Bác sĩ Trung Quốc thống khổ kể lại cảnh mổ cướp nội tạng sống kinh hoàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyện các bác sĩ phẫu thuật trở thành đao phủ không phải là hiếm hoi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một bác sĩ Trung Quốc dám công khai dùng tên thật của mình để tường thuật lại một trải nghiệm của chính ông, kèm theo đó là nỗi kinh hoàng tột độ.

Ông Trịnh Trị (Zheng Zhi), một bác sĩ thực tập tại Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương năm 1994, đã mô tả việc ông tận mắt chứng kiến quá trình lấy thận và nhãn cầu của một cậu thanh niên để cấy ghép khi người này vẫn còn sống. Giờ đây, ông phơi bày thực trạng trong ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng kinh hoàng của Trung Quốc.

"Người lính bên kia bảo tôi lấy một nhãn cầu của cậu thanh niên, và y tá đưa cho tôi một chiếc máy cầm máu. Tôi không thể chịu đựng được nữa và tự nhủ: ‘Tôi không thể làm được, tôi không thể’”, bác sĩ Trịnh Trị cho hay.

Nỗi kinh hoàng mà ông chứng kiến xảy ra vào năm 1994 trong một chiếc xe tải được canh gác bởi các binh sĩ có vũ trang cùng 5 bác sĩ phẫu thuật và y tá. Ông cho rằng họ đang thực hiện một "nhiệm vụ quân sự bí mật" gần một nhà tù ở thành phố Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc.

Nhưng những gì xảy ra tiếp theo đã ám ảnh ông trong suốt nhiều thập kỷ.

“Tôi nhìn vào khuôn mặt của cậu thanh niên, và cậu ấy cũng mở to đôi mắt nhìn tôi. Cậu thanh niên ở dưới chân tôi [trong ca phẫu thuật], cậu ấy thực sự đang nhìn tôi, mắt cậu ấy vẫn còn đang chớp”.

Bác sĩ Trịnh Trị cho biết cậu thanh niên này chưa đến 18 tuổi. Bốn người lính khiêng cậu ấy lên xe, tay chân cậu bị trói chặt bằng dây thừng. Ban đầu, một bác sĩ mổ bụng cậu này và hai người khác lấy ra một quả thận.

Lúc này, hai chân của cậu thanh niên bắt đầu co giật, cổ họng cậu ta cứ mấp máy nhưng không thể phát ra tiếng. Sau đó, một bác sĩ đã chỉ thị cho bác sĩ Trịnh Trị “giẫm lên” chân cậu ta và “không cho cậu ta nhúc nhích”.

“Khi tôi đè chắc phần chân, [tôi phát hiện] nhiệt độ cơ thể của cậu ấy vẫn nóng, và tôi tin rằng cậu ấy vẫn còn sống. Một bác sĩ phẫu thuật cầm một con dao mổ và rạch một đường lớn từ phía dưới xương ức đến tận rốn. Khi toàn bộ khoang bụng bị mở ra, ruột phun trào ra ngoài, cảnh tượng đó khiến tôi thực sự kinh hoàng”.

“Sau đó, một bác sĩ nhanh chóng đẩy ruột sang một bên và cắt ra một quả thận. Một bác sĩ khác cũng nhanh chóng cắt lấy quả thận còn lại. Y tá trưởng nhanh chóng đặt cả hai quả thận vào hộp giữ nhiệt”, bác sĩ Trịnh cho biết.

Tiếp theo, bác sĩ Trịnh được lệnh cắt lấy nhãn cầu cậu thanh niên, nhưng vì ông quá đỗi kinh hãi nên không thể làm được việc này. Thay vào đó, một bác sĩ khác đã nhanh chóng tiến hành thủ thuật.

Sau đó, các quân nhân đặt thi thể hiện đã bất động vào một chiếc túi nhựa màu đen và lôi đi.

Nội tạng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương, nơi bác sĩ Trịnh Trị cư trú. Một nhóm đã chờ sẵn ở đó để lấy nội tạng và phục vụ cho các hoạt động cấy ghép.

Đến lúc đó, thủ tục lấy nội tạng đã hoàn tất từ lâu. Nhưng đối với bác sĩ Trịnh Trị, hình ảnh đôi mắt tuyệt vọng, sợ hãi và đau đớn đó vẫn còn ám ảnh ông.

“Vào bữa ăn tối trước ngày phẫu thuật, một sĩ quan đã cung cấp thông tin về chàng trai chưa đầy 18 tuổi. Cha mẹ cậu đã bỏ ra số tiền 10.000 nhân dân tệ để thu xếp cho cậu nhập ngũ. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ và phát hiện thấy những người lính cầm súng đang canh gác cho hành động tàn ác này”.

“Không có quân đội nào trên thế giới lại cướp bóc và bán nội tạng của chính người của mình. Mục tiêu của tôi với tư cách là một bác sĩ quân y là cứu sống và phụng sự đất nước của mình, nhưng tôi không thể hiểu được mức độ tàn bạo của đất nước mình”.

Bác sĩ Trịnh Trị đã rời bệnh viện ngay sau vụ việc kinh hoàng đó.

"Vào thời điểm đó, sự việc này đã tác động to lớn đến tôi. Về sau, tôi trở nên ít nói và không thích giao tiếp xã hội”, bác sĩ Trịnh kể lại.

