Mỹ kêu gọi ngừng tài trợ cho các nghiên cứu của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một Ủy ban của Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng chấm dứt thỏa thuận nghiên cứu và tài trợ với Trung Quốc.

Hôm 27/6, Ủy ban Lựa chọn của Hoa Kỳ về ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm kêu gọi chính quyền ông Biden ngừng gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ (STA) với Trung Quốc với lý do ĐCSTQ đang lợi dụng sự hỗ trợ và trao đổi công nghệ của Hoa Kỳ để tăng cường năng lực quân sự của nước này. Thỏa thuận STA sẽ hết hiệu lực vào ngày 27/8/2023.

Bức thư nêu rõ: “Mỹ phải ngừng thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình. Để STA mất hiệu lực là một bước khởi đầu tuyệt vời”.

Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về STA, nhiều cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho nghiên cứu hoặc hợp tác với các thực thể Trung Quốc. Các cơ quan này bao gồm: Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Quỹ Khoa học Quốc gia, Ủy ban Pháp quy Hạt nhân Hoa Kỳ và Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ.

Theo STA, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) đã hợp tác với Cục Khí tượng Trung Quốc vào năm 2018 để phóng khinh khí cầu phục vụ nghiên cứu khí quyển.

Trong khi đó, một số cơ quan chính phủ, trường đại học và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ vẫn đang hợp tác với Trung Quốc để tiến hành các nghiên cứu nhạy cảm. Từ năm 2017 đến năm 2021, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ 48 triệu USD cho các nghiên cứu trực tiếp với các tổ chức Trung Quốc. Trong số nhiều chương trình do người nộp thuế Mỹ chi trả có dự án nghiên cứu virus corona ở Vũ Hán (Trung Quốc) do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ.

Ngoài các chương trình công khai này, ĐCSTQ còn sử dụng nhiều phương pháp bí mật khác nhau để có được công nghệ của Mỹ, chẳng hạn như quan hệ đối tác nghiên cứu, chương trình thu hút nhân tài, liên doanh, mua lại công ty và nhiều sáng kiến khác.

Năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã khởi động Sáng kiến Trung Quốc để điều tra và ngăn chặn việc ĐCSTQ đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ.

Trong một báo cáo vào tháng 11/2021, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho biết khoảng 80% các vụ truy tố gián điệp kinh tế do DOJ tiến hành “cáo buộc hành vi có lợi cho nhà nước Trung Quốc và có ít nhất một số mối liên hệ với Trung Quốc trong khoảng 60% các trường hợp đánh cắp bí mật kinh doanh".

Chính quyền ông Biden đã dừng Sáng kiến Trung Quốc vào năm 2022 vì Nhà Trắng cho rằng cách tiếp cận này giống với việc phân biệt chủng tộc. Theo Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, FBI đã mở ra hơn 2.000 vụ án liên quan đến Trung Quốc vào thời điểm đó, cứ sau 12 giờ lại có một vụ mới mở ra.

Trong khi nhiều người coi việc hủy bỏ Sáng kiến Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ, thì các biện pháp khác nhằm kiềm chế ĐCSTQ đã được áp dụng và thu hút sự chú ý.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã được trao nhiều quyền hạn hơn để điều tra và ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, trong khi Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng và hạn chế các hoạt động xuất khẩu cũng như đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.

Vào tháng 6/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty bán công nghệ tên lửa siêu thanh của Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Ngoài ra, cơ quan này thường xuyên bổ sung các công ty Trung Quốc vào Danh sách thực thể.

Các thực thể Trung Quốc, bao gồm các trường đại học và viện nghiên cứu, cũng bị thêm vào danh sách này. Các công ty Hoa Kỳ bị cấm xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến nhất định cho các thực thể này. Họ cũng không thể hợp tác hoặc tài trợ cho nghiên cứu của các thực thể đó. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty bị liệt vào danh sách trên vì ăn cắp hoặc cố gắng đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ hoặc vì “hành động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.

Ngoài ra, Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ cũng đang tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến nguồn tài trợ có trụ sở tại Trung Quốc. Một tổ chức của Hoa Kỳ đã bị giám sát chặt chẽ là Trung tâm Ngoại giao và Cam kết toàn cầu Penn Biden (Penn Biden Center for Diplomacy and Global Engagement) vì đã nhận 54 triệu USD từ Trung Quốc. Đây là một trung tâm đào tạo chuyên ngành ngoại giao, chính sách quốc tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ cũng đã gửi thư tới 15 trường đại học Hoa Kỳ để điều tra về khoản tài trợ mà họ đã nhận được từ Trung Quốc.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, nhưng tiền của Mỹ vẫn tiếp tục chảy vào túi của các thực thể Trung Quốc. Hiện tại, 27 phòng thí nghiệm của Trung Quốc, bao gồm một số phòng thí nghiệm có liên hệ với ĐCSTQ, vẫn đủ điều kiện nhận tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ. Với mối đe dọa rõ rệt mà ĐCSTQ gây ra cho Hoa Kỳ và hầu hết người Mỹ có quan điểm không tốt về chế độ này, có khả năng các cử tri Mỹ sẽ phẫn nộ khi biết rằng một phần tiền trong túi họ đang chảy vào của ĐCSTQ.

Dừng Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ sẽ là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, Mục 11 của Thỏa thuận này nêu rõ: "Việc chấm dứt Thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực hoặc thời hạn của bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết theo Thỏa thuận này”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là ngay cả khi Hoa Kỳ hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận với Trung Quốc thì các dự án đang triển khai khác vẫn có thể tiếp tục.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ kêu gọi ngừng tài trợ cho các nghiên cứu của Trung Quốc