Mỹ rút thêm 400 triệu USD vũ khí trong kho để cấp cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 400 triệu USD, trong đó có máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ Black Hornet, để giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga.

Hôm 25/7, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ an ninh mới trên, đánh dấu lần rút thiết bị thứ 43 của chính quyền ông Biden từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng cho Ukraine kể từ tháng 8/2021.

Gói này bao gồm đạn dược cho Hệ thống phòng không Patriot và Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), Hệ thống phòng không Stinger, đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tàu sân bay bọc thép Stryker và tên lửa máy bay Hydra-70, cùng nhiều loại vũ khí khác.

Gói viện trợ này cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ cung cấp máy bay trinh sát không người lái (UAV) cỡ nhỏ Black Hornet do nước này sản xuất cho Ukraine. “Ong bắp cày đen" (Black Hornet) trinh sát siêu nhỏ này chủ yếu nhằm thu thập thông tin tình báo mà quân đội Ukraine có thể sử dụng để theo dõi và đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc gặp với Thủ tướng Ireland tại Horodetsky House, ở Kyiv, hôm 19/7/2023. (Ảnh: Clodagh Kilcoyne/POOL/AFP/Getty Images)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc gặp với Thủ tướng Ireland tại Horodetsky House, ở Kyiv, hôm 19/7/2023. (Ảnh: Clodagh Kilcoyne/POOL/AFP/Getty Images)

Sau khi Moscow rút khỏi Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết quân đội Nga tiếp tục tấn công các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine.

"Nga có thể kết thúc cuộc chiến này bất cứ lúc nào bằng cách rút quân khỏi Ukraine và ngừng các cuộc tấn công tàn bạo vào các thành phố và người dân Ukraine", ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Ông nói thêm: “Cho đến khi điều đó xảy ra, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cảm ơn gói hỗ trợ an ninh của Washington trong một tin nhắn video, đồng thời cho biết thêm rằng ông và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thảo luận về vấn đề an ninh ở Biển Đen.

“Thủ tướng Anh và tôi đã thảo luận về các bước khả thi cũng như số lượng các khẩu đội phòng không tiềm tàng. Vương Quốc Anh có thể đi đầu trong việc cung cấp hỗ trợ về hệ thống phòng không để đảm bảo an ninh thực chất [cho Ukraine]", ông Zelenskyy nói.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen là một thỏa thuận quan trọng do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm 2022 và đã kết thúc vào ngày 17/7/2023. Thỏa thuận này cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen bất chấp chiến sự Nga - Ukraine đang diễn ra.

Tuy nhiên, giới chức Nga phàn nàn rằng thỏa thuận ngũ cốc không đạt được mục đích ban đầu, đó là chưa bao giờ đáp ứng điều kiện cho phép nước này xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng mình cũng như chưa đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia nghèo hơn.

Theo Moscow, chưa đến 5% xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đến các nước có thu nhập thấp theo thỏa thuận, mà phần lớn đến các nước châu Âu giàu có.

Ông Sunak tuyên bố rằng Vương quốc Anh đang hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để khôi phục thương mại ngũ cốc và cam kết hỗ trợ nhu cầu về phòng không và pháo binh của Ukraine bằng cách cung cấp thêm đạn dược và tên lửa.

Theo văn phòng của Thủ tướng Anh, ông Sunak tuyên bố rằng: "Nga đang ngày càng tìm cách nhắm mục tiêu vào các tàu buôn ở khu vực Biển Đen và Vương quốc Anh đang theo dõi sát sao tình hình cùng với các đối tác của chúng tôi”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng hàng trăm triệu người đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu sẽ phải “trả giá” cho quyết định chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc của Nga.

Ông Guterres nói trong một tuyên bố ngày 17/7: "Suy cho cùng, việc thực hiện những thỏa thuận này là một sự lựa chọn. Nhưng các nạn nhân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, không có lựa chọn nào khác. Họ sẽ phải trả giá".

Chiến tranh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát

Ông Max Abrahms, Phó Giáo sư khoa Khoa học chính trị tại Đại học Đông Bắc, nói với chương trình “Crossroads” của đài EpochTV vào ngày 17/7 rằng việc Ukraine tiếp tục quân sự hóa có thể dẫn đến việc cuộc đối đầu với Nga leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Ông Abrahms nói: “Chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ về cơ bản là buộc [Tổng thống Nga Vladimir] Putin phải ngồi vào bàn đàm phán bằng cách cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ vô hạn. Tôi không nghĩ rằng chiến lược đó sẽ hiệu quả”.

Ông tin rằng Mỹ đang dựa vào "mô hình răn đe" trong cách tiếp cận cuộc xung đột Ukraine.

“Ý tưởng [của mô hình này] là nếu một bên, chẳng hạn như phía Ukraine, đủ mạnh, thì điều này sẽ ngăn cản Nga tiếp tục cuộc chiến”.

Ông Abrahms lo ngại rằng “bằng việc không ngừng đổ vũ khí vào Ukraine, phương Tây sẽ kéo dài cuộc chiến tranh tiêu hao này, [một cuộc chiến] thực sự sẽ khiến người Nga càng có nhiều khả năng chĩa súng trực tiếp vào người dân”.

Ông nói, trong "nghiên cứu nghiêm túc về mặt phương pháp luận", yếu tố then chốt quyết định liệu một chính phủ ít nhiều có khuynh hướng sử dụng vũ lực to lớn chống lại dân chúng, cố gắng tàn sát hàng nghìn người hay không, là chính phủ đó trở nên tuyệt vọng đến mức nào.

Ông nói thêm: “Sự tuyệt vọng được đo bằng thời gian của cuộc chiến, cũng như số lượng quân nhân thiệt mạng trong suốt cuộc chiến”.

"Đã có thường dân đổ máu ở Ukraine, nhưng mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều”, ông kết luận.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ rút thêm 400 triệu USD vũ khí trong kho để cấp cho Ukraine