Tà ác vô độ | III - 1: Giang Trạch Dân cải cách Doanh nghiệp Nhà nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đọc toàn chuyên đề: Tà ác vô độ - Triều đại hủ bại của Giang Trạch Dân ở Trung Quốc

Phần 1: Doanh nghiệp Nhà nước

DNNN làm ăn thua lỗ

Tháng 12/1978, khi các nhà cải cách, dẫn đầu bởi Đặng Tiểu Bình, khởi phát chương trình “Cải cách và Mở cửa”, Bắc Kinh đã thực hiện một vài nỗ lực để cải cách các DNNN. Ví dụ, nhà nước đã mở rộng quyền tự chủ cho hoạt động kinh doanh của DNNN, chẳng hạn như lập kế hoạch sản xuất. Chính quyền cũng bỏ chính sách yêu cầu DNNN phải phân chia toàn bộ lợi nhuận của họ theo thông lệ. Thay vào đó, DNNN chỉ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bằng cách cho phép doanh nghiệp giữ lại một phần lợi nhuận nhất định, chính sách kỳ vọng khuyến khích DNNN tạo ra lợi nhuận. Nhà nước cũng bắt đầu thực thi hệ thống nâng cao trách nhiệm giải trình buộc các giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm đối với lợi nhuận của DNNN.

Tuy nhiên, những biện pháp này đã không thành công. Vào cuối những năm 1980, các DNNN Trung Quốc phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã: một phần ba trong số họ làm ăn có lãi, một phần ba thua lỗ và một phần ba thua lỗ thực sự trên sổ sách, nghĩa là lợi nhuận trên sổ sách thấp hơn chi tiêu. Đến đầu năm 1994, đã có 48,6% DNNN của cả nước bị thua lỗ, và ở một số tỉnh, tỷ lệ này lên tới 60%. Hai năm sau, năm 1996 là năm đầu tiên các DNNN báo cáo tài chính, lỗ tổng cộng 37,8 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD).

‘Cải cách’ DNNN của Giang

Một chiến dịch mới nhằm “tái cơ cấu” các DNNN đã được triển khai.

Tháng 9/1995, một tài liệu chính thức của kỳ họp thứ năm Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố “tiến hành tái cấu trúc chiến lược các DNNN bằng cách sắp xếp lại tài sản tồn kho, với mục đích cải thiện toàn bộ nền kinh tế nhà nước...

Tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp lớn trong khi nới lỏng kiểm soát đối với các doanh nghiệp nhỏ. Tối ưu hóa cơ cấu tài sản nhà nước và cấu trúc DNNN, đồng thời thực hiện tối ưu hóa cơ cấu đầu tư. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và loại bỏ những doanh nghiệp hoạt động bình thường. Sử dụng các biện pháp tái cấu trúc: sáp nhập, phá sản, thu hẹp quy mô và cơ chế nâng cao hiệu quả; và ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước…

Thông qua việc tái cơ cấu, sáp nhập, hợp tác xã cổ phần, cho thuê, hoạt động theo hình thức hợp đồng, bán và các biện pháp khác, thúc đẩy nhanh tốc độ cải cách và tái cơ cấu các DNNN quy mô nhỏ".[1]

Kết quả là, các quan chức được cung cấp một công cụ hoàn hảo để chiếm tài sản nhà nước dưới chiêu bài “tái cơ cấu DNNN”. Trong quá trình này, các cán bộ của ĐCSTQ đã sử dụng nhiều loại thủ đoạn xảo quyệt để “tối ưu hóa” cơ cấu tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc tiến hành “tái cơ cấu chiến lược” các DNNN. Sử dụng các thuật ngữ hiện đại như “xác định lại”, “chuyển giao”, “tổ chức lại” và “mua lại”, họ đã tìm ra con đường để trở nên rất giàu có.

Hãy xem trường hợp của thành phố Trường Sa Tỉnh Hồ Nam để thấy được các thủ đoạn đã diễn ra như thế nào.[2]

Tháng 11/1999 và tháng 1/2000, chính quyền thành phố đã ban hành hai văn bản (văn bản số 3 và số 29 ) để thúc đẩy việc cải cách DNNN. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2000, ba công ty hàng đầu của thành phố, sau đây gọi là công ty X (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Tương Giang Hồ Nam), công ty T (Công ty TNHH Changsha Tongda) và công ty H (Hunan Friendship & Apollo Co., Ltd.), đã đẩy nhanh quá trình này.

