Đặc vụ Trung Quốc đào tẩu vạch trần 'cánh tay dài' của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc đã chiêu mộ các đặc vụ trên toàn cầu để truy lùng và cưỡng bức những người bất đồng chính kiến hồi hương. Thông tin này được tiết lộ bởi một cựu điệp viên đào thoát sang Úc, người tự xưng là Eric.

Trong 15 năm, ông Eric đã thực hiện nhiệm vụ do công an mật Trung Quốc giao phó. Những nhiệm vụ này nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến tại nhiều quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ và Úc.

Một trong những mục tiêu của ông là ông Lý Quế Tân (Li Guixin) một học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp từ năm 1999. Ông Lý đã bị bắt giữ và giam cầm nhiều lần vì đức tin của mình trước khi ông sang Thái Lan tị nạn vào năm 2014 cùng vợ và con gái.

"Ngay bây giờ, chúng tôi cần anh xác nhận xem đây có phải đúng căn hộ không", tin nhắn kèm ảnh chụp màn hình mà ông Eric chia sẻ với The Epoch Times cho thấy.

Người giao nhiệm vụ của ông Eric đã hướng dẫn anh ta trong một tin nhắn ngày 16/2/2021: "Quan sát bên trong và xung quanh căn hộ, chụp ảnh và video. Hãy sắp xếp những gì anh thấy để chúng tôi lên kế hoạch theo dõi".

Người giao nhiệm vụ đã gửi cho ông Eric một loạt ảnh, bao gồm ảnh ông Lý và gia đình mặc áo vàng đang thiền định hoặc tham gia các sự kiện Pháp Luân Công, ảnh chân dung từ chứng minh nhân dân Trung Quốc và địa chỉ ở Thái Lan của họ từ khoảng năm 2017.

Khi xem lại những bức ảnh này, ông Lý chia sẻ với The Epoch Times rằng ông không khỏi bàng hoàng.

Ông cho biết trong khi nhiều bức ảnh được bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội thì có ít nhất một bức ảnh gia đình chưa từng được đăng tải.

"Họ lấy bức ảnh đó ở đâu?", ông Lý thắc mắc và nói thêm rằng ông cảm thấy như đang ở trong một bộ phim. Đây là lần đầu tiên ông có thể xác nhận những nghi ngờ đã khiến ông phải chuyển nhà nhiều lần trong những năm gần đây.

"Giống như, đây là sự thật", ông nói.

Ông Eric không thể xác nhận có bao nhiêu đặc vụ Trung Quốc khác có thể tham gia vào việc theo dõi ông Lý. Ông đã mang theo một phiên dịch viên để kiểm tra vị trí mà người bàn giao nhiệm vụ đã chỉ định. Tuy nhiên, ông Eric cho biết ông ít tham gia vào vụ việc sau khi biết ông Lý không còn sinh sống ở đó nữa.

Ông Eric chia sẻ với The Epoch Times: "Sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Đông Nam Á là khá nghiêm trọng". Ông cho biết các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Myanmar là "lựa chọn hàng đầu" của chế độ Trung Quốc để "bẫy" các mục tiêu.

"Chính quyền địa phương đôi khi nhắm mắt làm ngơ và thậm chí còn hợp tác với họ", ông nói thêm.

Ông Lý tin rằng mình bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu vì quan điểm bất đồng chính kiến. Ông đã viết nhiều bài báo phê phán chế độ Trung Quốc và trở thành cộng tác viên cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào mùa thu năm 2021.

Cả The Epoch Times và Pháp Luân Công đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Trang web của The Epoch Times, cũng như nhiều cơ quan báo chí quốc tế khác, vẫn bị chặn đối với người dân Trung Quốc đại lục.

Năm 2023, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã khởi tố hai vụ án riêng biệt liên quan đến các đặc vụ Trung Quốc bị tình nghi.

Vụ án đầu tiên liên quan đến cáo buộc hai cá nhân điều hành một đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc tại New York. Vụ án thứ hai liên quan đến hai cá nhân khác bị cáo buộc tìm cách hối lộ quan chức thuế vụ Hoa Kỳ để chống lại Pháp Luân Công.

Đáng chú ý, trong vụ án đầu tiên, một nghi phạm còn bị cáo buộc tham gia tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc biểu tình của Pháp Luân Công trong chuyến thăm Washington năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nghệ sĩ tranh biếm họa Wang Liming (Rebel Pepper: hạt tiêu nổi loạn) cũng là mục tiêu của cựu đặc vụ Trung Quốc. Nghệ sĩ Wang tiết lộ rằng một người bạn thân của ông, một blogger nổi tiếng tại Nhật Bản có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội Trung Quốc, đã từng bị các đặc vụ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc yêu cầu do thám Pháp Luân Công và The Epoch Times khi anh này về thăm quê.

"Ông ấy đã thẳng thừng từ chối", ông Wang chia sẻ với đài NTD, thuộc The Epoch Times.

"Họ đang tìm mọi cách để biến mọi người thành gián điệp. Bất cứ ai có tầm ảnh hưởng mà họ cho rằng có thể lợi dụng, họ sẽ tiếp cận và đề nghị: 'Anh có muốn thu thập thông tin tình báo cho chúng tôi không?' Điều này thật đáng sợ”.

Một lời cảnh báo

Ông Lý vẫn nhớ rõ những gì đã xảy ra vào cuối năm 2021, cùng năm mà người giao nhiệm vụ của ông Eric yêu cầu ông giúp xác định vị trí của ông Lý.

