Chuyên gia: Trung Quốc nên ‘tọa sơn quan hổ đấu’ sau ‘binh biến Wagner'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù cuộc binh biến do nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga gây ra đã kết thúc sau chưa đầy một ngày, nhưng giới quan sát cho rằng 'cuộc binh biến chớp nhoáng' đã phơi bày những mâu thuẫn không thể hòa giải trong giới chính trị và quân sự cấp cao nhất của Nga. Họ lập luận rằng một khi ông Putin nếm trái đắng, Trung Quốc tuyệt đối không thể viện trợ quân sự cho Nga vì cái giá phải trả là quá đắt. Do đó, Trung Quốc nên giữ thái độ trung lập và ‘tọa sơn quan hổ đấu’.

Hôm 24/6, Tập đoàn Wagner, một lực lượng phụ trợ của quân đội Nga tại Ukraine, đã phát động một cuộc binh biến và áp sát thủ đô Moscow. Tuy nhiên sau màn hòa giải của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, thủ lĩnh của Wagner, ông Yevgeny Prigozin, đã chấp nhận dừng tiến công về Moscow và ra lệnh cho lực lượng của mình quay trở lại đồn trú ở Ukraine. Động thái này tạm thời xoa dịu cuộc khủng hoảng nội chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tình hình nước Nga hiện nay đang ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" và cục diện sẽ còn thay đổi khôn lường. Do đó, cuộc khủng hoảng trước mắt ông Putin vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông Ding Xueliang, Giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ (HKUST) danh tiếng của Hong Kong nhận định rằng cuộc binh biến này đồng nghĩa với việc nước Nga - dưới sự lãnh đạo của ông Putin - đang trải qua sự chia rẽ rất nghiêm trọng giữa giới chóp bu chính trị và quân sự.

Ông cho biết: "Đây là đợt bùng phát lớn đầu tiên sau những mâu thuẫn và xung đột không thể hòa giải trong giới chính trị và quân sự cấp cao nhất của Nga, nhưng chắc chắn không phải là lần cuối cùng”.

Gia đình của ông Prigozin bị bắt làm con tin và bị cưỡng chế đến Moscow?

Theo ông Ding Xueliang, cuộc khủng hoảng nội chiến của ông Putin vẫn đang rình rập. Ông cũng đặt câu hỏi tại sao ông trùm Wagner nhanh chóng đầu hàng trong vòng chưa đầy 24 giờ và dừng chân ở Moscow.

Từ việc tự mình điều tra các nguồn tin ở Nga và quan sát dư luận trên mạng xã hội Nga, ông nhận thấy rất có thể lực lượng an ninh Nga đã bắt cóc các thành viên trong gia đình ông Prigozin làm con tin nhằm uy hiếp ông. Tuy nhiên, nhận định này chưa được kiểm chứng độc lập.

Tương lai của ông Prigozin vẫn còn là ẩn số, trừ khi ông ở lại Belarus trong thời gian dài hoặc quyền chỉ huy gần 40.000 quân của ông bị suy yếu, bằng không ông vẫn sẽ là một đối thủ tiềm tàng của nhà lãnh đạo Nga.

Ngoài ra, ông Ding Xueliang cũng đặt câu hỏi về việc liệu ông Putin có sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Gerasimov, hai “kẻ thù không đội trời chung” của ông Prigozin hay không. Ông nhìn nhận rằng một khi quyền lực của hai quan chức nắm binh quyền trong tay này trở nên suy yếu, họ chắc chắn không thể ngồi yên và rất lo sợ bị ám sát, bắt cóc hoặc bị đầu độc. Do đó, họ sẽ liên kết với các quan chức quân đội cấp cao khác của Nga để gây bạo loạn.

Do tình thế nguy hiểm và khó lường của quân đội Nga, ngay cả bản thân ông Putin cũng không thể nắm bắt được hướng đi của cục diện trong thời gian tới. Vì vậy ông Ding Xueliang cho rằng ĐCSTQ nên giữ thái độ trung lập và “tọa sơn quan hổ đấu”.

Cái giá phải trả quá đắt, việc Trung Quốc viện trợ cho Nga là vô vọng

Ông cho rằng mặc dù Trung Quốc và Nga có quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn", nhưng nếu ông Putin nếm trái đắng trong trận chiến Ukraine, Trung Quốc sẽ không bao giờ hùa theo và hỗ trợ quân sự cho Nga.

Ông Ding Xueliang cho hay: "Bởi vì cái giá phải trả quá đắt, và cuộc chiến Ukraine, nói đúng ra, không liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tất nhiên, thất bại của Nga là điều tồi tệ, bởi vì họ đã mất đi một đồng minh trọng yếu. Nhưng nếu Trung Quốc muốn cứu đồng minh này (Nga) thì sẽ phải tốn rất nhiều công sức, trước hết phải viện trợ cho Nga những vũ khí mạnh nhất của mình. Nếu giao những vũ khí này cho Nga thì Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng nề và đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế”.

Ông cũng cho rằng quân đội Nga yếu kém, thiếu nguồn lực quân sự và vũ khí, trong khi Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lại không có khả năng cứu vãn cục diện tại Moscow.

Bên cạnh những xung đột chính trị - quân sự ở Nga, ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Sở Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA rằng "cuộc binh biến chớp nhoáng" của Wagner không chỉ phá vỡ những điều cấm kỵ của các chiến lược gia quân sự, mà còn phơi bày những vấn đề lớn trong hệ thống chỉ huy của quân đội Nga và năng lực lãnh đạo của cá nhân ông Putin.

