Phân tích: Trung Quốc sử dụng TikTok để đẩy mạnh tuyên truyền chống Israel ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào trung tâm Dải Gaza để tiêu diệt nhóm khủng bố Hamas, chính phủ Trung Quốc đang sử dụng TikTok để truyền bá tuyên truyền chống Israel từ Trung Quốc sang Mỹ, với mục tiêu tác động đến quan điểm của giới trẻ Mỹ về cuộc xung đột Israel - Hamas.

Bài phân tích

TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance. Do lo ngại về vấn đề bảo mật, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật Không có TikTok trên các Thiết bị của Chính phủ (No TikTok on Government Devices Act) vào tháng 12/2022. Đạo luật này cấm tải xuống và sử dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang. Theo phân tích của đài CNN hồi đầu năm nay, hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

Việc TikTok quảng bá nội dung ủng hộ Palestine thay vì nội dung ủng hộ Israel có thể được coi là nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm làm suy yếu liên minh Mỹ - Israel và làm suy giảm sức ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.

Thế giới quan của giới trẻ Mỹ đang bị bóp méo

Vào ngày 7/11, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã viết một lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, kêu gọi cấm TikTok và các ứng dụng khác do ByteDance kiểm soát ở Hoa Kỳ. Ông Hawley bày tỏ lo ngại rằng ứng dụng TikTok có khả năng “bóp méo triệt để” quan điểm của giới trẻ Mỹ. Ông chỉ ra một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 51% người Mỹ từ 18 đến 24 tuổi tin rằng việc Hamas sát hại thường dân Israel là chính đáng.

Nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ Jeff Morris Jr. đã đăng trên X, trước đây là Twitter, nói rằng tính đến ngày 26/10, các video trên TikTok với hashtag “#standwithpalestine” đã được xem 3 tỷ lần, trong khi “#standwithisrael” được xem khoảng 200 triệu lần.

TikTok ‘nằm trong tầm kiểm soát’ của ĐCSTQ

Sự chênh lệch về số lượt xem có thể là do thuật toán của TikTok. Thuật toán xếp hạng của nền tảng truyền thông xã hội này xác định nội dung nào được xếp hạng cao và thấp và nội dung nào được đẩy đến người dùng. Do đó, thuật toán này có thể tác động đến số lượt một bài đăng được xem, từ đó có thể ảnh hưởng đến số lần bài đăng đó có thể được đăng lại.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện vào tháng 3 rằng TikTok “cuối cùng nằm trong tầm kiểm soát” của chính quyền Trung Quốc. Ông cho biết thuật toán đề xuất có thể cho phép Trung Quốc thao túng nội dung và thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng. Ông Wray khẳng định rằng TikTok có thể được sử dụng để tạo ra những câu chuyện nhằm chia rẽ người Mỹ.

Trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố rằng người dùng Trung Quốc trên Douyin xem nội dung khác với người dùng Mỹ trên TikTok.

“Ví dụ, ở Hoa Kỳ, trẻ em được khuyến khích tự bóp cổ mình và kết quả là có nhiều trẻ em đã tử vong. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, trẻ em được khuyến khích tập trung vào toán học, khoa học, và xây dựng đất nước”, ông nói,

Douyin là phiên bản gốc của TikTok và thuộc sở hữu của ByteDance. Cả hai ứng dụng đều có giao diện và tính năng giống nhau. Tuy nhiên, Douyin chỉ có ở Trung Quốc, trong khi TikTok là phiên bản được cung cấp cho cộng đồng quốc tế. Điều này ngăn người dùng Trung Quốc xem các nội dung từ phần còn lại của thế giới.

Cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ lệnh cấm TikTok vào năm 2020 trừ khi ứng dụng này được bán cho một tập đoàn Mỹ, với lý do sự phổ biến của ứng dụng này trong giới trẻ là mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Vào ngày 28/8/2020, Trung Quốc sửa đổi danh sách công nghệ bị hạn chế xuất khẩu, trong đó có thuật toán đề xuất của TikTok.

Những quan điểm đối lập về Chiến tranh Israel - Hamas

Theo một cuộc thăm dò của Harvard CAPS-Harris công bố vào ngày 20/10, hơn một nửa (51%) số người Mỹ được hỏi trong độ tuổi từ 18 đến 24 tin rằng việc Hamas sát hại hơn 1.200 thường dân Israel là chính đáng vì những bất bình được cho là của người Palestine, trong khi 49% cho rằng điều đó là không chính đáng.

Ngược lại, 24% số người được hỏi cho rằng việc Hamas sát hại thường dân Israel là chính đáng. Cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến tại Hoa Kỳ từ ngày 18/10 đến ngày 19/10 với 2.116 cử tri đã đăng ký.

Ông Hawley cho rằng số lượng nội dung chống Israel và ủng hộ Hamas ngày càng tăng trên TikTok có thể đã ảnh hưởng đến sự chênh lệch về thái độ giữa giới trẻ và người cao tuổi Mỹ đối với cuộc chiến Israel - Hamas. Ông tin rằng ĐCSTQ đã sử dụng ứng dụng này để “tuyên truyền cho người Mỹ”.

Lập trường chống Israel và ủng hộ Hamas của Bắc Kinh

Phù hợp với thành kiến ​​chống Israel của TikTok là sự chỉ trích của ĐCSTQ đối với Israel và sự ủng hộ ngầm của họ đối với Hamas, như được truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền.

Chiếc giường của một đứa trẻ nhuốm máu là một trong những sự tàn phá do những kẻ khủng bố Hamas gây ra, sau khi lực lượng này tấn công Kibbutz Be'eri, Israel, ngày 20/10/2023. (Ảnh: Dima Vazinovich/Middle East Images/AFP/Getty Images)
Chiếc giường của một đứa trẻ nhuốm máu là một trong những sự tàn phá do những kẻ khủng bố Hamas gây ra, sau khi lực lượng này tấn công Kibbutz Be'eri, Israel, ngày 20/10/2023. (Ảnh: Dima Vazinovich/Middle East Images/AFP/Getty Images)

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ả Rập Xê Út vào ngày 15/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án hành động của Israel ở Gaza, mô tả phản ứng quân sự là "vượt quá khả năng tự vệ" và "trừng phạt tập thể". ĐCSTQ cũng chỉ trích Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ Israel tại Liên Hợp Quốc.

Ông Shen Yi, một nhà dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng của Trung Quốc và là Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc, đã ví phản ứng của Israel giống như một hành động xâm lược của Đức Quốc xã.

Một người có ảnh hưởng nổi tiếng ở Trung Quốc với 2,9 triệu người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo cho biết anh sẽ chọn gọi Hamas là “tổ chức kháng chiến” thay vì “tổ chức khủng bố”.

Bởi vì ĐCSTQ kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc, nên các diễn ngôn được cho phép và khuyến khích trên các nền tảng như vậy thường phù hợp với quan điểm của chính quyền Trung Quốc. Lập trường chống Israel và ủng hộ Hamas của ĐCSTQ xuất phát từ mong muốn địa chính trị của họ nhằm gây bất ổn cho Mỹ ở Trung Đông.

ĐCSTQ tập hợp kẻ thù của Mỹ và Israel

Mỹ đã triển khai lực lượng quân sự tới Trung Đông để hỗ trợ Israel, bao gồm việc điều động hai nhóm tàu sân bay tấn công một tuần sau cuộc tấn công đầu tiên của Hamas vào Israel vào ngày 7/10.

Lầu Năm Góc tiết lộ rằng từ ngày 17/10 đến ngày 09/11, các tiền đồn và căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria đã bị tấn công ít nhất 46 lần, khiến 56 binh sĩ Mỹ bị thương. Đáp lại, Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc không kích chính xác nhằm vào các căn cứ trong khu vực do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các chi nhánh của lực lượng này điều hành trong tháng qua và hiện vẫn đang tiếp diễn.

Đồng thời, chính quyền Trung Quốc đang củng cố liên minh với Iran và Syria. Iran là kẻ thù không đội trời chung của Hoa Kỳ và Israel và thường xuyên kêu gọi tiêu diệt hai quốc gia này. Chính phủ Syria là đồng minh của Trung Quốc và Nga, trong khi Mỹ ủng hộ phe đối lập Syria. Iran tiếp tục ca ngợi cuộc tấn công tàn bạo của Hamas và vẫn kêu gọi tiêu diệt Israel, trong khi Syria gọi Hamas là "nhóm kháng chiến" và lên án phản ứng của Israel.

Ông Gabriel Noronha, một thành viên tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ, cho biết ĐCSTQ “đã cung cấp huyết mạch kinh tế” cho Iran bằng cách mua dầu thô ước tính trị giá 30 tỷ USD từ Iran vào năm ngoái và “dự kiến ​​sẽ mua nhiều hơn nữa vào năm 2023”.

“Chế độ Iran đang cố gắng tự cô lập mình khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc”, ông Noronha làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 26/10.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 9/2023 và được chào đón bằng thảm đỏ, xe cờ đỏ và đội quân danh dự.

Ông Cheng Chin-mo, chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Chính trị Toàn cầu tại Đại học Đạm Giang (Đại học TamKang) của Đài Loan, chỉ trích việc ĐCSTQ tiếp đón ông Assad. Ông nói: “Thật đáng xấu hổ khi [ĐCSTQ] đã biến Trung Quốc [thành] nước ủng hộ những kẻ khủng bố”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Trung Quốc sử dụng TikTok để đẩy mạnh tuyên truyền chống Israel ở Mỹ