Nhưng ít ai biết rằng, những gì diễn ra trên chiếc xe tải đó vào năm 1994 sẽ sớm trở thành một bộ máy giết người công nghiệp hóa ở Trung Quốc. Nó được thiết lập để lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm và bán chúng ra thị trường chợ đen.

Trong vòng hai thập kỷ, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng được nhà nước hậu thuẫn trên quy mô lớn đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la.

Trong Phán quyết của Tòa án Trung Quốc năm 2020 có nói: “Các học viên Pháp Luân Công là một - và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính”.

"Họ [các học viên Pháp Luân Công] không đồng ý. Họ không biết chuyện gì đang xảy ra... Chúng tôi gọi đó là nạn diệt chủng lạnh lùng vì nó diễn ra từ từ theo thời gian chứ không phải xảy ra cùng một lúc", ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế và là một trong những học giả hàng đầu thế giới về vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cho biết.

Năm 2002, khi đi cùng một lãnh đạo quân khu đến Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương để ông này khám sức khỏe, bác sĩ Trịnh Trị lần đầu tiên biết được rằng các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng sống.

Sau khi khám xong, các bác sĩ tại bệnh viện Thẩm Dương nói với vị lãnh đạo quân khu này rằng ông cần ghép thận.

“'Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương sẽ chọn cho ông một bộ phận chất lượng, tươi sống, từ các học viên Pháp Luân Công’. Tôi nói với vị ấy: 'Đừng làm vậy, đó không phải là phạm tội sát nhân sao?'. Vị kia gật đầu với tôi và nói: 'Tôi sẽ không thực hiện ca ghép thận này'. Nhưng ông ta đột nhiên nói với tôi một cách đặc biệt nghiêm túc: 'Cậu hãy mau rời đi, đi càng xa càng tốt'. Tôi nhận ra mình có thể sẽ buộc phải ‘im lặng’ nếu câu chuyện bị phanh phui”.

Một người quen khác, trợ lý cho các quan chức nòng cốt trong cơ quan lãnh đạo ưu tú nhất của Trung Quốc, đã tiết lộ với bác sĩ Trịnh một điều thậm chí còn gây sốc hơn.

“Trong chuyến thăm của [ông ấy], tôi đã nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở vùng đông bắc Trung Quốc khá nghiêm trọng. Ông ấy chăm chú nghe nhưng vẫn im lặng. Nhưng trước khi chúng tôi chia tay, ông ấy đột nhiên nói với tôi rằng các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả thiếu niên, đang bị giam giữ ở tầng hầm dưới vườn hoa phía sau Phòng Công an tỉnh Hồ Bắc, thành phố Vũ Hán. Ông ấy nói ông ấy đã từng ở đó. Sau đó ông đột ngột rời đi. Lúc đó, tôi tự nhủ: ‘Mình phải xuất ngoại!'”.

Bác sĩ Trịnh Trị nói thêm rằng để tăng lợi nhuận từ hoạt động thu hoạch nội tạng sống, nên quân đội đã mở rất nhiều “luồng xanh” [ưu tiên đặc biệt] tại các sân bay để hỗ trợ việc vận chuyển nội tạng nhanh chóng trên toàn quốc.

Ông còn nói thêm rằng các khoa truyền nhiễm trong bệnh viện đa khoa quân đội đều đã bị biến thành "hang ổ" để cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Để tránh cho công dân Hoa Kỳ trở thành đồng lõa, các nhà lập pháp nước này đã thực hiện các bước nhằm ngăn chặn người dân tham gia “du lịch ghép tạng” ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Matas khẳng định rằng việc sát hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng vẫn đang tiếp diễn.

“Họ vẫn đang tiếp tục quảng cáo du lịch ghép tạng và các tổ chức này vẫn đang hoạt động. Ý tôi là, họ vẫn chưa đóng cửa những bệnh viện ghép tạng này", ông nói.

Bác sĩ Trịnh Trị sau đó đã xin tị nạn ở Thái Lan và di cư sang Canada vào năm 2007. Ông cho biết ông đang tìm kiếm phương tiện truyền thông phù hợp để chia sẻ câu chuyện của mình vì nếu lựa chọn sai hãng truyền thông, ông không chỉ gặp rắc rối mà nạn mổ cướp nội tạng sẽ không thu hút được sự chú ý cần thiết.

Ông thừa nhận mối lo ngại về khả năng bị Bắc Kinh trả đũa, nhưng cho biết vấn đề này còn lớn hơn sự an nguy của bản thân ông.

“Tôi muốn đưa ra một tuyên bố công khai rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] đang tàn sát các công dân Trung Quốc, thu hoạch nội tạng của họ và bán chúng để kiếm lời. Đây là một tội ác mà nhân loại không thể dung thứ".

Ông nói rằng ông đã bảo quản cẩn thận mọi dữ liệu của mình để đến khi ĐCSTQ sụp đổ và đối mặt với Đại Thẩm Phán, ông sẽ đứng ra làm chứng và nói thêm rằng “công lý sẽ chiến thắng”.

Theo NTD News

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Trung Quốc thống khổ kể lại cảnh mổ cướp nội tạng sống kinh hoàng