Căng thẳng ngoại giao Nhật - Trung qua lời kể của cựu Đại sứ Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài phỏng vấn với cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản Hideo Tarumi đã hé lộ những góc nhìn sâu sắc về chính sách ngoại giao của Tokyo với Bắc Kinh.

Ông Tarumi, từng đảm nhiệm vị trí Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2023, đã có cuộc trao đổi với tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản vào ngày 18/2.

Ông chia sẻ với ấn phẩm này về những “chiến thuật ngoại giao" giữa Nhật Bản và Trung Quốc, bao gồm "ngoại giao chiến lang" của Bắc Kinh và chính sách xoa dịu của chính phủ Nhật Bản do ông Naoto Kan, Thủ tướng nhiệm kỳ 2010 - 2011, dẫn dắt.

Ông Tarumi đã kể về một sự việc xảy ra vào năm 2010 khi ông còn là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Mông Cổ tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Vào ngày 27/9/2020, một tàu cá Trung Quốc đã đi vào vùng biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku đang tranh chấp và đâm vào tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã tạm giữ và điều tra tàu cá Trung Quốc cùng thủy thủ đoàn của họ vì nghi ngờ họ cản trở phía Nhật Bản thi hành công vụ.

Chính phủ Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này, đã hai lần triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa để phản đối việc bắt giữ và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho thuyền trưởng.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã trả tự do cho tất cả các thuyền viên ngoại trừ thuyền trưởng và trả lại tàu đánh cá cho Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản quyết định đệ đơn kiện thuyền trưởng theo quy định của pháp luật.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau đó đã thực hiện một loạt các biện pháp trả đũa, và dưới áp lực đó, Nhật Bản cuối cùng đã phải trả tự do cho thuyền trưởng vào ngày 24/9/2020.

Ông Tarumi cho biết, trong vụ việc này, ông là người duy nhất trong chính phủ Nhật Bản kiên quyết không thả thuyền trưởng và yêu cầu xử lý vụ việc theo pháp luật.

Ông nói, việc nhượng bộ trước áp lực của Bắc Kinh sẽ khiến người dân Nhật Bản mất lòng tin vào chính phủ do ông Kan lãnh đạo.

Ông cho biết ông Kan yêu cầu trả tự do sớm cho thuyền trưởng.

Ông Tarumi cũng mô tả một cuộc họp do ông Kan triệu tập để bàn về vấn đề này, có sự tham dự của Ngoại trưởng Seiji Maehara, Thư ký trưởng Nội các Yoshito Sengoku và các nhân viên liên quan từ Bộ Ngoại giao.

Theo tờ Sankei Shimbun, ông Kan được cho là đã chất vấn: "Bộ Ngoại giao đang làm gì? Bộ Ngoại giao không có chuyên gia về Trung Quốc sao?". Lúc đó, theo tờ Sankei Shimbun, mọi người đều nhìn về phía ông Tarumi.

Ông Kan hỏi ông Tarumi: "Trung Quốc muốn làm gì?"

Ông Tarumi trả lời: "Trung Quốc tin rằng họ càng gây sức ép lên Nhật Bản, thì Nhật Bản càng phải nhượng bộ. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép".

Tuy nhiên, ông Kan được cho là đã phê bình ông Tarumi vì những lời nói nhảm nhí.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (trái) nói chuyện cạnh Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda (phải), khi họ tham dự phiên họp ủy ban chính sách tài chính và tiền tệ của Hạ viện tại Quốc hội ở Tokyo vào ngày 10/8/2011. (Ảnh: Yoshikazu Tsuno/AFP/Getty Images)
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (trái) nói chuyện cạnh Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda (phải), khi họ tham dự phiên họp ủy ban chính sách tài chính và tiền tệ của Hạ viện tại Quốc hội ở Tokyo vào ngày 10/8/2011. (Ảnh: Yoshikazu Tsuno/AFP/Getty Images)

Ông Tarumi cũng kể với tờ Sankei Shimbun về một ví dụ trước đó trước việc chính phủ Nhật Bản phục tùng ý nguyện của Bắc Kinh. Vụ việc xảy ra vào năm 2009 khi Phó Chủ tịch Tập Cận Bình của ĐCSTQ gặp Thiên hoàng Akihito của Nhật Bản.

Cuộc gặp gỡ gây tranh cãi trong xã hội Nhật Bản, bởi theo thông lệ, việc gặp Thiên hoàng cần được đề đạt trước ít nhất một tháng.

Tuy nhiên, do những áp lực mạnh mẽ từ phía ĐCSTQ và các cuộc đàm phán dai dẳng của các thành viên Đảng Dân chủ, phía Nhật Bản cuối cùng đã phải nhượng bộ.

Ông Tarumi cũng kể về một sự kiện gần đây nhất khi cố Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại một diễn đàn vào ngày 1/12/2021: "Tình trạng khẩn cấp của Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản, và do đó là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật - Mỹ".

Ông Shinzo Abe đưa ra phát biểu trên khi ông Tarumi còn là Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, đang công tác tại Bắc Kinh.

Ông Tarumi tiết lộ với tạp chí Nhật Bản bunshun.jp, rằng ĐCSTQ đã vô cùng phẫn nộ khi biết về tuyên bố của ông Abe.

