Bên trong ‘cuộc chiến dài hơi’ của Trung Quốc nhằm thâm nhập vào chính trường Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi các quan chức Trung Quốc hộ tống quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra khỏi phòng khách sạn ở Thượng Hải, họ yêu cầu ông "nói những điều tốt đẹp về Trung Quốc" khi trở về Hoa Kỳ. Vị quan chức giấu tên này thuật lại với Fed rằng bầu không khí lúc đó "rất đáng sợ".

Đó là lần đầu tiên trong 4 lần quan chức này bị giam giữ và thẩm vấn trong chuyến đi đến Thượng Hải vào năm 2019. Theo các thành viên Cộng hòa của Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện, những người đã công khai chi tiết trong một báo cáo vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã đe dọa gia đình ông, nghe lén điện thoại và máy tính của ông, đồng thời sao chép thông tin liên lạc của các quan chức Fed khác từ tài khoản WeChat của ông trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc cố ép vị quan chức Mỹ tiết lộ "dữ liệu kinh tế nhạy cảm, chưa được công bố" và yêu cầu ông "tư vấn cho các quan chức chính phủ cấp cao" về các vấn đề kinh tế nhạy cảm như thuế quan thương mại, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ còn ép ông uống rượu và cố gắng buộc ông cam kết tham gia các cuộc gặp mặt trong tương lai để cho phép họ thu thập thông tin tình báo kinh tế.

Mặc dù gây lo ngại, nhưng sự cố này chỉ là một phần trong chiến dịch “dài hơi và táo bạo” mang tính thù địch kéo dài hơn một thập kỷ của Trung Quốc nhằm làm suy yếu chính sách kinh tế của Mỹ và thúc đẩy tham vọng thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường toàn cầu.

Cưỡng ép và đe dọa chỉ là một phần nhỏ trong bộ công cụ của chế độ Trung Quốc được sử dụng để nhắm vào lĩnh vực chính trị phương Tây. Một viện nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, hợp tác với Đại học Thanh Hoa trực thuộc nhà nước, vào năm 2019 đã xếp hạng các cố vấn Nhà Trắng và thống đốc Hoa Kỳ theo mức độ thân thiện với Bắc Kinh. Nhóm nghiên cứu này đã dán nhãn các quan chức là "thân thiện", "mập mờ" hoặc "cứng rắn" sau khi lướt qua các số liệu như tuổi tác, lịch sử công việc, tuyên bố công khai, hoạt động thương mại với Trung Quốc và thời gian tại nhiệm.

Thời gian, kiên nhẫn và tỉ mỉ - đây là những phẩm chất mà Michel Juneau-Katsuya, cựu giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) trong những năm 1990, nhận thấy trong chiến lược thâm nhập của chính quyền Trung Quốc.

Ông nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ khả năng huy động mọi nguồn lực để thực hiện các chiến lược của mình.

Không giống như các quốc gia dân chủ có thể thay đổi lãnh đạo thông qua bầu cử, Trung Quốc có một hệ thống chính trị khác biệt. "Chính vì vậy, họ có thể gieo hạt giống hôm nay và gặt hái thành quả sau 5, 10 hoặc 15 năm", ông nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ Mike Braun, người ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, cũng đồng ý với quan điểm này. Ông phát biểu: "Họ đang chơi một ván cờ trường kỳ".

Chờ thời và thao túng: Trung Quốc tìm cách chi phối chính trị Mỹ

Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (National Counterintelligence and Security Center - NCSC) hồi tháng 7 năm ngoái cảnh báo, rất ít hoặc không có nhà lãnh đạo nào ở cấp liên bang, tiểu bang, địa phương, bộ lạc và lãnh thổ của Hoa Kỳ miễn nhiễm với nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc thao túng để phục vụ cho chương trình nghị sự ngầm của họ.

Bằng cách tận dụng mối quan hệ với các quan chức Mỹ - được gọi là "dùng địa phương bao vây trung ương" theo thuật ngữ của ĐCSTQ - Bắc Kinh có thể gây sức ép lên Washington để ủng hộ các chính sách có lợi cho chế độ, chẳng hạn như thắt chặt quan hệ kinh tế song phương và giảm thiểu những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ.

