Sau sự cố tàu cao tốc lật úp trên biển Kim Môn, trí thức Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự cố tàu cao tốc Trung Quốc gần đây xâm phạm vùng biển của quần đảo Kim Môn, thuộc vùng phụ cận của Đài Loan, và những phản ứng dây chuyền kéo theo đã thu hút sự chú ý đáng kể của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Nhật Bản, quốc gia được kỳ vọng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Mặt khác, trong hai năm qua, ngày càng nhiều trí thức ưu tú Trung Quốc chọn di cư sang Nhật Bản thay vì châu Âu và Hoa Kỳ như trước đây. Điều này khá giống với lịch sử cuối triều Thanh, khi giới tinh hoa Trung Quốc ồ ạt sang Nhật Bản du học.

Xu hướng di cư mới này khiến chúng ta phải suy ngẫm về ảnh hưởng lịch sử của Nhật Bản đối với quá trình tiến hóa xã hội và nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc. Nó cũng đặt ra một câu hỏi hấp dẫn về tác động tiềm ẩn của làn sóng di cư sang Nhật Bản đối với những biến đổi xã hội tương lai của Trung Quốc. Liệu làn sóng di cư này có thể mở ra một giai đoạn thay đổi và phát triển mới cho Trung Quốc, gợi nhớ đến thời kỳ cải cách của triều đại nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19?

Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến căng thẳng khu vực

Ngày 14/2, một tàu cao tốc của Trung Quốc chở 4 người đi vào vùng biển thuộc đảo Kim Môn đã bị lật úp khi bị lực lượng Cảnh sát biển Đài Loan xua đuổi, khiến 2 người tử vong.

Các sự cố gần đây đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan, khi Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng cường tuần tra gần quần đảo Kim Môn, nằm cách bờ biển Trung Quốc chưa đầy 3 km.

Phát biểu trong chương trình "Pinnacle View", ông Trần Văn Giả (Chen Wenjia), chuyên gia về Nhật Bản tại Đài Loan và là giáo sư tại Đại Học Quốc Lập Chính Trị Đài Loan, nhận định rằng Nhật Bản từ lâu đã luôn quan tâm sâu sắc đến hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan. Đặc biệt, Nhật Bản cảnh giác cao độ trước mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Nga và Triều Tiên.

“Mặc dù trên bề mặt, Nhật Bản không công khai bày tỏ lo ngại về sự cố tàu cao tốc Trung Quốc, khiến 2 người thiệt mạng, nhưng đằng sau hậu trường, Đài Loan có một số hoạt động hợp tác an ninh với Nhật Bản. Do đó, tôi tin rằng Nhật Bản chắc chắn theo dõi sự cố này và những tác động của nó một cách kín đáo, và có thể đã duy trì liên lạc với Đài Loan để giữ gìn hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông Trần cho hay.

Ông Trần đặc biệt đề cập đến việc Sách Trắng Quốc phòng mới của Nhật Bản vẫn duy trì lập trường thường được cố Thủ tướng Shinzo Abe trích dẫn rằng "tình trạng khẩn cấp của Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản và do đó là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật - Mỹ".

Ông Trần cho biết: "Do đó, Nhật Bản có thể can thiệp và đưa quân đến Đài Loan trong ba tình huống”.

Tình huống thứ nhất: Trong những tình huống có ảnh hưởng lớn, chẳng hạn như Khi Hoa Kỳ tiến hành hành động quân sự, Nhật Bản có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần.

Tình huống thứ hai: Trong các tình huống khủng hoảng, chẳng hạn khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác bị tấn công, Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể để hỗ trợ phản công.

Tình huống thứ ba: Trong trường hợp bị tấn công vũ trang, Nhật Bản có thể thực hiện các cuộc phản công quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia của mình trong trường hợp bị tấn công vào lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại nước này. Do đó, Nhật Bản thực sự rất quan tâm đến những hậu quả của sự kiện Kim Môn.

Eo biển Đài Loan có vị trí chiến lược cực kỳ then chốt

Bà Quách Quân (Guo Jun), Tổng biên tập chi nhánh Hong Kong của The Epoch Times, nhận định trong chương trình "Pinnacle View": "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ là tâm điểm tiếp theo của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

“Vai trò của Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị và kinh tế toàn cầu sẽ ngày càng gắn liền với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng trong tương lai của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với vai trò là tâm điểm tiếp theo của tăng trưởng kinh tế thế giới”.

“Trong những thế kỷ qua, trọng tâm kinh tế đã chuyển từ Châu Âu sang Bắc Mỹ. Bây giờ, nó đang dịch chuyển về phía Ấn Độ - Thái Bình Dương ở châu Á, được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt trong 50 đến 100 năm tới”.

Theo bà, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có hai khối quan trọng: Đông Bắc Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, với 1,6 tỷ dân; và Đông Nam Á, cùng các nước ASEAN và Ấn Độ, với 2,1 tỷ dân.

“Khu vực này, vốn đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, đã hình thành một tầng lớp trung lưu hùng hậu với 500 triệu người trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ có thêm 500 triệu người trong 20 năm tới, điều này sẽ làm thay đổi đáng kể bức tranh địa chính trị toàn cầu”, bà nói.

“Lịch sử cho thấy các khu vực có mật độ dân số cao và giàu có thường là những khu vực xảy ra nhiều xung đột”, bà Quách tiếp tục.

“Do đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được cho là sẽ chứng kiến sự phát triển nhanh chóng cùng với các cuộc xung đột leo thang. Các cường quốc chính trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đang định vị chiến lược của họ tại khu vực này. Hoa Kỳ và Nhật Bản, đáng chú ý là những nước chủ động với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đề xuất ban đầu, đang dẫn đầu sự thay đổi này, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong trọng tâm toàn cầu".

Bà chỉ ra rằng, với tư cách là quốc gia châu Á đầu tiên hiện đại hóa, Nhật Bản đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của châu Á.

“Vai trò tương lai của Nhật Bản, vượt xa tầm ảnh hưởng kinh tế và công nghệ, có khả năng bao gồm cả các vấn đề quân sự, là rất quan trọng. Giới tinh hoa Nhật Bản đặt mục tiêu đóng góp đáng kể vào sự phát triển của khu vực. Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng chiến lược của eo biển Đài Loan là không thể phủ nhận và rất quan trọng".

Bà Quách cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản là một quốc gia rất đặc biệt ở khả năng học hỏi ấn tượng từ các quốc gia khác, cũng như khả năng tự thích nghi. Nhật Bản từng là “người thầy” trong công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc. Bốn mươi phần trăm từ vựng tiếng Trung hiện đại có nguồn gốc từ tiếng Nhật, bao gồm các khái niệm khoa học cơ bản như khoa học, vật lý, hóa học và sinh học, cũng như các khái niệm kinh doanh hiện đại và các cơ quan hành chính.

Mang dấu ấn của thời kỳ tiền Cách mạng cách đây 100 năm

Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, đã đề cập đến xu hướng di cư sang Nhật Bản gần đây của người Trung Quốc và một số hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt của giới trí thức Trung Quốc ở Tokyo.

Theo ông Lý, số lượng người nhập cư từ Trung Quốc đại lục sang Nhật Bản đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Hiện tại, có khoảng 3 triệu người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản, trong đó 1 triệu người là người Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Nhật Bản, vào năm 2015, dân số người Trung Quốc chỉ vào khoảng 800.000 người, nhưng con số này đã tăng thêm 200.000 người từ năm 2015 đến nay. Khoảng 1/3 trong số 1 triệu người Trung Quốc này đang sinh sống tại Tokyo.

“Đáng chú ý, số lượng trí thức, đặc biệt là những trí thức ưu tú, đã tăng cao trong những năm gần đây. Ví dụ, nhà sử học nổi tiếng người Trung Quốc Tần Huy (Qin Hui), trước đây giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa, hiện đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo. Ông Tần Huy thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo và các hoạt động khác tại Nhật Bản, thu hút đông đảo khán giả là giáo sư từ Đại học Bắc Kinh tham gia thảo luận”.

“Một nhà sử học nổi tiếng khác là Phó Quốc Trung (Fu Guochong), hiện cũng đang cư trú tại Tokyo. Gần đây, ông Phó đã tổ chức một buổi thuyết trình có tên 'Tái thiết Trung Quốc ở Tokyo'. Ông Phó đã đề cập đến nhiều trí thức Trung Quốc đến Nhật Bản vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, bao gồm cả sự thành lập của Đồng minh hội (Liên minh Cách mạng Trung Quốc), tổ chức đã đóng góp đáng kể vào Cách mạng Tân Hợi. Chắc chắn, bài giảng của ông Phó truyền tải những bài học đạo đức sâu sắc cho người nghe".

Trong chương trình “Pinnacle View", ông Lý kể lại rằng vào thế kỷ trước, khi Trung Quốc vẫn còn khó khăn và lạc hậu về mặt chính trị, Nhật Bản là quốc gia công nghiệp hóa và hiện đại hóa duy nhất ở châu Á, điều này đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của Trung Quốc. Do đó, nhiều sinh viên trẻ Trung Quốc đã lựa chọn du học tại Nhật Bản với mong muốn học hỏi từ những điểm mạnh của Nhật Bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, tất cả đều nhằm mục đích chuyển đổi và phục hưng Trung Quốc.

Ông Lý khẳng định: "Nhật Bản đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Quốc trong thế kỷ trước, cả về quân sự và chính trị. Ví dụ như, ông Tôn Trung Sơn thành lập Đồng minh hội ở Nhật Bản, sau đó Tưởng Giới Thạch theo học tại trường quân sự Nhật Bản và vận dụng kiến thức quân sự đó trong các chiến dịch Bắc phạt và Chiến tranh Kháng Nhật”.

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà văn kỳ cựu và là cộng tác viên của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, cho biết thêm rằng Nhật Bản thực sự đã thu hút nhiều thanh niên Trung Quốc có hoài bão và dũng khí, chẳng hạn như: Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei), nhà cách mạng yêu nước chống Mãn Thanh, Hà Ứng Khâm (He Yingqin), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Quốc dân Trung Hoa trong thời kỳ Kháng Nhật, và Trương Trị Trung (Zhang Zizhong), vị tướng Trung Quốc đầu tiên hy sinh trong Chiến tranh Kháng Nhật.

Ông nói: "Vì vậy, nhóm này quy tụ nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng. Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến làn sóng thay đổi tiếp theo, và mong rằng những nhân vật ưu tú về chính trị hoặc văn hóa của chúng tôi hiện đang ở Nhật Bản sẽ khơi dậy làn sóng thay đổi tiếp theo cho Trung Quốc. Chúng tôi mong chờ ngày đó”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau sự cố tàu cao tốc lật úp trên biển Kim Môn, trí thức Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản