Tăng cường cơ sở hạ tầng lưỡng dụng ở Nam Cực: Trung Quốc muốn gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với tham vọng gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự trên toàn cầu, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng năng lực lưỡng dụng quân sự - dân sự tại Nam Cực, khai thác tầm quan trọng chiến lược ngày càng gia tăng của khu vực này. Việc này đang tạo ra mối quan ngại nghiêm trọng, đòi hỏi một phản ứng phối hợp từ phía cộng đồng quốc tế.

Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát Nam Cực sẽ đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và trữ lượng cá chưa được khai thác, đồng thời hỗ trợ cho ưu thế hạt nhân và kiểm soát không gian của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Hiệp ước Nam Cực, được ký kết vào năm 1959, cấm việc quân sự hóa khu vực và góp phần duy trì hòa bình trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc đang đe dọa phá vỡ sự ổn định vốn có.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là một điều khoản quan trọng của Hiệp ước liên quan đến tài nguyên sẽ hết hạn vào năm 2048, mở ra cánh cửa cho việc khai thác mỏ và thăm dò năng lượng ở Nam Cực. Việc này có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia trong tương lai, gây nguy hiểm cho môi trường và hòa bình của khu vực.

Tình trạng bất ổn về tính bền vững của Hiệp ước Nam Cực đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia an ninh và nhà ngoại giao quốc tế.

Trong bài viết đăng trên tờ Telegraph của Anh vào ngày 19/3, Thiếu tá Hải quân Hoàng gia Anh (đã nghỉ hưu) Tom Sharpe, người từng chỉ huy tàu phá băng HMS Endurance, đã bày tỏ sự lo ngại về tham vọng của Trung Quốc tại Nam Cực và kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để duy trì Hiệp ước và bảo vệ khu vực này.

Ông Sharpe lập luận rằng Hiệp ước Nam Cực, với sự khôn ngoan và tính thực tiễn, đã tồn tại và phát triển phạm vi ảnh hưởng trong nhiều năm. Việc vi phạm Hiệp ước này là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tại Nam Cực, luôn tiềm ẩn một cảm giác rằng khi giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên khổng lồ tại đây trở nên xứng đáng với rủi ro khai thác, tình hình sẽ có thể thay đổi. Và hiện nay, chúng ta có thể đang chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên cho sự thay đổi đó.

Mặc dù Hiệp ước nghiêm cấm "bất kỳ biện pháp nào mang tính chất quân sự, chẳng hạn như việc thành lập các căn cứ quân sự và công sự, tiến hành các cuộc tập trận quân sự, cũng như thử nghiệm bất kỳ loại vũ khí nào", nhưng nó không cấm sử dụng nhân viên hoặc trang thiết bị quân sự cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Lợi dụng điều khoản này, Trung Quốc đã triển khai một chương trình mở rộng quy mô lớn mang tính chất "lưỡng dụng" tại Nam Cực.

Đi đầu trong nỗ lực này là việc xây dựng ba cơ sở thường trực nằm ven biển, được trang bị cảng biển và được đặt ở những vị trí mang tính chiến lược:

  • Trạm Trường Thành: Nằm giữa Eo biển Drake chiến lược, đối diện với Chile và Argentina.
  • Trạm Trung Sơn: Hướng ra Ấn Độ Dương.
  • Trạm Côn Lĩnh: Hướng ra phía Úc và New Zealand.

Những căn cứ này có khả năng chứa các thiết bị giám sát tín hiệu xa và tình báo điện tử. Cụ thể:

  • Trạm Trường Thành có thể hỗ trợ trong việc ngăn chặn lực lượng Hải quân Hoa Kỳ di chuyển giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
  • Trạm Côn Lĩnh có thể giúp ngăn chặn sự tiếp cận của Úc và New Zealand tới lục địa Nam Cực.

Hơn nữa, ba căn cứ này tạo thành một "tam giác" bao trùm lãnh thổ Nam Cực, đóng vai trò trọng yếu trong việc thực hiện giám sát chuyên sâu và định vị chính xác một số lượng lớn vệ tinh giám sát quỹ đạo cực của Hoa Kỳ và các đồng minh. Những vệ tinh này thực hiện nhiều lần bay qua Trái Đất gần các Cực Nam và Bắc mỗi ngày.

