Bình luận: Đối mặt nghiêm túc với chiến tranh hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cần đối mặt nghiêm túc với nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân.

Trong hơn ba thập kỷ rưỡi kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, người Mỹ đã sống an nhàn và hành động như thể họ về cơ bản an toàn trước các sự kiện hạt nhân.

Khi Tổng thống Bill Clinton và tôi thành lập Ủy ban Hart-Rudman vào năm 1998, mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy việc tái đánh giá sâu sắc các chiến lược an ninh của Hoa Kỳ. Dưới sự dẫn dắt tài tình của Tướng Charles Boyd, Ủy ban đã cho ra đời một báo cáo xuất sắc.

Báo cáo cảnh báo rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ là một cuộc tấn công hạt nhân vào một thành phố Mỹ, có khả năng được thực hiện bởi một nhóm khủng bố. Để đối phó với nguy cơ này, chúng tôi đề xuất thành lập Bộ An ninh Nội địa (DHS) với khả năng ứng phó với ba sự kiện hạt nhân xảy ra đồng thời. Bộ phận này sẽ được huấn luyện và duy trì kỷ luật chặt chẽ, tương tự như các tổ chức quân đội hoặc sở cứu hỏa hạng nhất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ nhận thức về nguy hiểm của vũ khí hạt nhân còn rất hạn chế. Bộ An ninh Nội địa đã dần biến thành một mớ bòng bong quan liêu với mức độ thiếu năng lực trầm trọng. Hiện nay, họ thậm chí không thể giải quyết vấn đề người dân nhập cư không vũ trang tại biên giới. Do đó, khả năng họ đối phó với một (chưa nói đến ba) sự kiện hạt nhân xảy ra đồng thời là hoàn toàn không thể.

Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang gia tăng đáng kể. Khi đối mặt với Liên Xô, chiến lược hủy diệt lẫn nhau được coi là có thể duy trì sự răn đe và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân xảy ra. Không bên nào dám tấn công hạt nhân vì sự hủy diệt gần như chắc chắn sẽ xảy ra với cả hai. Chiến lược này có thể được ví như cách Abraham Lincoln đáp lại thách đấu tay đôi: ông chọn súng ngắn ở cự ly gần và đối thủ đã lùi bước.

Bây giờ, vấn đề đáng lo ngại là một số quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân có thể không quan tâm đến việc chúng ta đáp trả.

Chẳng hạn, chế độ thần quyền Iran có thể chấp nhận việc Tehran bị hủy diệt để đổi lấy việc Tel Aviv bị xóa sổ, coi đây là một lợi thế ròng về mặt tư tưởng.

Chúng ta cũng không hiểu rõ các giá trị và cách suy nghĩ của Kim Jong-un và ban lãnh đạo của ông (bao gồm cả em gái, người được cho là cứng rắn hơn ông ấy). Trước những thành tựu ngày càng tăng về kinh tế, công nghệ và chất lượng cuộc sống của Hàn Quốc, có khả năng chế độ Bắc Triều Tiên sẵn sàng mạo hiểm tấn công hạt nhân, coi đây là lợi thế duy nhất của mình.

Pakistan là một quốc gia không ổn định, trong khi đối thủ lâu năm của họ là Ấn Độ đang không ngừng phát triển. Điều này có thể dẫn đến xung đột hạt nhân nếu Pakistan cảm thấy bị đe dọa bởi quy mô sức mạnh của Ấn Độ - hoặc nếu Ấn Độ phản ứng quyết liệt trước một mối đe dọa được cho là từ Pakistan. Cuối cùng, một cuộc xung đột hạt nhân có thể xảy ra trong khu vực chỉ vì sự hiểu lầm đơn thuần.

Chế độ độc tài Nga là sự kết hợp nguy hiểm giữa huấn luyện kiểu Xô Viết (Vladimir Putin từng là sĩ quan KGB và vẫn trung thành sâu sắc với tinh thần của Liên Xô) và chủ nghĩa dân tộc Nga vĩ đại. Hơn nữa, mức độ tham nhũng của ÔNG Putin và các đồng minh - cùng với sự quyết liệt và tàn bạo trong cách đối phó với phe đối lập nội bộ - đã tạo ra một môi trường tâm lý mà việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một giải pháp thay thế cho thất bại có thể xảy ra ngày càng nhiều.

Bản thân ông Putin cũng đã đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Gần đây, một đồng minh thân cận của ông ta còn gợi ý vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng tấn công London và Washington nếu Nga buộc phải trả lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào ở Ukraine.

Cuối cùng, đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân có lý trí và ổn định nhất của chúng ta chính là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (điều này tự nó đã cho thấy thế giới đang trở nên bất ổn như thế nào). Với dân số giảm sút, nền kinh tế suy thoái nhanh chóng và cảm giác thất vọng, cô lập toàn cầu gia tăng, Tổng Bí thư Tập Cận Bình có thể quyết định mạo hiểm xâm lược Đài Loan hoặc gây ra khủng hoảng ở Biển Đông. Xung đột có thể leo thang mất kiểm soát với tốc độ đáng kinh ngạc.

Trước thực tế này, chúng ta cần xem xét lại nghiên cứu kinh điển của Herman Kahn, "Suy nghĩ về điều không thể nghĩ đến." Để hiểu một cuộc tấn công hạt nhân sẽ nguy hiểm như thế nào, việc quay trở lại 70 năm trước với cuốn tiểu thuyết kinh ngạc "Ngày mai" của Philip Wylie cũng rất hữu ích.

Đây là câu chuyện về một cuộc tấn công hạt nhân vào một thành phố duy nhất và sức mạnh hủy diệt sự sống và nền văn minh của vũ khí hạt nhân. Chính cuốn sách này đã thuyết phục tôi, khi còn là học sinh trung học, rằng chúng ta cần phải làm hầu như tất cả mọi thứ để tránh chiến tranh hạt nhân - và sống sót nếu nó xảy ra.

Gần đây, tôi đã đọc lại cuốn tiểu thuyết năm 1989 "Ngày trước nửa đêm" của Stephen Hunter, trong đó một nhà dân tộc chủ nghĩa Nga khá giống Putin đã chiếm một silo ICBM của Mỹ nhằm mục đích bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nếu chúng ta nghiêm túc đối phó với chiến tranh hạt nhân, chúng ta sẽ ngay lập tức thực hiện ba điều:

Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chất lượng cao theo mô hình của Israel, bao phủ mọi giai đoạn tấn công - từ lúc tên lửa rời bệ phóng, bay trên không gian vũ trụ đến khi tái nhập tầng khí quyển và cuối cùng là ngay tại điểm phòng thủ.

Tổng thống Ronald Reagan đã từng đề xuất Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) vào năm 1983, nhưng bị chế giễu là "Chiến tranh giữa các vì sao". Tuy nhiên, những thành tựu công nghệ kế thừa từ SDI đã cứu sống hàng chục nghìn người dân Israel. Một phiên bản toàn cầu có thể cứu hàng trăm triệu người.

Thứ hai, chúng ta cần phát triển hệ thống sinh tồn trong nước, có khả năng ứng phó với ba sự kiện hạt nhân trở lên. Hệ thống này bao gồm các bệnh viện, lực lượng an ninh, công nhân xây dựng và bất cứ thứ gì cần thiết để giảm thiểu thương vong. Điều này bao gồm tích trữ thuốc men phóng xạ, lương thực, nước sạch, v.v.

Thứ ba, chúng ta cần một chương trình cấp tốc để tăng cường khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống trước một cuộc tấn công xung điện từ (EMP). Như Bác sĩ Bill Forstchen đã viết trong cuốn sách nổi tiếng "Một Giây Sau", một cuộc tấn công xung điện từ sẽ tàn phá và hủy diệt nền văn minh.

Chúng ta đã bất ngờ trước sự kiện Trân Châu Cảng. Chúng ta đã bất ngờ trước sự kiện ngày 11/9/2001. Chúng ta không thể để mình tiếp tục bất ngờ trước một cuộc tấn công hạt nhân.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Newt Gingrich là đảng viên Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ năm 1995 đến năm 1999 và từng ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đối mặt nghiêm túc với chiến tranh hạt nhân