Tổng thống Mỹ ra lệnh 3.000 quân dự bị sẵn sàng đến châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh cho phép Lầu Năm Góc huy động 3.000 quân dự bị tới hỗ trợ cho Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương (Operation Atlantic Resolve) ở châu Âu.

Trong sắc lệnh ban hành hôm 13/7, ông Biden cho biết, ông đánh giá rằng "cần phải tăng cường Lực lượng Vũ trang đang hoạt động của Hoa Kỳ để tiến hành hiệu quả Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương trong và xung quanh khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM)”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Lầu Năm Góc có ý định sớm triển khai lực lượng dự bị hay không.

Kể từ năm 2014, Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương đã triển khai các lực lượng có khả năng chiến đấu đáng tin cậy đến châu Âu. Nỗ lực này được đưa ra để đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Việc triển khai binh sĩ luân phiên tới châu Âu sẽ tiếp tục nhằm tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.

Sắc lệnh của Tổng thống Biden lần đầu tiên cũng coi Chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương là "chiến dịch dự phòng", cho phép Lầu Năm Góc huy động lực lượng dự bị và tăng tốc mua sắm để trang bị cho các quân nhân.

Hôm 13/7, Trung tướng Lục quân Douglas Sims, Giám đốc phụ trách tác chiến tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết sắc lệnh hành pháp nói trên “mang lại lợi ích cho quân đội và các gia đình với sự gia tăng quyền hạn, quyền lợi với khả năng tiếp cận với các lực lượng và quân nhân dự bị”.

Bên cạnh đó, ông nói rằng sắc lệnh của Tổng thống Biden "tái xác nhận sự ủng hỗ và cam kết không lay chuyển (của Mỹ) nhằm bảo vệ sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau cuộc chiến bất hợp pháp và vô cớ của Nga với Ukraine”.

Giữ nguyên vị thế lực lượng ở châu Âu

Vị Trung tướng Lục quân Mỹ nhấn mạnh rằng quân nhân dự bị có thể được lệnh tại ngũ “không phải là lực lượng bổ sung; đây là những lực lượng sẽ bổ sung cho những gì Mỹ đã có ở đó".

Lấy ví dụ, ông cho biết Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ có thể quyết định theo thời gian rằng cá nhân nào đó từ đơn vị thành phần dự bị có thể đảm nhận các nhiệm vụ hiện đang được thực hiện bởi quân đội tại ngũ. "Việc các lực lượng đi đâu thực sự phụ thuộc vào quyết định của Tư Lệnh Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ”.

Trong một tuyên bố hôm 13/7, ông Bill Speaks, Đại úy Hải quân Bill Speaks kiêm phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, cho biết động thái trên giúp đơn vị linh hoạt hơn trong việc bảo vệ châu Âu.

Ông Bill Speaks cho hay, EUCOM đang chuẩn bị sử dụng quyền hạn mới để tiếp tục cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh tập thể của NATO.

“Các cơ quan này sẽ đảm bảo khả năng phục hồi lâu dài trong mức độ hiện diện và hoạt động liên tục được nâng cao của EUCOM. Điều này sẽ không làm thay đổi vị thế hiện tại của lực lượng ở châu Âu", ông lưu ý.

Trung tướng Sims cho biết các yêu cầu hỗ trợ của Lầu Năm Góc đã tăng lên dựa trên mức độ hiện diện và hoạt động của quân đội trong khu vực hoạt động của EUCOM của Hoa Kỳ. Ông nói: Các cơ quan chức năng mới được cung cấp theo sắc lệnh của ông Biden sẽ giúp Lầu Năm Góc duy trì tốt hơn sự hiện diện và mức độ hoạt động ngày càng tăng của mình ở đó.

Theo sắc lệnh của ông Biden, lực lượng được triển khai không được vượt quá tổng số 3.000 quân cùng một lúc.