Thậm chí, một gián điệp Trung Quốc được cho là đã làm tài xế riêng cho cố Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein trong suốt 20 năm.

Christine Fang cùng với Ủy viên Hội đồng Thành phố Dublin lúc bấy giờ là ông Eric Swalwell tại một sự kiện dành cho sinh viên vào tháng 10/2012. (Ảnh chụp màn hình/Mạng xã hội)
Christine Fang cùng với Ủy viên Hội đồng Thành phố Dublin lúc bấy giờ là ông Eric Swalwell tại một sự kiện dành cho sinh viên vào tháng 10/2012. (Ảnh chụp màn hình/Mạng xã hội)

Christine Fang, bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc làm việc cho cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc, Bộ An ninh Quốc gia. Cô này được cho là đã sử dụng các hoạt động quyên góp tiền cho chiến dịch tranh cử, xây dựng mạng lưới quan hệ và quan hệ tình cảm với ít nhất hai thị trưởng thành phố miền Trung Tây để thâm nhập vào vùng ảnh hưởng của họ.

Theo trang Axios, cô Fang cũng đã tiếp cận Dân biểu Eric Swalwell khi ông còn là thành viên Hội đồng thành phố Dublin, quyên góp tiền cho chiến dịch tái tranh cử năm 2014 của ông và tạo điều kiện cho một thực tập sinh được nhận vào văn phòng của ông Swalwell.

Mối quan hệ giữa Dân biểu Swalwell và cô Fang đã dẫn đến một cuộc điều tra kéo dài hai năm của Ủy ban Đạo đức lưỡng đảng thuộc Hạ viện. Vào tháng 5, ủy ban cuối cùng đã quyết định không có hành động trừng phạt nào đối với nhà lập pháp California, nhưng cảnh báo ông Swalwell cần lưu ý về "khả năng các chính phủ nước ngoài có thể cố gắng gây ảnh hưởng không đúng đắn thông qua quà tặng và các tương tác khác".

Mặt trận Thống nhất, mạng lưới giúp ĐCSTQ kiểm soát kiều bào Trung Quốc, cũng đóng vai trò lôi kéo những cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.

Theo hồ sơ tài chính chiến dịch, ông Lư Kiến Vương, một trong hai nghi phạm điều hành đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc ở New York, cùng với anh trai, đã quyên góp hàng chục nghìn USD cho các chính trị gia New York trong những năm gần đây, bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ Mỹ, Dân biểu Grace Meng, Thị trưởng New York Eric Adams và Thống đốc New York Kathy Hochul.

Bức ảnh cho thấy một tòa nhà được nghi là đồn cảnh sát bí mật của chính quyền Trung Quốc, nằm tại khu phố Tàu ở New York, chụp ngày 18/4/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Bức ảnh cho thấy một tòa nhà được nghi là đồn cảnh sát bí mật của chính quyền Trung Quốc, nằm tại khu phố Tàu ở New York, chụp ngày 18/4/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

“Các quan chức địa phương và cấp tiểu bang thường không nhận thức hoặc không chú ý đến một số nỗ lực gây ảnh hưởng này - họ chỉ đơn giản đang cố gắng tạo việc làm”, bà Sarah Cook, nhà phân tích Trung Quốc cao cấp tại Freedom House, nói với The Epoch Times.

"ĐCSTQ rất giỏi khai thác lỗ hổng này. Họ khéo léo khiến mọi người đứng về phía họ, khiến người dân Mỹ có lợi ích gắn liền với những gì ĐCSTQ mong muốn. Sau đó, họ có thể kích hoạt lợi ích này để tạo ra những tình huống phức tạp hơn trong tương lai".

"Tôi nghĩ rằng những người mới bắt đầu mối quan hệ này thường không nhận thức được điều đó", bà nói thêm.

Tương tự như trường hợp của cô Fang, các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhắm đến các nhà lãnh đạo địa phương ngay từ những ngày đầu sự nghiệp của họ.

“Họ rất kiên nhẫn, họ có thời gian và sự kiên trì, quyết tâm của họ thật đáng nể”, ông Juneau-Katsuya nói về chính phủ Trung Quốc.

Ông cho biết những sĩ quan tình báo Trung Quốc đào tẩu đã kể chi tiết cho ông cách họ được hướng dẫn trở thành công dân mẫu mực ở phương Tây trong 5 đến 10 năm, leo lên các nấc thang xã hội trước khi bị "kích hoạt".

Ông Juneau-Katsuya nói: "Khi lực lượng an ninh hoặc cảnh sát cố gắng kiểm tra lý lịch, họ hoàn toàn không tìm thấy gì. Vì vậy, theo góc độ đó, họ là những đặc vụ ngầm cực kỳ, cực kỳ sâu”.

‘Nằm vùng chờ thời’

Danh sách những vấn đề nhạy cảm của ĐCSTQ cứ dài thêm, bao gồm Đài Loan, người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, Quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền này đã thẳng thừng tuyên bố rằng không ai - dù ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác - được phép chống lại ý nguyện của họ.

Đêm muộn ngày 28/3, một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023 của Dân biểu Chris Smith, một email giận dữ từ cố vấn bộ trưởng Đại sứ quán Trung Quốc, Chu Chính, đã được gửi đến hộp thư đến của một trợ lý của nghị sĩ.

Bức thư điện tử, được gửi từ một tài khoản Gmail đăng ký dưới tên ông Chu, tuyên bố dự luật này là "vô lý" và khẳng định "cái gọi là ‘cưỡng bức thu hoạch nội tạng’' ở Trung Quốc là một trò hề".

Dự luật này là văn bản lập pháp đầu tiên nhằm ngăn chặn việc nhà nước Trung Quốc sát hại tù nhân lương tâm để lấy nội tạng - một tội ác mà một tòa án độc lập ở London vào năm 2019 đã kết luận là đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm "ở quy mô đáng kể".

Một số người tố giác, bao gồm cả nhân chứng, đã lên tiếng với The Epoch Times để chia sẻ lời khai về hành động tàn khốc này.

Ông Chu, theo đúng phong cách của Bắc Kinh, đã yêu cầu Hoa Kỳ ngừng "thổi phồng vô căn cứ và các động thái chống Trung Quốc, và ngừng thúc đẩy luật này".

Ông Smith cho biết những tuyên bố trong email là "một lời nói dối trắng trợn".

"Các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ đang bị sát hại để lấy nội tạng, và con số này lên tới hàng chục nghìn người mỗi năm, như chúng ta đã biết", ông nói với The Epoch Times.

“Việc đưa những người hoàn toàn khỏe mạnh lên bàn mổ trong tình trạng bị tiêm thuốc an thần, nhằm cưỡng bức lấy đi hai đến ba nội tạng của họ, rồi tước đoạt mạng sống của họ, đó chính là giết người. Hành động dã man này là tội ác chống lại loài người”.

Ngày 14/4 năm ngoái, dân biểu Chris Smith đã viết thư cho Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu cấp thị thực để đến thăm Tân Cương, khu vực phía tây bắc Trung Quốc nơi ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại giam. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nhận được hồi âm.

Một vài tuần trước khi gửi email cho ông Smith, Tham tán Lý Tường của Đại sứ quán Trung Quốc đã viết thư cho Thượng nghị sĩ Josh Hawley, yêu cầu ông rút lại dự luật yêu cầu giải mật thông tin liên quan đến nguồn gốc của đại dịch COVID-19, vốn đã được ký thành luật vào ngày 20/3. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Hawley đã phớt lờ yêu cầu này.

Ông Hawley viết trên mạng xã hội vào ngày 9/3: "Chính phủ Trung Quốc đã viết thư yêu cầu tôi rút lại dự luật về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Ha ha ha. Không đời nào".

