Bình luận: Bắc Kinh phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với việc Hong Kong đã gần như bị Trung Quốc thôn tính hoàn toàn, Đài Loan được cho là mục tiêu tiếp theo của ông Tập Cận Bình trong chiến lược củng cố cộng đồng người Hoa kiều hải ngoại thành "Trung Quốc vĩ đại".

Điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán của những người theo dõi Trung Quốc, những người đã quan sát thấy các hành động ngày càng hung hăng của quân đội Trung Quốc tại vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan trong vài năm qua.

Hoa Kỳ đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và ngoại giao khi chính quyền Jimmy Carter chính thức hóa chính sách "Một Trung Quốc" một cách hời hợt vào năm 1979.

Chính sách này là một phần của quá trình công nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc". Điều này đã loại bỏ hoàn toàn khả năng Cộng hòa Trung Hoa (tên chính thức của Đài Loan) là một thực thể có chủ quyền riêng biệt trong tương lai.

Chính sách "Một Trung Quốc" của Tổng thống Carter đã củng cố chính sách ngầm của chính phủ Hoa Kỳ được hình thành sau khi Tổng thống Richard Nixon "mở cửa Trung Quốc" vào năm 1972.

Chính sách này cuối cùng dẫn đến sự mập mờ chiến lược: Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, nhưng đồng thời cũng không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền.

Chính sách Một Trung Quốc đã dẫn đến 45 năm bất ổn đối với người dân Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực. Họ luôn lo ngại về ý định của ĐCSTQ khi số phận của Đài Loan bị phó mặc theo mốc thời gian của ĐCSTQ.

Những người hoài nghi cho rằng số phận của 24 triệu người dân Đài Loan đã bị hy sinh vì lợi ích thương mại của Hoa Kỳ và các tập đoàn đa quốc gia mong muốn kinh doanh với Trung Quốc.

Suốt nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ liên tục nhắc lại và củng cố nguyên tắc "Một Trung Quốc" với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Họ thể hiện điều này qua mọi bài báo truyền thông nhà nước thảo luận về Đài Loan và tương lai của hòn đảo từ năm 1979, cũng như trong các báo cáo tóm tắt về các đại hội đảng toàn quốc của ĐCSTQ qua nhiều năm.

Theo nguyên tắc "Một Trung Quốc", Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và phải được thống nhất với đại lục bằng mọi biện pháp cần thiết.

Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước bất kỳ sự phản kháng hay nỗ lực nào từ bên ngoài nhằm cản trở kế hoạch thống nhất Đài Loan. Họ sử dụng nguyên tắc "Một Trung Quốc" như một công cụ để khẳng định vị thế "trọng tài độc quyền" quyết định vận mệnh của hòn đảo này.

Chiến dịch chiến tranh thông tin "Một Trung Quốc". Một ví dụ điển hình cho chiến dịch này là tuyên bố của ông Trần Ban Hoa (Chen Binhua), phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc vào ngày 13/3: "Xu hướng lịch sử hướng tới một Trung Quốc mạnh mẽ hơn, trẻ hóa đất nước và thống nhất đất nước không thể dừng lại".

Đây chỉ là một trong những lời đe dọa mới nhất từ ĐCSTQ.

Thống nhất mang ‘đặc sắc Trung Quốc’

ĐCSTQ sử dụng nhiều chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" để theo đuổi mục tiêu thống nhất Đài Loan theo nguyên tắc "Một Trung Quốc". Chiến lược này được Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Các chiến thuật này bao gồm:

  • Khuyến khích kinh tế: Cung cấp trợ cấp, liên doanh, và các ưu đãi khác để thu hút đầu tư từ Đài Loan.
  • Nâng cao sức hấp dẫn của Hạ Môn: Biến Hạ Môn thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Đài Loan.
  • Thúc đẩy giao lưu văn hóa: Tăng cường các hoạt động văn hóa giữa Trung Quốc và Đài Loan.
  • Hối lộ và tham nhũng: Sử dụng hối lộ để ảnh hưởng đến các chính trị gia Đài Loan.
  • Chiến lược giáo dục: Thu hút sinh viên Đài Loan bằng các chính sách giáo dục.
  • Áp lực kinh tế: Dùng sức mạnh kinh tế để can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan, ủng hộ các chính trị gia thân Trung Quốc.
  • Thông tin sai lệch: Phát tán thông tin sai lệch nhằm gây ảnh hưởng đến tiến trình ra quyết định của Đài Loan.
  • Ngoại giao cưỡng ép: Dùng sức ép ngoại giao để đạt được mục đích.
  • Đe dọa quân sự: Sử dụng quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hoạt động gần Đài Loan để gây ra nỗi sợ hãi.

Mặc dù ĐCSTQ gia tăng các biện pháp "lôi kéo" và đe dọa trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, ông Lại Thanh Đức, ứng cử viên đến từ Đảng Dân Tiến (DPP) vốn có truyền thống ủng hộ độc lập, đã giành chiến thắng. Có lẽ việc chứng kiến sự tuột dốc của Hong Kong đã mách bảo cho cử tri Đài Loan biết điều gì có thể xảy ra cho hòn đảo này sau "sự thống nhất mang đặc sắc Trung Quốc".

Kể từ cuộc bầu cử tháng Giêng, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng áp lực lên Đài Loan. Một phát ngôn viên của ĐCSTQ tuyên bố vào ngày 25 tháng 1 rằng "Đài Loan sẽ không bao giờ là một quốc gia".

