Chuyên gia: Bắc Kinh lợi dụng các sự kiện gần đây ở eo biển Đài Loan nhằm mục đích tuyên truyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 19/2, một sự cố mang tính khiêu khích đã xảy ra khi tàu du lịch Đài Loan King Xia bị lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc xông lên tàu để kiểm tra tại vùng biển gần quần đảo Kim Môn của Đài Bắc. Vụ việc diễn ra chỉ 5 ngày sau khi một tàu cao tốc Trung Quốc bị lật úp khi bị tàu tuần duyên Đài Loan truy đuổi, khiến 2 trong số 4 ngư dân trên tàu thiệt mạng.

Những sự cố này đã thổi bùng căng thẳng giữa hai bờ eo biển, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động tuần tra gần quần đảo Kim Môn, nằm cách bờ biển Trung Quốc chỉ chưa đầy 3 km.

Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến Bắc Kinh, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15/2 rằng vụ việc "xảy ra do thủy thủ đoàn Trung Quốc đại lục từ chối hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật của Đài Loan".

Tuyên bố cho biết các tàu đánh cá Trung Quốc đã "nhiều lần" xâm phạm vùng biển cấm của Đài Loan trong những năm qua, buộc Lực lượng Tuần duyên Đài Loan phải tăng cường thực thi pháp luật.

Hôm thứ Hai (26/2), 5 tàu hải cảnh Trung Quốc đã được phát hiện ở vùng biển cấm hoặc vùng hạn chế xung quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, trong khi một tàu khác của Trung Quốc cũng đi vào vùng biển cấm vào tuần trước. Hôm thứ Tư (28/2), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong vòng 24 giờ, họ đã phát hiện 15 máy bay quân sự và 11 tàu chiến của Trung Quốc hoạt động xung quanh hòn đảo, tiến hành "các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung”.

Lan truyền thông tin sai lệch

Ông Frank Lehberger là một nhà Hán học cư trú tại châu Âu với 30 năm kinh nghiệm làm nhà phân tích chính trị và tư vấn tại châu Á. Ông quen thuộc với chính trị của Đài Loan, và từng sống ở đó hơn một thập kỷ trong thời kỳ chuyển đổi sang nền dân chủ vào những năm 1990. Ông Lehberger đã thảo luận về vụ việc tàu đánh cá trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times.

Theo ông, vụ việc này được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch, như một phần trong các hoạt động chiến tranh thông tin của ĐCSTQ nhằm chống lại Đài Loan, một quốc gia được cai trị theo thể chế dân chủ.

Ông Lehberger cho biết: "Vụ việc tàu du lịch chỉ là một phần nhỏ trong chiến dịch chiến tranh thông tin đang diễn ra của Trung Quốc. Thông điệp mà Trung Quốc muốn truyền tải tới dư luận ở Đài Loan là chính phủ Đài Loan bất lực và không thể bảo vệ công dân của họ trên con tàu này, khiến họ có nguy cơ bị giam giữ theo bất kỳ cáo buộc nào của Trung Quốc, từ đó gây ra rạn nứt giữa người dân và chính phủ mới mà họ vừa bầu chọn”.

Ông cho hay, nói tóm lại, thông điệp là "tất cả người Đài Loan đều thuộc về chúng tôi; chúng tôi không cần quan tâm [đến] luật pháp và quy định của họ".

Ông Lehberger cho biết vụ việc này đã bị lợi dụng để phục vụ cho mục đích tuyên truyền nội bộ ở Trung Quốc. Mục tiêu là để đánh lạc hướng người dân Trung Quốc khỏi những bất ổn nội bộ sâu rộng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt.

Ông Lehberger nhấn mạnh, Trung Quốc đang phải đối mặt với những bất ổn nội bộ nghiêm trọng, biểu hiện rõ nhất qua nền kinh tế đang suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tình hình nghiêm trọng đến mức Cục Thống kê Trung Quốc đã tạm dừng công bố số liệu thất nghiệp của giới trẻ trong năm ngoái. Cùng với đó là thị trường chứng khoán Trung Quốc đầy biến động, đây là thị trường hoạt động kém hiệu quả nhất toàn cầu vào năm ngoái và tiếp tục lao dốc trong năm 2024.

Vào ngày 5/2, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một đợt sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến hơn 1.800 cổ phiếu trên các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm hơn 10%.

Bất bình trước tình hình này, nhiều cư dân mạng đã trút giận lên tài khoản mạng xã hội bằng tiếng Trung của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Hy vọng những bình luận của họ sẽ thoát khỏi kiểm duyệt. Hàng chục nghìn người đã phàn nàn về tình hình kinh tế trong các bình luận dưới một bài đăng vô hại của Đại sứ quán trên Weibo về việc bảo tồn hươu cao cổ. Sự kiện này sau đó được gọi là "sự kiện hươu cao cổ".

Ông Lehberger nhận định: "Cho đến nay, cách duy nhất để đảo ngược sự lao dốc trên thị trường chứng khoán là ông Tập Cận Bình cấm các thị trường chứng khoán Trung Quốc bán cổ phiếu theo ý muốn. Việc can thiệp vào thị trường như vậy sẽ phá vỡ bản chất của một thị trường tự do”.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc học cho biết, ĐCSTQ đang kích động “những câu chuyện dân tộc chủ nghĩa và tâm lý yêu nước" trong nhân dân Trung Quốc. Ông gọi sự cố ngày 14/2 là “món quà trời cho” đối với Bắc Kinh, cho phép họ thêu dệt một câu chuyện tuyên truyền để thúc đẩy mục đích đó.

Nhóm người biểu tình từ Mặt trận Công dân Đài Loan và Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan hô khẩu hiệu trong khi giương biểu ngữ trước Hiệp hội Trao đổi Du lịch Qua eo biển Đài Loan, tại Đài Bắc, vào ngày 27/2/2024. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images) )
Nhóm người biểu tình từ Mặt trận Công dân Đài Loan và Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan hô khẩu hiệu trong khi giương biểu ngữ trước Hiệp hội Trao đổi Du lịch Qua eo biển Đài Loan, tại Đài Bắc, vào ngày 27/2/2024. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images) )

Thông tin sai lệch được lan truyền một cách có chủ đích

Ông Lehberger gọi sự cố lật thuyền là một "thông tin sai lệch được lan truyền một cách có chủ đích". Ông cho biết thật không may khi hai người sống sót trên thuyền đã được thả ra mà không bị thẩm vấn.

"Những ngư dân đó chắc chắn là giả; điều này được xác nhận bởi một loạt các sự thật đã được xác minh", ông nói.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập tuyên bố của ông rằng những người trên thuyền không phải là ngư dân. Tuy nhiên, được biết chiếc thuyền Trung Quốc không được đăng ký. Những tin đồn trên mạng xã hội cho rằng những ngư dân này là gián điệp, buôn lậu hoặc kẻ phá hoại của Trung Quốc.

Trung Quốc có lịch sử sử dụng tàu đánh cá ngụy trang như một lực lượng dân quân hàng hải cho các mục đích khác nhau, khiến những tin đồn này thêm đáng tin cậy. Ngoài ra, những sự cố trước đây ảnh hưởng đến ngành đánh cá của khu vực đã tạo ra sự nghi ngờ. Trang web chính phủ của huyện Kim Môn cho biết thiệt hại "lớn" về nguồn lợi thủy sản do "đánh bom cá trái phép và đánh bắt xuyên biên giới" liên quan đến các tàu đánh cá từ Trung Quốc.

Trong tuyên bố của mình, Hội đồng Các vấn đề Đại lục Đài Loan bày tỏ quan điểm tương tự: "Trong những năm qua, một số ít người từ Trung Quốc đại lục đã xâm phạm vùng biển Đài Loan để hút cát, đánh cá bằng thuốc nổ và chất độc, xả rác thải ra biển và tham gia vào các hành vi khác có hại cho hệ sinh thái biển".

Ông Lehberger cho biết những tuyên bố này cũng xuất phát từ việc "những người sống sót nói tiếng Quan Thoại với giọng của các tỉnh nội địa". Ông bày tỏ nghi ngờ "rằng cả 4 người đều [không phải] là dân địa phương từ bờ biển Phúc Kiến và do đó hoàn toàn không biết cách đánh cá và sinh tồn khi vô tình rơi xuống biển".

