Phỏng vấn: Sự thâm nhập của Trung Quốc vào Quần đảo Solomon ‘ngày càng mạnh hơn’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghị sĩ của Quần đảo Solomon, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thâm nhập vào quần đảo này để tìm cách tạo ra các lợi thế về kinh tế, ngoại giao và quân sự cho chính mình.

Theo một tiếng nói hàng đầu trong Quốc hội Quần đảo Solomon, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thâm nhập vào đất nước của ông ở mọi cấp độ.

Theo ông Peter Kenilorea Jr., một thành viên quốc hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quần đảo Solomon, ĐCSTQ đang tăng cường thâm nhập vào đất nước này kể từ khi Thủ tướng thân Trung Quốc Manasseh Sogavare lên nắm quyền trở lại vào năm 2019.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, ông Kenilorea cho biết Quần đảo Solomon hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dư luận, trong đó các diễn ngôn ủng hộ và chống ĐCSTQ đang chia rẽ người dân nước này.

“Sự xâm nhập đó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đó thực sự là một cuộc chiến của trái tim và tâm trí. Đó là những gì đang diễn ra ở Quần đảo Solomon lúc này”, ông Kenilorea nói.

“Không chỉ có chính phủ. Sự xâm nhập đó thực sự đang được chính công chúng hợp pháp hóa… Tại Quần đảo Solomon, chúng tôi gọi đó là ‘sự chuyển đổi”.

“Sự chuyển đổi” kể trên ám chỉ quyết định của ông Sogavare vào năm 2019 về việc rút lại sự công nhận ngoại giao của quốc gia này đối với Đài Loan để xoay trục sang ủng hộ ĐCSTQ.

Quần đảo Solomon chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc

Cuộc phỏng vấn của ông Kenilorea với The Epoch Times diễn ra sau cuộc gặp của ông với Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Hạ viện Hoa Kỳ về ĐCSTQ.

Ông Kenilorea cho biết, trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, chủ đề về sự xâm nhập của ĐCSTQ là mối quan tâm chính và ông hy vọng rằng trong tương lai, sự can dự lớn hơn của Hoa Kỳ với Quần đảo Solomon có thể giúp xoa dịu tinh thần ủng hộ Trung Quốc đang ngày càng tăng.

Ông nói: “Chúng tôi đã đề cập đến những lo ngại về Trung Quốc, sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Quần đảo Solomon và một số quan điểm mà tôi nhận thấy dưới dạng sự xâm nhập liên tục vào xã hội”.

“Đồng thời, cũng có rất nhiều hy vọng [về việc Quần đảo Solomon] sẽ tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ”.

Ngày nay, sự hợp tác như vậy là không hề dễ dàng. Đầu năm nay, chính quyền Thủ tướng Sogavare đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ĐCSTQ.

Thỏa thuận đó tiếp nối một thỏa thuận khác vào cuối năm 2022, trong đó chính quyền ông Sogavare đã đồng ý vay hơn 66 triệu USD từ một ngân hàng nhà nước Trung Quốc để tài trợ cho việc gã khổng lồ công nghệ Huawei xây dựng 161 tháp viễn thông.

Năm ngoái, chính quyền ông Joe Biden đã mở cuộc điều tra riêng về Huawei. Washington cáo buộc rằng các tòa tháp tương tự được xây dựng tại Hoa Kỳ đã được trang bị thiết bị có khả năng thu thập thông tin mật từ các căn cứ quân sự và hầm chứa tên lửa, rồi truyền tải những thông tin đó về Trung Quốc.

Ông Kenilorea cũng than thở về các giao dịch “bẫy nợ” với Trung Quốc và cho biết chế độ này đã “nhắm mục tiêu” vào các cử tri ở Quần đảo Solomon bằng tuyên truyền nhằm giành được sự ủng hộ cho các tòa tháp.

“Thông điệp của tôi đã khá nhất quán. Đáng lẽ chúng ta không nên làm điều này”, ông nói.