Xin lưu ý rằng ba công ty này không cần thiết phải “cải tổ” vì đó là những công ty hàng đầu của ngành công nghiệp có lợi nhuận khá cao và không thuộc nhóm các DNNN hoạt động kém hiệu quả.​

Một khía cạnh quan trọng là “xác định lại” quyền tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản. Theo các báo cáo tài chính vào cuối năm 1999 thì tổng tài sản của từng công ty trong số ba công ty này đều vượt quá 100 triệu nhân dân tệ (12 triệu USD).

Tuy nhiên, theo tài liệu số 3 thì tài sản ròng của công ty vào cuối năm 1983, cộng với tài sản mới hình thành từ các quỹ do nhà nước rót vào kể từ ngày 1/1/1984 đều được coi là tài sản nhà nước, trong khi tất cả các tài sản được tích lũy từ lợi nhuận của công ty (sau thuế) và các tài sản khác sau ngày 1/1/1984 được xác định lại là tài sản riêng của công ty.

Sau việc “xác định lại” này, vốn nhà nước của công ty X tính theo cổ phần trên tổng tài sản, ngay lập tức giảm từ 100% xuống 20,5%. Tổng số vốn mới của Công ty X là khoảng 70 triệu nhân dân tệ (8,5 triệu USD), trong đó vốn nhà nước chỉ chiếm 15 triệu nhân dân tệ (1,8 triệu USD). Hơn nữa, chính sách này còn cho phép giảm giá 50% cho việc mua lại tài sản nhà nước trong một lần.

Sau khi Công ty X chi 5 triệu nhân dân tệ (0,6 triệu USD) để mua lại 10 triệu nhân dân tệ (1,2 triệu USD) vốn nhà nước, thì vốn nhà nước chỉ còn lại 5 triệu nhân dân tệ (0,6 triệu USD), hoặc tương đương 6% tổng số cổ phần. Trong số các cổ phần còn lại, 14% thuộc về các tổ chức xã hội khác, còn được gọi là các pháp nhân, và 80%thuộc về các cá nhân lao động. Việc “xác định lại” này cuối cùng đã làm giảm quy mô tài sản nhà nước từ trên 100 triệu nhân dân tệ xuống chỉ còn 5 triệu, nghĩa là giảm hơn 95%.

Bước tiếp theo là chuyển nhượng cổ phần của từng người lao động cho từng cá nhân. Chính sách chính thức này lại được bung ra. Cả hai văn bản số 3 và số 29 đã đưa ra các quy định để cho cơ cấu cổ phần nghiêng về ban quản lý và ban điều hành, tạo điều kiện cho họ nắm giữ số lượng lớn cổ phần; chính sách đã đi ngược lại [tuyên truyền] về sự bình đẳng về cổ phần do người lao động nắm giữ.

Chính sách khuyến khích người đại diện pháp nhân của doanh nghiệp (thường là giám đốc điều hành) mua cổ phần. Họ có thể hoàn vốn trong vòng ba đến năm năm (nghĩa là không phải trả tiền mặt ngay để sở hữu cổ phần, họ có thể “nhận nợ", trả bằng cổ tức được chia trong tương lai). Hoặc sử dụng các khoản vay ngắn hạn ngân hàng để thanh toán tiền mua cổ phần. Với cách này nhân sự lãnh đạo của ba công ty đều có số cổ phần tương đối lớn.

Ví dụ, tổng giám đốc Wu của công ty X đã nhận được một triệu cổ phiếu (1 cổ phiếu có giá 1 nhân dân tệ ). Tiếp sau đó bằng cách chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1,88, Wu đã có tổng cộng 2,88 triệu cổ phiếu, nhiều hơn rất nhiều so với mức trung bình của một nhân viên.

Có một vài vấn đề với quá trình 'cải cách' này.