Theo The Federalist đưa tin vào tháng Giêng, "Trung Quốc đã điều 233 máy bay quân sự, 110 tàu hải quân và hàng chục khinh khí cầu do thám quanh Đài Loan". Tờ Newsweek cho biết, kết quả là "Hải quân Trung Quốc đã tăng cường triển khai tàu chiến để duy trì sự hiện diện quân sự thường trực xung quanh Đài Loan". Đây là "bình thường mới" trong chiến thuật gây hấn của PLA đối với Đài Loan và vẫn đang tiếp diễn.

Trung Quốc cũng đang cố gắng xóa bỏ các ranh giới lãnh thổ hiện có. Theo Taiwan News, họ "phủ nhận sự tồn tại của ranh giới biển quanh huyện Kim Môn". Vào tháng Hai, cái chết của hai ngư dân Trung Quốc gần quần đảo Kim Môn đã dẫn đến phản ứng ngoại giao gay gắt từ Bắc Kinh và trở thành cái cớ để Trung Quốc gia tăng các hoạt động tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực - một "bình thường mới" khác của áp lực từ phía Trung Quốc.

Máy bay của PLA ngày càng vi phạm vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo Newsweek, trong năm 2023, "tổng cộng 1.709 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã được theo dõi xâm nhập ADIZ".

Có thể nói, hành động đáng báo động nhất của Bắc Kinh là việc đột ngột loại bỏ đề cập đến "thống nhất hòa bình" trong báo cáo của chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC) vào ngày 5/3. Việc loại bỏ này dường như không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị làm gì nếu Trung Quốc cố gắng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực?

Chưa hẳn!

Kể từ khi Đạo luật Quan hệ Đài Loan được thông qua vào năm 1979, Đài Loan đã trở thành một trong những nước mua nhiều vũ khí và nhận viện trợ quân sự lớn nhất thông qua chương trình Bán Thiết bị Quân sự Nước ngoài (FMS) của Mỹ.

Đạo luật Tăng cường Khả năng Phục hồi Đài Loan (TERA) năm 2023 mang đến nhiều cơ hội to lớn cho Đài Loan trong việc nâng cao năng lực phòng thủ. Theo đó, Cơ quan Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF) cho phép Đài Loan vay tối đa 2 tỷ USD mỗi năm cho đến năm tài chính 2027. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã chuyển giao 345 triệu USD thiết bị cho Đài Loan vào cuối năm 2023 thông qua quyền rút vốn của tổng thống.

Năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan bằng cách bán "khoảng 75 triệu USD nâng cấp hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật tiên tiến". Hệ thống này sẽ giúp cải thiện khả năng chỉ huy, kiểm soát và tương tác giữa Đài Loan với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2024 còn nhiều điều khoản quan trọng khác, bao gồm "thiết lập chương trình đào tạo, tư vấn và xây dựng năng lực thể chế toàn diện cho các lực lượng quân sự của Đài Loan". Hoa Kỳ cũng cam kết hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng an ninh mạng. Theo tờ United Daily News của Đài Loan, Biệt đội Tác chiến Đặc biệt số 1 – Delta của Mỹ đã thiết lập sự hiện diện huấn luyện thường trực trên đảo để hỗ trợ Tiểu đoàn Trinh sát Đổ bộ 101 của Đài Loan.

Mặc dù Đài Loan mong muốn được trang bị những vũ khí và thiết bị tiên tiến hơn nữa, nhưng những hỗ trợ hiện tại từ Hoa Kỳ cũng là bước khởi đầu quan trọng để nâng cao khả năng phòng thủ của họ.

Kết luận

"Thống nhất Đài Loan" vẫn là vấn đề nhức nhối đối với Trung Quốc. Bất kỳ hành động nào, dù thực tế hay chỉ là nghi vấn, được cho là cản trở mục tiêu thống nhất theo điều khoản của Bắc Kinh đều sẽ dẫn đến phản ứng giận dữ từ giới ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Ví dụ điển hình là việc Trung Quốc trừng phạt 5 nhà sản xuất vũ khí Mỹ vào tháng 1 vì bán vũ khí cho Đài Loan, hay tuyên bố của người phát ngôn Trung Quốc vào ngày 23/2 rằng việc Mỹ bán hệ thống liên kết dữ liệu chiến thuật cho Đài Loan là "canh bạc" nguy hiểm.

Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đề xuất của chính quyền ông Biden về việc viện trợ quân sự bổ sung 100 triệu USD cho Đài Loan, đồng thời tuyên bố "Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình". "Biện pháp kiên quyết" này mang tính đe dọa đáng lo ngại.

Để đối phó với những đe dọa liên tục từ ĐCST đối với Đài Loan và cả Hoa Kỳ, cần thực hiện những hành động sau:

  • Áp dụng các điều khoản của Đạo luật Quan hệ Đài Loan: Nâng cao khả năng tự vệ của Đài Loan thông qua việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực, máy bay tiên tiến, và tên lửa hành trình siêu vượt âm chống hạm tầm xa.
  • Chính thức công nhận Đài Loan: Mở đại sứ quán tương ứng tại Đài Bắc và Washington.
  • Hoàn thành hiệp ước phòng thủ chung: Hợp tác giữa Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực để tạo ra biện pháp răn đe đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Những hành động này sẽ chấm dứt vĩnh viễn chính sách "Một Trung Quốc" sai lầm (bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh).

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Bắc Kinh phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan