Tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên đối với tham vọng bành trướng của Trung Quốc đang thay đổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hai năm qua, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa và rocket, nhằm mở rộng tầm bắn cho kho vũ khí hạt nhân hạn chế của mình. Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thay đổi hiến pháp và từ bỏ mục tiêu thống nhất hòa bình với Hàn Quốc. Những động thái hung hăng như vậy đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Một trục ma quỷ mới

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbin), cựu hiệu trưởng trường Luật tại Đại học Bắc Kinh và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc nổi tiếng sống tại Úc, đã chia sẻ quan điểm về tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên trong chương trình "Pinnacle View" của đài NTD.

Ông lập luận rằng trong suốt Thế chiến II, Đảng Cộng sản Triều Tiên về cơ bản là một nhánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chỉ sau chiến tranh, khi Liên Xô can thiệp bằng vũ lực, Đảng Cộng sản Triều Tiên mới giành được một số quyền tự chủ.

Ông Viên giải thích rằng ĐCSTQ đã giúp xây dựng quân đội Triều Tiên dưới thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, từ đó trao cho ông Kim Nhật Thành khả năng quân sự để xâm lược Hàn Quốc.

Ông Viên nói: “Vì vậy, Triều Tiên là một chế độ tà ác do Liên Xô cũ và ĐCSTQ cùng nuôi dưỡng”.

Ông Viên Hồng Băng tin rằng xét về cả kinh tế lẫn năng lực hạt nhân, Triều Tiên không đủ khả năng gây ra thảm họa quốc tế. Bản thân Triều Tiên không có đủ năng lực công nghệ và kinh tế để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Do đó, họ phải nhập khẩu các công nghệ này, và Trung Quốc chính là nhà cung cấp chính. Không có ĐCSTQ, chế độ Triều Tiên không thể tự mình trở thành mối đe dọa khu vực.

Ông cho biết: "Để hiểu mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Triều Tiên, cũng như căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, cần có một góc nhìn quốc tế rộng hơn. Góc nhìn này là ông Tập Cận Bình đang hướng tới bước ngoặt mang tính toàn cầu nhằm mở rộng chủ nghĩa cộng sản bằng cách phát động cuộc chiến ở eo biển Đài Loan”.

“Trên bình diện quốc tế, một trục tà ác của thế kỷ 21 đã hình thành bao gồm: Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran và một số nhóm Hồi giáo chống Mỹ. Sự thay đổi lập trường đột ngột gần đây của Triều Tiên đối với Hàn Quốc là do Triều Tiên hiện đã đặt mình vào phạm vi chiến lược của cuộc chiến [chống Đài Loan] của ĐCSTQ”.

Nếu ĐCSTQ mở cuộc chiến tranh tổng lực ở eo biển Đài Loan, các chức năng chính của Triều Tiên sẽ là kiềm chế sức mạnh quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, ngăn cản Nhật Bản tham chiến. Do đó, Triều Tiên có thể trở thành quân cờ của ĐCSTQ trong một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn

Bà Quách Quân (Guo Jun), Tổng Biên tập The Epoch Times ấn bản Hong Kong, cho biết trên "Pinnacle View" rằng cục diện địa chính trị trên Bán đảo Triều Tiên đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh.

Xét về địa chính trị, Hàn Quốc từ lâu đã nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ, trong khi Triều Tiên trước đây được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ. Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Triều Tiên.

Theo bà Quách, điều này sau đó đã dẫn đến việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình khu vực.

Bà Quách lập luận rằng, gần đây, do cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và căng thẳng với Mỹ, Nga đã tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Tương tự, căng thẳng Mỹ - Trung khiến Trung Quốc một lần nữa sử dụng Triều Tiên như một “quân bài mặc cả”.

"Tình hình ở Đông Bắc Á hiện nay rất rõ ràng với [sự phân chia thành] hai phe đối lập. Phe do Mỹ dẫn đầu bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi phe do Trung Quốc dẫn đầu bao gồm Nga và Triều Tiên. Do đó, Bán đảo Triều Tiên trở thành điểm nóng của cuộc xung đột. Hiện tại, Mỹ đang thúc đẩy hợp tác quân sự toàn diện giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, với mục tiêu chính là Trung Quốc, chứ không phải Triều Tiên”, bà Quách phân tích.

Theo tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Corporation của Mỹ, trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, quân đội Mỹ có thể sẽ thực hiện các cuộc không kích bất ngờ nhằm vào các trung tâm công nghiệp ở miền bắc Trung Quốc, sử dụng máy bay chiến đấu Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe các tham vọng bành trướng của ĐCSTQ.

Bắc Triều Tiên: Mối đe dọa hạt nhân khó lường

Ông Lý Tuấn (Lee Jun), nhà sản xuất truyền hình độc lập người Trung Quốc, đã chia sẻ trên chương trình "Pinnacle View" rằng tình hình hiện nay giống như lời mô tả của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Mối đe dọa từ Triều Tiên đòi hỏi cần có cách nhìn nhận đa chiều, cả phân tích lý trí và phi lý trí.

Xét theo góc nhìn lý trí, Triều Tiên khó có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để gây chiến bởi vì nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, Mỹ sẽ đáp trả, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền nước này.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến yếu tố phi lý trí. Khi một nhà độc tài như ông Kim Jong Un nắm giữ quyền lực quá lớn, suy nghĩ của ông ta có thể trở nên khó đoán. Vũ khí thông thường của Triều Tiên không đủ mạnh, nhưng nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân, thảm họa sẽ không chỉ gói gọn trong bán đảo Triều Tiên mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực rộng lớn hơn. Do đó, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh rằng chúng ta cần sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Ông Lý cho biết: "Ngay cả khi chiến tranh hạt nhân không xảy ra, căng thẳng leo thang hiện tại cũng có thể dẫn đến những thay đổi chính sách đáng kể ở Hàn Quốc". Ông lưu ý rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố vào năm ngoái, nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa, Hàn Quốc có thể cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Các cuộc thăm dò ý kiến thường xuyên được thực hiện vào năm ngoái cho thấy, phần lớn người dân Hàn Quốc, chiếm từ 70% đến 80%, ủng hộ việc đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc hối thúc Mỹ đưa trở lại vũ khí hạt nhân đã được rút khỏi Hàn Quốc vào những năm 1990.

Một số tổ chức nghiên cứu của Mỹ cũng đã phân tích khả năng Mỹ hỗ trợ tức thời cho Hàn Quốc nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân.

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà văn kỳ cựu và cộng tác viên cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, cho biết trên chương trình rằng, Mỹ ước tính sức mạnh bom nguyên tử của Triều Tiên tương đương khoảng 20.000 tấn thuốc nổ TNT, tương tự như quả bom ném xuống Hiroshima. Tuy nhiên, bom nguyên tử chủ yếu là vũ khí răn đe. Nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí này, bất kể nó có nổ hay không, hoặc khi Mỹ cảm nhận thấy Triều Tiên thực sự sắp sử dụng, thì nước này sẽ không còn tồn tại trên bản đồ thế giới.

Ông Thạch Sơn bày tỏ lo ngại về sức hủy diệt khủng khiếp của kho vũ khí hạt nhân Mỹ, đặc biệt là các đầu đạn trên tên lửa Trident. Ông cho rằng những vũ khí này chỉ có thể sử dụng như phương thức răn đe chiến lược, không thể dùng làm vũ khí chiến thuật trên chiến trường.

Ông Thạch cũng giải thích ý của Tổng thống Hàn Quốc khi đề cập đến việc phân tích Triều Tiên theo góc nhìn phi lý trí. Ông nói, "Đối với một số nhà độc tài, nếu đất nước của họ không còn tồn tại hoặc họ mất quyền lực, thì họ sẽ cho rằng cả thế giới cũng không có lý do để tồn tại. Đây là thế giới quan của họ, và đây là điều chúng ta coi là phi lý trí. Tuy nhiên, đối với bản thân các nhà độc tài, điều này có thể hoàn toàn hợp lý vì đây là thế giới quan của họ".

Theo ông Thạch Sơn, mặc dù Triều Tiên có thể không đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến thế giới, nhưng nước này có thể đóng nhiều vai trò bất ngờ ở Đông Á, đặc biệt là trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên đối với tham vọng bành trướng của Trung Quốc đang thay đổi