Nga cáo buộc Pháp chuẩn bị đưa quân sang Ukraine; Paris bác bỏ 'thông tin sai lệch'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 19/3, Nga cáo buộc Pháp đang chuẩn bị đưa 2.000 quân đến Ukraine. Paris đã bác bỏ thông tin này và gọi đây là "chiến dịch tuyên truyền" của Nga.

Tuyên bố được Bộ Quốc phòng Pháp đưa ra vào ngày 19/3: "Hành động này một lần nữa minh họa cho việc Nga sử dụng thông tin sai lệch một cách có hệ thống. Chúng tôi cho rằng kiểu khiêu khích này là vô trách nhiệm”.

Trước đó, cùng ngày 19/3, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin tuyên bố rằng có thông tin cho thấy 2.000 quân Pháp đang được chuẩn bị triển khai đến Ukraine.

Ông Naryshkin nói với hãng thông tấn TASS của Nga: "Theo thông tin của SVR, đội quân mà Pháp dự định gửi đến Ukraine hiện đã được chuẩn bị sẵn sàng và 2.000 người mới chỉ là con số ban đầu”.

Nhắm trực tiếp vào Tổng thống Macron, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin cáo buộc "lãnh đạo hiện tại" của Pháp "bỏ qua sinh mạng người dân Pháp và lo ngại của giới tướng lĩnh" khi cân nhắc đưa quân tới Ukraine.

Ông Naryshkin nhấn mạnh, nếu điều này xảy ra, lực lượng vũ trang Nga sẽ coi quân đội Pháp là mục tiêu tấn công hợp pháp.

Pháp, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022.

Dưới thời Tổng thống Macron, Paris đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ euro viện trợ và nhiều loại vũ khí tấn công, bao gồm xe tăng, pháo binh và tên lửa tầm xa.

Tháng trước, Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã tới thăm Paris và ký kết thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm với Pháp.

Cùng với cam kết cung cấp thêm 3 tỷ euro (khoảng 3,26 tỷ USD) cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, thỏa thuận này cũng kêu gọi tăng cường cung cấp đạn dược của Pháp cho Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự họp báo sau hội nghị quốc tế nhằm tăng cường hỗ trợ phương Tây cho Ukraine, tại Paris, vào ngày 26/2/2024. (Ảnh: Gonzalo Fuentes/AFP/Getty Images)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự họp báo sau hội nghị quốc tế nhằm tăng cường hỗ trợ phương Tây cho Ukraine, tại Paris, vào ngày 26/2/2024. (Ảnh: Gonzalo Fuentes/AFP/Getty Images)

Tổng thống Pháp và những phát biểu gây tranh cãi

Trong những tuần gần đây, tuyên bố công khai của ông Macron về cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga ngày càng trở nên cứng rắn.

Tháng trước, ông đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên khi đề nghị các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) điều quân đến Ukraine để giúp chiến đấu với lực lượng Nga.

“Hiện không có sự đồng thuận nào về việc điều quân tới chiến trường [Ukraine]. Nhưng xét về mặt động lực, chúng tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông Macron nói với các phóng viên.

Ông Macron đã đưa ra những nhận định trên tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra vào ngày 26/2 tại Paris. Cuộc họp này được tổ chức nhằm tái khẳng định sự ủng hộ liên tục của EU đối với Ukraine, quốc gia gần đây đã phải chịu một loạt tổn thất nặng nề trên chiến trường.

Các đồng minh hàng đầu khác của Ukraine - bao gồm Hoa Kỳ, Anh và Đức - cũng nhanh chóng tránh xa những tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp.

Tuy nhiên, kể từ đó, ông Macron tiếp tục tiến xa hơn nữa.

Ngày 7/3, trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo phe đối lập Pháp, ông Macron đã tuyên bố rằng Pháp không nên đặt ra "giới hạn" trong cách tiếp cận cuộc xâm lược quốc gia khác. Cuộc xâm lược này đã đạt được một số thành quả nhất định trong những tuần gần đây.

Sau cuộc họp, lãnh đạo Đảng Xanh Marine Tondelier mô tả những phát biểu của ông Macron với các phương tiện truyền thông Pháp là "cực kỳ đáng lo ngại".

Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Monde của Pháp, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), cho biết: "Tôi đến [cuộc họp] với lo ngại và rời đi còn lo ngại hơn".

Theo nhiều nguồn tin, các nhà lãnh đạo phe đối lập khác của Pháp cũng đã bày tỏ những nghi ngại tương tự.

Tuy nhiên, những đề xuất gây tranh cãi của ông Macron lại được một số nhà lãnh đạo châu Âu khác hoan nghênh.

