Tổng thư ký NATO nói 'chuẩn bị đón tin xấu' từ Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của liên minh quân sự phương Tây, cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên chuẩn bị đón nhận “tin xấu” từ Ukraine.

“Chiến tranh phát triển theo từng giai đoạn", ông Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng ARD của Đức ngày 3/12.

“Chúng ta phải sát cánh cùng Ukraine trong cả thời điểm thuận lợi và khó khăn”.

“Chúng ta cũng nên chuẩn bị đón nhận những tin xấu [từ Ukraine]".

Ông Stoltenberg đưa ra những nhận xét khó hiểu trên trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo về những thắng lợi trên chiến trường của Nga, đặc biệt là trong và xung quanh thị trấn điểm nóng Avdiivka.

Nằm ở phía đông khu vực Donetsk, Avdiivka nằm cách Bakhmut khoảng 30 dặm (gần 50 km) về phía nam, nơi đã rơi vào tay lực lượng Nga hồi tháng 5 sau 9 tháng giao tranh ác liệt.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thừa nhận rằng cuộc phản công kéo dài nhiều tháng của Ukraine đã không đạt được tiến triển đáng kể.

“Chúng tôi muốn có kết quả nhanh hơn", ông Zelenskyy nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào ngày 01/12.

“Xét từ góc độ đó, thật đáng tiếc là chúng tôi đã không đạt được kết quả như mong muốn”.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng thất bại của cuộc phản công là do thiếu nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị của phương Tây.

Ông nói: “Chúng tôi không có được tất cả vũ khí mà chúng tôi muốn.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm ngoái, phương Tây - do Mỹ dẫn đầu - đã cung cấp cho Kyiv vũ khí và thiết bị trị giá hàng chục tỷ USD.

Các thiết bị đó bao gồm: máy bay không người lái chiến đấu tiên tiến, xe tăng do phương Tây sản xuất, hệ thống phòng không Patriot, bệ phóng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (High Mobility Artillery Rocket System - HIMARS), và một vài loạt vũ khí tấn công khác.

Ông Stoltenberg đã kêu gọi 31 thành viên NATO tăng cường sản xuất vũ khí.

Ông nói với đài truyền hình Đức: “Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo điều này xảy ra. Chúng ta càng ủng hộ Ukraine thì chiến tranh sẽ kết thúc càng sớm”.

Tuy nhiên, bất chấp sự hào phóng liên tục của phương Tây, quân đội Nga dường như đã chiếm thế thượng phong trong những tuần gần đây.

Khác với những đánh giá lạc quan thường thấy của mình, ông Stoltenberg thừa nhận vào giữa tháng 11 rằng tình hình chiến sự ở Ukraine khá "khó khăn".

Tại cuộc họp báo ngày 16/11, ông nói với các phóng viên rằng tình hình ở Avdiivka nói riêng “khó khăn hơn chúng tôi mong đợi”.

Moscow hiếm khi ám chỉ Avdiivka trong các tuyên bố chính thức.

Tuy nhiên, tuần trước, ông Vitaliy Barabash, người đứng đầu cơ quan quân quản Avdiivka của Ukraine, cho biết, lực lượng Nga đang tiến vào thị trấn “từ tứ phía”.

Những ngày gần đây cũng xuất hiện các báo cáo - vẫn chưa được xác nhận - rằng lực lượng Nga đã tràn vào thị trấn Maryinka, nằm cách Avdiivka khoảng 25 dặm (khoảng 40 km) về phía nam.

Vào ngày 02/12, ông Oleh Zhdanov, một nhà phân tích quân sự nổi tiếng của Ukraine, đã bác bỏ các báo cáo về bước đột phá của Nga. Tuy nhiên, ông tiếp tục thừa nhận rằng lực lượng Nga đang tiến về Maryinka.

Ông nói với hãng tin Reuters: “Tuy nhiên, phần phía tây nam và tây bắc của thị trấn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraine”.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập các báo cáo của một trong hai bên tham chiến.

Tướng Nga và Ukraine đàm phán riêng?

Vào ngày 01/12, nhà báo kỳ cựu Seymour Hersh đưa tin rằng Tướng Valery Zaluzhny, chỉ huy quân đội Ukraine hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán riêng với người đồng cấp Nga, Tướng Valery Gerasimov.

Viết trên nền tảng Substack, ông Hersh đã trích dẫn các nguồn tình báo ẩn danh của Hoa Kỳ để chứng minh cho những lời khẳng định của mình.

Theo những người giấu tên, hai vị tướng đã thảo luận về các đề xuất chấm dứt xung đột, trong đó Kyiv sẽ công nhận chủ quyền của Moscow đối với các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ.

Những vùng lãnh thổ này cũng sẽ bao gồm Bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Đổi lại, Moscow sẽ chấp thuận việc Ukraine gia nhập NATO - với điều kiện quân đội và thiết bị của NATO không được triển khai tại nước này.

Theo nguồn tin của ông Hersh, lời đề nghị riêng tư của Tướng Zaluzhny với người đồng cấp Nga đã được Washington tán thành.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phản hồi yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm xuất bản bài viết, liên quan đến những tuyên bố được đưa ra trong báo cáo của ông Hersh.

Vào ngày 2/12, hãng thông tấn TASS của Nga đã đăng tải một bản tin ngắn gọn về những khẳng định bùng nổ của ông Hersh. Một báo cáo khác về chủ đề tương tự của hãng tin Sputnik của Nga đã bị gỡ xuống ngoại tuyến ngay sau khi xuất bản.

Moscow vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về bất kỳ tuyên bố nào của ông Hersh.

Tuy nhiên, vào cùng ngày tin tức được công bố, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dường như đã dội một gáo nước lạnh vào bất kỳ ý kiến nào cho rằng các cuộc đàm phán - bí mật hay cách khác - đang được tiến hành.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Skopje, Bắc Macedonia hôm 01/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng ông không thấy dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột Ukraine sẽ sớm được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, đồng thời đổ lỗi cho Kyiv và phương Tây vì đã gây ra tình hình hiện nay.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, Moscow hiện không nhận thấy dấu hiệu nào từ Kyiv hoặc các nước phương Tây cho thấy họ sẵn sàng đàm phán.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Lavrov nói: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ tín hiệu nào từ Kyiv hoặc những người chủ của họ [tức là các đồng minh phương Tây của Kyiv] cho thấy họ sẵn sàng tìm kiếm bất kỳ hình thức giải quyết chính trị nào”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thư ký NATO nói 'chuẩn bị đón tin xấu' từ Ukraine