Bức ảnh cho thấy một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đang biểu tình trước mặt cảnh sát trên đường phố ở Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 7/7/2009. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)
Bức ảnh cho thấy một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đang biểu tình trước mặt cảnh sát trên đường phố ở Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 7/7/2009. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Ông Lý cũng gặp phải trở ngại khi cố gắng ngăn chặn phiên điều trần theo lịch trình của Quốc hội về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Ông cũng không thành công trong việc cảnh báo các nhà lập pháp Hạ viện không được gặp gỡ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến thăm Los Angeles của bà.

Sự trắng trợn của chính phủ Trung Quốc khi đưa ra các yêu cầu đối với một thành viên được bầu cử của Quốc hội Mỹ đã khiến Dân biểu Ashley Hinson, một trong những người nhận được lá thư đe dọa, cảm thấy "phẫn nộ".

"Về cơ bản, tôi chỉ nói, 'Không, ông không thể nói cho tôi biết tôi có thể gặp ai và không thể gặp ai, và tôi sẽ tiếp tục gặp bà ấy'", bà Hinson nói với The Epoch Times. "Và đó là những gì chúng tôi đã làm".

"Việc ai đó đủ can đảm để cho rằng họ có thể gửi email cho tôi như vậy, đe dọa và bắt nạt tôi - thật không thể tin được".

"Tôi sẽ không bị bắt nạt, suy nghĩ của tôi sẽ không thay đổi chỉ vì một email như vậy, nơi anh cố tình phá hoại khả năng thực hiện công việc của tôi".

(Trái) Thượng nghị sĩ Josh Hawley nằm trong danh sách trừng phạt của chế độ Trung Quốc vì vận động nhân quyền của ông. (Phải) Chính phủ Trung Quốc đã gửi một lá thư đe dọa tới Dân biểu Ashley Hinson, người nói rằng cô từ chối bị chế độ “bắt nạt”. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images, Win McNamee/Getty Images)
(Trái) Thượng nghị sĩ Josh Hawley nằm trong danh sách trừng phạt của chế độ Trung Quốc vì vận động nhân quyền của ông. (Phải) Chính phủ Trung Quốc đã gửi một lá thư đe dọa tới Dân biểu Ashley Hinson, người nói rằng cô không để chế độ “này bắt nạt”. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images, Win McNamee/Getty Images)

Hiệu ứng răn đe

Mặc dù vấp phải nhiều phản ứng gay gắt, theo bà Cook, các quan chức Bắc Kinh vẫn kiên trì với chiến lược này vì một lý do quan trọng: Dù không hiệu quả ngay lập tức, hoặc đối với "những nhà phê bình ĐCSTQ dày dạn kinh nghiệm", chiến lược này vẫn có thể "khiến mọi người suy nghĩ kỹ hơn trước khi có hành động phê phán lần tới”.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Tom Cotton đều nằm trong danh sách trừng phạt của chính quyền Trung Quốc do các hoạt động ủng hộ nhân quyền. Đối với họ, nhận được thư từ lãnh sự quán Trung Quốc có thể "là một sự công nhận và thành quả cho những nỗ lực của họ, nhưng điều này không đúng với tất cả mọi người”.

Bà Cook cho biết những người không quen thuộc với các hành vi thao túng khéo léo của Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn trước những chiến thuật gây hấn của ĐCSTQ, đặc biệt là khi họ không nhận thức được điều này thường xuyên xảy ra đến mức nào. Thậm chí, một số lời đe dọa chỉ là hù dọa mà thôi.

Nếu quan chức Trung Quốc "nhắc nhở" các nhà lãnh đạo Mỹ về những hậu quả kinh tế tiềm tàng, những người mới nhậm chức hoặc các nhà lập pháp đưa ra các chính sách khiến Bắc Kinh tức giận có thể quyết định "tránh xa tranh cãi" vào lần tới, ngay cả khi họ tiếp tục thực hiện hành động hiện tại.

Bà Cook nhấn mạnh rằng: "Họ [các quan chức địa phương] có thể bị bất ngờ khi nhận được một lá thư đe dọa từ một chính phủ hùng mạnh và đàn áp như Trung Quốc. Đây là sự chênh lệch đáng kể về quyền lực giữa hai bên. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, các quan chức địa phương thậm chí có thể thiệt hại nhiều hơn, chẳng hạn như việc mất đi các khoản đầu tư vào khu vực của họ”.

