Mỹ và Vương Quốc Anh dẫn đầu cuộc tấn công trả đũa phiến quân Houthi ở Yemen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 24/2, nhiều quốc gia, do Hoa Kỳ và Vương quốc Anh dẫn đầu, đã phát động các cuộc tấn công nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công liên tục của nhóm khủng bố này nhằm vào các tàu hải quân và tàu buôn đi qua Biển Đỏ cùng các khu vực lân cận.

Úc, Bahrain, Đan Mạch, Canada, Hà Lan và New Zealand cũng ủng hộ các cuộc tấn công trên.

Trong tuyên bố chung ngày 24/2, các quốc gia cho biết: “Các cuộc tấn công cần thiết và tương xứng ngày hôm nay đặc biệt nhắm vào 18 mục tiêu của Houthi trên 8 địa điểm ở Yemen”.

Theo tuyên bố, các mục tiêu này có liên quan đến những cơ sở lưu trữ vũ khí dưới lòng đất của lực lượng Houthi, cơ sở lưu trữ tên lửa, hệ thống máy bay không người lái có khả năng tấn công một chiều và các trang thiết bị quân sự khác.

Các cuộc tấn công nhằm mục đích “làm gián đoạn và làm suy giảm khả năng mà lực lượng Houthi sử dụng để đe dọa thương mại toàn cầu, các tàu hải quân và sinh mạng của những thủy thủ vô tội trên một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới”.

Hôm 22/2, một cuộc tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi đã làm hư hại một tàu thuộc sở hữu của Anh, khiến một thành viên thủy thủ đoàn bị thương. Ngày 19/2, một vụ tấn công tên lửa khác suýt đánh trúng một tàu chở hàng nhân đạo của Mỹ thuộc sở hữu của nước này. Trước đó một ngày, có một vụ tấn công tàu của Anh buộc thủy thủ đoàn phải rời tàu.

Kể từ giữa tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 45 cuộc tấn công nhằm vào các tàu hải quân và tàu buôn, gây ra “mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như an ninh và ổn định khu vực, đồng thời yêu cầu quốc tế phải có phản ứng”.

Trong tuyên bố chung, nhóm các quốc gia khẳng định mục tiêu của họ là giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ nhưng sẽ không ngần ngại trả đũa để bảo vệ sự sống và dòng chảy tự do thương mại.

Theo hãng tin AP, lực lượng Houthi đã lên án cuộc tấn công phối hợp, tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Yemen sẽ đáp trả "sự leo thang giữa Mỹ và Anh bằng các hoạt động quân sự có chất lượng hơn nhằm vào tất cả các mục tiêu thù địch ở Biển Đỏ và Biển Ả Rập".

Theo tờ The Times of Israel, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani đã cáo buộc Mỹ và Vương Quốc Anh đang tìm cách "leo thang căng thẳng và khủng hoảng trong khu vực", đồng thời mở rộng phạm vi xung đột.

Trong tuyên bố về vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ “sẽ không ngần ngại hành động” để bảo vệ thương mại thông qua một trong những tuyến đường thủy trọng yếu nhất thế giới.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ với lực lượng Houthi rằng họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nếu không ngừng các cuộc tấn công bất hợp pháp của mình”, ông nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh Grant Shapp cũng nêu rõ lập trường của Anh về vấn đề này: "Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ sinh mạng trên biển và duy trì quyền tự do hàng hải”.

Mỹ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi

Trong hơn một tháng rưỡi qua, Mỹ đã thực hiện 32 cuộc tấn công ở Yemen, một số được thực hiện phối hợp với các đồng minh. Các tàu chiến Mỹ đã vô hiệu hóa một số tên lửa, máy bay không người lái và rocket nhắm vào tàu hải quân hoặc tàu buôn.

Theo hãng tin AP, tính đến nay, các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào hơn 120 bệ phóng; 40 kho chứa và cơ sở hỗ trợ; 20 phương tiện bay không người lái trên không, mặt nước và dưới nước; hơn 10 tên lửa đất đối không; và nhiều cơ sở lưu trữ ngầm.

Trong buổi họp báo ngày 22/2, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết phiến quân Houthi đã gia tăng các cuộc tấn công trong hai đến ba ngày trước đó. Bà cũng thừa nhận rằng lực lượng này không bị ngăn chặn, đồng thời đề cập đến sự ủng hộ của Iran đối với nhóm này.

“Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố rằng chúng tôi đã xóa sổ toàn bộ năng lực của họ. Chúng tôi biết rằng lực lượng Houthi sở hữu một kho vũ khí lớn. Họ thực sự có năng lực. Họ sở hữu vũ khí phức tạp và đó là vì họ tiếp nhận chúng từ Iran”, bà Singh cho hay.

Có những lo ngại rằng các cuộc tấn công liên tục của Mỹ đối với lực lượng Houthi có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Iran. Tháng trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết chính quyền ông Biden không có ý định đẩy xung đột theo hướng này.

“Chúng tôi không tham gia vào cuộc xung đột ở Trung Đông. … Rõ ràng, đang có những căng thẳng đáng kể ở Trung Đông”, ông nói. “Mục tiêu của chúng tôi ở đây không phải là leo thang hay xung đột với lực lượng Houthi. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn những cuộc tấn công liên tục này nhằm vào cộng đồng quốc tế và hoạt động vận tải biển quốc tế đi qua Biển Đỏ”.

Vào tháng 1/2021, chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã chỉ định lực lượng Houthi là một tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO). Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược chỉ định này ngay sau đó.

Tuy nhiên, tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt Houthi là "nhóm khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt" (SDGT). Tên gọi này nhẹ hơn so với việc định danh Houthi là "tổ chức khủng bố nước ngoài" trong bối cảnh xung đột hiện tại. Điều này đã dẫn đến việc đóng băng tài sản nhằm mục đích cắt nguồn tài chính của phiến quân Houthi.

Liên minh Châu Âu (EU) đang tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đỏ. Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố, họ đã bắt đầu một nhiệm vụ hải quân với mục đích "khôi phục an ninh hàng hải và tự do hàng hải trong một hành lang hàng hải mang tính chiến lược cao”.

Ông Borrell nhấn mạnh: "Trong khuôn khổ nhiệm vụ phòng thủ của mình, hoạt động này sẽ cung cấp nhận thức về tình hình hàng hải, đồng hành cùng các tàu và bảo vệ chúng trước các cuộc tấn công đa miền có thể xảy ra trên biển”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ và Vương Quốc Anh dẫn đầu cuộc tấn công trả đũa phiến quân Houthi ở Yemen