Thứ nhất, việc định giá quá thấp tài sản nhà nước hoặc tài sản công thậm chí còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ở Nga và Đông Âu trong thời kỳ tư nhân hóa. Trong quá trình tư nhân hóa gây nhiều tranh cãi ở Nga vào những năm 1990, một quyền lựa chọn yêu cầu ban quản lý và người lao động chỉ được phép mua không quá 51% cổ phiếu doanh nghiệp của họ với giá được chiết khấu.

Ở Tiệp Khắc, một phương thức tư nhân tài sản công công bằng hơn đã được áp dụng, qua đó công dân được tặng hoặc có thể mua chứng từ [quyền mua cổ phần] đại diện cho cổ phần tiềm năng trong bất kỳ công ty nhà nước nào với giá rẻ. Trong trường hợp công ty X ở Trường Sa, 80% tài sản nhà nước đã được “xác định lại” một cách thuận tiện, thuộc sở hữu chung của ban quản lý và nhân viên, và thậm chí không có bất kỳ quy định nào yêu cầu các cá nhân đó phải thanh toán cho những tài sản này.

Thứ hai, ban quản lý đã giành được cổ phần lớn của công ty. Trước “cải cách”, quản lý cấp cao được bổ nhiệm bởi bộ máy quan liêu cấp trên, và việc bổ nhiệm thường không liên quan đến hiệu quả điều hành của họ. Ngược lại, thường là do họ điều hành công ty kém nên cần phải cải cách.

Khi một người quản lý nhận được số cổ phiếu gấp một trăm lần so với một nhân viên bình thường, mà không phải trả tiền hoặc mua với giá thấp không tưởng, thì đã nảy sinh một vấn đề lớn về sự công bằng. Hơn nữa, các chính sách đã tạo ra một cơ chế khuyến khích sai lầm: thưởng cho những cá nhân có năng lực điều hành tồi tệ. Trung Quốc ngày nay được biết đến với nhiều người vung tiền mua sắm khắp thế giới. Trên thực tế, có lẽ đây là cách mà họ có được nhiều tài sản [trong vòng phân chia] đầu tiên.

Thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất, thông qua việc “xác định lại” và cấp cho ban quản lý số lượng lớn cổ phần, những gì bị coi là gian lận đã được hợp pháp hóa và thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ.

Trong trường hợp của Trường Sa, chúng ta thấy rõ ràng rằng chính các văn bản chính thức của chính quyền thành phố đã đưa ra các hướng dẫn chi tiết về việc chiếm đoạt tài sản một cách hợp pháp. Kể từ năm 1995, những hoạt động như vậy đã lan rộng khắp cả nước, do ban quản lý và các quan chức địa phương lại một lần nữa nắm bắt được cơ hội để kiếm chác tài sản khổng lồ cho cá nhân.

Vì chính sách của Giang đã hợp pháp hóa hành vi trộm cắp tài sản nhà nước trên quy mô lớn, những thiệt hại trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn nhiều so với các hình thức tham nhũng khác vốn thường thiếu sự bảo trợ chính thức của nhà nước.

Thứ tư, các điều kiện thích hợp cho nền kinh tế thị trường đã không được tạo ra sau quá trình ‘tư nhân hoá’. Tư nhân hóa thường là một phần quá trình cải cách kinh tế chuyển sang nền kinh tế thị trường, để các nguồn lực thuộc về tư nhân có thể được sử dụng một cách tốt nhất theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, sau cuộc “cải cách” DNNN ở Trung Quốc, thậm chí cho đến ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc phần lớn vẫn là nền kinh tế được kiểm soát bởi chính phủ. Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm phần nhỏ khoảng 1/3 nền kinh tế quốc gia, nhưng họ chi phối tất cả các ngành công nghiệp chủ chốt: ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất và viễn thông.

Các doanh nghiệp tư nhân không thể làm theo cái cách mà các đại gia nhà nước có được. Điều kiện làm chủ doanh nghiệp và sáng tạo cá nhân bị rơi vào thế bất lợi trong nhiều lĩnh vực so với các DNNN.

