Chuyên gia: Sáng kiến 'Vành đai và Con đường của Trung Quốc' là 'Dự án dang dở lớn nhất'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo mới cho thấy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ này thiếu hụt hơn 50 tỷ USD nguồn tài trợ, dẫn đến hơn 60% dự án tại Đông Nam Á vẫn còn dang dở.

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhận định BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”, có thể trở thành thất bại đắt giá nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo Viện nghiên cứu Lowy (Úc), các dự án BRI đang bị đình trệ. Tổng chi tiêu cho BRI tại Đông Nam Á giảm từ 84,3 tỷ USD cam kết xuống còn 29,6 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2021.

Theo báo cáo, mặc dù Trung Quốc là nhà tài trợ cơ sở hạ tầng lớn nhất khu vực, họ vẫn chưa thực hiện được cam kết của mình. Khoảng cách giữa lời hứa và những hành động thực tế lên tới hơn 50 tỷ USD.

Hơn một nửa trong số này đại diện cho các dự án đã bị hủy bỏ, thu hẹp quy mô hoặc dường như không thể tiến hành do một số yếu tố, bao gồm tính chất và quy mô của dự án, bất ổn chính trị, sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Lowy đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa bất ổn chính trị, tham nhũng và quản trị yếu kém với hiệu quả kém cỏi của Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng.

Ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc, nhận định BRI đang tạo điều kiện cho tham nhũng, chủ nghĩa độc tài và "bẫy nợ" của chính quyền Bắc Kinh lan rộng.

Trong một phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, ông Vương Hách nhấn mạnh: "Tham nhũng là vấn đề nổi bật nhất, mặc dù báo cáo của Viện Lowy có phần né tránh vấn đề này".

Ông dẫn chứng trường hợp cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị kết án tù vì tội tham nhũng liên quan đến các dự án BRI.

Ông Vương Hách phân tích thêm: "Nhiều chính phủ hưởng lợi từ BRI đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề nằm ở ĐCSTQ. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này dẫn đến thất bại của BRI".

Năm 2013, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng BRI với mục tiêu thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại châu Phi, châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua nguồn tài trợ khổng lồ từ Trung Quốc, nhằm xây dựng "cộng đồng tương lai chung cho nhân loại".

Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này đã vấp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt liên quan đến "bẫy nợ" và sự phản đối của người dân địa phương tại các quốc gia tham gia BRI.

Báo cáo của AidData công bố vào tháng 9/2021 cho thấy 42 quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức nợ nần với Trung Quốc vượt quá 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Maldives, Myanmar và Papua New Guinea.

Tương lai ‘ảm đạm’

Tác giả người Canada gốc Hoa, bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), phân tích rằng mục tiêu của ĐCSTQ thông qua BRI là mở rộng ảnh hưởng đến các quốc gia tham gia thông qua ràng buộc kinh tế và can thiệp vào chủ quyền chính trị. Điều này dẫn đến sự ủng hộ và phản đối đối với các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại nhiều quốc gia khác nhau.

Bà Thịnh Tuyết dẫn chứng trường hợp Italy gần đây đã rút khỏi BRI. Bên cạnh đó, làn sóng phản đối từ người dân Pakistan ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều vụ tấn công nhằm vào nhân viên Trung Quốc.

Vào ngày 26/3, một vụ đánh bom tự sát nhằm vào một dự án BRI ở tây bắc Pakistan đã khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có 5 kỹ sư Trung Quốc. Đây là vụ tấn công thứ ba nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc tại Pakistan chỉ trong vòng một tuần.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, bà Thịnh Tuyết nhận định: "Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng là một dự án kích động thù hận trên toàn cầu".

Ông Vương, một chuyên gia khác, cho rằng BRI là lộ trình bành trướng toàn cầu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng đây là sự lãng phí to lớn tiền thuế của người dân Trung Quốc cho các dự án chỉ gây thiệt hại cho lợi ích và dân chúng của các quốc gia sở tại.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Sáng kiến 'Vành đai và Con đường của Trung Quốc' là 'Dự án dang dở lớn nhất'