Tháng 12 năm đó, trên đường trở về từ công viên Suphan Buri, nơi họ thường luyện tập Pháp Luân Công, vợ của ông Lý đã gặp một người đàn ông tỏ vẻ quan tâm đến việc tìm hiểu về Pháp Luân Công.

Vợ chồng ông Lý đã tiếp đón người đàn ông này tại tư gia, cùng nhau tham khảo các ấn phẩm Pháp Luân Công, và sau đó còn tặng ông ta một bản "Chuyển Pháp Luân", cuốn sách giáo lý chủ yếu của môn tu luyện này.

Họ đã kết bạn với nhau trên ứng dụng nhắn tin Line, và người đàn ông này cũng xin địa chỉ của vợ chồng ông Lý, đồng thời nói rằng muốn gửi tặng họ một ít trà.

Người đàn ông tự xưng là Lý Quốc An (Li Guoan) và giới thiệu mình là một hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, từ "Quốc An" theo nghĩa đen có nghĩa là an ninh quốc gia.

Ông Lý đã không nhận ra manh mối này cho đến vài tuần sau đó, khi một người phụ nữ gọi điện và thúc giục họ rời đi.

"Đừng hỏi tôi là ai", ông Lý nhớ lại lời người phụ nữ nói. "Tôi là người rất thân cận với đặc vụ đó".

"Tình hình của ông bà hiện tại rất nguy hiểm", người phụ nữ nói. "Hãy nhanh chóng chuyển đến một thành phố khác".

Theo người phụ nữ này, lực lượng tình báo Trung Quốc đã theo dõi gia đình ông Lý trong một thời gian dài. Bà cho biết người đàn ông kia đã nhận được 100.000 baht Thái (khoảng 3.000 USD vào thời điểm đó) từ Lãnh sự quán Trung Quốc địa phương vì đã cung cấp cuốn sách [Chuyển Pháp Luân] và thông tin về nơi cư trú của gia đình ông Lý, và đặc vụ này sẽ được nhận thêm một khoản tương tự.

Người phụ nữ cũng tiết lộ rằng người đàn ông này đã nỗ lực truy tìm gia đình ông Lý từ đầu năm 2021.

Ngay trong ngày hôm đó, ông Lý đã chuyển đến nhà một người bạn.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, những người khả nghi, đa phần nói tiếng Trung, lại xuất hiện ở tầng trệt tòa nhà, nơi bạn của ông vừa mở một quán cà phê. Họ nán lại hàng giờ đồng hồ và chụp ảnh. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến chi tiết về một số cá nhân "người Trung Quốc" làm việc "trong lĩnh vực truyền thông".

Ông Lý bắt đầu lo sợ rằng mình chính là mục tiêu của họ khi người bạn kể lại những hoạt động này.

Theo lời ông Lý, khi người bạn của ông đang ở trong bếp, một người đã cố gắng lẻn lên tầng trên. Cuối tháng 8, một người dân địa phương đã tiết lộ với bạn của ông Lý rằng anh ta được Lãnh sự quán Trung Quốc phái đến.

Ngay cả đến hôm nay, ông Lý vẫn lo sợ rằng chế độ Trung Quốc chưa buông tha cho ông.

Vào khoảng dịp Tết Nguyên đán hồi tháng Hai, ông Lý có một cuộc điện thoại với chị gái ở Trung Quốc. Bà nói với ông rằng công an vừa đến vào ngày hôm đó.

"Họ biết rõ tình hình của em đấy", bà ấy nói với ông. Sau đó bà nói với ông Lý một cách kỳ lạ: "Hãy trở về đi".

Ông Lý nói với chị gái rằng điều đó là không thể.

“Khó nói lắm", chị gái ông đáp.

Ông Lý cảm thấy chắc chắn chính quyền đã đe dọa chị gái mình. “Tất nhiên, chị ấy biết điều đó nguy hiểm", ông nói. “Chị ấy đang nói điều này cho ai đó nghe".

Các cuộc gọi trực tiếp tới mẹ ông, hiện đã 85 tuổi, đã bị chặn từ lâu và nói chuyện với chị gái là cách duy nhất để ông liên lạc với gia đình.

Ông Lý chia sẻ rằng khi cha ông qua đời vào năm 2017, đôi mắt của cha ông không thể nhắm lại vì khao khát được gặp lại con trai mình.

Ông Lý biết rằng sau đó ông sẽ phải ngừng gọi điện cho chị gái để không "gây thêm rắc rối cho họ".

“Chị và mẹ hãy bảo trọng", ông nói với chị gái trong suốt cuộc gọi.

Ông Lý, người đã phải chuyển nhà nhiều lần kể từ năm 2022, vẫn cảm thấy bóng đen của cuộc bức hại đang đè nặng lên mình. Nhưng ông cho biết ông đang cố gắng không để nỗi sợ hãi kiểm soát mình.

Ông chia sẻ rằng trải qua tất cả những điều đó, ông đã gặp những người tốt như người phụ nữ đã tình nguyện giúp đỡ ông, một dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ không nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng.

Điều này mang lại cho ông hy vọng rằng những người có lương tâm sẽ không đi theo ĐCSTQ bức hại người tốt.

Trong khi đó, ông Lý cố gắng "chăm sóc" bản thân thật tốt và phó mặc mọi việc còn lại cho số phận.

Ông cho biết, sống theo các giá trị Chân, Thiện và Nhẫn - những nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công - thì ông không có gì phải sợ hãi.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đặc vụ Trung Quốc đào tẩu vạch trần 'cánh tay dài' của Bắc Kinh