Nga và Ukraine tố nhau 'khủng bố' bằng máy bay không người lái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau về tội khủng bố sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào cuối tuần ở cả hai nước. Ngày 29/7, Moscow tuyên bố đã bắn hạ 3 máy bay không người lái (UAV), một chiếc ở quận Odintsovo gần Moscow và 2 chiếc khác ở khu vực ngoại ô cao cấp của chính Moscow.

Theo Moscow, các cuộc không kích không dẫn đến thương tích và thiệt hại tương đối ít. Tuy nhiên, các bức ảnh và video về hậu quả của vụ việc cho thấy một góc của một tầng trong khu phức hợp cao tầng của khu vực Moscow City đã bị phá hủy hoàn toàn.

Moscow City là khu tài chính và kinh doanh mang tính biểu tượng của thủ đô Nga, nơi tọa lạc các tòa nhà chọc trời cao nhất của đất nước.

"Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công Moscow tối qua (29/7). Mặt tiền của hai tòa tháp văn phòng bị hư hại nhẹ. Không có nạn nhân hay người bị thương", Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin viết trên kênh Telegram.

Theo truyền thông nhà nước Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố các cuộc không kích là bằng chứng cho thấy Ukraine đang thực hiện "các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự" sau khi cuộc phản công của nước này bị đình trệ.

Ngược lại, hãng tin Ukraine The Kyiv Independent đã trích dẫn các phương tiện truyền thông độc lập của Nga nói rằng tòa nhà chọc trời này là nơi đặt văn phòng của Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Phát triển Kỹ thuật số của Nga, cũng như nhiều cơ quan khác.

Theo truyền thông nhà nước Nga, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông không có thông tin về loại máy bay không người lái nào được sử dụng trong các cuộc không kích. Sau vụ việc, các nhà chức trách đã đóng cửa sân bay Vnukovo ở Moscow.

Tăng cường các cuộc không kích ở khu vực đô thị

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã thừa nhận các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Moscow, nói rằng thật công bằng khi cuộc chiến lan rộng đến quê hương của "những kẻ khủng bố Nga".

Theo một bản ghi chính thức của bài phát biểu, ông Zelenskyy tuyên bố: "Ukraine đang trở nên mạnh mẽ hơn. Chiến tranh đang dần quay trở lại lãnh thổ Nga - trở lại các trung tâm biểu tượng và căn cứ quân sự của nước này, và đây là một quá trình không thể tránh khỏi, tự nhiên và hoàn toàn công bằng”.

Tuy nhiên, ông Zelenskyy không nói rõ liệu các cuộc tấn công có phải do lực lượng Ukraine thực hiện hay không.

Sự cố này giống hệt với sự cố xảy ra vào đầu tháng 6/2023. Vào thời điểm đó, một số máy bay không người lái dường như đang nhắm mục tiêu vào các quan chức tình báo chủ chốt của Nga và không kích một vùng ngoại ô Moscow giàu có.

Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chặn đứng nỗ lực của 25 máy bay không người lái Ukraine nhằm bao vây cơ sở hạ tầng ở Bán đảo Crimea. Nga đã chiếm đóng và sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.

Các lực lượng Nga thường xuyên nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, bao gồm các khu chung cư, bệnh viện, cửa hàng thực phẩm, nhà máy nước và năng lượng.

Để đáp trả các cuộc tấn công ở Moscow, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine.

Ông Serhii Kruk, người đứng đầu Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng một số cuộc tấn công của Nga vào các khu dân cư bắt đầu vào ngày 31/7, khiến 4 người thiệt mạng và làm bị thương 44 người khác.

Cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ

Cả Nga và Ukraine đều tăng cường các cuộc tấn công tầm xa khi họ tìm cách thâm nhập vào miền đông Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá.

