Phân tích: Nhật Bản gấp rút tái vũ trang vào năm 2027 trước tham vọng xâm lược Đài Loan của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20 diễn ra từ Chủ nhật (16/10) và lần Đại hội tiếp theo vào năm 2027, Nhật Bản sẽ tiến hành hoạt động xây dựng kho vũ khí lớn nhất kể từ Thế chiến II trong một cuộc đua nhằm ngăn chặn Bắc Kinh leo thang quân sự ở Đông Á, theo các quan chức chính phủ Nhật Bản và các nhà phân tích an ninh.

Nhật Bản xác định Trung Quốc là đối thủ chính trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019. Hơn nữa, Tokyo cũng lo ngại rằng việc Bắc Kinh liên tục gây áp lực lên Đài Loan và hiện đại hóa quân sự nhanh chóng sẽ gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Theo các chuyên gia an ninh, lo lắng đó càng gia tăng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Điều này cũng làm suy yếu sự phản đối của công chúng Nhật Bản đối với việc nước này tiến hành tái vũ trang.

Ông Takashi Kawakami, Giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, cho biết chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ ràng về mối đe dọa đến từ Bắc Kinh và sẽ làm bất cứ điều gì có thể. Ông nhận định rằng, vào năm 2027 thì cán cân quyền lực của Đông Á có thể nghiêng về phía Trung Quốc, đó sẽ là thời cơ để chính phủ Nhật Bản tập hợp sự ủng hộ và tăng chi tiêu quốc phòng.

Năm 2027 là cột mốc quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và kỷ niệm 100 ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington nói rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ "lộ diện" vào năm đó.

Nếu Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc, đó sẽ là một thảm họa với Nhật Bản. Động thái này có thể gây nguy hiểm cho các tuyến vận tải chính, cung cấp gần như tất cả dầu cho Nhật Bản cũng như nhiều nguyên liệu mà nước này sản xuất. Nó cũng sẽ cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận phía Tây Thái Bình Dương từ các căn cứ quân sự trên đảo.

Một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Nhật Bản tham gia vào các kế hoạch quốc phòng cho biết: “Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung, các quan chức chính phủ Nhật Bản có chung quan điểm về tầm quan trọng của năm 2027”.

“Vấn đề này đã được thảo luận nội bộ”, ông nói thêm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Nhật Bản đang sử dụng Trung Quốc như "một cái cớ" để tăng cường năng lực quân sự của nước này.

“Các lực lượng chính trị ở Nhật Bản đã nhiều lần sử dụng Trung Quốc như một cái cớ để cố tình thổi phồng căng thẳng trong khu vực. Khi làm như vậy, phía Nhật Bản chỉ tìm cớ để củng cố và mở rộng quân đội của mình”, Bộ này cho biết.

Tại đại hội ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đẩy nhanh kế hoạch xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới của Trung Quốc và tuyên bố đất nước của ông sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Reuters.

Kịch bản về Đài Loan

Các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc là rào cản ngăn nước cam kết bảo vệ Đài Loan trực tiếp. Nhưng với việc lãnh thổ gần nhất của Nhật Bản chỉ cách hòn đảo khoảng 15 km, nước này có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Bắc Kinh.

Một quan chức chính phủ Nhật Bản khác tham gia vào kế hoạch cho biết Trung Quốc có thể cố gắng chiếm các đảo của Nhật Bản gần với Đài Loan để thiết lập hệ thống phòng không và chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào.

Vào tháng 8, Trung Quốc đã phóng tên lửa vào vùng biển cách các đảo này chưa đầy 160 km. Các cuộc tập trận quân sự đó của Trung Quốc nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Các căn cứ quân sự, sân bay, cảng biển và các trung tâm hậu cần khác của Nhật Bản cũng có thể trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc, bởi vì đó cũng là nơi tập trung lực lượng quân sự của Mỹ.

Ông Yasuhiro Matsuda, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo và là cựu nghiên cứu viên cấp cao của Bộ Quốc phòng, cho biết khi xây dựng kế hoạch phòng thủ, Nhật Bản cần xem xét kịch bản Washington không đáp trả cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.

"Nếu Nhật Bản có thể tăng cường năng lực quốc phòng của mình ... thì tính toán của Trung Quốc nhằm tấn công các lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ hoàn toàn khác, chi phí và rủi ro cho cuộc chiến với Đài Loan sẽ khá cao", ông Matsuda nói trong một sự kiện của Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation hồi đầu tháng này.

Chạy đua vũ trang

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mà nước này gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đã giúp chuyển hướng dư luận ở Nhật Bản khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến. Chủ nghĩa này vốn đã thống trị chính sách quốc phòng Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.

Trong một cuộc thăm dò dư luận do đài truyền hình NHK công bố vào tháng 10, 55% trong số 1.247 người được khảo sát cho biết họ ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng và 29% phản đối. Hơn 61% người được khảo sát cho rằng Nhật Bản nên phát triển quân đội hùng mạnh hơn bằng việc cắt giảm chi tiêu công.

Vào tháng 7, Thủ tướng Fumio Kishida đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện quốc gia với cam kết tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông hứa sẽ tăng gấp đôi ngân sách quân sự lên khoảng 10 nghìn tỷ yên (68 tỷ USD) trong vòng 5 năm.

Số tiền tăng thêm đó sẽ được dùng để chi trả cho các tên lửa tầm xa có thể tấn công tàu chiến và các mục tiêu trên bộ ở Trung Quốc hoặc Triều Tiên.

Các dự án lớn bao gồm máy bay chiến đấu phản lực mới để triển khai vào những năm 2030, rất có thể sẽ được hợp nhất với máy bay tàng hình Tempest do Anh đề xuất. Việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng sẽ mang lại lợi ích to lớn các nhà cung cấp của Mỹ như Lockheed, Boeing và Northrop Grumman Corp.

Thủ tướng Kishida sẽ tiết lộ chi tiết về kế hoạch chi tiêu quân sự cùng với một chiến lược an ninh được cải tiến vào tháng 12. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ mang lại cho Nhật Bản một vị thế an ninh lớn hơn trong khu vực bên cạnh Hoa Kỳ. Washington hiện đang triển khai hàng nghìn binh lính, hàng trăm máy bay và hàng chục tàu chiến tại Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho rằng, sự tập trung của Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ không bị lung lay, ngay cả khi đối thủ hàng đầu của họ, Triều Tiên, đang trong chu kỳ thử tên lửa mới.

Sáng sớm 14/10, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển Nhật Bản, đánh dấu vụ phóng thứ 8 của nước này kể từ cuối tháng 9. Động thái trên ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau Đại hội Đảng 20 của Trung Quốc, Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết, nước này muốn để Hàn Quốc dẫn đầu trong việc đối phó với nước láng giềng phương bắc hiếu chiến của mình.

Ông Bonji Ohara, một thành viên cấp cao của Tổ chức Hòa bình Sasakawa có trụ sở tại Tokyo, cho biết: "Tôi không nhận thấy hành động của Triều Tiên sẽ dẫn đến bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong quan điểm của Nhật Bản về Trung Quốc".

Những hành động mới nhất của Triều Tiên thậm chí có thể củng cố sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Tokyo, ông nói thêm.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Nhật Bản gấp rút tái vũ trang vào năm 2027 trước tham vọng xâm lược Đài Loan của Trung Quốc