Nếu quân đội Nga bị đánh bại, ĐCSTQ có thể gián tiếp hỗ trợ

Ông cho rằng trước cuộc xâm lược Ukraine, nghiên cứu của phương Tây chỉ ra rằng quân đội Nga đã phải chịu cảnh tham nhũng nghiêm trọng, ngược đãi và vấn nạn bạo lực. Tinh thần chiến đấu của quân đội Nga hiện đang suy yếu nhanh chóng, khiến hiệu suất chiến đấu ngày càng xấu đi.

Do đó, quân đội Ukraine ngày càng trở nên táo bạo hơn, chuyển từ phòng thủ sang tấn công và gặt hái được một số thành công hạn chế. Vì vậy, hy vọng về cơ hội giành chiến thắng trong các cuộc giao tranh trong tương lai không phải là không có cơ sở.

Trong trường hợp ông Putin thực sự bại trận, ông Tô Tử Vân tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không viện trợ quân sự cho Nga, nhưng ông Tập cũng không tin rằng lựa chọn chiến lược của mình là sai lầm, bởi vì liên minh với Nga luôn nằm trong lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân nói: "Ông Tập Cận Bình là một người siêu thực tế; ông ấy có thể không cho rằng mình chọn sai phe vì ông cần địa chiến lược, nhưng ông không nên hỗ trợ Nga quá nhiều".

“Trong tình huống này, tôi tin rằng khả năng PLA gửi binh lính đến giúp Nga chiến đấu với Ukraine là khá thấp, nhưng các viện trợ khác, chẳng hạn như gián tiếp gửi vật tư hoặc vũ khí cho quân đội Nga, rất có khả năng xảy ra”.

Ông cho biết, theo bằng chứng mà quân đội Hoa Kỳ có được, các công ty Trung Quốc đã bán súng trường tự động và máy bay không người lái cho quân đội Nga. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc và Nga hiện có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trung Quốc mua các nguồn tài nguyên của Nga như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, đồng thời xuất khẩu lương thực và vật tư quân sự, đây là một hình thức hỗ trợ gián tiếp cho quân đội Nga.

Wagner làm tổn hại lợi ích của các công ty Trung Quốc ở hải ngoại

Theo nhà nghiên cứu Hong Kong Ding Xueliang, giới trí thức và học giả Trung Quốc không ủng hộ hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine và chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ ủng hộ Tập đoàn Wagner. Nhóm này đã cung cấp dịch vụ bảo mật cho các công ty khai thác mỏ và các công ty khác ở Trung Đông, Châu Phi cũng như các nơi khác; đồng thời nhóm này cũng thường xuyên xung đột với các công ty bảo mật địa phương của Trung Quốc.

Ông Ding Xueliang nói: "Chắc chắn Wagner đã có xích mích giữa các công ty bảo mật Trung Quốc, bởi vì Wagner đã làm rất nhiều sự việc ở nước ngoài và cũng đe dọa một số dự án đầu tư của Trung Quốc ở hải ngoại”.

Chuyên gia quân sự Đài Loan Tô Tử Vân cho rằng cuộc binh biến của Wagner nên là một lời cảnh tỉnh đối với ông Tập Cận Bình, bởi lẽ Trung Quốc hiện cũng đang đối mặt với vô vàn khó khăn như: đấu đá nội bộ, nền kinh tế suy thoái, tình trạng dân số già hóa nhanh chóng,.. Với tiền đề này, nếu ông Tập Cận Bình tùy tiện khơi mào chiến tranh ở eo biển Đài Loan, ông cũng sẽ phải đối mặt với kịch bản tương tự.

‘Binh biến của Wagner’ là lời cảnh tỉnh đối với ông Tập Cận Bình

"Đây là một bài học lớn cho ông Tập Cận Bình, rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine là một cuộc chiến trên bộ và Nga đã chiến đấu rất tệ", ông Tô Tử Vân nói đồng thời cho biết thêm rằng nếu Trung Quốc thất bại trong cuộc chiến với Đài Loan, đó sẽ là một thảm họa chính trị cho chế độ độc tài của ông Tập - vốn là nguồn cảm hứng của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Mặc dù không ủng hộ "cuộc xâm lược" Ukraine của Nga, nhưng ông Dai Bingran, phó giám đốc Viện Kinh tế Thế giới tại Trường Kinh tế của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, tin rằng Nga không thể bị đánh bại. Ông nói rằng Hoa Kỳ và NATO đã khuyến khích Ukraine và kích động chiến tranh, do đó họ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch của cuộc chiến, trong khi Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì lập trường trung lập.

Ông Dai Bingran nói với đài VOA rằng: "Nga là một nước lớn. Trong Thế chiến II, Đức không thể đánh bại Nga ngay cả khi tiến đến Moscow”.

Ông lập luận rằng xung đột tất yếu mang lại tổn thất cho cả hai bên, và không có bên nào giành chiến thắng. Do đó, Trung Quốc không muốn bên nào bại trận.

“Lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng. Thứ nhất không nên đổ thêm dầu vào lửa. Thứ hai, Trung Quốc mong muốn hai bên cùng ngồi lại đàm phán để xem những mâu thuẫn không giải quyết được trong chiến tranh có thể xử lý trên bàn đàm phán hay không”, ông kết luận.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc nên ‘tọa sơn quan hổ đấu’ sau ‘binh biến Wagner'