Trong số này, có tới 450 người có thể là thành viên của lực lượng Dự bị Sẵn sàng Cá nhân. Nhóm huy động này bao gồm những quân nhân mới rời quân ngũ nhưng có cam kết hợp đồng với đơn vị của họ, hoặc những quân nhân đã rời quân ngũ sang lực lượng dự bị nhưng chưa được giao cho một đơn vị cụ thể.

Bom chùm đã đến Ukraine

Vào năm 2022, chính quyền ông Biden đã tăng cường vị thế của lực lượng Hoa Kỳ ở Châu Âu, bao gồm việc bổ sung thêm 20.000 lực lượng Hoa Kỳ, nâng tổng số quân nhân Hoa Kỳ ở Châu Âu lên 100.000 người.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hơn 40 tỷ USD viện trợ an ninh.

Phát biểu trước báo giới hôm 13/7, Trung tướng Sims nói rằng những quả bom chùm gây tranh cãi do chính quyền ông Biden công bố vào tuần trước đã đến Ukraine.

Sau khi khai hỏa, bom, đạn chùm sẽ nổ tung giữa không trung và phân tán các quả bom nhỏ (bom con) trên một khu vực rộng lớn, cho phép tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Chúng có thể được vận chuyển bằng máy bay, pháo và tên lửa. 2/3 các nước NATO đã cấm loại vũ khí này vì chúng có thể gây ra nhiều thương vong cho dân thường.

(Từ trái sang) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện trước khi bắt đầu phiên làm việc về Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO, ở Vilnius, Litva, hôm 12/7/2023. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images)
(Từ trái sang) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện trước khi bắt đầu phiên làm việc về Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO, ở Vilnius, Litva, hôm 12/7/2023. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images)

Đầu tuần này, ông Biden đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và các nhà lãnh đạo G7 khác tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva. Tại đây, ông chủ Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố chung ủng hộ Ukraine.

Ông Biden cho biết tuyên bố chung sẽ "làm rõ rằng sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ kéo dài trong tương lai", đồng thời nói thêm rằng: "chúng tôi sẽ giúp Ukraine xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc trên bộ, trên không và trên biển".

Tuy nhiên, ông Zelenskyy đã tỏ ra thất vọng tại hội nghị thượng đỉnh NATO bởi các thành viên NATO không đưa ra mốc thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập NATO.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Zelenskyy đã chỉ trích các nhà lãnh đạo NATO trên Twitter hôm 11/7: "Đây là điều chưa từng có tiền lệ và vô lý khi khung thời gian không được ấn định, cả lời mời lẫn tư cách thành viên của Ukraine. Đồng thời, từ ngữ mơ hồ về ‘điều kiện’ cũng được thêm vào ngay cả khi mời Ukraine".

Ông Zelenskyy tuyên bố thêm rằng Ukraine "đáng được tôn trọng" và chỉ trích cách diễn đạt của thông cáo chung là "được thảo luận mà không có Ukraine".

Trong khi đó, cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng lặp lại quan điểm của ông Biden rằng kết nạp Ukraine vào NATO sẽ dẫn đến đối đầu với Nga.

Ông nói với đài CNN hôm 12/7: "Tôi hiểu mong muốn gia nhập NATO càng sớm càng tốt của Ukraine. Họ hoàn toàn có quyền xin gia nhập, gây sức ép và vận động cho điều đó".

Ông cảnh báo: “Nhưng mọi đồng minh NATO, kể cả Mỹ, phải đối mặt với thực tế không thể tránh khỏi rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO vào thời điểm này đồng nghĩa với việc gây chiến với Nga”.

Liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine trong NATO, ông Sullivan cũng lập luận rằng các đồng minh không thể "đặt ra một công thức máy móc vì chiến tranh luôn biến đổi và cục diện luôn xoay chuyển".

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Mỹ ra lệnh 3.000 quân dự bị sẵn sàng đến châu Âu