Mua bán nội tạng tại Úc chỉ trong 10 phút? Chuyên gia lên tiếng cảnh báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoạt động thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thu hút sự chú ý từ các nhà chính trị Úc khi bằng chứng về hành động kinh hoàng này ngày càng gia tăng.

Một Ủy ban Thượng viện Úc đang xem xét một dự luật yêu cầu người nhập cư vào Úc trả lời các câu hỏi về việc cấy ghép nội tạng ở nước ngoài.

Luật sư nhân quyền Madeleine Bridgett, đại diện của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC), đã tiết lộ việc mua nội tạng từ Trung Quốc nhanh chóng và dễ dàng như thế nào.

Bà Bridgett thuật lại rằng một đồng nghiệp của bà (một giáo sư) đã trình bày một bài thuyết trình gây chấn động cách đây vài năm. Trong bài thuyết trình đó, vị giáo sư này tiết lộ việc gần như đã mua được nội tạng từ Trung Quốc chỉ trong vòng 10 phút thông qua một nền tảng trò chuyện trực tuyến.

"Giáo sư đã trình chiếu những tin nhắn WhatsApp làm bằng chứng cho việc này. Cô ấy có thể mua tạng chỉ trong 10 phút", bà Bridgett, một luật sư nhân quyền, chia sẻ với Ủy ban Lập pháp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại.

“Trong một hệ thống hiến tặng nội tạng tự nguyện hợp pháp thì hoàn toàn không thể xảy ra điều đó”.

Bà Bridgett khẳng định cách duy nhất để có được nội tạng nhanh chóng như vậy là thông qua các "trại cải tạo" ở Trung Quốc, nơi con người bị sát hại theo yêu cầu để lấy nội tạng.

"Chúng ta đang nói về các tù nhân trong các trại lao động cưỡng bức, mà tôi thực sự muốn gọi là 'trại cải tạo', thay vì 'trại lao động cưỡng bức', bởi bản chất thực sự của chúng là nơi giam giữ và cải tạo con người", bà Bridgett nhấn mạnh.

Đại diện của ETAC cũng trích dẫn bằng chứng thuyết phục từ Tòa án Trung Quốc, một tổ chức điều tra về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Tòa án này kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ thuộc các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi là những mục tiêu chính của hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng do ĐCSTQ thực hiện.

Bà chia sẻ: "Theo biên bản họp chính thức của Nghị viện Anh, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể, và các học viên Pháp Luân Công có thể là một trong những nguồn cung cấp nội tạng chính, và có lẽ là nguồn cung cấp chính".

Về người Duy Ngô Nhĩ, tòa án có bằng chứng về việc họ bị xét nghiệm y tế quy mô lớn, điều này có thể khiến họ trở thành nguồn cung cấp nội tạng, cùng với các đối tượng khác.

Hoạt động cấy ghép ở nước ngoài thiếu minh bạch

Bà Bridgett chỉ ra rằng hiện tại, Úc không thể nắm rõ số lượng người dân đi cấy ghép nội tạng ở nước ngoài.

Bà chia sẻ: "Hoàn toàn không có sự trao đổi thông tin y tế khi một người thực hiện cấy ghép ở nước ngoài. Úc cần nắm được thông tin khi nào một người dân trở về sau khi cấy ghép nội tạng ở nước ngoài".

"Điều quan trọng không chỉ nằm ở việc biết họ đã phẫu thuật, mà còn cần biết họ đã phẫu thuật ở đâu, ai là bác sĩ thực hiện và cần có một dạng hồ sơ bệnh án chi tiết như thư lâm sàng, tương tự như với các can thiệp y tế khác".

Ngoài ra, Giáo sư Wendy Rogers, với vai trò là Chủ tịch ETAC và Giáo sư Danh dự của Đại học Macquarie, cũng lên tiếng về tình trạng thiếu báo cáo các ca cấy ghép ở nước ngoài tại Úc.

Giáo sư Rogers cho biết một cuộc khảo sát tự nguyện - được thực hiện vài năm trước đây với tỷ lệ phản hồi 43% - cho thấy có 540 ca phẫu thuật ghép tạng được đăng ký tại Úc.

Tuy nhiên, con số này lại trái ngược với dữ liệu từ sổ đăng ký chính thức về số ca ghép tạng. Sổ đăng ký này ghi nhận chỉ có 279 ca ghép tạng ở nước ngoài được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2018. Đáng chú ý, Giáo sư Rogers nhấn mạnh rằng có tới 49 trường hợp trong cuộc khảo sát không được đưa vào sổ đăng ký chính thức.

Giáo sư Rogers lưu ý: "Cần ghi nhớ rằng đây chỉ là một cuộc khảo sát tự nguyện".

Bà khẳng định: "Theo tôi, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy tồn tại một nhóm bệnh nhân trở về nước sau khi được ghép tạng ở nước ngoài mà chúng ta không hề hay biết".

Giáo sư Rogers cũng chia sẻ thêm, theo ước tính, ít nhất 10% tổng số ca ghép tạng trên toàn thế giới diễn ra trên thị trường chợ đen. ĐCSTQ đang điều hành một hệ thống buôn bán nội tạng quy mô công nghiệp.

Pháp luật chưa đủ sức răn đe hành vi buôn bán nội tạng

ETAC bày tỏ quan ngại về tiến độ chậm chạp trong việc cải cách luật pháp nhằm chống buôn bán nội tạng tại Úc.

Bà Bridgett, đại diện ETAC, cho biết hiện tại Úc không có luật riêng về tội buôn bán nội tạng người.

Mặc dù Bộ luật Hình sự có đề cập đến hành vi này, nhưng Úc chưa từng truy tố thành công bất kỳ vụ án nào liên quan đến buôn bán nội tạng.

"Điều này cho thấy hai khả năng: hoặc Úc đang thất bại trong việc truy tố tội ác này, hoặc việc xác định và truy tố gặp nhiều khó khăn", bà nói.

So sánh với các quốc gia như Israel, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã áp dụng luật chống buôn bán nội tạng trong nhiều năm qua, bà Bridgett cho rằng Úc đang tụt hậu trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này.

"Úc cần phải bắt kịp các quốc gia khác trong việc cải cách luật pháp. Quá trình này đang diễn ra quá chậm", bà Bridgett nhận định.

Bà Bridgett cũng nhắc lại rằng ETAC đã đề xuất một số khuyến nghị cho Chính phủ Úc vào năm 2018 để sửa đổi Bộ luật Hình sự, bổ sung các tội danh liên quan đến buôn bán nội tạng người.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mua bán nội tạng tại Úc chỉ trong 10 phút? Chuyên gia lên tiếng cảnh báo