Ông Kenilorea không phải là người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối liên hệ chặt chẽ của chính quyền ông Sogavare với ĐCSTQ. Tuy nhiên, việc lên tiếng không còn dễ dàng như xưa và những lời lẽ chống ĐCSTQ trong nước đôi khi phải hứng chịu sự trả đũa.

Cựu Thủ hiến tỉnh Malaita Daniel Suidani nói với The Epoch Times vào tháng 4 rằng các thành viên chính quyền quốc gia ủng hộ việc lật đổ ông đã nhận hối lộ từ ĐCSTQ.

Sau cuộc bỏ phiếu buộc ông Suidani từ chức, ông Alfred Sasako, một nhà báo người Quần đảo Solomon có quan hệ với mạng lưới tuyên truyền của ĐCSTQ, đã viết một bài nói rằng ông Suidani đang kích động nổi dậy và gặp gỡ người Mỹ để âm mưu ám sát thủ tướng.

Bằng chứng duy nhất của câu chuyện là lời khai của các nguồn ẩn danh. Tuy nhiên, bằng chứng này được dùng để biện minh cho việc bắt giữ ông Suidani để thẩm vấn.

Ông Kenilorea cho biết các cơ chế tương tự hiện dường như đang chống lại ông. Các nhóm lợi ích trong nước được ĐCSTQ hậu thuẫn đang cố gắng làm suy yếu danh tiếng của ông và ngăn cản ông tiếp tục tại vị.

Ông Kenilorea cho hay: “Họ đang dốc sức nhắm mục tiêu vào các cử tri và người dân của tôi để khiến ... tâm trí của họ không còn có thể bỏ phiếu cho tôi trong thời gian tới”.

Ông Sogavare được Trung Quốc hậu thuẫn tìm cách làm suy yếu Mỹ

Chính quyền Biden đã ưu tiên giao tiếp với các quốc đảo Thái Bình Dương như một phần của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng nỗ lực này nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ trên trường toàn cầu.

Chính quyền ông Sogavare (được ĐCSTQ hậu thuẫn) đã tìm cách làm hoen ố ý tưởng về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” trên trường quốc tế, đi xa đến mức loại bỏ cụm từ này khỏi các tài liệu công.

“Đối với Thủ tướng Sogavare mà nói, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’ là một lời nguyền rủa. Ông ấy căm ghét những cụm từ đó”, ông Kenilorea nói.

“Nếu có bất kỳ tuyên bố nào có cụm từ [‘Ấn Độ - Thái Bình Dương’], ông ấy sẽ làm tất cả những gì có thể để tống khứ nó”.

Ông Kenilorea cho haym những nỗ lực của Washington hồi đầu năm nay nhằm soạn thảo các thỏa thuận mới với chính quyền ông Sogavare đã bị đình trệ vì những nỗ lực của ông Sogavare nhằm loại trừ bất kỳ đề cập nào đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một khu vực gắn kết.

Ông Kenilorea nói về chính quyền ông Sogavare: “Tôi có thông tin rằng họ đang đấu tranh quyết liệt để tống khứ những tham chiếu đó”.

Ngoài ra, ông Kenilorea cho biết có rất nhiều thông tin sai lệch đang lan truyền cho thấy khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mâu thuẫn với lợi ích của Quần đảo Solomon hoặc các cấu trúc chính trị hiện có như Đối tác Thái Bình Dương Xanh (Partners in the Blue Pacific), một nhóm không chính thức nhằm thúc đẩy kinh tế và tương tác ngoại giao giữa các quốc đảo Thái Bình Dương.

Do đó, Mỹ và Quần đảo Solomon cần đảm bảo “tiếp tục cam kết” ở cấp lãnh đạo trên khắp Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác quốc tế liên tục, ông nói.

Ông Kenilorea nói: “Điều mà chúng tôi cần để các nhà lãnh đạo của mình nắm bắt là ý tưởng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. “Tôi không nghĩ họ hiểu khái niệm đó là gì, nó có ý nghĩa gì đối với họ và vai trò của họ trong khái niệm đó".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phỏng vấn: Sự thâm nhập của Trung Quốc vào Quần đảo Solomon ‘ngày càng mạnh hơn’