Các nhà khoa học tìm thấy đột biến gen trong máu của các phi hành gia NASA

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi kiểm tra các mẫu máu của 14 phi hành gia của NASA, những người thực hiện các sứ mệnh Tàu con thoi từ năm 1998 đến 2001, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng tất cả các mẫu đều có đột biến trong DNA.

Mặc dù về lâu dài, những đột biến này không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của các phi hành gia, nhưng nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho các phi hành gia, đặc biệt là khi họ phải thực hiện các sứ mệnh lâu ngày lên Mặt trăng và xa hơn thế nữa trong những năm tới.

Điều đáng chú ý là các đột biến cụ thể được xác định trong nghiên cứu có một tỷ lệ cao các tế bào máu đến từ một dòng vô tính, một hiện tượng được gọi là tạo máu vô tính.

Các đột biến như thế này có thể bắt nguồn từ việc tiếp xúc quá mức với bức xạ tia cực tím và các dạng bức xạ khác bao gồm cả hóa trị liệu.

Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học nghi ngờ rằng những đột biến có thể là kết quả của bức xạ không gian.

Tác giả chính David Goukassian, Giáo sư y khoa tại Trường Y Icahn tại Mount Sinai, cho biết: “Các phi hành gia làm việc trong một môi trường khắc nghiệt, nơi chứa nhiều yếu tố, nổi bật nhất là bức xạ không gian, có thể dẫn đến đột biến xôma. Vì vậy có nguy cơ những đột biến này phát triển thành quá trình tạo máu vô tính”.

Đột biến xôma là đột biến xảy ra ở tế bào xôma hay tế bào sinh dưỡng của một sinh vật đa bào sinh sản hữu tính.

Hiện tại, chủ đề về sức khỏe phi hành gia đang trở thành đề tài được nhiều người chú ý hơn bao giờ hết. Mới năm ngoái, NASA đã đề xuất thay đổi giới hạn bức xạ mà các phi hành gia có thể tiếp xúc để bảo vệ sức khỏe của họ.

Tóm lại, cơ quan này đang cố gắng cho phép các phi hành gia trẻ tuổi tiếp xúc với lượng bức xạ tương đối cao hơn các phi hành gia lớn tuổi, và loại bỏ sự khác biệt về giới hạn giữa nam và nữ.

Các mẫu máu cho nghiên cứu mới nhất này được thu thập từ 12 nam và 3 nữ phi hành gia vào thời điểm mười ngày trước khi các chuyến du hành của họ bắt đầu và vào ngày họ hạ cánh. Sau đó, các mẫu máu được lưu trữ đông lạnh ở -80 độ C trong khoảng hai thập kỷ.

Các đột biến được quan sát thấy trong các mẫu máu giống với loại đột biến xôma mà chúng ta thấy ở những người lớn tuổi. Nhưng trong nghiên cứu này, độ tuổi trung bình của các phi hành gia chỉ là 42.

Goukassian cho biết: “Mặc dù hệ thống tạo máu vô tính mà chúng tôi quan sát được có kích thước tương đối nhỏ, nhưng thực tế là việc quan sát thấy những đột biến này thật đáng ngạc nhiên do độ tuổi và sức khỏe tương đối trẻ của các phi hành gia”.

Ông nói thêm: “Sự hiện diện của những đột biến này không nhất thiết có nghĩa là các phi hành gia sẽ phát triển bệnh tim mạch hoặc ung thư, nhưng có nguy cơ theo thời gian, điều này có thể xảy ra khi tiếp xúc liên tục và lâu dài với môi trường khắc nghiệt trong không gian xa xôi”.

Do đó, Goukassian và nhóm của ông khuyến nghị NASA nên thường xuyên khám sàng lọc các phi hành gia để tìm ra những đột biến loại này.

Các nhà khoa học từ lâu đã suy đoán về vô số rủi ro sức khỏe mà các phi hành gia phải đối mặt khi trải qua thời gian dài trong không gian vũ trụ - và càng khám phá nhiều điều, chúng ta càng có thể đảm bảo an toàn cho họ về lâu dài.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications Biology.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học tìm thấy đột biến gen trong máu của các phi hành gia NASA