự ở Nga”.

Theo luật chống chủ nghĩa cực đoan của Nga, các tổ chức được coi là “cực đoan” sẽ tự động bị giải thể, trong khi thủ lĩnh của các nhóm này có thể bị bỏ tù tới 10 năm.

Ông Turk cũng kêu gọi chính quyền Nga bãi bỏ mọi đạo luật “đặt ra những hạn chế không phù hợp đối với công việc của những người bảo vệ nhân quyền hoặc phân biệt đối xử với người LGBT”.

Bộ Tư pháp Nga vẫn chưa bình luận về quyết định của Tòa án Tối cao.

Về phần mình, Giáo hội Chính thống Nga đã ca ngợi động thái này và gọi đó là “sự tự vệ về mặt đạo đức”.

“Các hoạt động của phong trào LGBT nhằm mục đích loại bỏ những quan niệm của Cơ đốc giáo về hôn nhân và gia đình khỏi phạm vi công cộng và pháp lý”, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố.

Giáo hội khẳng định: “Nếu một phong trào như vậy được tự do kiểm soát ở Nga, nó sẽ theo đuổi các mục tiêu tương tự như ở phương Tây”.

“Đối với chúng tôi, điều này là không thể chấp nhận được”, Giáo hội Chính thống Nga nói thêm.

Vào tháng 7, Nga đã khiến giới chức phương Tây phẫn nộ khi thông qua một dự luật cấm “chuyển đổi giới tính”.

Luật này cấm mọi quy trình y tế nhằm mục đích thay đổi giới tính của một người, cũng như cấm thay đổi giới tính của một người trên các tài liệu chính thức và hồ sơ công khai.

Luật mới này không chỉ cấm thay đổi tình trạng giới tính trên các văn bản giấy tờ chính thức mà còn cấm người chuyển giới nhận con nuôi.

Ngoài ra, tình trạng hôn nhân sẽ tự động vô hiệu nếu một trong hai người phối ngẫu quyết định thay đổi tình trạng giới

Hồi đầu tháng 5/2023, chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin, cùng với lãnh đạo của cả 5 đảng trong Quốc hội Nga, đã cùng nhau đệ trình dự luật để các nghị sĩ xem xét hồi đầu tháng 7.

Ông Volodin tuyên bố trên Telegram rằng luật cấm chuyển giới là nhằm mục đích “bảo vệ công dân và con em của chúng ta”.

Ông cũng gọi quan niệm chuyển giới là “con đường dẫn tới sự suy tàn của dân tộc”.

Lệnh cấm 'Tuyên truyền đồng tính' ở Nga

Lệnh cấm "chuyển đổi giới tính" của Nga tuân theo một quy định được thông qua vào cuối năm ngoái nhằm cấm "tuyên truyền LGBT".

Theo luật đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm “quảng bá đồng tính luyến ái” - trong phim, sách hoặc trực tuyến - đều bị trừng phạt bằng các hình phạt tài chính nghiêm khắc.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi luật này là "đòn giáng vào quyền tự do ngôn luận”. Ông cũng khuyến khích các nghị sĩ Nga phản đối dự luật này và "tôn trọng tất cả các quyền và phẩm giá con người".

Sau những lời chỉ trích của Hoa Kỳ và các quan chức phương Tây, Đại sứ quán Nga tại Washington đã lên án “những nỗ lực của các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, nhằm áp đặt những ý tưởng tự do giả tạo và xuyên tạc về nhân quyền lên các quốc gia khác".

Cơ quan này tiếp tục thúc giục Washington "tôn trọng sự lựa chọn của người dân Nga trong việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là nền tảng của bản sắc công dân Nga".

Luật này mở rộng dựa trên luật trước đó, vốn được ban hành lần đầu tiên vào năm 2013, trong đó cấm tuyên truyền LGBT. Đây là điều mà các nhà lập pháp Nga cho rằng đặc biệt nhắm vào trẻ em.

Truyền thông đưa tin, kể từ đó, luật này được cho là đã được sử dụng để cấm các cuộc tuần hành "niềm tự hào của người đồng tính" ở Nga và bỏ tù các nhà hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT.

Tháng 10 năm ngoái, ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok đã bị chính quyền Nga phạt 3 triệu rúp (33.000 USD) vì quảng cáo nội dung video “chứa chủ đề LGBT”.

Cùng với Giáo hội Chính thống Nga, ông Putin thường xuyên tuyên bố rằng “hoạt động xã hội” ủng hộ LGBT - đặc biệt là quan niệm về "giới tính linh hoạt" - mâu thuẫn với các giá trị truyền thống của Nga.

Ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng chuyển giới là bằng chứng của "sự suy đồi về đạo đức", đồng thời cáo buộc phương Tây đang gieo rắc “tư tưởng biến dị” lên phần còn lại của thế giới.

“Nếu giới tinh hoa phương Tây tin rằng họ có thể thuyết phục người dân của mình chấp nhận những ý tưởng mà tôi cho là kỳ lạ và hợp thời, chẳng hạn như hàng chục giới tính hoặc các cuộc diễu hành tự hào của người đồng tính, thì họ cứ làm vậy đi”, ông Putin cho biết vào tháng 11/2022.

“Tuy nhiên, họ không có quyền bảo người khác phải nối gót họ”, ông tiếp tục.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga khiến phương Tây phẫn nộ sau khi Tòa án Tối cao gọi phong trào LGBT là 'cực đoan'