Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Biden phơi bày sự đối đầu Mỹ - Trung?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 3/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài. Theo thông cáo chính thức từ cả hai phía, cuộc điện đàm diễn ra trong ‘bầu không khí cởi mở và mang tính xây dựng’, ngôn ngữ thường được sử dụng trong ngoại giao.

Tuy nhiên, cuộc điện đàm không đạt được kết quả cụ thể nào. Tổng thống Biden, người chủ động đề xuất cuộc điện đàm, đã lặp lại các yếu tố then chốt trong chiến lược đối đầu kinh tế và chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.

Vấn đề Đài Loan đang nổi lên như một điểm nóng căng thẳng, đặc biệt là với lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức (người ủng hộ độc lập cho Đài Loan) vào ngày 20/5 với tư cách tân tổng thống của hòn đảo. Chính quyền ông Biden đã cố ý làm gia tăng căng thẳng về vấn đề Đài Loan bằng cách thực hiện những hành động như gần như hủy bỏ chính sách Một Trung Quốc.

Chính sách "Một Trung Quốc" vốn được Hoa Kỳ áp dụng, thực tế công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan. Trung Quốc nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo với đại lục nếu Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức.

Theo thông cáo chính thức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định với Chủ tịch Tập rằng Hoa Kỳ không ủng hộ các lực lượng chủ trương "Đài Loan độc lập", tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc.

Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng khẳng định mục tiêu của Washington không nhằm thay đổi thể chế chính trị của Trung Quốc và các liên minh của Mỹ không nhằm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, những tuyên bố này khó có thể nhận được sự tin tưởng hoàn toàn từ Bắc Kinh, bởi chính quyền ông Biden đã dỡ bỏ các nghi thức ngoại giao lâu đời vốn hạn chế quan hệ chính thức giữa Mỹ và Đài Loan. Mỹ cũng tăng cường cung cấp và bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời triển khai "huấn luyện viên" quân sự Mỹ tại đây, bao gồm cả các đảo nhỏ chỉ cách Trung Quốc vài km.

Trên bình diện chiến lược, Mỹ tăng cường củng cố các liên minh quân sự, thúc đẩy sự hiện diện dày đặc hơn của NATO và mở rộng đáng kể quy mô các cuộc tập trận quân sự chung trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mục đích chính của những động thái này được cho là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cụ thể, ông Biden dự kiến tổ chức một cuộc họp tại Nhà Trắng vào tuần tới với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự giữa ba đồng minh.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tính cấp bách của "vấn đề Đài Loan" và khẳng định đây là "lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Mỹ - Trung".

Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã đưa ra lời cảnh báo rõ ràng và mạnh mẽ: "Trung Quốc sẽ không làm ngơ trước hoạt động ly khai và sự ủng hộ từ bên ngoài cho các lực lượng chủ trương 'Đài Loan độc lập'". Tuyên bố cũng nêu rõ: "Ông Tập Cận Bình kêu gọi phía Mỹ biến cam kết không ủng hộ các lực lượng chủ trương 'Đài Loan độc lập' của Tổng thống Biden thành những hành động cụ thể".

Thông cáo vắn tắt do Nhà Trắng đăng tải về cuộc điện đàm, tuy thiếu đi chi tiết, song vẫn nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải trên Biển Đông".

Nói cách khác, ông Biden không thực hiện nỗ lực đáng kể nào để xoa dịu căng thẳng, vốn đã bị thổi bùng bởi các hành động khiêu khích của Hải quân Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông với lý do "tự do hàng hải".

Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng đã bày tỏ quan ngại về cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ cho nền công nghiệp quốc phòng của Nga. Đây có thể là lý do chính cho cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung.

Trong bối cảnh căng thẳng với Nga - một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine và ủng hộ cuộc chiến tranh diệt chủng của Israel ở Gaza - ông Biden có khả năng cao đang tìm cách trì hoãn, ít nhất là tạm thời, một cuộc xung đột công khai với Trung Quốc trong giai đoạn ông bước vào cuộc bầu cử Mỹ.

Trong cuộc điện đàm hôm 3/4, ông Tập Cận Bình cảnh báo phía Hoa Kỳ đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm kiềm chế sự phát triển thương mại và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời liệt ngày càng nhiều thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. "Đây không phải là 'giảm thiểu rủi ro' mà là tạo ra rủi ro", ông cảnh báo.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ hé lộ chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. Theo một quan chức của Bộ Tài chính, bà Yellen dự định sẽ tiến hành "những cuộc thảo luận thẳng thắn" về những điều mà Washington coi là các hành vi thương mại "không công bằng" của Trung Quốc.

Bộ trưởng Yellen đã cảnh báo về mối đe dọa từ "công suất sản xuất dư thừa" của Trung Quốc - nói cách khác là khả năng các tập đoàn Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, có sức cạnh tranh.

Trao đổi với đài BBC, ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ thuộc Trung tâm Wilson, đánh giá cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình mang tính hình thức là chính. Mục đích chính của cuộc điện đàm là thể hiện với thế giới cam kết của hai nước trong việc quản lý tốt mối quan hệ song phương, bất chấp những động lực tiêu cực vẫn hiện hữu.

Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023 tại San Francisco. Đây là nỗ lực tái thiết lập kênh liên lạc cấp cao giữa hai nước sau giai đoạn căng thẳng leo thang do vụ khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh trước đó không mang lại nhiều biện pháp cụ thể để cải thiện quan hệ song phương.

Dưới vỏ bọc hợp tác phô trương, những "động lực tiềm ẩn" trong mối quan hệ Mỹ - Trung đang âm ỉ và ngày càng trở nên nguy hiểm. Bất chấp những lý do đằng sau cuộc điện đàm Biden - Tập hay những thay đổi đột ngột trong chính sách đối với Bắc Kinh, mục tiêu kiên định của Mỹ vẫn là sử dụng mọi phương thức, bao gồm cả quân sự, để duy trì vị thế thống trị toàn cầu trước sự bành trướng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Biden phơi bày sự đối đầu Mỹ - Trung?