Tổng thống Philippines Marcos thề sẽ đáp trả 'các cuộc tấn công' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (28/3), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố rằng Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và phù hợp đối với "những hành vi tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm" của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông.

"Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các quốc gia tự xưng là bạn bè của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không sợ hãi đến im lặng, khuất phục hay phục tùng", ông Marcos nhấn mạnh trong bài đăng trên Facebook.

Theo tờ Nikkei Asia, trong năm qua, Philippines đã vô cùng tức giận trước những điều họ gọi là hành động hung hăng lặp đi lặp lại của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và các tàu đánh cá đồng minh xung quanh các thực thể tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (khoảng 370 km) của Manila.

Sự cố leo thang gần đây nhất xảy ra vào tuần trước khi Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên Bãi Cỏ Mây. Vụ việc này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước, vốn đã có nhiều tranh chấp về chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông.

Cụ thể, hôm 23/3, tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu nghi là dân quân biển đã bao vây, ngăn chặn và phun vòi rồng vào tàu Unaizah May 4 của Hải quân Philippines, khi tàu này đang thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng tiếp tế và đưa các thủy thủ Philippines đến một tiền đồn lãnh thổ trên Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Philippines đặt tên là Ayungin còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu).

Lực lượng đặc nhiệm Philippines trên Biển Đông cho biết các tàu Trung Quốc đã có hành vi "liều lĩnh và nguy hiểm" đối với tàu Philippines, đỉnh điểm là việc sử dụng vòi rồng tấn công.

Hình ảnh do quân đội Philippines công bố cho thấy hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng áp lực cao vào tàu vỏ gỗ của Philippines ở cự ly gần, khiến tàu bị rung lắc mạnh trên biển động.

Trước hành động hung hăng của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ phản đối mạnh mẽ về "những hành động gây hấn" của tàu Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố: "Hành động hung hăng của Trung Quốc đặt ra nghi vấn về thành ý hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông của họ".

Trước tuyên bố của Philippines, Bắc Kinh đã cáo buộc Manila xâm phạm lãnh thổ của họ và cho biết họ đã thực hiện các biện pháp cần thiết đối với các tàu Philippines. Trung Quốc cũng cảnh báo Philippines hãy thận trọng và tìm kiếm đối thoại vì quan hệ giữa hai nước đang ở "ngã ba đường", trong bối cảnh các cuộc đối đầu giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước về tuyên bố hàng hải làm gia tăng căng thẳng.

Mặc dù không tiết lộ chi tiết về các biện pháp đối phó, Tổng thống Marcos cho biết ông đã thảo luận với các quan chức quốc phòng và an ninh, đồng thời liên lạc với "các bạn bè trong cộng đồng quốc tế" để tìm kiếm sự hỗ trợ.

"Họ đã đề nghị giúp đỡ chúng tôi về những gì Philippines cần để bảo vệ và đảm bảo chủ quyền, quyền và quyền tài phán của chúng tôi trong khi đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Marcos nói.

Quan hệ Philippines - Trung Quốc đang xấu đi trong bối cảnh ông Marcos tìm cách thắt chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ. Ông đã tăng cường khả năng tiếp cận của Hoa Kỳ tới các căn cứ quân sự của Philippines và mở rộng các cuộc tập trận chung, bao gồm tuần tra trên biển và trên không trên Biển Đông. Và những động thái này khiến Bắc Kinh “khó chịu”.

Hôm thứ Tư (27/3), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tái khẳng định cam kết của Washington đối với Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 với Philippines và chỉ trích hành động của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough là "nguy hiểm".

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines hôm 27/3, ông Austin "tái khẳng định cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với Philippines", theo đó Philippines đang thực hiện một nhiệm vụ tiếp tế hợp pháp.

Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines - Mỹ (MDT) vào năm 1951. Hiệp ước này cam kết hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp nước còn lại bị tấn công.

Giới chức Mỹ đã nhiều lần bảo đảm với Philippines rằng họ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước này nếu lực lượng, tàu chiến và máy bay Philippines bị tấn công tại Biển Đông, bao gồm cả trường hợp bị tấn công bởi Trung Quốc.

Tổng thống Marcos thể hiện thái độ cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Duterte trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Philippines trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và hợp tác hòa bình.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Philippines Marcos thề sẽ đáp trả 'các cuộc tấn công' của Trung Quốc