Đảng Cộng hòa cảnh báo đảo Guam là mục tiêu 'dễ bị tấn công' của tên lửa Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân biểu Mike Gallagher đang yêu cầu Lục quân Hoa Kỳ cung cấp thông tin về việc tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trên đất liền ở đảo Guam, do “tầm quan trọng chiến lược” của hòn đảo này “rất dễ bị tấn công” trong bối cảnh Trung Quốc leo thang các hành động xâm lược quân sự.

Ông Gallagher, chủ tịch Ủy ban chuyên trách Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã gửi thư cho Bộ trưởng Lục Quân Christine Wormuth. Trong thư, ông chỉ ra rằng Mỹ có “những lỗ hổng đáng kể” về năng lực bảo vệ đảo Guam trước tên lửa hành trình của Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt quân sự của đảo Guam, đồng thời cho biết hòn đảo nhiệt đới nhỏ bé này "đóng vai trò thiết yếu" trong việc bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đảo Guam, lãnh thổ cực tây của Hoa Kỳ, có Căn cứ Hải quân Guam, căn cứ tàu ngầm duy nhất của Hải quân ở Tây Thái Bình Dương và Căn cứ Không quân Andersen, một căn cứ không quân lớn được trang bị máy bay ném bom và máy bay chiến đấu chiến lược. Hòn đảo này cũng là nơi đồn trú của hơn 20.000 lính Mỹ.

Ông Gallagher cho biết trong một tuyên bố: “Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng chiến lược của nó, đảo Guam vẫn rất dễ bị tấn công trước mạng lưới tên lửa ngày càng tinh vi từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), đặc biệt là tên lửa hành trình của nước này”.

Trong thư, ông viết, với lợi thế địa lý gần đảo Guam hơn Hawaii, giới lãnh đạo Trung Quốc “đã dành nhiều thập kỷ để phát triển cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể nhắm tới đảo Guam”.

Ông viết : “[Trung Quốc] cũng đã phát triển một kho tên lửa hành trình đáng gờm, có thể phóng từ nhiều nền tảng, bao gồm từ tàu, tàu ngầm và máy bay ném bom”.

Nhà lập pháp đảng Cộng hòa tuyên bố rằng "trong khi Hoa Kỳ đã phát triển năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển và trên đất liền, cũng như có đủ năng lực phòng thủ tên lửa hành trình trên biển” thì Washington vẫn còn "những lỗ hổng đáng kể về năng lực phòng thủ trước tên lửa hành trình của Trung Quốc tấn công các mục tiêu trên bộ như đảo Guam”.

Ông Gallagher viết trong thư: “Những thiếu sót như vậy gây nguy hiểm nghiêm trọng cho khả năng sử dụng đảo Guam như một cảng tàu ngầm trọng yếu và căn cứ để hỗ trợ các hoạt động trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào với [Trung Quốc]”.

Sau đó, vị Chủ tịch Ủy ban chuyên trách của Hạ viện đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng về nhiều sự chậm trễ đáng kể của "hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình của Lục quân được thiết kế để chống lại tên lửa hành trình”.

Ông Gallagher cho biết nguyên mẫu bệ phóng của Lục quân cho hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể không được giao đúng tiến độ do lo ngại về chuỗi cung ứng, đồng thời ông dẫn lời một phát ngôn viên của Lục quân rằng việc cung cấp nguyên mẫu này có thể bị trì hoãn cho đến cuối năm 2024.

Ông Gallagher nói, điều quan trọng là phải tìm ra “các phương án thay thế có thể lấp đầy khoảng trống phòng thủ do sự chậm trễ giao hàng tạo ra”. Ông nhấn mạnh rằng "Hoa Kỳ đã gửi tới Ukraine nhiều Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), mà theo Lầu Năm Góc, 'đã cực kỳ thành công'".

Bức thư có đoạn: “Thật không may, Lục quân đã không cung cấp một hệ thống hiệu quả tương tự cho đảo Guam”.

Ông Gallagher sau đó yêu cầu Lục quân cung cấp cho ủy ban của ông thông tin về sự chậm trễ do các vấn đề về chuỗi cung ứng, đồng thời hỏi liệu có chuỗi cung ứng nào có trụ sở tại Trung Quốc hay không. Ông cũng hỏi Lục quân rằng liệu các hệ thống phòng thủ thay thế, chẳng hạn như NASAMS hay Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, có được triển khai để bảo vệ đảo Guam như một "giải pháp tạm thời" hay không.

Lục quân Hoa Kỳ đã không phản hồi yêu cầu bình luận vào thời điểm đăng bài viết này.

Quân đội của ĐCSTQ tìm cách đánh bại 'kẻ thù mạnh'

Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc hàng năm do Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) công bố vào tháng 10/2023, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quân đội của mình để “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến” trước “kẻ thù mạnh”.

Báo cáo nêu rõ, Lầu Năm Góc ước tính rằng Trung Quốc “sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tính đến tháng 5/2023 - và đang trên đà vượt quá các dự đoán trước đó”.

“DoD ước tính rằng Trung Quốc có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động vào năm 2030”, theo báo cáo.

Theo báo cáo, Bắc Kinh có khả năng tăng cường công nghệ tên lửa thông thường để cho phép tấn công trực tiếp vào lục địa Hoa Kỳ.

Báo cáo cho biết: “ĐCSTQ có thể đang khám phá [sự] phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa xuyên lục địa được trang bị vũ khí thông thường, cho phép ĐCSTQ đe dọa các cuộc tấn công thông thường nhằm vào các mục tiêu ở lục địa Hoa Kỳ”.

Sự mở rộng và hiện đại hóa hạt nhân nhanh chóng, cũng như sự phát triển của các hệ thống tên lửa, diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà phân tích và chuyên gia cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc đang phát triển năng lực hạt nhân của mình với mục tiêu rõ ràng là đe dọa trực tiếp Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa cảnh báo đảo Guam là mục tiêu 'dễ bị tấn công' của tên lửa Trung Quốc