Ngày 1/3, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đưa tin về việc trang bị kính viễn vọng cận hồng ngoại mới cho Trạm Kunlun của Trung Quốc. Trạm Kunlun hoạt động theo mùa và nằm gần Cực Nam hơn. Mục đích của việc trang bị này là để tiến hành "các quan sát thiên văn và thí nghiệm giám sát toàn thời gian về môi trường không gian gần Trái đất", bao gồm cả việc giám sát lưu lượng vệ tinh toàn cầu.

Tháng 2/2021, Tân Hoa Xã thông tin về việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lắp đặt "hệ thống lidar doppler huỳnh quang" tại Trạm Trung Sơn để nghiên cứu khí quyển.

Hệ thống lidar doppler huỳnh quang (lidar) là một loại radar laser có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, bao gồm che giấu các tia laser công suất lớn, mạnh hơn để "làm chói mắt" hoặc tấn công các vệ tinh phương Tây. Do tầng ozone của khí quyển mỏng hơn nhiều ở hai cực, tia laser công suất thấp hơn có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn khi được sử dụng tại đây.

Đầu tháng 2/2023, tờ China Space News tiết lộ rằng Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) sẽ xây dựng cơ sở theo dõi và kiểm soát không gian (STC) tại Căn cứ Trung Sơn của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng tất cả các cơ sở STC của Trung Quốc, giống như chương trình không gian lớn hơn của Trung Quốc, đều do PLA kiểm soát.

Trong khi Hoa Kỳ, Đức và Na Uy vận hành các STC tại Nam Cực, Trung Quốc đang phát triển hệ thống tên lửa hạt nhân tấn công quỹ đạo phân đoạn (FOBS) được thiết kế để bay qua Nam Cực nhằm tấn công các mục tiêu của Hoa Kỳ vốn không được phòng thủ từ các quỹ đạo phía Nam.

Việc xây dựng cơ sở STC tại Trạm Trung Sơn trong tương lai của Trung Quốc sẽ hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực thống trị quỹ đạo Trái đất và Mặt Trăng của ĐCSTQ, nhưng đồng thời cũng có thể được sử dụng để điều hướng các cuộc tấn công hạt nhân FOBS của PLA nhằm vào Hoa Kỳ.

Khả năng duy trì các hoạt động quanh năm tại Nam Cực của Trung Quốc cũng sẽ được hỗ trợ bởi việc xây dựng hai tàu phá băng lớn mới, nâng tổng số lên bốn chiếc. Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Anh chỉ có ba tàu phá băng lớn để bảo vệ lợi ích ở Bắc Cực và Nam Cực.

Vào tháng 3/2019, tờ Bưu điện Hoa Nam (South China Morning Post) đưa tin Trung Quốc đang chuẩn bị đóng một tàu phá băng khổng lồ chạy bằng năng lượng hạt nhân, trọng tải 33.000 tấn, nhưng thông tin về dự án này vẫn còn hạn chế.

Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động mang tính lưỡng dụng tại Nam Cực, gây ra những lo ngại về ý đồ tiềm ẩn của họ trong khu vực này. Một ví dụ điển hình là việc triển khai Snow Leopard (Báo Tuyết) thế hệ thứ hai - loại xe bánh xích đa khớp nối thân kép có khả năng vận chuyển quân đội trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Đáng lo ngại hơn là việc Trung Quốc đồng thời triển khai xe robot trinh sát không người lái đi kèm với "Báo Tuyết" mới, loại phương tiện có khả năng được ứng dụng cho mục đích quân sự.

Trước những diễn biến này, Hoa Kỳ cần có phản ứng ba cấp độ để bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì hòa bình, ổn định tại Nam Cực:

Cấp độ 1: Chuyển giao thẩm quyền hành chính

Cân nhắc chuyển giao thẩm quyền hành chính đối với các hoạt động chính thức của Hoa Kỳ tại Nam Cực từ Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) sang Bộ Quốc phòng (Lầu Năm Góc). Kể từ năm 1955, Lầu Năm Góc đã hỗ trợ hậu cần cho sự hiện diện của Hoa Kỳ thông qua Chiến dịch Deep Freeze.