Thượng nghị sĩ tiểu bang lúc bấy giờ là ông Joel Anderson phát biểu tại một cuộc mít tinh được tổ chức để phản đối hành động của chính quyền Trung Quốc, trước lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco vào ngày 8/9/2017. (Ảnh: Lear Zhou/Epoch Times)
Thượng nghị sĩ tiểu bang lúc bấy giờ là ông Joel Anderson phát biểu tại một cuộc mít tinh được tổ chức để phản đối hành động của chính quyền Trung Quốc, trước lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco vào ngày 8/9/2017. (Ảnh: Lear Zhou/Epoch Times)

Ví dụ điển hình xảy ra ở California vào năm 2017, khi Thượng nghị sĩ tiểu bang lúc bấy giờ là ông Joel Anderson đã nỗ lực thúc đẩy cơ quan lập pháp tiểu bang California đưa ra một tuyên bố mang tính biểu tượng nhằm phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.

Chỉ hai ngày sau khi nghị quyết của ông được ủy ban tư pháp của tiểu bang thông qua nhất trí, lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã gửi hàng loạt thư tới các thành viên Thượng viện tiểu bang California.

Ngay lập tức, một "hiệu ứng răn đe lạnh người" ập đến các đồng nghiệp của ông Anderson, những người trước đó từng ủng hộ nghị quyết. Trong tuần cuối cùng của phiên họp Thượng viện, ông Anderson đã cố gắng ít nhất 18 lần đưa nghị quyết lên để biểu quyết, nhưng đều vô ích.

Sau đó, ông Anderson chia sẻ với The Epoch Times rằng các đồng nghiệp của ông "không muốn nói về điều đó" và "điều khác biệt duy nhất giữa việc ủng hộ hay không ủng hộ" chính là lá thư.

Thâm nhập sâu

Những năm gần đây, các chiến thuật của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ngày càng trở nên hung hăng. Khi chiêu bài hối lộ không hiệu quả, họ chuyển sang gián điệp và đe dọa trắng trợn.

Một ví dụ điển hình là trường hợp con của một nhà lập pháp Anh Quốc lên tiếng về Trung Quốc đã bị đe dọa mất cơ hội học đại học vì ngôi trường nhận được lời đe dọa cắt toàn bộ nguồn tài trợ từ Trung Quốc. Trong một trường hợp khác, con của một chính trị gia khác bị cấm lên chuyến bay của hãng hàng không Trung Quốc chỉ vì họ mang họ của vị chính trị gia đó.

Một trường hợp khác là Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Canada Michael Chong, người từng đối đầu với sự đàn áp của Trung Quốc. Vào tháng 5, ông Chong được biết rằng một quan chức lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, ông Triệu Vỹ, đã thu thập thông tin về gia đình ông ở Hong Kong để áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào họ bắt đầu từ năm 2020, mặc dù ông Chong đã cố tình cắt đứt liên lạc với họ nhiều năm để bảo vệ họ.

Có thể thấy, sự kết hợp giữa hối lộ và trừng phạt của chính phủ Trung Quốc đã đạt được một số thành công nhất định.

Tại tiểu bang Utah, một bang có định hướng bảo thủ, từ năm 2007 đến nay, cứ hai năm một lần, có tới 25 nhà lập pháp thường xuyên tham gia các chuyến đi đến Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải những trích dẫn hân hoan của họ để khuếch trương chương trình nghị sự của Bắc Kinh.

Theo một bài báo điều tra của hãng tin AP, Đại sứ quán Trung Quốc đã môi giới một cuộc trao đổi qua thư điện tử, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư cảm ơn học sinh lớp 4 Utah vì lời chúc mừng Tết Nguyên đán. Điều này khiến một nhà lập pháp đảng Cộng hòa phát biểu trên nghị trường tiểu bang Utah rằng ông "không khỏi suy nghĩ về việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành thời gian để viết một lá thư 'tuyệt vời' như vậy".

Sau khi được một người vận động hành lang của Bắc Kinh tiếp cận, một nhà lập pháp khác của tiểu bang Utah đã đưa ra nghị quyết vào năm 2020 bày tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc vào đầu đại dịch COVID-19. Nghị quyết được thông qua, mặc dù thống đốc tiểu bang từ chối ký.

Tuy nhiên, một nghị quyết tương tự do các quan chức đại sứ quán Trung Quốc đề xuất tại Wisconsin đã bị bác bỏ.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện vào tháng 9, khi được hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có thành công trong việc thay đổi kết quả chính sách hay không, ông Glenn Tiffert thuộc Viện Hoover đã trả lời "hoàn toàn đồng ý" và chỉ ra việc Bắc Kinh thao túng thành công các tập đoàn Mỹ thông qua các ưu đãi kinh tế.

Tổng thống Joe Biden tham dự cuộc họp trực tuyến về Đạo luật Tạo ra các động lực khuyến khích hữu ích để sản xuất chất bán dẫn (CHIPS) cho nước Mỹ, tại Nhà Trắng vào ngày 25/7/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Tổng thống Joe Biden tham dự cuộc họp trực tuyến về Đạo luật Tạo ra các động lực khuyến khích hữu ích để sản xuất chất bán dẫn (CHIPS) cho nước Mỹ, tại Nhà Trắng vào ngày 25/7/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì hành vi vận động hành lang chống lại một biện pháp lưỡng đảng nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn có trụ sở tại Mỹ vào tháng 7 cũng kêu gọi chính quyền ông Biden "kiềm chế các hạn chế hơn nữa" đối với việc bán chip cho Trung Quốc, trong bối cảnh các quan chức chính quyền đang cân nhắc cập nhật các hạn chế được triển khai vào tháng 10 năm ngoái nhằm kìm hãm ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.

Ông Tiffert nói với các thượng nghị sĩ: "Trung Quốc không cần phải trực tiếp tham gia vào các cuộc tham vấn đó, bởi vì lợi ích của các công ty Mỹ tự chúng đã hướng theo hướng đó".

Yếu tố khuyến khích cũng thể hiện ở các hình thức khác: Khi thành phố Rockville ở Maryland đang cân nhắc thỏa thuận kết nghĩa với thành phố Yilan của Đài Loan, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Washington đã hứa hẹn các cơ hội đầu tư cho các quan chức thành phố Rockville và hối thúc họ hủy bỏ kế hoạch, viện dẫn mối quan hệ không chính thức của Rockville với thành phố Jiaxing ở phía đông nam Trung Quốc, ông Tiffert lưu ý tại phiên điều trần.

May mắn thay, thành phố đã kiên định lập trường, ông nói. Tuy nhiên, những quan hệ đối tác kiểu này với Trung Quốc đã trở thành một trong những lỗ hổng cho họ can thiệp vào chính sách của Mỹ.

Và khi những phương thức tinh vi không hiệu quả, Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng các hành động hung hăng công khai.

Tháng 10/2020, hai quan chức Trung Quốc chụp ảnh khách mời tại sự kiện tiếp tân của Đài Loan ở Fiji đã tấn công một quan chức Đài Loan sau khi bị cấm nhập cảnh. Vị quan chức ngoại giao Đài Loan bị thương ở đầu và phải nhập viện.

Mạng lưới tinh vi

Để đánh bại đối thủ, cần phải hiểu điểm yếu của họ, và một điểm yếu của phương Tây chính là nền dân chủ - nhu cầu tổ chức các chu kỳ bầu cử để "liên tục đổi mới", ông Juneau-Katsuya nói.

"Vì chúng tôi liên tục đổi mới, chúng tôi cũng đang trong quá trình không ngừng tìm kiếm sự chấp thuận, ủng hộ và phiếu bầu", ông nói. Trung Quốc "hiểu rất rõ điều này" đến nỗi họ để các phái đoàn ngoại giao thâm nhập vào cộng đồng người Hoa địa phương, biến cộng đồng này thành một con bài mặc cả để khiến các quan chức phương Tây trúng cử phải phục vụ cho họ.

Sức mạnh của sự kiểm soát đó đã được thể hiện rõ ràng trong cuộc bầu cử liên bang Canada năm 2021. Giữa bối cảnh Đảng Bảo thủ lên ngôi trong các cuộc thăm dò, các thực thể nhà nước liên kết với Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch thông tin sai lệch để làm mất uy tín các ứng cử viên bảo thủ, điều mà một số nhà phân tích tin rằng đã khiến các ứng cử viên cứng rắn như ông Kenny Chiu, đồng nghiệp cũ của ông Chong, không thể nhậm chức.

Bức ảnh chụp cảnh người dân đi bộ gần cổng khu phố Tàu ở The Hague, Hà Lan, vào ngày 18/7/2023. (Ảnh: Lavinia Savu/The Epoch Times)
Bức ảnh chụp cảnh người dân đi bộ gần cổng khu phố Tàu ở The Hague, Hà Lan, vào ngày 18/7/2023. (Ảnh: Lavinia Savu/The Epoch Times)

Ông Chiu nói với hãng truyền thông NTD của The Epoch Times: “ĐCSTQ rất thông minh và họ có một mạng lưới rất tinh vi để thâm nhập vào nhiều cộng đồng hải ngoại”.

Chế độ Trung Quốc còn có một lợi thế khác: số lượng dân khổng lồ.

Ông Juneau-Katsuya nhớ lại rằng trong Chiến tranh Triều Tiên, khi vũ khí còn thô sơ, Trung Quốc đã chọn cách phô diễn chiến thuật "biển người", tức là dùng hàng loạt quân lính tấn công theo từng đợt cho đến khi áp đảo và chiếm ưu thế trước đối thủ. Ông cho biết họ cũng áp dụng chiến thuật tương tự trên mặt trận tình báo.

Tính đến năm 2020, có khoảng 60 triệu người Hoa kiều sinh sống bên ngoài Trung Quốc và hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài du học mỗi năm. Ông Juneau-Katsuya nói, những cộng đồng người Hoa kiều ở nước ngoài này luôn nằm dưới sự giám sát của các tổ chức mặt trận Trung Quốc, những tổ chức này báo cáo lại cho lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Trung Quốc tại địa phương. Điều này biến họ thành những "quân cờ" được sử dụng để khuếch trương chương trình nghị sự của chính quyền Trung Quốc.

Thâm nhập trên mọi lĩnh vực

Mức độ thâm nhập toàn cầu của Trung Quốc phần lớn chìm trong bóng tối cho đến những năm gần đây. Sự việc này dần được hé lộ nhờ các sự kiện sau:

Tháng 10 năm ngoái, một nhân viên sắp xếp lịch trình cho Dân biểu Don Beyer (Dân chủ - Virginia) - người đã có 34 năm làm việc tại Điện Capitol - bị sa thải. Người này bị cáo buộc cố gắng sắp xếp các cuộc họp giữa các văn phòng Quốc hội và các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc.

Một bài báo gần đây của tờ Times of London cho biết một đặc vụ thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã sử dụng hồ sơ LinkedIn để dụ dỗ hàng nghìn quan chức Anh bằng tiền mặt và các thỏa thuận béo bở để đổi lấy bí mật nhà nước.

Vào tháng 3/2023, cảnh sát Anh đã bắt giữ một người đàn ông ở Edinburgh vì nghi ngờ làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Người này từng học tập và làm việc ở Trung Quốc, và được cho là đã giả mạo mối quan hệ với các nhà lập pháp bảo thủ cấp cao với tư cách là nhà nghiên cứu nghị viện và có ảnh hưởng đến chính sách của Anh đối với Trung Quốc.

Tháng 9/2023, Đảng Bảo thủ tuyên bố loại bỏ hai ứng cử viên Nghị sĩ Quốc hội có liên quan đến mạng lưới Mặt trận Thống nhất của chính quyền Trung Quốc sau khi cơ quan phản gián trong nước MI5 đánh giá họ là mối nguy hiểm.