Cheng Sanchang, cựu thị trưởng và bí thư thành ủy thành phố Luohe ở tỉnh Hà Nam, có biệt danh là Cheng “Soldout” (程卖光) vì đã bán 27 DNNN trong thời gian từ 1996 đến 1999. Tuy nhiên, hoạt động bán tài sản doanh nghiệp này đều nằm trong “hộp đen", nghĩa là việc bán này không được tiết lộ cho công chúng.

Ví dụ, một khách sạn ba sao trị giá 47 triệu nhân dân tệ (5,7 triệu USD) được Cheng bán cho một công ty tư nhân với giá 20 triệu nhân dân tệ (2,4 triệu USD). Trong một trường hợp khác, khi một DNNN bị phá sản, chính quyền thành phố muốn bán khu đất mà họ kiểm soát bằng cách đưa ra đấu thầu rộng rãi.

Một công ty đưa ra giá thầu 30 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu USD) đã không thắng, nhưng một công ty khác đưa ra giá thầu khác ở mức 20,5 triệu nhân dân tệ (2,5 triệu USD) đã thành công. Cheng đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán các DNNN này. Năm 2001, ông ta trốn ra nước ngoài mang theo một lượng tiền lớn.[3]

Đồng thời, các DNNN mà Cheng đã bán cũng không kết thúc tốt đẹp. Ba DNNN - một công ty dược phẩm, một nhà máy dệt kim và một nhà máy giày - đã được bán cho nhà đầu tư Hong Kong Xiao Wande với điều kiện Xiao phải trả các khoản nợ của các công ty này trong vòng vài năm.

Sau khi tiếp quản, Xiao không những không trả hết nợ mà còn bán máy móc thiết bị và chuyển doanh thu vào tài khoản cá nhân của mình. Xiao sau đó đã bị bắt vì gian lận L/C (thư tín dụng). Nhiều nhân viên cũ đã bị sa thải và sống nhờ trợ cấp xã hội.

Một ví dụ khác về việc lạm dụng các cải cách được đề ra trong thời kỳ Giang Trạch Dân cầm quyền là Tập đoàn ô tô San Jiu. Năm 2006, khi cải cách, công ty này đã được bán cho Công ty Đầu tư Hengyuan Bắc Kinh với giá 8,28 triệu nhân dân tệ (1,0 triệu USD). Wang Guanchao, Giám đốc điều hành của Beijing Sanjiu Automotive Industrial Co., đã mua Beijing Hengyuan chỉ với giá 30.000 nhân dân tệ (3.764 USD). Tất cả chỉ là giả tạo vì Wang không tiến hành kinh doanh với công ty này. Với cách làm ảo thuật này, Wang đã bán thành công một DNNN cho chính mình.[4]

Trước đó, từ năm 2003 đến 2006, Wang đã gửi 7,03 triệu nhân dân tệ (0,9 triệu USD) doanh thu bán hàng vào tài khoản ngoài sổ sách của công ty. Trong những năm qua, Wang đã kiếm được 4,82 triệu nhân dân tệ (0,6 triệu USD).

Khi Công ty công nghiệp ô tô Bắc Kinh Sanjiu được bán vào năm 2006, những khoản tiền mà Wang đã bòn rút đã được che giấu và không được báo cáo để kiểm toán. Ông ta đã viết trong một cuốn sổ tay: “Thành lập một số công ty và chơi với họ bằng công quỹ. Nếu tôi kiếm được tiền, lợi nhuận sẽ thuộc về tôi; nếu tôi mất tiền thì nhà nước phải chịu. Mọi người đang làm như thế này".

Tháng 12/2011, Wang Guanchao nhận bản án tử hình với thời gian hoãn thi hành hai năm vì tội biển thủ 461,5 triệu USD—“hơn 26 triệu nhân dân tệ tài sản Nhà nước và biển thủ 4 triệu nhân dân tệ cho việc kinh doanh cá nhân của mình".

Chủ doanh nghiệp tư nhân gia nhập Đảng

Tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập đảng ngày 1/7/2001, Giang Trạch Dân tuyên bố rằng đảng nên chính thức chấp nhận các chủ doanh nghiệp tư nhân. Cuối năm đó, điều lệ của đảng đã được sửa đổi để cho phép các doanh nhân gia nhập đảng.