Ông cho biết hải quân Đài Loan đã theo dõi vùng biển xung quanh Kim Môn để theo dõi bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào liên quan đến các loại tàu khác nhau, tương tự như chiếc tàu cao tốc bị lật.

“Tàu cao tốc được đề cập thực sự không phù hợp với bất kỳ hoạt động đánh bắt cá thông thường nào, trong khi nó lại hoàn hảo cho việc buôn lậu và trốn tránh việc thực thi pháp luật. Những chiếc thuyền như vậy được chính quyền Đài Loan và Trung Quốc gọi là 'ba không': không giấy tờ tùy thân/tên, không giấy tờ và không đăng ký tại bất kỳ bến cảng nào", ông Lehberger nói.

Chính phủ Đài Loan đã trả hai người sống sót lại cho Trung Quốc, mà không tiến hành thẩm vấn kỹ lưỡng để xác định danh tính và động cơ của họ, ông nói. Thêm vào đó, "truyền thông Đài Loan không được phép phỏng vấn hai người này. Điều này có lý để tránh leo thang căng thẳng một chiều với Trung Quốc".

Cơ quan Cảnh sát Biển Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng họ không thể quay lại sự cố do tốc độ cao và thời gian rượt đuổi ngắn.

Ông Lehberger nói, việc Cảnh sát Biển Đài Loan không thể cung cấp các chi tiết quan trọng đã trở thành một sai lầm nghiêm trọng đối với Đài Loan, mặc dù các quan chức cho biết đó là sơ suất ngoài ý muốn.

Ban đầu, Đài Loan đã không tiết lộ rằng hai chiếc thuyền đã va chạm trước khi tàu Trung Quốc lật đổ, chỉ cách vùng biển Đài Loan 0,86 hải lý (1,611 km).

“Trung Quốc ngay lập tức lợi dụng hai người sống sót như công cụ tuyên truyền, miêu tả họ như những nạn nhân trong các màn trình diễn dàn dựng trước truyền thông Trung Quốc", ông Lehberger nói.

"Người xem có thể thấy họ khóc lóc một cách khoa trương và than thở về những 'hành động vô nhân đạo và tàn bạo' của Cảnh sát Biển Đài Loan, những người được cho là đã cố tình húc vào tàu cao tốc của họ, khiến nó lật đổ để 'giết' họ".

Bất chấp những mâu thuẫn trong các nguồn tin, một quan chức Đài Loan giấu tên nói với The Epoch Times rằng sự việc này rất đơn giản nhưng đã bị chính trị hóa do thiếu video quay lại vụ việc.

“Cảnh sát Biển Đài Loan yêu cầu tàu đánh cá dừng lại để kiểm tra trên tàu. Đây là quyền hợp pháp của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào", vị quan chức nói, nhấn mạnh rằng Cảnh sát Biển hoàn toàn có quyền hạn này.

Tàu nạo vét cát của Trung Quốc được quan sát từ đài thiên văn ở Kim Môn, Đài Loan, vào ngày 24/9/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Tàu nạo vét cát của Trung Quốc được quan sát từ đài thiên văn ở Kim Môn, Đài Loan, vào ngày 24/9/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Đài Loan khẳng định quân đội không can thiệp vào vụ việc

Sau vụ việc ngày 14/2, Đài Loan khẳng định quân đội của họ sẽ không can thiệp vào vụ việc liên quan đến tàu du lịch. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết Lực lượng Tuần duyên Đài Loan sẽ chịu trách nhiệm giám sát vùng biển quanh Kim Môn. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn tránh chiến tranh".

Chuyên gia Lehberger nhận định động thái này là "thận trọng" mặc dù cũng vấp phải những ý kiến trái chiều trong nội bộ Đài Loan.

Ông phân tích: "Đài Loan đang truyền tải thông điệp tới Trung Quốc rằng họ cũng không nên can thiệp quân sự. Trung Quốc có thể sẽ 'ăn miếng trả miếng', đơn giản vì sự kiện này cũng khiến họ bất ngờ và ... quân đội Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng".

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng những yêu cầu về việc quân đội Đài Loan tham gia tuần tra vùng biển quanh Kim Môn là không phải hoàn toàn vô căn cứ.