Tối ngày 1/12/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Tarumi để phản đối tuyên bố của ông Abe. Phía Bắc Kinh cho rằng những phát biểu đó ủng hộ "các lực lượng đòi độc lập Đài Loan" và Nhật Bản không có quyền bình luận về các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Kể từ khi nhậm chức Đại sứ tại Trung Quốc vào giữa năm 2020, Đại sứ Tarumi đã nhiều lần đề nghị gặp ông Ngô Giang Hạo, Trợ lý Bộ Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, nhưng phía Trung Quốc đã miễn cưỡng sắp xếp các cuộc gặp này.

Tuy nhiên, sau phát biểu của ông Abe, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức yêu cầu gặp ông Tarumi.

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Rome, Ý, vào ngày 24/4/2019. (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP/Getty Images)
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Rome, Ý, vào ngày 24/4/2019. (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP/Getty Images)

Ban đầu, ông Tarumi yêu cầu cấp dưới "bỏ qua" yêu cầu của phía Trung Quốc, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa, "Nếu ông không đến, chúng tôi sẽ từ chối tất cả các cuộc họp trong tương lai với Đại sứ".

Không bị khuất phục trước áp lực đó, ông Tarumi cho biết ông đã cố tình đợi một giờ sau bữa tối trước khi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Ngô Giang Hạo được cho là đang đi công tác, vì vậy cuộc họp đêm hôm đó được điều hành bởi Phó vụ trưởng vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, người được mệnh danh là "nhà ngoại giao chiến lang".

Ngay khi ông Tarumi ngồi xuống, bà Hoa bắt đầu đọc một tuyên bố phản đối dài. Ông Tarumi kiên nhẫn lắng nghe trong khoảng 30 phút.

Sau đó, ông Tarumi chúc mừng bà Hoa Xuân Oánh vì được thăng chức. Bà Hoa có phần ngượng ngùng trước lời khen ngợi, nhưng sau đó vẫn bày tỏ sự cảm kích trước lời chúc mừng dù đang trong tình huống căng thẳng.

Nghi thức ngoại giao là ngay cả khi tiến hành phản đối, các bên liên quan vẫn luôn bắt đầu bằng những lời chào và trò chuyện xã giao.

Ông Tarumi nghiêm nghị chất vấn bà Hoa: "Khi tôi yêu cầu gặp mặt, bà luôn tránh né, nhưng khi bà muốn gặp tôi, bà lại yêu cầu tôi có mặt ngay lập tức. Đây có phải là phép lịch sự của đất nước bà không? Tôi từng nghĩ Trung Quốc là một quốc gia coi trọng lễ nghi; hôm nay, tôi nhận ra hiểu biết của mình là sai lầm”.

Sau đó, ông Tarumi bắt đầu bác bỏ nhận xét của bà Hoa Xuân Oánh: Thứ nhất, mặc dù ông Abe là cựu Thủ tướng, song ông đã rời khỏi chính phủ, do đó Chính phủ Nhật Bản không có thẩm quyền giải thích những phát biểu của ông.

Thứ hai, quan điểm cho rằng “một tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan cũng là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản” là một cách hiểu thực tế đang diễn ra tại Nhật Bản.

Ông Tarumi cho biết cấp dưới của bà Hoa Xuân Oánh đang "điên cuồng ghi chép" những lời nói của ông.

‘Quái vật Frankenstein Trung Quốc’

Trong cuộc phỏng vấn với Sankei Shimbun, ông Tarumi cũng tiết lộ cách Bộ Ngoại giao Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo".

Trong buổi gặp bàn về bình luận của ông Abe, Đại sứ Tarumi đã trực tiếp trao đổi với các quan chức liên quan thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Tarumi đặt câu hỏi: "Trung Quốc có ý định công khai việc triệu tập tôi không?"

Phía Trung Quốc khẳng định: "Đã được xác nhận là sẽ không công bố".

Tuy nhiên, đến 1 giờ sáng, các đồng nghiệp của ông Tarumi đã liên lạc khẩn báo rằng thông tin về cuộc gặp gỡ đã được Tân Hoa Xã công bố.

Trước tình hình đó, Đại sứ Tarumi đã yêu cầu cấp dưới ngay lập tức chuẩn bị phản hồi vào sáng hôm sau.

Cựu Đại sứ Nhật Bản chia sẻ, sự kiện này đã đặt ra tiền lệ: mỗi lần Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc bị ĐCSTQ triệu tập để phản đối, Đại sứ quán Nhật Bản đều sẽ ban hành báo cáo phản bác.

"Việc Trung Quốc đơn phương đưa ra tuyên bố là một vấn đề đáng quan ngại", ông Tarumi nhấn mạnh. "Nói một cách ngắn gọn, tôi cảm thấy bị lừa dối vào thời điểm đó”.

Thấu hiểu lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc, ông Tarumi chia sẻ: "Trong bối cảnh của thời đại đó, tôi đã nỗ lực hết mình cho công cuộc ngoại giao với Trung Quốc. Dù một số người có thể nghi ngờ về quyết định này, nhưng xét theo tiêu chuẩn ngày nay, thì có thể nói là quan hệ Nhật - Trung đã không được đối xử công bằng”.

"Điều này tất yếu dẫn đến câu hỏi liệu việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc vào năm 1972 có thực sự phù hợp hay không. Cũng có thể lập luận rằng chính khoản viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho Trung Quốc đã tạo ra một 'quái vật Frankenstein' Trung Quốc ngày nay”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng ngoại giao Nhật - Trung qua lời kể của cựu Đại sứ Nhật Bản