Nga phóng tàu cứu hộ lên trạm vũ trụ giải cứu phi hành gia bị mắc kẹt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 24/2, Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) đã phóng tàu vũ trụ Soyuz MS-23 lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để giải cứu 3 phi hành gia, sau khi chiếc tàu cũ bị thủng bộ tản nhiệt.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-23 đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan lúc 3 giờ 24 phút sáng 24/2 theo giờ Moscow. Chiếc Soyuz tiếp viện này dự kiến sẽ đến được Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào ngày 26/2, theo hãng thông tấn TASS.

Đây được xem là sứ mệnh đặc biệt với Soyuz MS-23 khi lần đầu tiên nó được phóng lên ISS mà không có phi hành đoàn đi cùng. Con tàu sẽ vận hành hoàn toàn tự động trong suốt quá trình bay.

Theo đó, tàu vũ trụ Soyuz MS-23 sẽ đưa 2 phi hành gia người Nga là Dmitry Petelin và Sergei Prokopyev, cùng phi hành gia Frank Rubio của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trở về Trái Đất vào ngày 27/9 tới.

Cả ba phi hành gia này đều mắc kẹt lại ISS hơn hai tháng sau khi tàu vũ trụ Soyuz MS-22 gặp sự cố và không đủ an toàn để thực hiện chuyến bay trở lại Trái Đất.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-23 không có phi hành đoàn mà chỉ vận chuyển 429kg đồ dùng và thiết bị phục vụ cuộc sống và nghiên cứu khoa học cho các nhà du hành vũ trụ trên ISS.

Hôm 20/2, Thiết kế trưởng Vladimir Soloviev, bộ phận chế tạo hệ thống có người lái của Tập đoàn tên lửa và vũ trụ Nga (RSC) kiêm giám đốc chương trình tàu vũ trụ Soyuz của Roscosmos, số hàng hóa, nhu yếu phẩm Soyuz MS-23 mang lên ISS lần này lớn hơn gấp ba lần so với bình thường.

Sự cố rò rỉ chất làm mát

Tàu vũ trụ đã mang 3 phi hành gia lên ISS vào tháng 9/2022 thực hiện một sứ mệnh kéo dài 6 tháng và đã gặp sự cố rò rỉ ở bộ phận làm mát khiến họ không thể trở về Trái đất. Các quan chức Nga - Mỹ đã lên một kế hoạch mới để đưa ba phi hành gia này trở về Trái đất.

Theo đó, vào ngày 15/12/2022, khi đang chuẩn bị cho chuyến đi bộ ngoài không gian, các phi hành gia tàu Soyuz MS-22 phát hiện tàu bị rò rỉ chất làm mát do một lỗ thủng nhỏ ở bộ tản nhiệt bên ngoài.

Theo dữ liệu sơ bộ, sự cố có thể do thiên thạch siêu nhỏ hoặc rác vũ trụ va vào phía ngoài khoang dụng cụ của tàu Soyuz MS-22.

Một sự cố tương tự dường như đã xảy ra với tàu chở hàng Progress MS-21 của Nga cập cảng vào ngày 1/2. Chế độ xem camera cho thấy một lỗ nhỏ trên chiếc tàu hàng và trên tàu Soyuz MS-22.

Roscosmos thông báo sự cố không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà du hành Nga trên ISS.

Trước khi tiến hành vụ phóng hôm 24/2, Roscosmos đã phải hoãn vụ phóng chiếc Soyuz MS-23 để tìm hiểu xem liệu nó có thêm bất kỳ lỗi kỹ thuật nào khác hay không. Sau khi không phát hiện thêm lỗi nào, con tàu đã thực hiện chuyến bay giải cứu lúc rạng sáng 24/2 từ bãi phóng ở Kazakhstan, với nhiều phương tiện tiếp viện đặt vào 3 ghế ngồi.

Do tính khẩn cấp của vụ phóng tàu giải cứu, hai quan chức hàng đầu của Cơ quan Hàng không - Không gian Mỹ (NASA) đã bay từ Hoa Kỳ đến bãi phóng để trực tiếp quan sát vụ phóng này. Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi chiếc Soyuz MS-23 bay lên quỹ đạo 9 phút sau khi cất cánh.

Các nhà chức trách đánh giá rằng việc đưa 3 phi hành gia: Frank Rubio của NASA, Sergey Prokopyev và Dmitri Petelin của Nga trở lại con tàu Soyuz bị hư hại của họ vào tháng tới là quá nguy hiểm. Nếu không có chất làm mát, nhiệt độ trong tàu sẽ tăng đột ngột trong chuyến hành trình trở về Trái đất, có khả năng phá hủy máy tính và các thiết bị khác, đồng thời khiến phi hành đoàn phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao.

Kế hoạch dự phòng

Trước khi có kế hoạch dùng chiếc Soyuz để giải cứu, các kế hoạch khẩn cấp là đưa phi hành gia người Mỹ Rubio qua tàu vũ trụ của SpaceX đang neo đậu tại ISS.

Trong khi đó, hai phi hành gia Nga Prokopyev và Petelin vẫn ở trong chiếc Soyuz bị hư hỏng của họ trong trường hợp không cần phải thoát hiểm nhanh chóng. Các kỹ sư Nga kết luận rằng có ít người hơn trên tàu sẽ giữ nhiệt độ ở mức có thể kiểm soát được.

Đến cuối tháng 3, con tàu Soyuz bị hư hại sẽ quay trở lại Trái đất mà không có người trên tàu để các kỹ sư kiểm tra.

Phát biểu với báo giới, Phó giám đốc chương trình trạm vũ trụ của NASA Dana Weinberg cho biết: “Người Nga đang tiếp tục theo dõi sát sao” cả hai vụ rò rỉ trên tàu vũ trụ. Họ đang xem xét mọi thứ… để cố gắng nắm bắt vụ việc”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga phóng tàu cứu hộ lên trạm vũ trụ giải cứu phi hành gia bị mắc kẹt