Ngày 8/3, tại Lithuania, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné đã hội đàm với ba người đồng cấp vùng Baltic. Tại đây, ý tưởng gửi quân đến chiến trường Ukraine đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt.

Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis, được cho là đã phát biểu: "Không thể loại trừ bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho Ukraine".

Ba quốc gia vùng Baltic, bao gồm Lithuania, Latvia và Estonia, đều giáp ranh với lãnh thổ Nga và đã trở thành thành viên NATO từ năm 2004.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski - đi ngược lại tuyên bố trước đó của Thủ tướng Ba Lan - cho biết ý tưởng này "không phải là điều không thể nghĩ tới".

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Sikorski đã đưa ra tuyên bố tương đồng với Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel, một quốc gia thành viên NATO lâu năm như Ba Lan.

Tổng thống Pavel phát biểu trên truyền hình: "Theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, không có gì ngăn cản quân đội của các quốc gia thành viên NATO hỗ trợ các hoạt động ở Ukraine".

Điều đáng chú ý là nhà lãnh đạo Cộng hòa Séc đưa ra nhận xét này chỉ ba ngày sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Prague vào ngày 53.

Quân nhân Ukraine đang vận hành pháo TRF-1 155mm để tấn công các vị trí của Nga vào ngày 27/3/2023. (Ảnh: ARIS MESSINIS/AFP via Getty Images)

Phản bác tuyên bố của Nga

Các quan chức Nga liên tục tuyên bố rằng lực lượng quân sự phương Tây, bao gồm cả binh sĩ Pháp, đã có mặt ở Ukraine.

Vào tháng Giêng, quân đội Nga tuyên bố đã thực hiện một "cuộc tấn công chính xác" vào một cơ sở chứa "lực lượng chiến đấu nước ngoài" ở khu vực Kharkiv, phía đông bắc Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định có bằng chứng về sự hiện diện của quân đội Pháp ở Ukraine, nhưng không cung cấp chi tiết. Cơ quan này cho rằng 60 chiến binh, hầu hết là "lính đánh thuê người Pháp", đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp đã bác bỏ cáo buộc này, tuyên bố rằng "Pháp không có lính đánh thuê ở Ukraine hay bất kỳ nơi nào khác".

Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ tuyên bố của Moscow, gọi đó là “một mưu đồ thao túng vụng về” khác của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp những phủ nhận, ông Naryshkin, giám đốc tình báo Nga, tuyên bố rằng giới quân sự Pháp đang “rõ ràng lo ngại” trước thương vong ngày càng tăng của Pháp ở Ukraine.

Ông nói: "Việc tiết lộ thông tin nhạy cảm như vậy có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình của công dân, đặc biệt là trong bối cảnh các chiến dịch chống chính phủ rầm rộ của nông dân [Pháp]".

Trong những tuần gần đây, nông dân Pháp - và trên khắp châu Âu - đã tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối các chính sách thương mại của EU.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Yêu nước Pháp Florian Philippot dường như đang coi trọng các tuyên bố của Nga.

Ông nói trong một bài đăng trên mạng xã hội: "Tôi hoàn toàn không tin vào những lời phủ nhận của Pháp về việc triển khai 2.000 quân nhân đến Ukraine".

Ông Philippot tiếp tục cáo buộc Tổng thống Macron và chính phủ của ông đã "nói dối chúng tôi ... ngay từ đầu".

Ông cũng nhắm vào các đảng đối lập khác của Pháp, những người mà ông cáo buộc đã cố tình phớt lờ vấn đề.

Ông Florian Philippot, cựu quan chức cấp cao của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, đã đưa ra tuyên bố gây tranh cãi về tình hình Ukraine.

Phát ngôn với hãng thông tấn TASS của Nga, ông Philippot cho rằng: "Quyết định hành động phụ thuộc vào người dân Pháp, cả dân thường lẫn quân đội".

Lời khẳng định của ông Philippot có thể khiến Paris tức giận khi ông tuyên bố Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ bị lật đổ nếu cáo buộc của Nga được chứng minh.

Ông Philippot nói: "Nếu hóa ra ông ấy nói dối về sự hiện diện của quân đội Pháp [ở Ukraine], tôi nghi ngờ ông ấy sẽ không vượt qua được một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, điều có thể lật đổ chính phủ của ông ấy".

Hiện tại, Paris vẫn chưa phản hồi về những khẳng định của ông Philippot.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga cáo buộc Pháp chuẩn bị đưa quân sang Ukraine; Paris bác bỏ 'thông tin sai lệch'