Bộ trưởng Tài chính Mỹ chỉ trích các hành động 'cưỡng chế' của Bắc Kinh đối với Washington

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng chỉ trích những hành động "cưỡng chế" của Bắc Kinh đối với các công ty nước ngoài. Bà kêu gọi giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tạo dựng "một sân chơi bình đẳng" cho các doanh nghiệp và người lao động Hoa Kỳ.

Bắt đầu chuyến công du thứ hai tới Trung Quốc với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính, bà Yellen đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài khác vào thứ Sáu (6/4) tại Quảng Châu, trung tâm xuất khẩu phía nam Trung Quốc.

Trong một sự kiện do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh (AmCham) tổ chức, Bộ trưởng Yellen tuyên bố, chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi “các thực tiễn kinh tế bất công, bao gồm việc áp đặt rào cản gia nhập thị trường đối với các công ty nước ngoài và thực hiện các hành động cưỡng chế đối với các công ty Mỹ”.

Theo khảo sát thường niên của AmCham, 1/3 số công ty Mỹ cho rằng họ bị đối xử bất công bởi các chính sách và hành động thực thi mang tính địa phương so với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Sự suy giảm về bình đẳng đáng kể nhất được báo cáo trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D).

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh: "Tôi kiên định tin rằng điều này không chỉ gây thiệt hại cho các công ty Mỹ: việc chấm dứt những hành vi bất công này sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh tại đây. Tôi dự định nêu ra những vấn đề này trong các cuộc họp trong tuần này”.

Trong một cuộc gặp trước đó với ông Vương Vĩ Trung (Wang Weizhong), Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, bà Yellen nhấn mạnh đến nhu cầu về "một sân chơi bình đẳng" cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài tương tự như các đối thủ trong nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hàng loạt đợt thanh tra đột xuất, áp dụng mức phạt tiền nặng nề, bắt giữ và kết án nhân viên của các công ty tư vấn quốc tế và công ty thẩm tra chuyên sâu đã gây tâm lý e dè cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua. Theo số liệu chính thức được Trung Quốc công bố vào ngày 18/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài năm ngoái chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 82% so với năm 2022.

Vào ngày 27/2, Bắc Kinh đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật quốc gia sửa đổi mới, mở rộng phạm vi thông tin được chính quyền định danh là nhạy cảm. Luật An ninh Quốc gia được cập nhật - cùng với sự giám sát ngày càng gia tăng của chính quyền đối với kiểm soát dữ liệu và hoạt động gián điệp - có nguy cơ làm gia tăng thêm những lo ngại của các công ty nước ngoài.

Vấn đề năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc

Hôm 5/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc gặp với ông Hà Lập Phong (He Lifeng), Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc. Ông Hà Lập Phong đang giám sát hai cơ quan quyền lực của ĐCSTQ, phụ trách về chính sách tài chính và kinh tế của đất nước.

Bà Yellen nhấn mạnh với ông Hà Lập Phong tầm quan trọng của việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần "trao đổi chặt chẽ về các vấn đề đáng quan ngại như năng lực sản xuất dư thừa trong lĩnh vực công nghiệp và các hành động kinh tế liên quan đến an ninh quốc gia".

Trước cuộc họp kín, bà Yellen tái khẳng định: "Một mối quan hệ kinh tế lành mạnh phải mang lại sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và người lao động của cả hai nước".

Toàn cảnh bữa tối tiếp khách giữa Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 5/4/2024. (Ảnh: Ken Ishii/Pool/Getty Images)
Toàn cảnh bữa tối tiếp khách giữa Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 5/4/2024. (Ảnh: Ken Ishii/Pool/Getty Images)

Mục tiêu chính trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen là thúc đẩy Bắc Kinh giải quyết vấn đề năng lực sản xuất dư thừa. Bà Yellen nhận định rằng năng lực sản xuất dư thừa trong lĩnh vực công nghiệp là mối quan ngại chung của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác bởi nó có khả năng gây ra hiệu ứng lan truyền trên toàn cầu.

Trước bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra và sức tiêu dùng hộ gia đình yếu kém, Trung Quốc đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chuyển hướng trọng tâm chính sách sang các lĩnh vực tăng trưởng mới được mệnh danh là "ba lĩnh vực tăng trưởng mới": xe điện, pin lithium-ion và quang điện. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng sản xuất dư thừa năng lực trong nước.