Trong 5 tháng đầu năm nay tại Canada, mối lo ngại về sự can thiệp nước ngoài của Trung Quốc đã được công khai khi hơn 350 nhân chứng đã ra điều trần trước 4 ủy ban quốc hội để điều tra vấn đề này. Ông Juneau-Katsuya cho biết đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thành công của Bắc Kinh trong việc xâm nhập "mọi cấp độ" giai tầng chính trị ở Canada.

Vào tháng 9/2023, tại Đài Tưởng niệm Thiên An Môn ở New York, Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ Mike Gallagher, nói với các phóng viên rằng "cũng hợp lý khi cho rằng tất cả chúng tôi trong Quốc hội và nhân viên của chúng tôi” đều là mục tiêu của Bộ An ninh Quốc gia và hệ thống Mặt trận Thống nhất.

Biển hiệu Hollywood ở Los Angeles vào ngày 10/2/2020. (Ảnh: Vincentas Liskauskas/Unsplash)
Biển hiệu Hollywood ở Los Angeles vào ngày 10/2/2020. (Ảnh: Vincentas Liskauskas/Unsplash)

Khi được hỏi về mức độ kiểm duyệt của các quan chức văn phòng Quốc hội, ông nói: "Chúng ta cần nhận thức và ý thức về thực tế đó".

Ông nói thêm, "Vì một lý do nào đó, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc không chiếm vị trí tương tự trong trí tưởng tượng hoặc tâm trí của mọi người như KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô) từng làm, do đó, kết quả là mọi người khó có thể hiểu được quy mô và phạm vi của hoạt động gián điệp Trung Quốc”.

Ông cũng cho biết do "Hollywood bị Trung Quốc mua chuộc và chi phối, trong nhiều trường hợp, không có bộ phim nào giúp mọi người nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo.

Ông nói với The Epoch Times rằng ông tin can thiệp chính trị của Trung Quốc đang diễn ra "trên mọi lĩnh vực", và ông hy vọng có thể giáo dục các đồng nghiệp của mình về bản chất của gián điệp Trung Quốc và hoạt động của Mặt trận Thống nhất để họ có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trước những hoạt động này.

Đối mặt với 'quái vật'

Các quan chức đại sứ quán Trung Quốc đã không liên lạc với bà Hinson, thành viên Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện, kể từ cuộc gặp tháng 4 của bà với tổng thống Đài Loan.

"Tôi nghĩ họ biết tôi sẽ không khuất phục", bà nói. Nhưng bà cho biết, sự can thiệp chính trị của Trung Quốc "vẫn đang diễn ra mạnh mẽ ngay tại Hoa Kỳ, và nhiệm vụ của ủy ban chúng tôi là phải chủ động tấn công vấn đề này”.

Bà nói: “Nếu họ tấn công tôi lần nữa, tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi cần đưa ra gói chính sách tốt nhất có thể mà không sợ bị ĐCSTQ ảnh hưởng”.

Ông Juneau-Katsuya ví việc vạch trần các hoạt động bí mật của Trung Quốc như việc cố gắng đối phó với một "con quái vật" được phương Tây nuôi lớn, giờ đây nó đã "lớn hơn phương Tây" và "vươn xúc tu khắp nơi".

Ông thừa nhận, "đó không phải là một công việc dễ dàng". Tuy nhiên, ông ấy cũng nhấn mạnh rằng "cái đã qua thì không thể thay đổi", và với sự hợp tác của các nước phương Tây, ông tin rằng sẽ có sự thay đổi, mặc dù cần có thời gian.

Nói về Bắc Kinh, ông cho biết "họ là những đối thủ đáng gờm và đã theo đuổi mục tiêu này trong nhiều thập kỷ. Họ kín đáo và có ảnh hưởng khắp nơi. Do đó, sẽ mất một thời gian trước khi chúng ta thành công trong việc lấy lại quyền kiểm soát".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bên trong ‘cuộc chiến dài hơi’ của Trung Quốc nhằm thâm nhập vào chính trường Hoa Kỳ