Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân lần đầu tiên sau 4 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 6/11 đã có cuộc thảo luận về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa hai quốc gia ở thủ đô Washington. Cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ - Trung diễn ra sau khi hồi đầu năm nay có thông tin tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện có nhiều bệ phóng tên lửa tầm xa (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) hơn Mỹ.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, một phái đoàn do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Mallory Stewart dẫn đầu đã có cuộc thảo luận với ông Tôn Hiểu Ba, Cục trưởng Cục Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào ngày 6/11.

Phái đoàn Hoa Kỳ bao gồm các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng và Hội đồng An ninh Quốc gia.

Cuộc gặp trên diễn ra sau một báo cáo hồi tháng 10 của Lầu Năm Góc cho thấy chính quyền Bắc Kinh hiện sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân, vượt ngưỡng này sớm hơn hai năm so với dự đoán của chính quyền quân sự Hoa Kỳ.

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể sẽ sở hữu 1.000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030 và lên tới 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035. Con số này gần tương đương với tổng số đầu đạn đang ở trạng thái “sẵn sàng sử dụng” mà cả Mỹ và Nga sở hữu. Ngoài ra, Bắc Kinh hiện có nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hơn Hoa Kỳ.

Theo Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Trung Quốc hiện sở hữu nhiều bệ phóng tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hơn Hoa Kỳ

Trong một phiên điều trần về mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với quốc phòng Hoa Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers thừa nhận rằng, số lượng các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đang hoạt động của Trung Quốc đã “vượt quá” số lượng bệ phóng ICBM của Hoa Kỳ.

Ông Rogers cho biết: “ĐCSTQ đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Chỉ trong hai năm, họ đã tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân. Chúng tôi ước tính rằng, ĐCSTQ sẽ tăng gấp đôi kho dự trữ đầu đạn hạt nhân trong vòng 10 năm tới”.

“Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) cũng vừa thông báo cho chúng tôi rằng ĐCSTQ hiện sở hữu nhiều bệ phóng ICBM hơn Hoa Kỳ”.

Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc đàm phán như vậy là cần thiết để "quản lý một cách có trách nhiệm" mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuyên bố mô tả thêm các cuộc thảo luận là “thẳng thắn” và “sâu sắc”.

Theo tuyên bố, phía Mỹ đã tận dụng các cuộc đàm phán để nhấn mạnh sự cần thiết của tính minh bạch và các cam kết thực tế nhằm giảm thiểu rủi ro chiến lược liên quan đến những loại vũ khí như vậy. Điều quan trọng là phải “quản lý sự cạnh tranh” và “ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không bị giới hạn” mà không cần dùng đến xung đột trực tiếp.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề kiểm soát vũ khí trong hơn 4 năm.

Cho đến nay, giới lãnh đạo ĐCSTQ vẫn rất kín tiếng về vũ khí hạt nhân của mình và từ chối tham gia các cuộc đàm phán không phổ biến vũ khí hạt nhân và ổn định chiến lược với chính quyền ông Biden.

Chính quyền Bắc Kinh đã liên tục yêu cầu Mỹ trước tiên phải dỡ bỏ phần lớn vũ khí hạt nhân của mình trước khi yêu cầu Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí.

Ngoài ra, ngay sau cuộc gặp giữa quan chức Mỹ - Trung, tờ China Daily, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, đã đăng một bài xã luận khẳng định rằng vũ khí hạt nhân của chế độ này “hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ”.

Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng nghỉ của ĐCSTQ nhằm phát triển thêm nhiều vũ khí hạt nhân hơn đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 18/4, phát biểu tại Hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng Bắc Kinh đang “nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân mà không có bất kỳ sự minh bạch nào về khả năng của họ".

Ông Stoltenberg cho biết vào thời điểm đó: “Về lâu dài, chúng ta cần suy nghĩ lại và điều chỉnh cách tiếp cận của mình cho phù hợp với một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn. Mà điều đó có nghĩa là phải phối hợp với Trung Quốc, quốc gia theo đánh giá sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035".

Ông Stoltenberg cho hay: “Chúng ta nên đẩy lùi những nỗ lực có nguy cơ làm suy yếu khuôn khổ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có, bao gồm cả hiệp ước cung cấp vũ khí hạt nhân”.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc là một phần trong phong trào rộng lớn hơn của các quốc gia độc tài - bao gồm Nga, Iran và Triều Tiên - đang tìm cách gây bất ổn cho cộng đồng quốc tế thông qua phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân lần đầu tiên sau 4 năm