5 nước EU muốn gia hạn lệnh cấm đối với ngũ cốc Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, 5 quốc gia Đông u gồm Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Romania và Slovakia đã yêu cầu Liên minh Châu u (EU) gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine từ ngày 15/9 đến ngày 31/12.

5 nước Đông Âu yêu cầu kéo dài lệnh cấm ngũ cốc của Ukraine

Tờ Reuters đưa tin, ngày 19/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy trả lời phỏng vấn cho biết, để tránh tình trạng gián đoạn nghiêm trọng ở thị trường nội địa, 5 nước Đông Âu gồm Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Romania và Slovakia đã thành lập một liên minh. Các nước đã yêu cầu EU gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Lệnh cấm bao gồm các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine như lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết, 5 quốc gia Đông Âu yêu cầu tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine.

Ông nói: "Chúng tôi sẽ tới Warsaw để củng cố sự hợp tác của 5 quốc gia này và ký một tuyên bố hoặc thỏa thuận yêu cầu EU gia hạn lệnh cấm sau ngày 15/9".

Ông Nagy cho biết trước khi lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine được thực thi, đã có tình trạng dư thừa nguồn cung các sản phẩm ngũ cốc ở Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Romania và Slovakia, khiến giá ngũ cốc của nông dân địa phương giảm xuống. Năm quốc gia Đông Âu ủng hộ việc kéo dài lệnh cấm cho đến ngày 31/12, trong đó có Hungary ủng hộ đề xuất này.

"Do Ukraine có diện tích rộng lớn nên bất cứ thứ gì được sản xuất và xuất khẩu sang các nước châu Âu đều sẽ phá vỡ thị trường địa phương. Gà, trứng, mật ong và các sản phẩm nông nghiệp khác cũng vậy", ông Nagy cho hay.

Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria đã chịu thiệt hại nặng nề do ngũ cốc Ukraine tràn vào sau khi Brussels đình chỉ thuế hải quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của nước này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2/2022.

Theo Bộ trưởng Istvan Nagy, lệnh cấm ngũ cốc Ukraine là một biện pháp cần thiết để bảo vệ những nông dân EU đã phải chịu thiệt hại do các sản phẩm nông nghiệp Ukraine bán phá giá.

"Về hạn chế nhập khẩu (ngũ cốc Ukraine), Hungary có chung quan điểm với Bulgaria, Ba Lan, Romania và Slovakia. Theo đó, Ủy ban châu Âu nên gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc của Ukraine ngay cả sau ngày 15/9, vì đây là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích của nông dân châu Âu", ông Nagy tuyên bố.

Ông Nagy giải thích rằng chi phí sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine thấp hơn đáng kể so với những gì nông dân EU phải đối mặt, "vì ngành nông nghiệp ở Ukraine hoạt động trong điều kiện tự nhiên rất tốt và không phải thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, khiến việc sản xuất nông nghiệp của EU trở nên đắt đỏ hơn".

Ngoài ra, Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Romania và Slovakia có thể yêu cầu EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm khác của Ukraine.

Lệnh cấm ngũ cốc Ukraine để bảo vệ nền nông nghiệp của 5 nước Đông Âu

Theo nguồn tin từ Reuters, PoliticoCNBC của Mỹ, các quốc gia thành viên EU là Ba Lan, Hungary và Slovakia đều đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác của Ukraine để bảo vệ thị trường nông sản nội địa khỏi những cú sốc.

Ngày 18/4, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền(PSD) của Romania thông báo yêu cầu chính phủ liên minh cầm quyền thông qua sắc lệnh khẩn cấp: tạm thời cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Cảng Constanta ở Biển Đen đã bốc dỡ khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga - Ukraine. Tuy nhiên, giá lương thực toàn cầu đã khiến xuất khẩu lương thực giảm sút, và việc Ukraine xuất khẩu lương thực giá rẻ cũng gây áp lực chính trị cho chính phủ các nước Đông Âu.

Tại Ba Lan, Đảng Pháp luật và công lý (PiS) cầm quyền phải đối mặt với các cuộc bầu cử trong năm nay, với hy vọng giành được phiếu bầu từ nhiều vùng nông thôn hơn. Vì vậy, Ba Lan tuyên bố cấm nhập khẩu ngũ cốc và nông sản của Ukraine.

Bulgaria cũng đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine. Cộng hòa Séc cho biết họ sẽ không tự áp đặt lệnh cấm như vậy mà muốn có một giải pháp từ EU.

Theo trang web chính thức của Liên minh Châu Âu, vào ngày 2/5, Ủy ban Châu Âu đã áp đặt các “hạn chế tạm thời” đối với việc nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và dầu hướng dương của Ukraine cho 5 quốc gia.

Các quy định này chỉ áp dụng cho lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ucraina, đồng thời giúp tạo thuận lợi cho dòng sản phẩm nông nghiệp từ Bulgary, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5 và sẽ kéo dài cho đến ngày 5/6/2023.

Ngày 5/6, Ủy ban châu Âu cho biết EU sẽ dần dần dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine trước ngày 15/9.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

5 nước EU muốn gia hạn lệnh cấm đối với ngũ cốc Ukraine