Mỹ nói Trung Quốc vẫn xem xét cấp vũ khí cho Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 2/3, Mỹ cho biết họ ‘không ghi nhận dấu hiệu’ cho thấy Trung Quốc đã quyết định cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng Bắc Kinh vẫn đang xem xét khả năng này.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 2/3, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã bác bỏ câu hỏi về việc Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga thông qua Belarus, một đồng minh thân cận của Điện Kremlin, để hỗ trợ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.

Belarus và Trung Quốc đã mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng vào ngày 1/3 trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Bắc Kinh.

Trả lời câu hỏi của The Epoch Times trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng về việc liệu chính quyền ông Biden có lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gửi vũ khí đến Nga thông qua Belarus hay không, ông Kirby nhắc lại rằng Washington tin rằng Bắc Kinh vẫn chưa quyết định có gửi vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine hay không.

Ông Kirby từ chối dự đoán liệu Bắc Kinh có sử dụng Minsk làm trung gian để chuyển vũ khí cho người Nga hay không.

“Một lần nữa, Mỹ vẫn chưa thấy dấu hiệu Trung Quốc đưa ra quyết định cung cấp vũ khí sát thương [cho Nga]. Nhưng chúng tôi cho rằng Bắc Kinh vẫn đang xem xét khả năng này. Do đó chúng ta không nên đưa ra kết luận quá sớm về việc này”.

“Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại của mình với Trung Quốc. Điều đó thực sự không mang lại lợi ích tốt nhất cho họ và họ cũng nên tin là như vậy. Do đó chúng ta không nên đưa ra kết luận quá sớm”.

Cựu sĩ quan tình báo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Rebekah Koffler nói với đài Fox News Digital rằng thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Belarus nhằm mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng của họ có thể mở ra "con đường để Trung Quốc chuyển vũ khí và đạn dược cho Nga nhằm hỗ trợ trong cuộc chiến ở Ukraine".

Theo bà Koffler, một trong những mục tiêu của ông Tập trong việc tăng cường quan hệ với Belarus là lôi kéo Minsk rời xa Moscow và hướng tới Bắc Kinh.

Bà nói: “Đó là một động thái nhằm tách Belarus khỏi Nga. Nga và Trung Quốc chỉ là đối tác tạm thời. Cả hai đều tìm cách ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào các phạm vi ảnh hưởng tương ứng của họ ở Ukraine và Đài Loan".

Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraine

Nhận xét của ông Kirby được đưa ra cùng ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp ngắn với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên của Ngoại trưởng hai nước kể từ khi Nga phát động chiến tranh vào ngày 24/2/2022.

Cuộc đối thoại của hai nhà ngoại giao diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang xấu đi.

Theo đài CNN, trong cuộc gặp lần này, ông Blinken nói với ông Lavrov về 3 vấn đề: gồm những cảnh báo nghiêm khắc của Mỹ đối với Trung Quốc về việc viện trợ vũ khí cho Nga; việc Moscow đã đình chỉ việc tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn sót lại giữa Nga và Mỹ; và việc một công dân Mỹ (Paul Whelan) đang bị giam giữ ở Nga.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao trong phái đoàn Mỹ tới tham dự cuộc họp G20, ông Blinken đã thảo luận về 3 vấn đề trên trong cuộc gặp kéo dài khoảng 10 phút với ông Lavrov. Theo phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, ông Blinken đã bắt đầu cuộc trò chuyện.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không đánh giá cao cuộc gặp.

"Tôi không cho rằng có bất kỳ kỳ vọng nào về việc mọi thứ sẽ thay đổi trong thời gian tới", quan chức này nói với các phóng viên, theo đài CNN.

Một quan chức từ một quốc gia được Washington tham vấn cho biết họ nhận được “rất ít” thông tin tình báo chứng tỏ Trung Quốc đang cân nhắc hỗ trợ quân sự cho Nga. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết Washington đang cung cấp những thông tin tình báo chi tiết cho các đồng minh của mình.

Vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga - Ukraine dự kiến sẽ là một trong những chủ đề then chốt khi Tổng thống Mỹ Biden gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào thứ Sáu (3/3).

Trước đó, tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 1/2 và 2/2, Ngoại trưởng từ hàng chục quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ, đã thảo luận về cuộc chiến này.

Tuần trước, Trung Quốc đã công bố một văn bản gồm 12 điểm, kêu gọi các bên ngừng bắn và dần tiến tới hòa đàm. Đề xuất của Bắc Kinh đã vấp phải sự hoài nghi của phương Tây.

Nguồn tin của tờ Reuters cho biết, liên quan đến các biện pháp trừng phạt tiềm tàng nhắm vào Trung Quốc, Washington vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với các quốc gia đồng minh.

Một nguồn tin cho biết, chính quyền ông Biden trước tiên muốn nêu ý tưởng về các biện pháp trừng phạt phối hợp và sau đó các nước “cùng bắt tay hành động” nếu Trung Quốc thực sự gửi vũ khí đến Nga.

Trung Quốc và Nga đã tuyên bố mối quan hệ đối tác "không giới hạn" ngay trước khi Moscow đem quân xâm lược Kyiv vào ngày 24/2/2022.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ nói Trung Quốc vẫn xem xét cấp vũ khí cho Nga