Mỹ tiếp tục tấn công lực lượng Houthi tại Yemen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen trong khi các phần tử được Iran hậu thuẫn tiếp tục tấn công hoạt động vận tải quốc tế.

Hôm 16/1, lực lượng Mỹ đã phá hủy 4 tên lửa đạn đạo chống hạm do Houthi (được Iran hậu thuẫn) triển khai nhằm đáp trả cuộc tấn công của Houthi nhằm vào một tàu dân sự trước đó cùng ngày.

“Vào khoảng 4:15 sáng (giờ Sanaa), Lực lượng Mỹ đã tấn công và phá hủy 4 tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi”, thông cáo báo chí từ Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan phụ trách hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ ở Trung Đông, cho biết.

"Những tên lửa này đã được chuẩn bị để phóng từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen và gây ra mối đe dọa cận kề đối với cả các tàu buôn và tàu Hải quân Mỹ trong khu vực”.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết các cuộc tấn công được tiến hành để bảo vệ tính mạng và lợi ích của các nỗ lực vận tải hàng hải của Mỹ và quốc tế trong khu vực.

Ông Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Ba (16/1): “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình, cũng như [bảo vệ lợi ích của] các thủy thủ, tàu của chúng tôi và các hãng tàu buôn khi cần thiết”.

Houthi tăng cường tấn công các tàu buôn

Các cuộc tấn công diễn ra sau nhiều cuộc không kích quy mô lớn của lực lượng Houthi ở Yemen, lực lượng mà Nhà Trắng cáo buộc nhận được sự hỗ trợ hoạt động từ Iran.

Ngày 15/1, lực lượng Houthi đã tấn công tàu chở hàng M/V Gibraltar Eagle của Mỹ bằng tên lửa đạn đạo chống hạm qua các tuyến đường vận chuyển quốc tế. Con tàu một chở hàng thuộc sở hữu của Mỹ nhưng treo cờ của Cộng hòa Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, con tàu không bị đánh chìm và thủy thủ đoàn vẫn tiếp tục băng qua Biển Đỏ.

Cơ quan Hoạt động Thương mại Hàng hải Anh phụ trách giám sát các vùng biển ở Trung Đông cho hay, vụ tấn công xảy ra tại khu vực cách vịnh Aden khoảng 177 km về phía đông nam. Thuyền trưởng của con tàu báo cáo rằng "mạn trái tàu đã bị tên lửa tấn công từ trên cao".

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đã lên tiếng xác nhận vụ tấn công của Houthi, đồng thời cho biết tàu Eagle Gibraltar "không bị hư hại gì đáng kể và đang tiếp tục hành trình".

"Vào khoảng 4 giờ chiều (giờ Sanaa) ngày 15/1, phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đã phóng 1 tên lửa đạn đạo chống tàu từ các khu vực do nhóm này kiểm soát ở Yemen và bắn trúng tàu M/V Gibraltar Eagle - tàu container do Mỹ sở hữu và vận hành, treo cờ Cộng hòa Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, con tàu không bị hư hại gì đáng kể và đang tiếp tục hành trình. Không có thương vong nào trên tàu", thông báo của CENTCOM nêu rõ.

Sau đó, cục Hàng hải Mỹ đã đưa ra cảnh báo về "mức độ rủi ro cao" đối với các tàu thương mại di chuyển gần Yemen.

Khuyến cáo của cơ quan này nêu rõ: "Mặc dù quyết định quá cảnh vẫn thuộc quyền quyết định của từng tàu và công ty, nhưng các tàu mang cờ Mỹ và các tàu thương mại thuộc sở hữu của Mỹ nên tránh xa khu vực Yemen ở Biển Đỏ và Vịnh Aden cho đến khi có thông báo mới".

Lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ kể từ tháng 10/2023. Nhóm này tuyên bố họ đang tấn công các tàu đến Israel để phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza nhưng Houthi thường xuyên nhắm mục tiêu vào các tàu không có liên hệ với Israel đến khu vực đó.

Cuối tháng trước, Lầu Năm Góc đã công bố Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, một nỗ lực của liên minh đa quốc gia nhằm bảo vệ các tàu dân sự ở Biển Đỏ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào các tài sản của Houthi ở Yemen như một phần trong nỗ lực tiêu diệt và làm suy giảm khả năng đe dọa thương mại quốc tế của nhóm này.

Nhà Trắng tuyên bố rằng Iran đang viện trợ tài chính, cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hoạt động cho lực lượng Houthi nhằm can thiệp vào hoạt động vận tải toàn cầu ở Biển Đỏ.

Các cuộc tấn công của Houthi đang diễn ra ở Biển Đỏ đã gây ra một cuộc khủng hoảng vận tải toàn cầu, khi một số công ty vận tải hàng đầu thế giới chuyển hướng các tàu chở hàng, mất thêm nhiều tuần để đi vòng quanh cực nam châu Phi thay vì mạo hiểm hành trình qua Kênh đào Suez của Ai Cập.

Hàng năm có khoảng 19.000 tàu đi qua kênh đào Suez, nơi mà Biển Đỏ là lối vào duy nhất ở phía nam. Nếu các tuyến đường vòng hiện tại vẫn có hiệu lực, có thể Ai Cập, quốc gia kiểm soát kênh đào, sẽ mất hơn 1 tỷ USD phí đi lại. Tương tự như vậy, thị trường toàn cầu có thể sẽ cảm nhận được áp lực của việc giá cước vận tải đường biển tăng vọt trong khi hàng hóa vẫn bị mắc kẹt.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tiếp tục tấn công lực lượng Houthi tại Yemen