Phản ứng của các cựu quan chức ĐCSTQ trước lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi Đài Loan tổ chức lễ nhậm chức của tân Tổng thống Lại Thanh Đức, bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất. Sự kiện này không chỉ đánh dấu nhiệm kỳ thứ 16 của Tổng thống nước Cộng hòa Trung Hoa (ROC), mà còn là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực bưng bít thông tin từ Bắc Kinh, nhiều cựu quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tiến trình dân chủ và diễn biến chính trị sôi động trên hòn đảo tự trị này.

Ngày 20/5, trong bài phát biểu nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, Bắc Kinh đã chặn các hashtag (ký hiệu #) liên quan trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình buổi lễ nhanh chóng bị xóa, khiến một người dùng than thở: "Tôi tìm kiếm tin tức cả ngày mà vẫn không biết ông Lại Thanh Đức đã nói gì".

Ông Đỗ Văn (Du Wen), cựu cố vấn pháp lý tại Nội Mông, người đã rời khỏi Trung Quốc và hiện sống ở Bỉ, đã theo dõi buổi lễ và ca ngợi những thành tựu dân chủ của Đài Loan.

"Là một người dân Trung Quốc, tôi cảm thấy tự hào về thành tựu này", ông chia sẻ với The Epoch Times ấn bản tiếng Trung.

Một quá trình chuyển đổi suôn sẻ trong bối cảnh căng thẳng

Phản ứng của Bắc Kinh đối với bài phát biểu của ông Lại quả nhiên là gay gắt. Ngày 21/5, Trần Bân Hoa, phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, đã lên án bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức. Ông Trần cáo buộc ông Lại tiếp tục duy trì lập trường phân ly với sự ủng hộ từ ngoại bang. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đồng loạt phát động chiến dịch công kích bài phát biểu của ông Lại.

Bất chấp những lời phê phán đó, ông Đỗ Văn tin rằng Bắc Kinh không quá bận tâm đến bài phát biểu của ông Lại. Ông Đỗ Văn cho rằng: "Tuyên bố của Tân Tổng thống [Đài Loan] tương đối ôn hòa và Bắc Kinh có lẽ không quá lo ngại khi tin rằng họ đã nắm giữ cục diện".

Ông Đỗ Văn cũng nhận định rằng bài phát biểu của ông Lại nhất quán với quan điểm của cựu Tổng thống Thái Anh Văn, khi nhấn mạnh lập trường của Trung Hoa Dân Quốc không chủ trương độc lập mà là sự kế thừa của chân lý lịch sử.

"Bản thân Đài Loan là hệ quả của Nội chiến Trung Hoa. ĐCSTQ đã thất bại trong việc chinh phục Đài Loan bằng vũ lực trong chiến tranh. Họ nghĩ rằng nay có thể chiếm được Đài Loan chỉ bằng hùng biện sao? Tôi cho rằng điều đó rất khó xảy ra", ông Đỗ Văn kết luận.

Những quan điểm trái chiều về hoạt động quân sự của ĐCSTQ

Bài phát biểu nhậm chức của ông Lại nhấn mạnh nguyên tắc không lệ thuộc lẫn nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan, ủng hộ việc duy trì hiện trạng và kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt các hành vi thù địch. Ông Lại tuyên bố: "Trước muôn vàn mối đe dọa và sự xâm nhập từ ĐCSTQ, chúng ta [Đài Loan] phải thể hiện quyết tâm bảo vệ quốc gia của mình".

Ông Đỗ Văn chỉ ra những tranh luận gay gắt đang diễn ra trong nội bộ ĐCSTQ về tính khả thi của việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.

"Một phe cho rằng tấn công Đài Loan sẽ gây ra tổn thất to lớn về kinh tế và chính trị, điều này không mang lại lợi ích tối ưu cho ĐCSTQ", ông Đỗ Văn nhận định.

Tuy nhiên, một phe khác lại tin vào sự cần thiết của hành động quân sự, cho rằng việc trì hoãn sẽ chỉ làm gia tăng sự phản kháng khi Đài Loan hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn tỏ ra hoài nghi về khả năng xảy ra xung đột. "Cái giá phải trả quá đắt, và nó có thể phản tác dụng đối với chính ĐCSTQ. Tuy nhiên, răn đe chiến lược vẫn là yếu tố cốt lõi đối với ĐCSTQ. Đài Loan thực sự đối mặt với những hiểm họa hiện hữu và đáng kể".

Thống nhất và Dân chủ hóa

Trong bài phát biểu của mình, ông Lại bày tỏ mong muốn ĐCSTQ công nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc, tôn trọng lựa chọn của người dân Đài Loan và đối thoại chân thành với chính phủ dân cử của Đài Loan. Ông ủng hộ đối thoại hơn là đối đầu, đề xuất nối lại du lịch song phương và trao đổi sinh viên như những bước đi ban đầu.

Ông Đỗ Văn vẫn hoài nghi về việc những thiện chí này có thể dẫn đến các cuộc đàm phán có ý nghĩa. "ĐCSTQ chỉ tin vào 'quyền lực chính trị nảy sinh từ nòng súng'. Đàm phán chỉ có thể xảy ra trong những tình thế bị vây hãm", ông nói.

Ông cho rằng thống nhất hòa bình chỉ có thể thực hiện nếu Trung Quốc dân chủ hóa, qua đó xóa bỏ những khác biệt về chính trị và tư tưởng.

Ông Vương Đăng (bút danh), một học giả luật Trung Quốc, đồng tình với quan điểm này. Ông Vương nhấn mạnh rằng không khoan nhượng của ĐCSTQ đối với nền dân chủ Đài Loan và Hong Kong càng làm nổi bật bản chất toàn trị của nước này.

"Nền dân chủ của Đài Loan và tự do, pháp trị được thiết lập ở Hong Kong càng làm nổi bật chế độ chuyên chế của ĐCSTQ. Chính sự tương phản rõ rệt này là lý do ĐCSTQ quyết tâm phá hoại Hong Kong trước tiên", theo ông Vương Đăng.

Đài Loan - Một mô hình Dân chủ

Cam kết của ông Lại Thanh Đức về việc gắn kết Đài Loan với các quốc gia dân chủ tiếp nối con đường do người tiền nhiệm, bà Thái Anh Văn, đặt ra.

"Trong một xã hội dân chủ, quyền lợi của nhân dân được đặt lên hàng đầu; đây là bản chất của nền dân chủ", ông Lại tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh sự cống hiến của Đài Loan trong việc bảo vệ nền dân chủ khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Ông Vương Đăng nhận xét về quá trình phát triển dân chủ của Đài Loan kể từ khi ông Lý Đăng Huy được bầu làm tổng thống theo hình thức phổ thông đầu phiếu vào năm 1996. "Nền dân chủ của Đài Loan đã đạt được những bước tiến đáng kể, tuy vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện, đặc biệt là về tính chất tranh luận tại Lập Pháp Viện’”.

Ông Eric (bút danh), cựu sĩ quan cảnh sát mật của Cục An ninh Chính trị Trung Quốc đã đào thoát sang Úc, chia sẻ góc nhìn của mình: "Hành trình hướng tới dân chủ của Đài Loan tuy gặp nhiều thách thức nhưng vẫn là một tấm gương tiên phong cho cộng đồng nói tiếng Hoa. Nền dân chủ được hoàn thiện thông qua tranh luận".

Kinh nghiệm của Đài Loan cung cấp một điểm tham chiếu quan trọng cho các cải cách dân chủ trong bối cảnh văn hóa Trung Hoa. Vị thế "ngọn hải đăng của dân chủ" của Đài Loan càng khẳng định tầm quan trọng chiến lược và biểu tượng của quốc đảo này trong cuộc đấu tranh rộng lớn hơn chống lại chế độ chuyên chế.

"Đài Loan vừa là cái gai trong mắt của đại lục, vừa là hình mẫu, vừa là sự đối lập. Quốc đảo này có tiềm năng trở thành người đào mồ chôn chế độ [ĐCSTQ]trong tương lai", ông Eric kết luận.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phản ứng của các cựu quan chức ĐCSTQ trước lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan