Gián điệp mạng và An ninh cảng biển: Vấn đề nhức nhối trong quan hệ Mỹ - Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của làng công nghệ hiện nay, những hacker (tin tặc) Trung Quốc đang chật vật mưu sinh với mức thu nhập thấp chưa đến 1.000 USD một tháng. Họ gần như thuộc nhóm có mức thu nhập thấp nhất trong ngành công nghệ.

Sự bất mãn của những tin tặc này có thể là lý do dẫn đến vụ rò rỉ hơn 570 tệp tài liệu của Công ty Công nghệ Thông tin i-Soon Trung Quốc trên nền tảng GitHub. Nhiều tài liệu trong số đó khiến Bắc Kinh vô cùng xấu hổ.

Các tài liệu này đã tiết lộ chi tiết về các hoạt động nhắm mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với ít nhất 40 quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Hong Kong và Đài Loan.

Một tài liệu bị rò rỉ từ công ty I-Soon nêu rõ: "Thông tin ngày càng trở thành huyết mạch của một quốc gia và là một trong những nguồn lực mà các quốc gia đang tranh giành để nắm giữ”. Tài liệu này còn nhấn mạnh: "Trong chiến tranh thông tin, đánh cắp thông tin của đối thủ và phá hủy hệ thống thông tin của đối thủ đã trở thành chìa khóa để đánh bại kẻ thù”.

GitHub là một nền tảng được các nhà phát triển phần mềm trên toàn thế giới sử dụng, bao gồm cả Trung Quốc. Nó trở thành một trong những kênh liên lạc hiệu quả nhất ở Trung Quốc vì ít bị kiểm soát bởi chính quyền Bắc Kinh.

Nền tảng này là nơi hội tụ của các hacker và lập trình viên, cho phép họ tương tác với nhau với ít hạn chế hơn so với các trang web khác trong nước. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng trang web này để tải lên các sách và bài báo bị cấm lưu hành ở Trung Quốc. (Tác giả tự thú nhận đã từng làm điều này).

Chính phủ Bắc Kinh quyết định cho phép công dân Trung Quốc truy cập GitHub. Quyết định này xuất phát từ tính toán về những lợi ích có thể thu được, bao gồm mã nguồn miễn phí và thông tin có sẵn khác trên nền tảng.

Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của việc cho phép truy cập GitHub giờ đây đã trở nên rõ ràng. Các tin tặc và những kẻ có ý đồ xấu có thể lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi như rò rỉ dữ liệu, vạch trần tội ác của ĐCSTQ, khiến những thông tin này trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông toàn cầu. (Nhìn từ góc độ tự do và dân chủ, hy vọng những hành động như vậy sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai).

Vụ rò rỉ dữ liệu mới nhất, được các tổ chức tin tức đưa tin vào ngày 22/2, hé lộ một góc nhìn hiếm có về thế giới của những tin tặc làm việc cho ĐCSTQ. Những tin tặc này đã tham gia vào các hoạt động gián điệp mạng và cố gắng đánh cắp dữ liệu về mọi thứ, từ danh sách hành khách trên các chuyến bay quốc tế cho đến bí mật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vụ rò rỉ thông tin nội bộ của Công ty Công nghệ Thông tin i-Soon Trung Quốc là bằng chứng mới nhất cho thấy chính phủ Bắc Kinh đang tăng cường đáng kể các cuộc tấn công mạng trên toàn cầu, bao gồm cả chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh. Tại Hoa Kỳ, các công ty tiện ích (utility companies) là một trong những mục tiêu chính.

Công ty tiện ích, hay còn được gọi là công ty cung cấp dịch vụ công cộng, là những tổ chức cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho đời sống như điện, nước, khí đốt, và xử lý nước thải. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cơ sở hạ tầng và đảm bảo an toàn, tiện lợi cho cuộc sống của người dân.

Một số cơ sở hạ tầng tiện ích của Mỹ có nguy cơ bị tấn công do phần mềm độc hại đã được cài đặt sẵn, chờ đợi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kích hoạt khi cần thiết, ví dụ như để vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra chiến tranh liên quan đến Đài Loan.

Các cuộc tấn công khác trích xuất dữ liệu lớn nhằm tạo ra lợi thế thương mại cho quân đội và các doanh nghiệp Trung Quốc so với các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến việc tích hợp tất cả dữ liệu này trở nên có giá trị hơn nhiều đối với ĐCSTQ.

Tổng thống Biden và chính phủ Mỹ đang thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cấp thiết, bao gồm đề xuất ngân sách 20 tỷ USD để cải thiện an ninh cảng biển. Mặc dù đây là những bước đi đáng hoan nghênh nhưng có ý kiến cho rằng số tiền chi cho dự án này quá lớn so với kết quả thu được. Tuy nhiên, "muộn còn hơn không"; hoàn hảo là điều không tưởng, đặc biệt trong lĩnh vực chính phủ.

Kế hoạch cải thiện an ninh cảng biển mới nhất của chính phủ Biden tập trung vào việc thay thế cần cẩu bờ (sử dụng để di chuyển hàng container) do Trung Quốc sản xuất. Những cần cẩu này rất dễ bị tấn công mạng từ Trung Quốc do phần mềm Trung Quốc được tích hợp sâu vào hệ thống.

Là nhà sản xuất, ĐCSTQ có thể đánh cắp dữ liệu tương đối dễ dàng. Thậm chí, một phần dữ liệu có thể đã bị cung cấp cho Trung Quốc bởi chính người dùng do thói quen chia sẻ quá nhiều thông tin để tận dụng sự tiện lợi của việc cài đặt nhanh chóng các thiết bị thông minh của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) như cần cẩu, có thể điều khiển từ xa từ văn phòng (hoặc Bắc Kinh).

Quân đội Mỹ dường như tin rằng Bắc Kinh có thể đang đánh cắp dữ liệu vận chuyển của Mỹ. Dữ liệu này bao gồm thông tin nhạy cảm về vũ khí và máy bay không người lái, có thể tiết lộ các hoạt động quân sự tương lai của Mỹ.

Điều đáng ngạc nhiên là Hải quân Mỹ hiện phải tránh 80% cảng của Mỹ và quốc tế sử dụng cần cẩu do Trung Quốc sản xuất.

Nhiều cơ quan chính phủ và chính trị gia Mỹ bị nghi ngờ đã không hành động kịp thời hoặc có những thỏa hiệp không minh bạch, dẫn đến tình trạng đáng báo động hiện nay.

Đã đến lúc chấm dứt quyền truy cập ảo của Trung Quốc vào hệ thống vận tải biển của Mỹ. Khi mà phần mềm Trung Quốc phủ sóng rộng rãi trong hệ thống Mạng lưới vạn vật kết nối Internet của Mỹ - nơi mọi thứ từ bóng đèn đến xe tự lái đều có thể bị tấn công và điều khiển từ xa - thì việc thay thế cần cẩu thôi là chưa đủ. Chính quyền ông Biden mới chỉ đề xuất một giải pháp nhỏ bé trong khi cần phải loại bỏ gần như toàn bộ phần mềm Trung Quốc khỏi Hoa Kỳ, loại bỏ một cách triệt để.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách "The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony" (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách "Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea" (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Gián điệp mạng và An ninh cảng biển: Vấn đề nhức nhối trong quan hệ Mỹ - Trung