Các lực lượng Nga đang phải đối mặt với tình trạng tinh thần sa sút và thiếu hụt nguồn cung trên diện rộng để chống lại cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine. Tuy nhiên, cuộc phản công chủ yếu bị cản trở bởi các bãi mìn khổng lồ của Nga. Moscow đã “rải” số mìn này trong suốt 500 ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Đầu tháng trước, giới chức quân sự Mỹ thừa nhận rằng cuộc phản công được lên kế hoạch từ lâu của Ukraine đã không diễn ra như mong đợi.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cho biết tại cuộc họp ngày 18/7 của Nhóm Liên lạc Ukraine (một liên minh gồm 54 quốc gia cung cấp cho Ukraine vũ khí để tự vệ), Ukraine đã vấp phải một số khó khăn.

"Chiến tranh thực sự rất khó lường. Nó chất chứa đầy sợ hãi, sương mù và ma sát. Chiến tranh thực sự rất khắc nghiệt. Đó là sự khác biệt giữa chiến tranh trên lý thuyết và thực chiến”.

Vị tướng lập luận rằng nguyên nhân khiến cuộc phản công của Ukraine chậm lại là do Nga đã tạo ra các bãi mìn mở rộng trên khắp miền đông Ukraine, tiếp tục sát hại các quân nhân Ukraine và phá hủy các phương tiện, cũng như các đội săn sát thủ được bố trí chiến lược nhằm tấn công lực lượng Ukraine khi họ đang sa lầy trong bãi mìn.

Khi được hỏi thẳng thừng liệu cuộc phản công có thất bại hay không, ông Milley trả lời: “Còn lâu mới thất bại. Còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy".

Phát biểu trước báo giới hôm 18/7, ông nói thêm: “Cuộc phản công này còn kéo dài. Sẽ rất khó khăn. Sẽ rất đẫm máu".

Mỹ lo ngại cuộc tấn công cờ giả của Nga

Washington cũng cảnh báo rằng Moscow có thể sử dụng thủy lôi của chính mình trong một “chiến dịch cờ giả” để biện minh cho việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu chở ngũ cốc dân sự ở phía bắc Biển Đen.

Nhà Trắng đưa ra cảnh báo trên chỉ vài ngày sau khi Moscow tuyên bố sẽ không gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này cho phép các tàu vận chuyển ngũ cốc đến và đi từ Ukraine miễn là chúng được kiểm tra bởi bên thứ ba để đảm bảo chúng không được sử dụng để buôn lậu vũ khí. Thỏa thuận cũng cho phép Ukraine vận chuyển hàng triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu qua các vùng biển quốc tế ở Biển Đen.

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 trên thế giới và là nước xuất khẩu lớn về ngô, hạt hướng dương và dầu thực vật.

Kể từ khi thỏa thuận chấm dứt, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu tấn công các cơ sở dân sự ở các thành phố cảng của Ukraine. Ông cho rằng nỗ lực này rõ ràng nhằm làm suy yếu nguồn cung cấp lương thực của Ukraine, bao gồm cả khả năng nhập khẩu và xuất khẩu ngũ cốc của nước này. Theo ông, quân đội Nga cũng đặt thủy lôi xung quanh các cảng của Ukraine.

"Nga đã tuyên bố công khai rằng tất cả các tàu tiến tới các cảng của Ukraine ở vùng Biển Đen sẽ được coi là tàu chở hàng quân sự tiềm năng, mặc dù thực tế là chúng chỉ đang cố gắng lấy lương thực để nuôi sống người dân trên khắp thế giới", ông Kirby nói.

Ngoài việc nhắm mục tiêu vào các tàu chở ngũ cốc dân sự, Moscow cũng tuyên bố sẽ theo dõi bất kỳ tàu nào tương tự đi vào các cảng của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nếu một con tàu cố ý cập cảng Biển Đen của Ukraine, bất kể treo cờ của quốc gia nào, thì họ sẽ xem như quốc gia ấy là một bên tham gia vào cuộc chiến Nga - Ukraine.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga và Ukraine tố nhau 'khủng bố' bằng máy bay không người lái