Mặc dù điều chỉnh định hướng có thể thay đổi cách nhìn nhận về sự hiện diện "dân sự" của Hoa Kỳ tại Nam Cực, nhưng nó sẽ không vi phạm Hiệp ước Nam Cực. Điều chỉnh này mang ý nghĩa quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả ứng phó của Hoa Kỳ trước các hành vi vi phạm tiềm ẩn mang tính quân sự của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy phối hợp chặt chẽ hơn trong hoạt động phòng thủ với các đồng minh và đối tác như Úc và New Zealand.

Cấp độ 2: Tăng cường khả năng can thiệp quân sự

Hoa Kỳ cần ưu tiên đảm bảo nguồn tài trợ cho kế hoạch đóng ba tàu phá băng hạng nặng 23.000 tấn thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (Polar Security Cutter) theo kế hoạch, tiếp theo là ba tàu phá băng hạng nhẹ hơn thuộc Lực lượng Bảo vệ Bắc Cực (Arctic Security Cutter). Việc tăng cường năng lực phá băng sẽ giúp Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện và khả năng hoạt động hiệu quả tại Nam Cực trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Trong vài năm qua, Quân đội Hoa Kỳ đã và đang tái thiết năng lực nhằm đối phó với sự gia tăng hoạt động của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực. Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực tương tự để ứng phó với các mối đe dọa tại Nam Cực cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với cả Quân đội và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ.

Tương tự, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ nên thành lập thêm một đơn vị vận tải sử dụng máy bay Lockheed LC-130 được trang bị ván trượt. Đơn vị này sẽ có trụ sở tại Bờ Tây hoặc Thái Bình Dương, bổ sung cho Đội Không vận số 109 hiện đang hoạt động tại Scotia, New York với khoảng 10 chiếc LC-130.

Cấp độ 3: Hợp tác với Úc và New Zealand

Hợp tác với Úc và New Zealand là một nỗ lực quan trọng nhằm nâng cao năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng đến Nam Cực. Việc Úc mua 20 máy bay vận tải quân sự C-130J mới vào năm 2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực này. Đội bay vận tải mới, cùng với 7 máy bay tiếp nhiên liệu cỡ lớn Airbus KC-30 của Úc, sẽ đóng góp đáng kể vào khả năng chung của ba nước trong khu vực.

Tuy nhiên, New Zealand cần thay thế lực lượng tiêm kích chiến đấu A-4K đã ngừng hoạt động từ năm 2001. Việc thiếu hụt năng lực phòng thủ trên không và máy bay tiếp nhiên liệu trên không của New Zealand là một hạn chế cần được giải quyết. Việc thay thế 5 máy bay vận tải C-130H cũ bằng 5 chiếc C-130J mới là một bước đi tích cực trong hướng này.

Kể từ khi "rút lui" khỏi Hiệp ước An ninh Tam giác ANZUS vào năm 1984, sự đồng thuận về quốc phòng của New Zealand đã suy yếu. Điều này ảnh hưởng đến khả năng hợp tác quốc tế trong khu vực và tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Nam Cực và các quốc đảo lân cận ở Thái Bình Dương.

Tham vọng bành trướng tiềm ẩn của ĐCSTQ ở Nam Cực, eo biển Đài Loan và Biển Đông, cùng với việc hỗ trợ cho các hành vi gây hấn của Nga, Iran và Triều Tiên, đòi hỏi Hoa Kỳ phải thể hiện vai trò lãnh đạo cần thiết. Hoa Kỳ cần huy động nguồn lực để chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm ẩn trong tương lai.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Rick Fisher là chuyên gia cấp cao về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế (Mỹ).



BÀI CHỌN LỌC

Tăng cường cơ sở hạ tầng lưỡng dụng ở Nam Cực: Trung Quốc muốn gì?