Ba Lan: Không loại trừ khả năng phương Tây điều quân tới Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 8/3, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định khả năng NATO điều quân tới Ukraine là điều có thể xảy ra, trái ngược với tuyên bố trước đó của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Phát biểu này đã gây ra nhiều tranh cãi, nhận được cả phản ứng phản đối và ủng hộ từ các nhà lãnh đạo khác.

Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc thảo luận tại quốc hội Ba Lan ở Warsaw vào ngày 8/3, nhân kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO.

Theo bản dịch của Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Sikorski nói: "Sự hiện diện quân sự của NATO ở Ukraine không phải là điều không thể".

Cho đến nay, NATO chỉ cung cấp cho Ukraine viện trợ và hỗ trợ phi sát thương, bao gồm vật tư y tế và thiết bị mùa đông. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên đã tự gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập đến khả năng triển khai quân bộ binh phương Tây tới Ukraine trong tương lai. Ông cũng nói thêm rằng "chúng ta sẽ làm mọi thứ cần thiết để Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến".

Tuy nhiên, ông Macron cũng nhấn mạnh rằng hiện tại không có sự đồng thuận về việc chính thức đưa quân đội đến Ukraine.

Phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 26/2 tại dinh tổng thống ở Paris, ông Macron nói: "Về mặt động lực, chúng ta không thể loại trừ bất cứ điều gì".

Tổng thống Macron từ chối cung cấp chi tiết về việc quốc gia NATO nào đang cân nhắc gửi quân đội vào Ukraine, ông cho rằng tốt hơn nên duy trì "sự mơ hồ chiến lược".

Phát biểu của ông ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Điện Kremlin, họ cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội NATO ở Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột với nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phản ứng dữ dội và phản đối mạnh mẽ

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng xoa dịu lo ngại về việc NATO đang xem xét khả năng triển khai quân đội đến Ukraine, trong đó có Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, ông tuyên bố Ba Lan "không có kế hoạch cử quân tới Ukraine".

Tương tự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định "sẽ không có quân đội nào của châu Âu hoặc NATO được triển khai đến lãnh thổ Ukraine".

Ngoài ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thẳng thắn tuyên bố "không có kế hoạch triển khai lực lượng chiến đấu của NATO trên lãnh thổ Ukraine", mặc dù ông nói thêm rằng liên minh đang cung cấp cho Kyiv sự hỗ trợ "vô tiền khoáng hậu".

Để làm rõ phát biểu của Tổng thống Macron, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết đã có những cuộc thảo luận giữa các đồng minh NATO về việc tiến hành huấn luyện quân sự và rà phá bom mìn ở Ukraine, nhưng chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Bộ trưởng Pháp khẳng định: "Đây không phải là việc cử quân đội tham chiến chống lại Nga".

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Ba Lan cho biết phát ngôn của Tổng thống Pháp Macron nhằm mục đích gửi thông điệp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Sikorski nói: "Tôi đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron, bởi vì ông Putin đang sợ hãi chúng ta, chứ không phải chúng ta sợ ông Putin".

Ông nói thêm, hành động xâm lược Ukraine cho thấy Nga là quốc gia không thể chung sống hòa bình với các nước láng giềng và đã chứng minh rằng họ "về mặt văn minh, không thể tiếp thu các giá trị của chúng tôi, bất chấp những khuyến khích lặp đi lặp lại của chúng tôi".

Trong một sự kiện riêng tổ chức tại Warsaw vào ngày 8/3, ông Sikorski cho biết Ba Lan đóng vai trò điểm trung chuyển quan trọng cho việc vận chuyển viện trợ và vũ khí của phương Tây đến Ukraine, đồng thời kêu gọi củng cố cơ sở hạ tầng châu Âu nhằm tạo điều kiện gửi quân tiếp viện nhanh chóng đến sườn phía đông của NATO.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự họp báo sau hội nghị quốc tế nhằm tăng cường hỗ trợ phương Tây cho Ukraine, tại Paris, vào ngày 26/2/2024. (Ảnh: Gonzalo Fuentes/AFP/Getty Images)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự buổi họp báo sau hội nghị quốc tế nhằm tăng cường hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine, tại Paris, vào ngày 26/2/2024. (Ảnh: Gonzalo Fuentes/AFP/Getty Images)

Đầu tuần này, Tổng thống Séc Petr Pavel đã gặp Tổng thống Pháp. Sau cuộc gặp với ông Macron, Tổng thống Séc tuyên bố ông ủng hộ tìm kiếm giải pháp mới để hỗ trợ quân đội Ukraine, bao gồm việc tiếp tục trao đổi về khả năng đưa bộ binh vào Ukraine.

Tổng thống Pavel nói với hãng tin Novinky của Séc: "Chúng ta đừng tự giới hạn mình khi không cần thiết".

Sau cuộc thảo luận với Tổng thống Pavel, Tổng thống Macron tuyên bố rằng sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine nên tiếp tục, nhưng ông cũng bày tỏ mong muốn "không leo thang" với Nga.

'Cực kỳ nguy hiểm'

Giám đốc tình báo của Điện Kremlin đã mô tả cuộc thảo luận về việc gửi quân đội phương Tây tới Ukraine là "cực kỳ nguy hiểm" và nói rằng một động thái như vậy sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" đối với Nga.

Vào ngày 5/3, ông Sergei Naryshkin, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SVR), nói với truyền hình nhà nước Nga rằng việc thảo luận về việc triển khai binh sĩ phương Tây tới Ukraine “cho thấy mức độ vô trách nhiệm chính trị cao của các nhà lãnh đạo châu Âu ngày nay”.

“Những phát biểu này cực kỳ nguy hiểm”, ông Naryshkin nói.

Ông nói: “Thật buồn khi chứng kiến điều này, buồn khi quan sát và buồn khi hiểu rằng khả năng đàm phán của giới tinh hoa hiện nay ở châu Âu và Bắc Đại Tây Dương đang ở mức rất thấp”. "Họ ngày càng hiếm khi thể hiện được bất kỳ ý thức chung nào cả".

Thành viên NATO Ba Lan nằm ở biên giới phía đông của liên minh, giáp với Ukraine và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Ba Lan trước đây nằm dưới sự cai trị của Nga và nhiều người Ba Lan lo ngại rằng nếu Nga thành công ở Ukraine, nước này có thể nhắm mục tiêu vào các quốc gia khác trong khu vực, những quốc gia mà Moscow coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Nga đã nhiều lần phủ nhận ý định thù địch đối với các quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, họ cũng cáo buộc NATO đang thực hiện các hành động khiêu khích và mở rộng ảnh hưởng về phía Đông, bao gồm cả việc hỗ trợ Ukraine gia nhập liên minh này. Nga cho rằng những hành động này đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của họ và là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Một số chuyên gia nhận định rằng nhận xét gần đây của ông Sikorski thể hiện một sự thay đổi lớn hơn trong quan điểm của NATO đối với Ukraine, tiến gần hơn đến lập trường của Tổng thống Macron. Lập trường này không loại trừ khả năng triển khai quân NATO đến Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang chịu áp lực nội bộ nhằm hạn chế hoặc cắt giảm viện trợ cho Kyiv.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan: Không loại trừ khả năng phương Tây điều quân tới Ukraine