Mỹ hứng chỉ trích vì quyết định gửi bom chùm cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các đồng minh chủ chốt của Mỹ đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Washington về việc cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này của Washington là một ‘sai lầm nghiêm trọng’ vì nó có thể khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm căng thẳng và vi phạm hiệp ước quốc tế.

Ngày 7/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD sẽ được gửi tới Ukraine.

Những vũ khí này, còn được gọi là bom chùm, được phóng từ tên lửa và máy bay, đồng thời giải phóng một số lượng lớn bom nhỏ (được gọi là bom con) có sức sát thương trên diện rộng.

Làn sóng phản đối

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước báo giới ngày 7/7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định Berlin phản đối quyết định của Washington.

"Tôi đã xem báo chí đưa tin. Với tư cách là một bên ký kết, chúng tôi tuân thủ Công ước Oslo [về cấm sử dụng bom, đạn chùm]".

Thỏa thuận mà bà Baerbock đề cập đến là Công ước về bom, đạn chùm (CCM). Đây là hiệp ước quốc tế được 111 quốc gia ký kết tại Oslo, Na Uy vào tháng 12/2008 và chính thức có hiệu lực từ năm 2010. Công ước này nghiêm cấm việc sử dụng, sản xuất, vận chuyển và tàng trữ loại vũ khí này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Ukraine và Nga không tham gia CCM.

Trong khi đó, hôm 8/7, chính phủ Canada đã lên tiếng phản đối quyết định của Washington.

“Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom, đạn chùm. Ottawa cam kết chấm dứt ảnh hưởng của bom, đạn chùm đối với dân thường, đặc biệt là trẻ em”, tuyên bố của chính phủ Canada được phát trên đài truyền hình quốc gia CTV hôm 8/7.

“Canada hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu của Liên Hợp Quốc về bom chùm, đồng thời chúng tôi thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình theo Công ước là khuyến khích việc áp dụng phổ biến Công ước”.

Phát biểu trước báo giới ngày 8/7, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cho biết nước ông “đã ký một công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng”, theo đài BBC.

Chính phủ Tây Ban Nha và New Zealand cũng phản đối việc gửi bom chùm để sử dụng trong cuộc chiến Ukraine. New Zealand là một trong những quốc gia thúc đẩy việc thành lập CCM.

Trong bài phát biểu công bố kế hoạch gửi bom chùm tới Ukraine của Hoa Kỳ hôm 7/7, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan lập luận rằng nếu không làm như vậy thì Kyiv sẽ gặp rủi ro lớn hơn nhiều.

“Vì vậy, điểm mấu chốt là, Mỹ đã nhận ra rằng bom, đạn chùm tạo ra nguy cơ gây thương tích cho dân thường từ vật liệu chưa nổ… Đây là lý do tại sao chúng tôi trì hoãn quyết định càng lâu càng tốt”, ông nói.

“Tuy nhiên cũng có nguy cơ gây tổn hại dân thường rất lớn nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các căn cứ của Ukraine, chiếm thêm lãnh thổ Ukraine và khuất phục nhiều thường dân Ukraine hơn. Vì Ukraine thiếu hỏa lực".

Hôm 8/7, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Robert F. Kennedy Jr. đã chỉ trích quyết định của chính quyền ông Biden trên Twitter.

"Năm ngoái, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gọi việc triển khai bom chùm là 'tội ác chiến tranh'. Bây giờ Tổng thống Biden dự định gửi chúng đến Ukraine. Hãy chấm dứt tình trạng leo thang không hồi kết! Đã đến lúc lập lại hòa bình", ông viết.

Trong một bài đăng khác, ông tuyên bố, "Ông Biden cũng từng phản đối bom chùm. Năm 1982, ông cũng phản đối việc bán chúng cho Israel. Điều gì đã xảy ra với lương tâm của ông ấy?”

"Những quả bom này rải những quả bom nhỏ khắp nơi. Nhiều quả bom chỉ phát nổ khi trẻ em nhặt chúng lên. Loại vũ khí này đã khiến hàng nghìn dân thường bị thương và tử vong”, ông cho biết.

Phản ứng của Ukraine

Hôm 8/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã viết: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ về việc cung cấp cho Ukraine vũ khí giải phóng mới, [vũ khí] giúp chúng tôi giải phóng đáng kể các lãnh thổ của mình đồng thời cứu mạng các binh sĩ Ukraine”.

"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi phải giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và cứu mạng người dân của chúng tôi”.

"Để làm được điều này, chúng tôi phải gây thiệt hại cho kẻ thù - tội phạm chiến tranh, những kẻ hiếp dâm và cướp bóc - những kẻ chiếm giữ lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi càng gây ra nhiều thiệt hại cho chúng thì càng cứu được nhiều người Ukraine”.

Một chiếc xe tăng Ukraine lăn bánh trên một con đường gần Bakhmut, vùng Donetsk, hôm 30/11/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)
Một chiếc xe tăng Ukraine lăn bánh trên một con đường gần Bakhmut, vùng Donetsk, hôm 30/11/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Ông Reznikov nhấn mạnh rằng mặc dù Ukraine sẽ sử dụng bom, đạn chùm, nhưng nước này sẽ "tuân thủ nghiêm ngặt" tất cả các hiệp ước nhân đạo quốc tế mà Kyiv đã ký kết và phê duyệt.

Ông chỉ ra rằng Nga đã sử dụng bom chùm "một cách bừa bãi" ngay từ khi bắt đầu cuộc xung đột và binh lính Nga đã "dội bom không ngừng" vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine (Kharkiv) bằng bom chùm vào tháng 2 và tháng 3/2022.

Ông Reznikov tuyên bố sẽ chỉ sử dụng bom chùm cho mục đích "giải phóng lao động" và không sử dụng trong bất kỳ "lãnh thổ nào được Nga chính thức công nhận”. Ông cũng nói rằng những vũ khí này sẽ không được sử dụng ở các khu vực đô thị.

Ông cho biết thêm, Ukraine sẽ lưu giữ một hồ sơ nghiêm ngặt về việc sử dụng bom, đạn chùm; đồng thời khẳng định rằng sau khi cuộc chiến kết thúc, Ukraine sẽ ưu tiên dọn dẹp bom, đạn chùm chưa nổ dựa trên cơ sở dữ liệu này.

Mối đe dọa từ bom, đạn chùm

Một vấn đề lớn đối với bom chùm là không phải tất cả các quả bom nhỏ đều phát nổ ngay sau khi được khai hỏa. Nhiều quả bom có thể cố thủ trong khu vực và sẽ chỉ phát nổ sau đó.

Vào tháng 8/2022, Tổ chức giám sát bom mìn và bom chùm đã công bố một báo cáo nêu rõ rằng thường dân chiếm 97% tổng số thương vong do bom chùm. Trong đó, 66% nạn nhân là trẻ em.

Theo một báo cáo ngày 6/7 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cả lực lượng Ukraine và Nga đã triển khai bom chùm trong cuộc xung đột đang diễn ra, khiến thường dân thiệt mạng và bị thương nặng.

Cơ quan này tuyên bố: "Các loại bom chùm của Nga và Ukraine hiện đang gây hại cho dân thường và những quả bom nhỏ vẫn còn tồn tại trong nhiều năm liền sau khi chiến sự kết thúc”.

“Cả hai bên phải ngay lập tức ngừng sử dụng bom, đạn chùm và không tìm cách mua thêm những vũ khí bừa bãi này. Hoa Kỳ không nên chuyển giao bom, đạn chùm cho Ukraine”, cơ quan này kết luận.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ hứng chỉ trích vì quyết định gửi bom chùm cho Ukraine