Tuyên bố của Giang ở đỉnh điểm của quá trình tư nhân hóa các DNNN đã khuyến khích các đảng viên trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân, cũng thể hiện sự chấp thuận đối với những người đã kinh doanh. Trên thực tế, những người đứng đầu DNNN và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đã chiếm một phần lớn những người giàu nhất Trung Quốc. Theo một báo cáo được công bố năm 2001, một phần ba số người giàu nhất Trung Quốc là người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.[5]

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, “Báo cáo Nghiên cứu về các Tầng lớp Xã hội Trung Quốc Đương đại", đã kết luận rằng tỷ lệ đảng viên Đảng Cộng sản trong số các chủ doanh nghiệp tư nhân cao tới 19,8% vào năm 2000, cao hơn nhiều so với tỷ lệ đảng viên trong giai cấp công nhân và nông dân, nhóm giai cấp mà đảng coi là “nòng cốt” của đảng.[6]

Năm 2001, thành phố Hoàng Thạch của tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện một cuộc điều tra đối với 355 chủ doanh nghiệp tư nhân có tài sản cố định từ 500.000 nhân dân tệ trở lên, doanh thu hàng năm hơn 5 triệu nhân dân tệ (627.353 USD) và có hơn 25 nhân viên. Trong số các chủ doanh nghiệp này có 193 đảng viên ĐCSTQ, tương đương 54,4%.

Một thống kê khác của ba thành phố ở tỉnh Giang Tô cho thấy tỷ lệ đảng viên cộng sản trong số các chủ doanh nghiệp tư nhân làm ăn khấm khá lên tới 42%. Thông thường, quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ chủ doanh nghiệp đồng thời là đảng viên ĐCSTQ càng cao.

Ngoại trừ chính phủ và quân đội, các chủ doanh nghiệp tư nhân đã trở thành tầng lớp xã hội có tỷ lệ đảng viên cao nhất. Cho phép các chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng không phải là một cử chỉ cao cả của Giang, mà là một phương tiện hợp pháp để tạo điều kiện cho sự thông đồng giữa giới tinh hoa chính trị và kinh tế.[7]

Theo một ước tính dè dặt, trong những năm 1990, tổn thất tài sản nhà nước hàng năm trung bình là 50 tỷ nhân dân tệ, hoặc 130 triệu nhân dân tệ (16,2 triệu USD) mỗi ngày. Trong cuộc xác minh vốn trên toàn quốc năm 1994 đối với 124.000 DNNN, tổn thất tài sản là 223,1 tỷ nhân dân tệ cộng với tài khoản chưa thanh toán 220,7 tỷ nhân dân tệ đã dẫn đến tổng thiệt hại là 443,8 tỷ nhân dân tệ (55,7 tỷ USD), tương đương 10,7% tổng tài sản của 124.000 DNNN.

Mặc dù rất khó để có được một con số chính xác về tổng thiệt hại của tài sản nhà nước, nhưng một số thống kê cho thấy khá rõ. Năm 1995, Cục Quản lý Tài sản Nhà nước (tiền thân của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC), cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước, đã nhận được 160 báo cáo và điều tra đối với 22 trường hợp thất thoát tài sản nhà nước.

Vào tháng 3/1996, tám vụ án đã kết thúc với việc thu hồi 1,5 tỷ nhân dân tệ tài sản bị thất thoát. Năm 1996, hơn 300 trường hợp khác đã được điều tra, thu hồi 2,1 tỷ nhân dân tệ (263 triệu USD). Kể từ giữa những năm 1990, càng ngày càng có nhiều nghi phạm tham nhũng và hối lộ trong DNNN trốn ra nước ngoài. Chỉ riêng trong năm 2001, Trung Quốc đã bắt giữ 3.046 nghi phạm hình sự và thu hồi 680 triệu nhân dân tệ (85,3 triệu USD).[8]

Đọc tiếp: Chương III - Phần 2: Giang Trạch Dân lũng đoạn Thị trường Chứng khoán

Bình An - Bạch Liên biên dịch

Trung Quốc


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Tà ác vô độ | III - 1: Giang Trạch Dân cải cách Doanh nghiệp Nhà nước