Ông giải thích: "Trung Quốc đã tuyên bố ý định đơn phương (và bất hợp pháp theo luật quốc tế) biến eo biển Đài Loan, một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng, thành một hồ nội địa của Trung Quốc bằng cách sử dụng hải quân Trung Quốc như lực lượng thực thi".

Tận dụng sự ủng hộ của quốc tế

Ông Lehberger đề xuất rằng Đài Loan có thể phản bác hiệu quả luận điệu của Trung Quốc bằng cách quốc tế hóa sự cố này, đồng thời thu hút sự chú ý của Mỹ và Nhật Bản. Một cách thức chính là tận dụng sự hỗ trợ của lực lượng Tuần duyên trên vùng biển quốc tế gần Đài Loan.

"Vì không quốc gia nào có quyền kiểm soát vùng biển quốc tế ở eo biển Đài Loan giữa đảo Đài Loan và Kim Môn, và chưa có chiến tranh xảy ra, nên chỉ lực lượng Tuần duyên mới có thể thực thi pháp luật hiệu quả trong những tình huống như vậy", ông nói.

Ngoài Lực lượng Tuần duyên Đài Loan, các lực lượng từ Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng thường xuyên hoạt động trên vùng biển xung quanh Đài Loan. Một đơn vị Tuần duyên Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan để hỗ trợ Lực lượng Tuần duyên Đài Loan và có thể có thêm nhiều đơn vị khác tham gia, ông nói thêm.

"Hiện tại, Trung Quốc cũng không thể leo thang tình hình quân sự, vì họ sẽ phải đối đầu hoặc ít nhất là theo dõi động thái của các lực lượng Mỹ hùng mạnh hơn trong khu vực", ông nói.

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ dành cho Đài Loan, Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban thuộc Hạ viện chuyên trách vấn đề Trung Quốc, đã tới thăm hòn đảo này vào tuần trước cùng một phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ. Hôm 22/2, ông Gallagher tuyên bố tại Đài Bắc rằng bất kể ai thắng cử trong cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ, thì sự ủng hộ dành cho Đài Loan sẽ vẫn tiếp tục.

"Hôm nay, chúng tôi đến [Đài Loan] với tư cách là những người [thuộc đảng] Dân chủ và [đảng] Cộng hòa, để thể hiện sự ủng hộ lưỡng đảng của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác này, vốn nhờ sự lãnh đạo của Tổng thống Thái Anh Văn mà ngày càng vững chắc hơn", ông Gallagher nói với Tổng thống Thái Anh Văn.

Trung Quốc coi sự can thiệp quốc tế là 'mối nguy hiểm nghiêm trọng'

Theo Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, vào tuần trước, ông Vương Hỗ Ninh (được giới quan sát quốc tế mệnh danh là chiến lược gia bên cạnh 3 thế hệ Tổng bí thư gần đây của Trung Quốc) đã chủ trì một cuộc họp kéo dài hai ngày để đánh giá các hoạt động liên quan đến Đài Loan trong năm nay.

Năm nay đánh dấu 75 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Vương tuyên bố Bắc Kinh "phải kiên quyết đấu tranh chống lại sự chia rẽ do vấn đề độc lập Đài Loan gây ra, kiềm chế sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, kiên định ủng hộ các lực lượng yêu nước và thống nhất trên đảo Đài Loan, đoàn kết đồng bào Đài Loan, và duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Chuyên gia Lehberger nhận định, việc Trung Quốc nhấn mạnh giảm thiểu sự can thiệp bên ngoài chính là minh chứng cho cho quan điểm của ông: cách hiệu quả nhất để Đài Loan vô hiệu hóa nỗ lực của Trung Quốc là quốc tế hóa vấn đề, kêu gọi sự hỗ trợ của lực lượng Tuần duyên từ Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ông nói, sự tham gia của quốc tế chính xác là điều Bắc Kinh không mong muốn. Trung Quốc coi đó là "một mối nguy hiểm nghiêm trọng" đối với mục tiêu "phá hoại nền dân chủ của Đài Loan và tước đi khả năng phòng thủ hợp pháp của họ". Bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản đều sẽ bị Trung Quốc gán má là sự can thiệp từ nước ngoài, ông nói.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bắc Kinh lợi dụng các sự kiện gần đây ở eo biển Đài Loan nhằm mục đích tuyên truyền