Tổng thống Biden gia hạn ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã gia hạn sắc lệnh hành pháp tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’ tại Hoa Kỳ do các hành động của Nga ở Ukraine mâu thuẫn với lợi ích của Hoa Kỳ.

Tổng thống Biden gia hạn thêm 1 năm ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’

Tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố theo sắc lệnh 13660 ngày 6/3/2014 và được mở rộng nhiều lần, vào năm 2018 và 2022.

Sắc lệnh 13660, được ký bởi Tổng thống lúc đó là ông Barack Obama vào tháng 3/2014.

Sắc lệnh này tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" nhằm đối phó với "mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Những mối đe dọa này được hình thành bởi các hành động và chính sách của những người làm suy yếu các tiến trình và thể chế dân chủ ở Ukraine; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này; và góp phần chiếm đoạt tài sản của nước này”, thông báo của Nhà Trắng hôm 2/3 nêu rõ.

Mặc dù sắc lệnh này được ký sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine, nhưng nó đã được mở rộng với các lệnh hành pháp bổ sung, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp khác chỉ vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2/2022. Sắc lệnh này "mở rộng hơn nữa phạm vi của tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong Sắc lệnh hành pháp 13660" và "dựa vào các bước bổ sung được thực hiện" trong các mệnh lệnh khác.

"Các hành động và chính sách được đề cập trong các Sắc lệnh hành pháp này tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ", Nhà Trắng tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Biden sẽ tiếp tục mở rộng thêm "1 năm tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong Sắc lệnh hành pháp 13660".

Theo Nhà Trắng, các sắc lệnh hành pháp này nhằm “đối phó” với những cá nhân "phá hoại tiến trình dân chủ của Ukraine" cũng như gây nguy hiểm cho an ninh, hòa bình và chủ quyền của quốc gia này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang leo thang ở thành phố trọng yếu Bakhmut, nằm ở phía đông Donetsk Oblast.

Các quân nhân thuộc đơn vị Vedmak (Witcher) của Lực lượng Vũ trang Ukraine tuần tra dọc theo tiền tuyến gần Bakhmut, ngày 18/2/2023, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images)

Ukraine ‘sớm muộn gì cũng phải rời Bakhmut’

Hôm 2/3, các lực lượng Ukraine đã cầm cự ở phía đông Bakhmut để chống lại lực lượng Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã bị tấn công khủng bố ở khu vực Bryansk phía nam giáp Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẽ tiêu diệt một nhóm phá hoại Ukraine đã xả súng vào thường dân. Cơ quan an ninh Nga, FSB, sau đó tuyên bố rằng tình hình trong khu vực đã "được kiểm soát".

Bakhmut đã trở thành vùng đất hoang tàn, chỉ còn vài nghìn trong số 70.000 cư dân trước chiến tranh vẫn ở đó trong bối cảnh giao tranh trên đường phố vẫn tiếp diễn. Quân đội Nga với sự hỗ trợ của lính đánh thuê của Tập đoàn quân sự Wagner, đã tiến về phía bắc và phía nam thành phố để chiếm trọn thành phố trọng yếu này.

"Sớm muộn gì chúng tôi cũng phải rời Bakhmut. Không có nghĩa lý gì nếu giữ thành phố bằng mọi giá", ông Serhiy Rakhmanin, một nhà lập pháp Ukraine, cho biết vào cuối ngày 1/3. Mục tiêu là "gây ra càng nhiều tổn thất cho Nga càng tốt”, ông nói.

Theo ông Rakhmanin, thành phố không có giá trị chiến lược. Dù vậy lúc này Ukraine vẫn sẽ dốc sức bảo vệ Bakhmut. Mục tiêu của họ là khiến Nga tổn thất càng nhiều càng tốt, tiêu hao đạn dược và tài lực trong trận chiến đẫm máu nhất của cuộc xung đột.

Theo đài CNN, Bakhmut không có nhiều giá trị chiến lược, nhưng việc quân đội Nga giành được quyền kiểm soát sẽ mang lại chiến thắng biểu tượng.

Việc kiểm soát thị trấn Soledar vào giữa tháng 1 đã đánh dấu bước tiến đầu tiên của Nga ở Donbass sau nhiều tháng. Việc giành được Bakhmut sẽ đánh dấu bước hoàn thành tiếp theo trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

“Quân đội của chúng tôi rõ ràng sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn. Cho đến nay, chúng tôi đã chiếm giữ thành phố, nhưng nếu cần, chúng tôi sẽ rút lui một cách chiến lược - bởi vì chúng tôi sẽ không hy sinh tất cả người dân của mình mà không được gì”, ông Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nói với đài CNN.

Trận chiến giành Bakhmut đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm của Ukraine khi những binh lính Ukraine cầm cự trước những đợt pháo kích không ngừng trong bối cảnh binh lính Nga cũng hứng chịu thương vong nặng nề.

Các lực lượng Nga hiện chủ yếu bao vây Bakhmut từ 3 hướng gồm bắc, nam và đông.

Theo một tài liệu của Lầu Năm Góc, Tướng Lục quân Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine vào ngày 2/3.

"Họ đã trao đổi quan điểm và đánh giá về cuộc xâm lược Ukraine vô cớ và đang diễn ra của Nga. Ông Milley tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Bộ tham mưu liên quân đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", phát ngôn viên của Bộ tham mưu liên quân, Đại tá Dave Butler cho biết trong một tuyên bố.

Tại Washington, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết khi Tổng thống Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau tại Nhà Trắng vào ngày 3/3, họ sẽ thảo luận về việc viện trợ cho Ukraine. Trao đổi với báo giới tại Nhà Trắng, ông Kirby nói rằng Hoa Kỳ sẽ công bố một gói viện trợ quân sự khác cho Ukraine.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden gia hạn ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’