Lãnh đạo Mỹ và Ba Lan thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk tại Nhà Trắng vào ngày 12/3 để phối hợp trước Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới và thảo luận về việc kết nạp các quốc gia khác vào liên minh quân sự này, bao gồm cả Ukraine.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo “sẽ tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của họ” đối với việc bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga, đồng thời tăng cường hợp tác trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7.

Theo một tuyên bố, ông Duda cho biết vào ngày 5/3 trong chuyến thăm địa điểm diễn ra cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO ở miền bắc Ba Lan rằng một trong những chủ đề ông sẽ thảo luận với Tổng thống Biden là sự mở rộng trong tương lai của liên minh, bao gồm cả việc Ukraine gia nhập và việc Ba Lan mua vũ khí từ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để được gia nhập NATO là quốc gia có nguyện vọng phải giải quyết các xung đột lãnh thổ và quốc tế của mình. Ukraine đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Nga, cuộc xâm lược này mới bước sang năm thứ ba.

Vào tháng 5/2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố tại một sự kiện của Quỹ Marshall Đức ở Brussels: "Tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh. Tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng cánh cửa của NATO vẫn để ngỏ".

Tuy nhiên, đề cập đến Ukraine, ông tuyên bố rằng "trở thành thành viên giữa lúc đang có chiến sự không nằm trong chương trình nghị sự [của NATO]”.

Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Ba Lan với tổng thống Mỹ cũng trùng với dịp kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO. Sau chuyến thăm, ông Duda sẽ tới Bỉ. Tại đây, ông sẽ hội đàm với ông Stoltenberg, theo một tuyên bố của văn phòng tổng thống Ba Lan.

Ông Duda cũng thông báo trong bài phát biểu rằng ông sẽ triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày 11/3 trước khi lên đường sang Mỹ.

Theo tuyên bố, Hội đồng An ninh Quốc gia là một cơ quan tham vấn của Tổng thống, quy tụ các quan chức cấp cao về chính phủ, an ninh và lãnh đạo các đảng phái. Hội đồng họp bàn mỗi khi có vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Trên trang X, Bộ Ngoại giao Ba Lan đăng tải bài viết cho biết Ngoại trưởng Ba Lan, ông Radek Sikorski, đã phát biểu tại một hội nghị kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO, được tổ chức tại Đại học Warsaw vào ngày 8/3: "Với việc gia nhập NATO, Ba Lan chỉ sau một đêm đã thấy mình đứng ở phía bên kia của một vết nứt kiến tạo địa tầng. Vết nứt này phân chia ranh giới giữa phương Tây tương đối an toàn và phương Đông đầy nguy hiểm và bất ổn. Ukraine đang cố gắng thực hiện điều tương tự ngày nay và cần sự hỗ trợ của chúng tôi”.

Hiệp ước thành lập NATO đặt nguyên tắc phòng thủ tập thể, còn được gọi là Điều 5, làm nền tảng. Điều này quy định rằng nếu bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào bị tấn công, mọi thành viên khác trong Liên minh sẽ coi đây là hành động tấn công vào tất cả các thành viên NATO và sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ đồng minh bị tấn công.

Con đường gia nhập NATO của Ukraine

Để đáp lại nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, các đồng minh đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest, Romania, rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh.

Tuy nhiên, vào năm 2010, đất nước này theo đuổi chính sách không liên kết, chính sách này đã chấm dứt sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và phe ly khai được Nga hậu thuẫn chiếm quyền kiểm soát vùng Donbass vào năm 2014.

Năm 2017, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật biến việc gia nhập NATO thành mục tiêu chiến lược của quốc gia. Hai năm sau đó, điều khoản này được chính thức đưa vào Hiến pháp Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2023 đã miễn cho Ukraine khỏi Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP), đây là một bước bắt buộc trong quá trình gia nhập đối với các thành viên mới. MAP được đưa ra để đơn giản hóa thủ tục gia nhập sau khi các quốc gia ở Đông Âu gia nhập NATO.

Hôm 13/2, đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Julianne Smith, khẳng định liên minh đã hợp tác với Ukraine từ hội nghị thượng đỉnh trước đó để hỗ trợ nước này thực hiện các cải cách cần thiết. Mục tiêu chung là giúp Ukraine tiến gần hơn đến hội nhập Euro-Atlantic, bao gồm cả việc gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO.

Bà Julianne Smith tỏ ra thận trọng về khả năng Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức: "Đối với hội nghị thượng đỉnh mùa hè năm nay, tôi không mong đợi Liên minh sẽ đưa ra lời mời [dành cho Ukraine] vào thời điểm hiện tại".

Nga phản đối việc mở rộng NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố với báo chí sau hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái rằng việc chấp nhận Ukraine vào NATO "sẽ tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga”.

"Nguy cơ Ukraine gia nhập NATO là... một trong những lý do cho chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Putin nói, đề cập đến hành động xâm lược Ukraine của Nga. "Điều này cũng không giúp ích gì cho an ninh của Ukraine. Nói chung, nó sẽ khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn nhiều và dẫn đến nhiều căng thẳng hơn trên trường quốc tế".

Liệu NATO có điều quân đến Ukraine?

Trong một cuộc thảo luận tại quốc hội Ba Lan ở Warsaw vào ngày 8/3, nhân kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định khả năng NATO điều quân tới Ukraine là điều có thể xảy ra.

Theo bản dịch của Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Sikorski nói: "Sự hiện diện quân sự của NATO ở Ukraine không phải là điều không thể".

Ông Sikorski nói: "Tôi đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron, bởi vì ông Putin đang sợ hãi chúng ta, chứ không phải chúng ta sợ ông Putin".

Tháng trước, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập đến khả năng triển khai quân bộ binh phương Tây tới Ukraine trong tương lai. Ông cũng nói thêm rằng "chúng ta sẽ làm mọi thứ cần thiết để Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến".

Tuy nhiên, ông Macron cũng nhấn mạnh rằng hiện tại không có sự đồng thuận về việc chính thức đưa quân đội đến Ukraine.

"Về mặt động lực, chúng ta không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo Nga không giành chiến thắng".

Tổng thống Pháp Macron đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra vào ngày 26/2 tại Paris. Cuộc họp này được tổ chức nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của EU đối với Ukraine, quốc gia vừa phải hứng chịu một loạt thất bại trên chiến trường.

Trong khi đó, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng việc NATO cử quân chiến đấu tới Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp không thể tránh khỏi giữa liên minh quân sự này và Nga. Tổng thống Putin tuyên bố động thái như vậy sẽ rủi ro leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên bác bỏ việc cử quân đến Ukraine sau tuyên bố của ông Macron.

“Ba Lan không có kế hoạch cử quân tới lãnh thổ Ukraine", ông tuyên bố.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo Mỹ và Ba Lan thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO