NATO gia hạn nhiệm kỳ đối với Tổng thư ký Jens Stoltenberg

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 4/7, các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí kéo dài nhiệm kỳ của đương kim Tổng thư ký Jens Stoltenberg thêm một năm. Không có dấu hiệu đình chiến trong cuộc chiến Nga - Ukraine, do đó NATO đã chọn giữ lại ông Stoltenberg, người có kinh nghiệm ngoại giao dày dặn.

Trang web chính thức của NATO đưa tin, ngày 4/7, các quốc gia thành viên NATO đã nhất trí gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký Jens Stoltenberg thêm một năm đến ngày 1/10/2024. Quyết định về nhân sự sẽ được các nguyên thủ quốc gia và NATO thông qua tại hội nghị cấp cao ở Vilnius (Litva) vào giữa tháng 7 năm nay.

Ông Stoltenberg cho biết, ông rất vinh dự trước quyết định này. Ông nói: "Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Bắc Mỹ đã đảm bảo tự do và an ninh của chúng ta trong gần 75 năm qua. Và trong một thế giới nguy hiểm hơn, liên minh của chúng ta quan trọng hơn bao giờ hết".

Ông Stoltenberg hiện là tổng thư ký tại vị lâu thứ hai trong lịch sử NATO. Trước ông, Tổng thư ký Joseph Luns của Hà Lan giữ chức vụ này từ năm 1971 đến 1984.

Trước những thách thức an ninh chưa từng có trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và những thay đổi của tình hình địa chính trị toàn cầu, sự đoàn kết của các quốc gia thành viên NATO lúc này mang ý nghĩa hết sức trọng yếu.

Các hãng tin AFP, Reuters BBC cho biết chiến tranh Nga - Ukraine là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu sau Thế chiến II, dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở châu Âu. Ông Stoltenberg đã được ca ngợi rộng rãi vì sự điềm tĩnh và khả năng lãnh đạo của mình khi NATO ủng hộ Ukraine trong khi tránh xung đột trực tiếp với các lực lượng Nga.

Vào tháng 2 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã công khai tuyên bố rằng ông sẽ không tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thư ký.

Kể từ năm 2014, cựu Thủ tướng Na Uy Stoltenberg đã giữ chức Tổng thư ký NATO và 3 lần tái đắc cử. Giờ đây, các thành viên NATO đã quyết định gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký của ông Stoltenberg thêm một năm, nhấn mạnh sự lựa chọn một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm để tiếp tục chính sách, thay vì cố gắng thương lượng một thỏa thuận về người kế nhiệm Tổng thư ký NATO trong trường hợp xảy ra chiến tranh Nga - Ukraine.

Ai sẽ lãnh đạo NATO?

Tờ Reuters ngày 26/5 đưa tin nhiều thành viên NATO hy vọng sẽ tìm được người kế nhiệm ông Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào giữa tháng 7 năm nay, hoặc tốt hơn hết là trước hội nghị thượng đỉnh.

Mặc dù Tổng thư ký của NATO là một nhân vật nổi tiếng của công chúng, song quá trình cạnh tranh cho vị trí này là vô cùng mờ nhạt, chủ yếu bao gồm các cuộc tham vấn giữa các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao của các quốc gia thành viên cho đến khi tất cả các thành viên NATO đồng ý.

Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO và là nhà phân tích của Chatham House, cho biết các nhà lãnh đạo đang tìm kiếm một chính khách, nhà giao tiếp và nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Đoàn kết, giữ liên lạc với tất cả các đồng minh và giải quyết các mối quan tâm của họ; đồng thời điều phối sự tham gia của mọi quốc gia thành viên vào các công việc của NATO vào mọi thời điểm là trọng trách của Tổng thư ký NATO.

Bất cứ ai nắm quyền lãnh đạo NATO vào thời điểm này sẽ buộc phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, không chỉ đoàn kết các đồng minh ủng hộ Ukraine, mà còn ngăn NATO can dự trực tiếp vào cuộc chiến Nga - Ukraine và làm leo thang tình hình.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 5, cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho hay, các đồng minh không nên vội vàng đưa ra quyết định về việc lựa chọn người kế nhiệm ông Jens Stoltenberg.

"Trong tương lai, tân Tổng thư ký NATO sẽ phải đáp ứng hai yêu cầu: thứ nhất, có thể duy trì sự thống nhất của liên minh, và thứ hai, có luận điệu cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác đang đe dọa liên minh", ông Rasmussen nói.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố rằng ông thích công việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số chính phủ thúc đẩy NATO có nữ Tổng Thư ký đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá.

Nhiều nhà ngoại giao nhận định rằng ông Wallace ít có cơ may cho vị trí này, mặc dù ông rất được tôn trọng trong liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Một số thành viên mong muốn chọn một nữ lãnh đạo thì phản đối ông. Trong khi đó, nhiều người lại ủng hộ một cựu Thủ tướng hoặc Tổng thống để đảm bảo nhà lãnh đạo NATO có đòn bẩy chính trị cao nhất.

Theo truyền thống, vị trí này thuộc về một người châu Âu, nhưng bất kỳ ứng cử viên nghiêm túc nào cũng cần có sự hậu thuẫn từ Washington, cường quốc thống trị NATO. Trong khi đó, một số đồng minh tin rằng lần đầu tiên vị trí này nên được đảm nhiệm bởi một chính khách Đông Âu, đặc biệt là vào thời khắc then chốt trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

NATO gia hạn nhiệm kỳ đối với Tổng thư ký Jens Stoltenberg