Bà Yellen phát biểu tại một sự kiện của AmCham rằng: "Sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của chính phủ Trung Quốc hiện đang dẫn đến năng lực sản xuất vượt xa đáng kể nhu cầu nội địa của Trung Quốc, cũng như vượt quá khả năng tiếp nhận của thị trường toàn cầu".

Dư thừa năng lực sản xuất có khả năng dẫn đến xuất khẩu ồ ạt sản phẩm với giá thấp, gây tổn hại cho người lao động và doanh nghiệp ở các quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ và Mexico. Bà Yellen cũng bày tỏ quan ngại về việc tập trung quá mức chuỗi cung ứng do dư thừa năng lực sản xuất, điều này có thể gây ra rủi ro cho khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định rằng việc giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất và thực hiện các cải cách dựa trên thị trường sẽ mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và các quốc gia khác.

Sau cuộc đối thoại kinh tế diễn ra vào ngày 5/4, bà Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong dự kiến sẽ có một cuộc gặp khác vào sáng ngày 6/4. Sau đó, bà Yellen và nhóm của bà sẽ đến Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

Một người phụ nữ đi trên cầu vượt tại khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Liệu sẽ có một cuộc chiến thương mại mới?

Tuy nhiên, giới quan sát lại không mấy lạc quan về khả năng giải quyết vấn đề sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.

Ông Steven Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số tại Washington (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách mới "The Devil and Communist China", đã nhận định rằng tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của ĐCSTQ không phải là vấn đề mới. Ông gọi đây là "hậu quả trực tiếp" của nhiều năm chính phủ Trung Quốc trợ cấp mạnh mẽ cho các lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn thống trị.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài NTD, cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times, vào thứ Năm (5/4), ông Mosher cho biết việc thuyết phục Trung Quốc giải quyết vấn đề dư thừa công suất cũng giống như việc thay đổi mô hình kinh tế mà họ đã sử dụng trong nhiều thập kỷ để "bóp nghẹt nền tảng công nghiệp của Hoa Kỳ và Châu Âu".

Ông nói thêm, trừ khi các cuộc đối thoại của bà Yellen với các quan chức Trung Quốc "đi kèm với các chiến thuật đàm phán thương mại cứng rắn và quyết liệt, bao gồm cả khả năng tăng thuế quan, nếu không, tôi không nghĩ bà ấy sẽ đạt được kết quả gì".

Ô tô điện xuất khẩu đang chờ được chất lên "BYD Explorer NO.1", một tàu sản xuất trong nước nhằm xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 10/1/2024. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Ô tô điện xuất khẩu đang chờ được chất lên "BYD Explorer NO.1", một tàu sản xuất trong nước nhằm xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, vào ngày 10/1/2024. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Giáo sư Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-Hsiang), giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nam Hoa, Đài Loan, cũng chia sẻ quan điểm tương đồng, cảnh báo rằng Bộ trưởng Yellen và đoàn tùy tùng có thể phải đối mặt với những cuộc đàm phán cam go với các quan chức ĐCSTQ.

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 5/4, Giáo sư Tôn nhận định: "Nền kinh tế phương Tây vận hành theo nguyên tắc sản xuất dựa trên nhu cầu tiêu dùng, hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc".

"Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất hàng hóa bất kể có đơn đặt hàng hay không. Khi hàng hóa dư thừa, họ sẽ tìm cách bán ra nước ngoài với giá rẻ".

Giáo sư Tôn cảnh báo rằng việc Bắc Kinh sử dụng trợ cấp nhà nước để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực năng lượng sạch, cùng với việc xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa sang thị trường quốc tế, có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại với các nước phương Tây.

Giáo sư Tôn Quốc Tường cảnh báo rằng việc Trung Quốc xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa sang thị trường quốc tế có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại mới trong ngành công nghiệp năng lượng xanh.

Tuy nhiên, ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-Chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, lại không đồng ý với quan điểm này. Ông Vương cho rằng Washington và Brussels có khả năng sẽ tăng cường các biện pháp chống bán phá giá nhằm vào Bắc Kinh.

Ông Vương đề cập đến chiến thuật "sân nhỏ và hàng rào cao" mà Mỹ sử dụng để mô tả cách tiếp cận của họ, đó là hạn chế xuất khẩu các công nghệ then chốt của Mỹ sang Trung Quốc trong khi vẫn duy trì hầu hết các quan hệ thương mại với nước này.

Ông dự đoán: "Hàng rào sẽ ngày càng cao hơn", nhưng "nó sẽ không đạt đến mức độ của một cuộc chiến thương mại".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Tài chính Mỹ chỉ trích các hành động 'cưỡng chế' của Bắc Kinh đối với Washington