Trung Quốc từ chối nối lại đối thoại quân sự với Mỹ, mấu chốt nằm ở đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu quý vị muốn khiến người Mỹ khó chịu hoặc tuyệt vọng thì tốt hơn hết là ngừng đối thoại với họ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhiều lần thúc giục nước chủ nhà thiết lập đường dây nóng để xử lý khủng hoảng quân sự giữa hai nước nhưng Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu này.

Hồi đầu năm nay, ông John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (Indo-Pacom), cũng phàn nàn rằng Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu của ông về việc thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp với các chỉ huy khu vực của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).

Và tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết phía Trung Quốc đã từ chối cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Các quan chức dân sự và quân sự hàng đầu của Mỹ có thể đang rất quan ngại về việc này. Tuy nhiên, họ nên lo lắng về việc có quá ít tàu Hải quân, tàu ngầm hoặc kho vũ khí tên lửa hành trình chống hạm hơn là lo lắng về các đối tác Trung Quốc.

Quân đội Hoa Kỳ đã đối đầu với quân đội Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan trong nhiều năm - và thật may mắn là không có ai bị thương hoặc thiệt mạng.

Việc thiết lập một đường dây liên lạc được chỉ định với PLA quan trọng đến mức nào?

Thực chất thì việc này cũng không quan trọng lắm. PLA biết cách liên lạc với quân đội Hoa Kỳ trong khu vực nếu họ muốn. Các kênh liên lạc vẫn tồn tại để tất cả các quân đội hoạt động trên biển và trên không liên lạc với nhau. Quý vị sẽ nhận thấy rằng quân đội Trung Quốc thường xuyên liên lạc với các tàu và máy bay của Mỹ, Úc, Nhật Bản và Canada (và những nước khác) để cảnh báo họ tránh xa những khu vực mà chính phủ Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Phía Trung Quốc tin rằng Mỹ (và tất cả những nước khác) không nên hoạt động ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan mà không có sự cho phép của Bắc Kinh, vì vậy điều đó tạo ra tiếng vang cho mối quan hệ. Việc duy trì một liên kết truyền thông khác biệt hoặc duy nhất cũng không làm thay đổi lập trường của một trong hai bên.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain bị thủng một lỗ ở mạn trái sau khi va chạm với một tàu chở dầu bên ngoài căn cứ hải quân Changi ở Singapore, hôm 21/8/2017. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain bị thủng một lỗ ở mạn trái sau khi va chạm với một tàu chở dầu bên ngoài căn cứ hải quân Changi ở Singapore, hôm 21/8/2017. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

Và khi PLA cố gắng "tạt đầu" hoặc cản trở tàu và máy bay của Hoa Kỳ, họ biết chính xác những gì họ đang làm - bởi vì các mệnh lệnh đến từ "cấp trên". Chẳng ích gì khi gọi điện cho người Trung Quốc theo đường dây "được chỉ định" và nói với họ rằng họ không nên làm những gì họ đang làm. Người Trung Quốc nhận thức rõ được sự bất mãn của Mỹ nhưng đơn giản là họ "chẳng quan tâm".

Tại sao Trung Quốc không đồng ý thiết lập các đường dây nóng?

Chủ yếu là do người Mỹ đã quá nóng lòng thiết lập một kênh liên lạc như vậy. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ chối tham gia vào một liên kết như vậy, thì có khả năng (thực sự là rất có khả năng) Washington sẽ đưa ra một số số nhượng bộ để khiến Bắc Kinh đồng ý. Ví dụ, không làm to chuyện vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.

Nhượng bộ thậm chí không chỉ hạn cuộc trên mặt trận quân sự. Đó có thể là nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, không phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ, hoặc giả vờ như nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không biết gì về loại thuốc fentanyl đã cướp đi sinh mạng của hơn 71.000 người Mỹ từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022.

Việc quân đội Mỹ - Trung ngừng liên lạc có ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không?

Không hẳn. Người Trung Quốc biết rõ họ đang làm gì và định làm gì. Mục tiêu của họ là đẩy người Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và để ĐCSTQ thống trị khu vực này. Họ hiểu rất rõ điểm này. Do lập trường và mục tiêu của ĐCSTQ, đây rõ ràng là mối quan hệ thù địch, và không có cuộc đối thoại hay tương tác nào với Bắc Kinh hoặc PLA có thể tạo ra sự khác biệt.

Trong nhiều thập kỷ, quân đội Mỹ đã dốc toàn lực vào việc liên lạc và giao tiếp với PLA - cho đến thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. PLA đã hai lần được mời tham gia RIMPAC, cuộc tập trận hàng đầu của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Và Washington đã thu được gì từ chính sách tương tác này?

Đó là một quân đội Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ trong nhiều lĩnh vực và bỏ xa Washington ở nhiều lĩnh vực khác. Dưới những điều kiện nhất định, PLA có thể giáng một đòn nặng nề vào quân đội Mỹ - thậm chí là một đòn chí mạng.

Thật đáng kinh ngạc khi một số sĩ quan Hoa Kỳ đột nhiên kêu gọi quay trở lại tương tác không giới hạn với PLA và chế độ độc tài Trung Quốc. Điều này đôi khi sẽ khiến người Mỹ phải trả giá đắt vào một thời điểm nào đó - bằng chứng thực nghiệm trong 30 năm qua là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, người Mỹ thường tự phụ rằng nếu họ có thể đối thoại với ai đó thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Liệu Mỹ có tiếp tục nỗ lực thiết lập các đường dây liên lạc này với quân đội Trung Quốc? Còn về cách tiếp cận hoặc chiến lược khác thì sao?

Chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cầu xin các kênh liên lạc mới với Trung Quốc với tư cách là một kẻ theo đuổi tuyệt vọng. Khi tương tác với ĐCSTQ, sẽ rất bất lợi nếu Washington trông giống như một kẻ van xin. Tại sao không thử một cách tiếp cận khác? Có lẽ. Dường như chưa có kiểu nhượng bộ nào mà Washington chưa thử với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bất kỳ sĩ quan hay quan chức nào của Mỹ kêu gọi đối thoại và tương tác với PLA đều phải làm rõ rằng nỗ lực đó sẽ đem ra kết quả tích cực như thế nào. Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng triết lý “đối thoại luôn là thượng sách” không phải là một phản ứng duy lý, mà là một phản ứng kiểu Mỹ.

Thà gấp rút trang bị cho quân đội Mỹ năng lực chiến đấu để giành chiến thắng còn hơn là dành thời gian đối thoại với Trung Quốc. Họ luôn trong vị thế sẵn sàng chiến đấu, trong khi Mỹ lại chỉ để tâm đến tương tác và đối thoại.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Grant Newsham là sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, đồng thời là cựu quan chức ngoại giao và nhà điều hành kinh doanh với nhiều năm làm việc tại khu vực châu Á/Thái Bình Dương. Ông cũng là Giám đốc của One Korea Network và là thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách An ninh và của Viện Yorktown tại Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc từ chối nối lại đối thoại quân sự với Mỹ, mấu chốt nằm ở đâu?