2 danh y cùng chữa 1 bệnh nhân: Thì ra sống chết là do mệnh chứ không phải do thầy do thuốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời cổ đại có rất nhiều danh y, có một số người còn được mệnh danh là Thần y như Hoa Đà, Biển Thước, Lý Thời Trân... tuy nhiên, dù là Thần y có tài cải tử hoàn sinh, thì họ cũng đều nói rằng, họ chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh. Câu chuyện dưới đây cho thấy rõ điều này.

2 danh y cùng chữa 1 bệnh nhân

Từ Bỉnh Nam và Hà Thư Điền ở thành Tô Châu đều là người tinh thông y thuật, đều nổi danh. Đương thời Tô Châu có một thương nhân họ Lưu rất giàu có, nhưng chỉ có 1 người con trai. Mùa xuân năm đó, con trai nhà họ Lưu mắc bệnh thương hàn, tình trạng rất nguy kịch, các thầy thuốc đều bó tay hết cách. Thế là phú thương họ Lưu đưa ra số tiền lớn, mời 2 vị danh y này đến chữa bệnh cho con trai mình.

Thầy thuốc Từ đến trước, khám bệnh rất lâu, cho rằng đây là bị cảm và thương hàn, chứng bệnh cả bên trong và bên ngoài cùng phát tác, không thể chữa được. Đúng lúc đó, khi thầy Từ vẫn chưa nói hết thì người gác cổng vào báo tin rằng, thầy thuốc Hà đến. Thầy Từ bèn lui vào phòng trong.

Thầy thuốc Hà bước vào, sau khi khám bệnh cho bệnh nhân, ông nói: “Bệnh tuy nghiêm trọng, nhưng là thầy thuốc thì phải tìm con đường sống. Mạch ở 2 tay tuy dường như là ngừng đập, nhưng tuyến vị mạch dương minh vẫn còn, còn 1 tuyến mạch tức là vẫn còn một tuyến sống…”

Thầy thuốc Hà suy nghĩ mãi, thấy chỉ có thể sử dụng nhẹ một phương pháp, dùng thuốc nhiệt nhẹ, có thể sẽ tăng cường khí phổi của bệnh nhân, hy vọng có thể đổ chút mồ hôi, thần trí tỉnh táo chút, thì có thể còn có cách khác. Thế là ông miễn cưỡng viết một đơn thuốc, nói với ông chủ Lưu rằng: “Sau khi uống thuốc, nếu vào lúc giao thời giữa giờ Dần và giờ Mão có chút mồ hôi, thì có hy vọng sống, nếu không thì không còn cách nào nữa”.

Lúc này, thầy thuốc Từ ngồi một mình trong căn phòng nhỏ phía trong, ông sai người hầu đi nghe ngóng, muốn lấy đơn thuốc để xem. Xem xong ông cười lớn và nói: “Đơn thuốc này có thể chữa khỏi bệnh sao? Nếu thực sự như vậy thì ta sẽ dỡ bỏ biển hiệu, cả đời cũng không nói đến y đạo nữa”.

Lời của thầy thuốc Từ bị người hầu của thầy thuốc Hà nghe được, và nói với thầy Hà. Thầy thuốc Hà nói với ông chủ Lưu rằng: “Nghe nói thầy Từ cũng ở đây, rất tốt. Tối nay tuy không được gặp, ngày mai kê đơn thuốc, nhất định phải cùng nhau kê đơn, nhất định phải giúp tôi giữ chân ông ấy lại”.

Chiếc thuyền nhỏ của thầy thuốc Hà neo đậu ở bờ sông, nên ông xuống thuyền nghỉ ngơi. Thầy thuốc Từ cáo từ ông chủ Lưu ra về thì ông chủ Lưu ra sức giữ lại.

Con trai ông chủ Lưu sau khi uống thuốc, đến canh tư, quả nhiên đổ mồ hôi, thân thể và sắc mặt cũng yên định một chút. Trời còn chưa sáng, thầy thuốc Hà đến khám bệnh lại, nét mặt vui mừng nói: “Xích mạch đã đập, có thể chữa khỏi được rồi. Nhất nhất định phải giữ thầy Từ ở lại, thì tôi mới có thể chữa khỏi bệnh này cho công tử. Nếu thầy Từ rời đi, thì tôi cũng rời đi”.

Ông chủ Lưu nhất nhất đáp ứng yêu cầu.

Thầy thuốc Từ nghe tin bệnh nhân đã có chuyển biến tốt, thì cảm thấy xấu hổ muốn chui xuống đất, vội vã cáo từ ra về. Ông chủ Lưu nói: “Thầy Hà đã nói trước rằng, nếu tiên sinh ra về thì ông ấy cũng nhất định ra về. Tính mệnh con trai tôi ở trong tay tiên sinh, mong tiên sinh thương xót. Cho dù mỗi ngày trả mấy nghìn lạng bạc, thì tôi cũng không tiếc”.

Thầy thuốc Từ nghe vậy thì lặng lẽ không nói gì, biết mình trước đó đã lỡ lời.

Thầy thuốc Hà một ngày lên bờ mấy lần xem bệnh. Sau vài ngày, bệnh nhân đã ngồi dậy được và ăn được cháo rồi. Thế là thầy Hà nói với ông chủ Lưu rằng: “Hiện giờ bệnh đã khỏi rồi, tôi phải trở về. Thầy Từ cũng đã phải chịu ở lại nhiều ngày rồi, ắt cũng muốn trở về rồi. Nhưng thầy Từ trước đó đã nói việc dỡ biển hiệu, hoặc là tôi sẽ thuận đường đi lấy, hoặc là ông ấy tự đem đến, mong ngài thay tôi hỏi xem thế nào”.

Thế là thầy Từ cầu xin ông chủ Lưu giúp đỡ điều đình. Ông chủ Lưu mở tiệc thết đãi, thậm chí quỳ xuống xin giúp, mới được thầy thuốc Hà bỏ qua.

Sau khi thầy thuốc Hà trở về, đúng lúc người cháu của ông cũng bị thương hàn, bệnh tình nguy kịch, cả nhà lo lắng cuống quýt. Thầy thuốc Hà xem xét, thấy bệnh của cháu trai giống với bệnh của công tử nhà họ Lưu, liền nói: “Dễ thôi”.

Thế là ông dùng cùng phương pháp đã chữa cho công tử nhà họ Lưu, cho cháu uống thuốc, nhưng không có hiệu quả. Lại cho uống liều thuốc thứ 2, cháu trai tắt thở.

Thầy thuốc Hà hoảng hốt thất vọng nói: “Hôm nay mới biết sống chết do mệnh, không phải do công hiệu của thuốc, cũng không phải do y thuật của thầy thuốc”.

Thế là thầy Hà liền viết thư cho thầy Từ, thuật lại việc này, và tạ tội với thầy Từ. Từ đó, thầy Hà đóng cửa không tiếp khách, rất nhiều năm cũng không nói đến y thuật nữa.

Chuyện một thầy thuốc chữa bệnh cho quan lớn

Thời triều Minh, có một người tên là Diêu Mông nổi tiếng về y thuật. Ông sống ở ngõ Bách Khúc của huyện thành, đặc biệt giỏi về mạch Thái tố, có thể bắt mạch để đoán sinh tử họa phúc của người ta, lần nào cũng linh nghiệm lạ kỳ.

Nhưng ông tính tình cổ quái, với người ông thích thì ông có thể nói chuyện thao thao không mệt mỏi, thậm chí quên ăn quên ngủ. Còn với người không thích, thì ông ngẩng cao đầu nhìn người ta với vẻ coi thường, dẫu chào hỏi gọi tên ông thì ông cũng không trả lời, có thể cả ngày cũng không nói một câu.

Đối với người nghèo, ông kê đơn thuốc và không thu tiền thù lao. (Tranh Epoch Times)

Đường thời, danh tiếng ông vang danh khắp nơi, người đến xin chữa bệnh nườm nượp. Đối với người nghèo, ông kê đơn thuốc và không thu tiền thù lao. Đối với người bị bệnh nguy kịch, mỗi ngày ông khám 2, 3 lần, không nề hà chút nào. Còn những người giàu có đến khám chữa bệnh, nếu về phép tắc lễ nghi hơi có chút không vừa ý, ông liền không thèm để ý đến.

Có người hỏi ông nguyên cớ gì lại đối đãi như thế, ông nói: “Người giàu trong nhà có bạc, trong kho có thóc, chết rồi cũng có sao đâu. Nhưng người nghèo sống nhờ vào sức lực bản thân, vợ con đều dựa vào anh ta nuôi sống, sao có thể để anh ta chết được?”

Khi đó, viên quan Đô ngự sử Trâu Lai Học đi tuần Giang Nam, vời Diêu Mông đến chữa bệnh. Diêu Mông muốn từ chối, nhưng viên huyện lệnh ép ông phải đi. Khi đến quan phủ, thấy Trâu Lai Học ngồi chễm chệ trên cao, không dùng lễ tiếp đãi, Diêu Mông lập tức hai mắt nhìn thẳng, không nói một lời. Đô ngự sử Trâu nói: “Ngươi cũng có bệnh à?”

Diêu Mông đáp: “Tôi có bệnh phong”.

Trâu hỏi: “Sao không tự chữa cho mình?”

Diêu Mông nói: “Đây là bệnh phong từ khi sinh ra, không thể chữa được”.

Đô ngự sử Trâu giơ tay để Diêu Mông bắt mạch, nhưng ông không bước tới. Đô ngự sử bừng tỉnh ngộ, liền mời ông ngồi xuống. Sau khi xem mạch xong, Diêu Mông nói: “Trên sinh thực khí của đại nhân có 1 cái lỗ, thường chảy nước bẩn ra, đúng không?”

Trâu Lai Học kinh ngạc nói: “Đây là bệnh kín của ta, việc này được giữ kín nghiêm ngặt, sao ông lại biết được?”

Diêu Mông nói: “Từ mạch có thể thấy được. Mạch quan trên tay trái đại nhân chậm, lá gan thứ 4 bị rò. Bị rò thì ắt sẽ bài tiết xuống dưới, do đó biết được”.

Trâu Lai Học biết Diêu Mông có y thuật cao siêu, lập tức thay đổi nét mặt, tạ lỗi với ông, và xin ông kê đơn thuốc. Diêu Mông nói: “Không cần thuốc, khi đến Nam Kinh là hết”.

Diêu Mông bấm tay tính toán và nói: “Hôm nay là mồng 7, đến ngày 12 là đến Nam Kinh”.

Sau đó, Diêu Lai Học lên đường, đến sáng sớm ngày 12, khi đến Nam Kinh, thì chết.

Nguồn tư liệu: “Mặc dư lục”, “Đối sơn y thoại”

Thái Nguyên - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

2 danh y cùng chữa 1 bệnh nhân: Thì ra sống chết là do mệnh chứ không phải do thầy do thuốc