Triều Tiên tuyên bố lính Mỹ vượt biên trái phép để 'tìm nơi ẩn náu'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên, một binh sĩ Mỹ chạy nước rút qua biên giới Triều Tiên được củng cố nghiêm ngặt vào tháng trước đã thừa nhận xâm nhập bất hợp pháp vào quốc gia này với mục tiêu "tìm nơi ẩn náu".

Hôm 18/7, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, cơ quan giám sát Khu phi quân sự (DMZ) do Mỹ điều hành, thừa nhận rằng một công dân Mỹ đã có chuyến tham quan làng đình chiến Panmunjom ở biên giới Triều Tiên trước khi băng qua Triều Tiên mà không có sự cho phép chính thức.

Các quan chức Mỹ cho biết người lính, được xác định là binh nhì Travis King, 23 tuổi. Vào ngày 18/7, khi đang trong chuyến tham quan Khu vực An ninh Chung ở thị trấn Panmunjom, anh bất ngờ lao về biên giới Triều Tiên.

King là trinh sát kỵ binh của Sư đoàn Thiết giáp số 1, người đã ở tù gần hai tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung. King được trả tự do vào ngày 10/7 sau thời gian thụ án. Anh được đưa về nhà ở Fort Bliss, tiểu bang Texas, Mỹ, vào ngày 17/7. Tại đây, anh có thể phải đối mặt với các hình thức kỷ luật quân sự bổ sung và giải ngũ.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, King đã "cố ý và không được phép" vượt qua giới tuyến quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 16/8 đưa tin, King đã bị lực lượng Triều Tiên "kiểm soát" sau khi cố tình xâm nhập vào lãnh thổ Triều Tiên.

Đài KCNA đưa tin: "Trong quá trình điều tra, Travis King thừa nhận anh ta đã quyết định đến Triều Tiên vì tức giận trước sự ngược đãi vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ. Anh ta cũng bày tỏ sẵn sàng xin tị nạn ở Triều Tiên hoặc nước thứ ba, nói rằng mình đã vỡ mộng trước xã hội bất bình đẳng của Mỹ".

Đài KCNA cho biết Travis King đã “được binh lính của Quân đội Nhân dân Triều Tiên kiểm soát” sau khi vượt biên và cuộc điều tra hiện vẫn đang được tiến hành.

Hãng thông tấn khẳng định rằng "một cơ quan có liên quan của CHDCND Triều Tiên” hiện đang tiến hành một cuộc điều tra về vụ việc.

Đây là phản ứng công khai đầu tiên của Triều Tiên về tình trạng của người lính Mỹ. Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Triều Tiên cập nhật thông tin về người lính Mỹ nhưng không nhận được câu trả lời.

Hôm 1/8, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder tuyên bố rằng Triều Tiên đã chấp nhận cuộc điều tra của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc về người lính nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Chuẩn tướng Patrick Ryder, một quan chức Lầu Năm Góc, cho biết: “Tôi có thể xác nhận Triều Tiên đã phản hồi Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, nhưng tôi chưa thấy có tiến triển đáng kể nào để công bố".

Gia đình King khiếu nại lên Bắc Triều Tiên

Theo phát ngôn viên của gia đình, ông Jonathan Franks, mẹ của Travis King là bà Claudine Gates đang cầu xin Triều Tiên đối xử "nhân đạo" với con trai bà và hy vọng nhận được "một cuộc điện thoại" từ cậu con trai.

Ông Franks nói: “Cuối cùng, bà ấy đã nói chuyện với Quân đội vào tối nay và đánh giá cao tuyên bố của [Bộ Quốc phòng] nói rằng trọng tâm vẫn là đưa King về nhà”.

Bà Soo Kim, một chuyên gia của công ty tư vấn LMI có trụ sở tại tiểu bang Virginia và là cựu nhà phân tích của CIA, tin rằng đây có thể là "sự tuyên truyền của Triều Tiên" vì công dân Mỹ bị giam giữ sẽ "không có ảnh hưởng gì đến cách Triều Tiên chọn đưa ra câu chuyện của mình”.

"Đối với việc trả tự do cho King, số phận của anh ấy hiện nằm trong tay Triều Tiên. Có lẽ chế độ độc tài [Triều Tiên] sẽ cố gắng 'thương lượng' tính mạng của King để đổi lấy những nhượng bộ tài chính của Hoa Kỳ. Các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ rất khó khăn và Bình Nhưỡng sẽ đưa ra các điều khoản", bà cảnh báo.

Trường hợp người Mỹ hoặc người Hàn Quốc đào tẩu sang Triều Tiên là rất hiếm hoi, tuy nhiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, hơn 30.000 người Triều Tiên đã chạy sang Hàn Quốc để tránh áp bức chính trị và khó khăn kinh tế.

Một số ít lính Mỹ đã đến Triều Tiên trong Chiến tranh Lạnh, bao gồm cả ông Charles Jenkins, người đã đào ngũ tại Hàn Quốc vào năm 1965 và chạy trốn qua DMZ. Ông xuất hiện trong các bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên và kết hôn với một y tá Nhật Bản. Sau đó ông đã bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc. Ông qua đời tại Nhật Bản vào năm 2017.

Trong những năm gần đây, một số thường dân Mỹ đã bị bắt ở Triều Tiên vì cáo buộc hoạt động gián điệp, lật đổ và các hành vi chống nhà nước, nhưng đã được thả sau khi Mỹ cử các phái bộ cấp cao đến để đảm bảo tự do cho họ.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước khác đã cáo buộc Triều Tiên sử dụng tù nhân nước ngoài để đạt được những nhượng bộ ngoại giao. Sau khi được trả tự do, một số người nước ngoài cho biết họ đã bị ép buộc nhận tội khi bị giam cầm ở Triều Tiên.

Ông Sean Timmons, Giám đốc điều hành của Tully Rinckey, một công ty luật chuyên về các vấn đề quân sự, cho biết nếu King cố gắng thể hiện mình là một người đào tẩu hợp pháp đang chạy trốn khỏi áp bức hoặc đàn áp chính trị, thì may ra giới lãnh đạo Triều Tiên mới quyết định xem ông có thể ở lại nước này hay không.

Theo ông Sean Timmons, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ quyết định số phận của Travis King.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên tuyên bố lính Mỹ vượt biên trái phép để 'tìm nơi ẩn náu'