Phóng viên điều tra vạch trần tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bắc Kinh tuyên bố rằng, nước này đã quản lý môi trường hiệu quả hơn trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, một phóng viên điều tra Trung Quốc tiết lộ tình trạng gây sốc về ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc và nhấn mạnh rằng, môi trường nước này khó có thể phục hồi trong nhiều thập kỷ.

Ông Zhai Qing, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo tại Đại hội 20 rằng, ĐCSTQ đã đạt được những tiến bộ tổng thể trong việc bảo vệ môi trường và sinh thái trong mười năm qua, dưới sự dẫn dắt của "ông Tập Cận Bình và công cuộc xây dựng nền văn minh sinh thái".

Ông cũng công bố nhiều thành tựu của nước này như: Trung Quốc trở thành quốc gia có chất lượng không khí được cải thiện nhanh nhất trên thế giới; cải thiện đáng kể xếp hạng nguồn nước an toàn của 770 triệu dân nước này, cũng như nỗ lực bảo tồn và phục hồi hơn 300 loài thực vật và động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Đáp lại những tuyên bố chính thức trên, phóng viên điều tra Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian) của Trung Quốc nói với The Epoch Times ngày 23/10 rằng, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm mạch nước ngầm, ô nhiễm đất, v.v. của Trung Quốc vẫn đang ở mức báo động. Các cuộc biểu tình chống ô nhiễm đã bị chính phủ đàn áp; các phóng viên điều tra bị bịt miệng và chỉ có các quan chức ĐCSTQ từ Bộ Môi trường mới khoe khoang về tình trạng môi trường của nước này.

"Các tiêu chí đánh giá bảo vệ môi trường trước hết cần xuất phát từ việc thiết lập hệ thống đánh giá của các tổ chức phi chính phủ (NGO), để có thể đánh giá một cách khách quan kết quả bảo vệ môi trường liên quan đến cuộc sống của người dân", ông Triệu Lan Kiện nói thêm.

"Tuy nhiên, ông Zhai Qing đã khoe khoang về thành tích của ĐCSTQ trong việc quản lý môi trường. Tất cả các câu hỏi trong cuộc họp báo đều được chuẩn bị trước, và dữ liệu đó khó có thể tin tưởng được".

Các khu bảo tồn thiên nhiên đang bị phá hủy do 'mô hình phát triển săn mồi'

Ông Triệu chỉ ra rằng, chính sách môi trường và chiến lược phát triển kinh tế của ĐCSTQ không tương thích với nhau.

"Một số khu thắng cảnh thiên nhiên được bảo vệ như Trương Gia Giới hoặc Núi Trường Bạch đã bị chính phủ khai thác để phát triển kinh tế nhanh chóng theo mô hình săn mồi".

Epoch Times Photo
Du khách ngắm cảnh tại Hồ Bảo Phong (Baofeng), một hồ nước thơ mộng nằm trong khu danh thắng Trương Gia Giới, Trung Quốc, hôm 1/9/2013. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

"Tôi đã đến thăm núi Trường Bạch bốn lần; lần đầu tiên là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2015. Tôi phát hiện ra rằng, khu bảo tồn thiên nhiên đã bị phá hủy và phát triển nhân tạo, và tất cả các danh lam thắng cảnh của Trung Quốc cũng đều gặp phải vấn đề tương tự”, ông Triệu nói thêm.

Ông cũng so sánh tình hình môi trường của Trung Quốc với các nước khác. “Tôi đã đến thăm các công viên sinh thái ở nhiều nước, chẳng hạn như Mỹ và Chile. Ở đó, người ta không được phép xây dựng đường xá cũng như không cho phép phát triển du lịch thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc lại ưu tiên phát triển mô hình kinh tế du lịch; ưu tiên doanh thu du lịch từ việc bán vé”.

Ông Triệu Lan Kiện nói rằng, ông đã dành mười năm để nghiên cứu tình hình sinh thái của các địa điểm dọc theo sông Dương Tử, Hoàng Hà, Thanh Hải, Tây Tạng và Nội Mông của Trung Quốc. Ông đã chứng kiến sự tàn phá của mô hình phát triển săn mồi tương tự đối với môi trường tự nhiên.

Sa mạc hóa có tác động đến cung cấp nước và thủy sản

Vào năm 2018, ông Triệu đã tiến hành khảo sát thực địa tại một số địa điểm của công viên Sanjiangyuan tọa lạc trên cao nguyên Thanh Tạng ở phía nam tỉnh Thanh Hải, Tây Tạng. Ông phát hiện ra sự xuất hiện của nhiều sa mạc mới.

"Tôi phát hiện ra rằng sa mạc này được hình thành trong 30 năm qua. Ba mươi năm trước, nó là những nghĩa địa và đầm lầy".

“Sự tồn tại của sa mạc này chứng tỏ rằng, môi trường sinh thái của khu vực Sanjiangyuan đã có những thay đổi đáng kinh ngạc so với 30 năm trước. Tôi đã phỏng vấn một số chuyên gia và họ cũng tin rằng, quá trình sa mạc hóa ở thượng nguồn Sanjiangyuan thực sự là nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng khan hiếm nguồn nước ở Thượng Hải và toàn bộ hệ thống sông Dương Tử”, ông nói.

Khu vực Sanjiangyuan có tính đa dạng sinh học cao này là nơi khởi nguồn của ba con sông Lan Thương (tên gọi của sông Mê Kông đoạn qua địa phận Trung Quốc), Hoàng Hà và Dương Tử. Khu vực này được gọi là "Tháp nước Trung Quốc", đóng một vai trò then chốt đối với phát triển sinh thái và phát triển kinh tế của quốc gia này.

Ông Triệu Lan Kiện nhận xét: “Ai cũng có thể quan sát sự xuống cấp của môi trường tự nhiên ở Trung Quốc hiện nay, chẳng hạn như việc cắt đứt các sông Dương Tử và Hoàng Hà, cũng như nhiều hệ thống nước”.

"Sự gián đoạn của các mạch nước như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản dọc theo các con sông. Do đó, bất kể khẩu hiệu của chính phủ về những vấn đề môi trường này có tốt đẹp đến mấy, thì thực tế là điều mà ai cũng có thể nhìn ra".

Trong bài phát biểu trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh hai điểm về môi trường: đảng sẽ “thúc đẩy sâu sắc việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, và thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ và quản lý sinh thái của các sông, hồ và hồ chứa quan trọng".

Ông Triệu đề cập đến những bình luận của ông Tập: “Các vấn đề về bảo vệ môi trường và sinh thái sắp xảy ra và ông ấy phải đề cập đến nó. Khi chúng ta nhận thấy rằng môi trường đã thay đổi, thì môi trường đã thực sự đang xấu đi ở một mức độ nhất định. Mô hình phát triển của toàn bộ xã hội đang trên đà khủng hoảng”.

Epoch Times Photo
Ô nhiễm tại một con sông ở sa mạc Tengger ở Hồi Ninh Hạ, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, sau khi một công ty giấy xả nước thải hóa học. Sau khi nước thải cạn, một số lượng lớn các tinh thể hóa học xuất hiện trên bờ sông. (Ảnh do ông Triệu Lan Kiện cung cấp/The Epoch Times)

Báo cáo năm 2014 của ông Triệu Lan Kiện tiết lộ tình trạng ô nhiễm gây sốc ở sa mạc Tengger. Những người chăn nuôi địa phương chỉ ra rằng, các hồ chứa nước thải đã xuất hiện ở vùng nội địa sa mạc, trong đó các doanh nghiệp địa phương đã xả nước thải chưa qua xử lý vào các hồ chứa nước thải. Hiện chính quyền đã xóa các bài viết và hình ảnh của ông khỏi internet.

ĐCSTQ kiểm duyệt các phóng viên điều tra

"Trung Quốc đã thắt chặt kiểm duyệt các phương tiện truyền thông kể từ năm 2014, và các phóng viên điều tra đã bị đàn áp dã man", ông Triệu tuyên bố. Đồng thời, các cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người đã nổ ra trên khắp Trung Quốc, tất cả đều bị quân đội và cảnh sát của ĐCSTQ đàn áp tàn nhẫn".

Các ngành công nghiệp đã xả nước thải vào sâu tỏng lòng đất đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm ở 90% các thành phố tại Trung Quốc. Một nhà hoạt động vì lợi ích cộng đồng đã tạo ra "Bản đồ các làng ung thư ở Trung Quốc". Theo ông Triệu Lan Kiện, có hàng trăm ngôi làng ung thư trên khắp đất nước do hậu quả của ô nhiễm môi trường.

"Môi trường hiện tại của Trung Quốc như thế nào?", ông Triệu hỏi. "Chính phủ kiểm soát cơ chế đánh giá cuối cùng".

Phát biểu trước 2.300 đại biểu hôm 26/10, ông Tập Cận Bình nói: "Bảo vệ môi trường và sinh thái đã trải qua một quá trình lịch sử, biến đổi và thay đổi toàn diện, bầu trời của chúng ta xanh hơn, núi xanh hơn và nước trong hơn".

Ông Triệu nhấn mạnh: “Sau khi ông Tập Cận Bình thúc đẩy chủ trương sông núi xanh, chính quyền địa phương vẫn chưa thể khôi phục lại núi xanh. Kết quả là, các cây xanh bằng nhựa đã được trải dài từ đỉnh núi từng lớp một, biến ngọn núi cằn cỗi thành một ngọn núi xanh nhân tạo, và những ngọn núi 'xanh' đã được phủ một lớp sơn xanh ở nhiều nơi".

Ông nói, "Sự tàn phá toàn bộ môi trường tự nhiên, tài nguyên du lịch và tài nguyên sinh thái của Trung Quốc khó có thể được phục hồi trong vài thập kỷ tới, nếu không muốn nói là hàng trăm năm".

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phóng viên điều tra vạch trần tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc